Nhà nước Trung Quốc đã tập trung quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, chính vì vậy mà giáo dục Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về số lượng và chất lượng, cũng như quy mô đào tạo. Hệ thống giáo dục Trung Quốc đã và đang được cải cách mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa ngày càng thích ứng với nền kinh tế tri thức, Nhà nước Trung Quốc cũng tập trung phát triển mạnh các loại hình giáo dục hướng nghiệp, tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, đào tạo chuyên gia ở một số ngành khoa học công nghệ mũi nhọn để đưa khoa học kỹ thuật nhanh chóng tiếp cận với trình độ thế giới. Đồng thời Trung Quốc cũng xây dựng một số hệ thống giáo dục có thể đảm bảo về cơ bản quyền được giáo dục của công dân để họ có thể thích ứng với nền kinh tế tri thức.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng một bản “Đề cương Quy hoạch Cải cách và phát triển giáo dục trung và dài hạn quốc gia năm 2010 - 2020” để trưng cầu ý kiến với mục tiêu cải cách giáo dục, đồng thời cũng đưa ra quy hoạch về mục tiêu chiến lược xây dựng Trung Quốc thành một nước mạnh về nguồn lực vào năm 2020 nhằm đáp ứng với nền kinh tế tri thức.
Tuy vậy, cho đến nay nền giáo dục của Trung Quốc vẫn còn bộc lộ những khó khăn không dễ giải quyết của một nền giáo dục mang nặng dấu ấn của thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa đang dần chuyển sang kinh tế thị trường như: cải cách giáo dục được tiến hành ở các cấp, song chỉ đặc biệt chú trọng đến giáo dục đại học theo hướng điều chỉnh cơ cấu các trường đại học, cao đẳng; mở rộng quy mô tuyển sinh đại học nhưng không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra; chưa đảm bảo công bằng trong giáo dục vì trước đây Trung Quốc đã áp dụng hệ thống giáo dục tinh hoa do nền kinh tế khó khăn, Nhà nước chỉ tập trung ngân sách cho một số trường được gọi là các “trường điểm”.