truyền thống theo hướng kinh tế tri thức
- Về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật trong cơ cấu ngành kinh tế, cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GDP, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Đó là tỷ trọng trong GDP của ngành nông nghiệp đã giảm nhanh từ 38,1% năm 1990 xuống 27,2% năm 1995; 24,5% năm 2000; 20,9% năm 2005, và đến năm 2008 ước còn 20,6%. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đã tăng nhanh, năm 1990 là 22,7%; năm 1995 tăng lên 28,8%; năm 2000: 36,7%; năm 2005: 41% và đến năm 2008 ước tính sẽ tăng đến 41,6%. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP chưa biến động nhiều, năm 1990 là 38,6%; năm 1995: 44,0%; năm 2000: 38,7%; năm 2005: 38,1%; năm 2008 sẽ là khoảng 38,7%. Sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam trong suốt những năm tăng trưởng khá tích cực. Từ 1985 tới 2009 tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 39.9% xuống 17.3% (-22.6%), tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 27.5% lên 41,8% (+ 14.3%), dịch vụ tăng từ 32.6% lên 40.9% (+8.3%). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, trong khi số lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm đi.
Tuy nhiên so với Trung Quốc có thể nói quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta vấn còn nhiều hạn chế với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức như: tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành còn chậm và chất lượng chưa cao. Ngành công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng yếu tố hiện đại trong toàn ngành chưa được quan tâm đúng mức, trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung, vẫn ở mức trung bình. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành công nghệ cao chưa phát triển. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP giảm liên tục trong những năm gần đây. Những ngành
dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính - tín dụng, dịch vụ tư vấn chậm phát triển. Tình trạng độc quyền, dẫn tới giá cả dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ thấp còn tồn tại ở nhiều ngành như điện lực, viễn thông, đường sắt. Một số ngành có tính chất động lực như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tính chất xã hội hoá còn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước. Để thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức Việt Nam cần hướng vào một số nội dung sau:
+ Tăng mạnh hơn nữa tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức ở nước ta trước hết chính là quá trình phát triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, thông qua đó giảm bớt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tích luỹ cho dân cư. Đây lại chính là điều kiện để tái đầu tư, áp dụng các phương pháp sản xuất, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp. Kết quả là, tất cả các ngành kinh tế đều phát triển, nhưng ngành công nghiệp và dịch vụ cần phát triển nhanh hơn, biểu hiện là tăng tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp và dịch vụ trong GDP.
+ Hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức là quá trình chuyển biến căn bản về phân công lao động xã hội theo lãnh thổ. Xoá bỏ tình trạng chia cắt về thị trường giữa các vùng; xoá bỏ tình trạng tự cung tự cấp, đặc biệt là tự cung, tự cấp về lương thực của từng vùng, từng địa phương. Mỗi địa phương cần đặt mình trong một thị trường thống nhất, không chỉ là thị trường cả nước mà còn là thị trường quốc tế, trên cơ sở đó xác định những khả năng, thế mạnh của mình để tập trung phát triển, tham gia vào quá trình phân công và hợp tác lao động có hiệu quả.
+ Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức là quá trình gắn liền với quá trình hình thành các trung tâm kinh tế thương mại, gắn liền với quá trình đô thị hoá. Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị, trung tâm kinh tế, thương mại có ảnh hưởng trực tiếp trở lại tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.
+ Giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội. Cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức là quá trình phân công lao động xã hội, là quá trình chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây là giải pháp vừa cấp bách, vừa triệt để để giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay, đồng thời là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức.
+ Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức phải theo định hướng dẫn đến phát triển bền vững không chỉ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải vì mục tiêu phát triển kinh tế mà bao trùm lên cả là vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có một cấu thành bộ phận rất quan trọng và không thể thiếu là bảo vệ môi trường. Từ đó cho thấy, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý cho đến các doanh nghiệp, các địa phương, cơ sở… cần phải hết sức chú ý thực hiện tốt vấn đề này, tránh tình trạng vì lợi nhuận kinh tế trước mắt dẫn đến phá huỷ nghiêm trọng môi trường sinh thái tự nhiên như vừa qua và hiện nay công luận vẫn đang tiếp tục lên án về không ít các trường hợp doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường.
- Về phát triển các ngành nghề truyền thống theo hướng kinh tế tri thức
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc và thực tiễn phát triển các ngành nghề truyền thống của các nước trên thế giới, Đảng ta đã chỉ rõ “Trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố
theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức” [8, tr.178]. Vì thế để phát triển các ngành nghề truyền thống theo hướng kinh tế tri thức, Việt Nam cần tập trung vào:
Thứ nhất, cần coi trọng phát triển nhóm ngành thủ công mỹ nghệ. Giá trị
sản phẩm của nhóm ngành này nằm trong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhóm ngành này trong quá trình phát triển kinh tế tri thức đang có xu hướng mai một. Trong sản xuất cần kết hợp đặc điểm cổ truyền với tính sáng tạo để tránh sự đơn điệu của sản phẩm, kết hợp với sử dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hàm lượng tri thức trong sản phẩm của nhóm ngành này trên cơ sở vẫn bảo tồn được nét đẹp văn hóa dân tộc.
Thứ hai, phát triển đồng bộ các loại dịch vụ, ứng dụng công nghệ mới,
đặc biệt là công nghệ thông tin, để nâng cao tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành truyền thống. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành truyền thống như: chế biến nông - lâm - thủy sản, mây tre, nón lá, thủ công mỹ nghệ… Cần tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vạch, mã vùng, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Đặc biệt khuyến khích các cơ sở sản xuất các ngành truyền thống, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống; thành lập các doanh nghiệp đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình và các làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm; Tạo điều kiệt để các cơ sở sản xuất có cơ hội nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành nghề
truyền thống. Đáp ứng theo yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao thì các ngành nghề truyền thống cần phải tập trung thu hút các công nhân tri thức có trình độ chuyên môn cao, tay nghề tinh xảo. Thực hiện tốt điều này mới có thể nâng cao khả năng hấp thụ các công nghệ mới nhằm vận dụng một cách phù hợp những công nghệ tiên tiến vào các ngành nghề truyền thống đạt hiệu quả cao. Thực hiện mục tiêu này cần xây dựng các trung tâm, các cơ sở đào tạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành nghề này.