NHẰM PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM
Chương 1 và chương 2, luận văn đã tập trung nghiên cứu từ cơ sở lý luận đến thực tiễn phát triển nền kinh tế tri thức qua đó nghiên cứu mục tiêu, quan điểm, thực trạng xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc từ năm 1985 đến nay, trên các khía cạnh như những kết quả đạt được, những tồn tại, nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm.
Trong chương này, luận văn tập trung làm rõ tính tương đồng và khác biệt của Việt Nam và Trung Quốc trong xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. Đánh giá điểm xuất phát của nền kinh tế tri thức ở Việt Nam; đánh giá thực trạng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam; từ kinh nghiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc, so sánh và vận dụng vào Việt Nam, từ đó đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam như: cải cách giáo dục nhằm thích ứng với nền kinh tế tri thức và theo hướng tạo dựng xã hội học tập và nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách chế độ tuyển dụng và đãi ngộ để phát huy tính sáng tạo và đóng góp của mọi thành phần và cá nhân vào phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và phát triển các ngành nghề truyền thống theo hướng kinh tế tri thức; tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc phát triển nền kinh tế tri thức; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu.