6. Bố cục của luận văn
1.1.4. Tiêu chí đánh giá phát triển khu kinh tế cửa khẩu biên giới
Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển KKTCK phản ánh kết quả về mặt số lượng và chất lượng hoạt động của KKTCK. Chính vì thế, việc xác định tiêu chí đánh giá phát triển KKTCK cần phải dựa vào những căn cứ sau:
Một là, căn cứ vào nội dung của phát triển KKTCK. Theo đó, các tiêu chí đánh giá sự phát triển KKTCK phải phản ánh được nội hàm của khái niệm này.
Hai là, căn cứ vào trình độ phát triển của KKTCK, bởi lẽ sự phát triển các KKTCK là một quá trình từ thấp đến cao. Do đó, số lượng các tiêu chí đánh giá cũng có sự phát triển từ ít đến nhiều.
Xuất phát từ đó, các tiêu chí đánh giá sự phát triển KKTCK chủ yếu là:
-Các tiêu chí phản ánh không gian lãnh thổ về kinh tế: Các tiêu chí này phản ánh quy mô diện tích của KKTCK, các ngành nghề chủ yếu hoạt động trong KKTCK.
-Các tiêu chí phản ánh sự phát triển xã hội tại KKTCK: Các tiêu chí này phản ánh quy mô dân số, quy mô lao động, tỷ lệ dân số đô thị; thu nhập, đời sống của dân cư tại KKTCK.
- Các tiêu chí về phát triển kinh tế trong KKTCK, bao gồm:
+ Mức độ tăng trưởng thương mại và dịch vụ (phản ánh sự gia tăng về số lượng): Thể hiện khối lượng và giá trị hàng hoá được trao đổi tại KKTCK; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu tại KKTCK; quy mô, tốc độ đầu tư tại KKTCK; số lượng người và phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu tại KKTCK; các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển thương mại và du lịch tại KKTCK; số lượng du khách tại KKTCK….
+ Hiệu suất, hiệu quả kinh tế đem lại (phản ánh chất lượng các hoạt động tại KKTCK): Thể hiện sự đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thông qua mức sinh lời của vốn đầu tư (tỷ suất lợi nhuận); cán cân thương mại thể hiện tỷ trọng giữa xuất khẩu và nhập khẩu qua các cửa khẩu tại KKTCK; cơ cấu kinh tế thể hiện tỷ trọng các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế trong KKTCK…