Như đã nói ở trên, nền kinh tế tri thức chỉ mới ra đời từ nửa sau của thế kỷ XX, dựa trên những thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Những nước có nền kinh tế phát triển là nơi xuất hiện nền kinh tế tri thức đầu tiên.
1.2.2.1. Nền kinh tế tri thức ở Mỹ
Mỹ là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế, tích lũy cho ngân sách rất lớn. Đặc biệt, nước Mỹ có đội ngũ tri thức rất đông đảo và có chất lượng cao, được phát triển từ nền giáo dục tiên tiến và một số lớn nguồn chất xám được thu hút từ nước ngoài. Công nghệ thông tin ở Mỹ cũng rất phát tiển với cơ sở hạ tầng hết sức hiện đại. Do vậy, Mỹ là nước bước vào nền kinh tế tri thức đầu tiên.
Tháng 2 năm 1997, trong thông điệp về tình hình đất nước, Tổng thống Bill Clinton đã chính thức sử dụng tên gọi kinh tế tri thức theo định nghĩa của OECD. Bởi vì ở Mỹ, hơn 50% tổng GDP đến từ các ngành sản xuất có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.
Những năm gần đây, sự phát triển tri thức ở Mỹ đã bước đầu thể hiện bộ mặt của nền kinh tế tri thức:
- Ngân sách cho giáo dục để phát triển nhân tài kiểu tri thức đã chiếm 7% GDP. - Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R & D) chiếm 2,8%.
- Thương mại hóa các thành quả kỹ thuật cao để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó ngành sản xuất phần mềm được lấy làm đại diện chính cho các ngành tăng trưởng.
- Trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ và thông tin, hàng loạt các dịch vụ mới xuất hiện như: dịch vụ tài chính, bảo hiểm, thông tin, thương mại điện tử. Hiện nay thương mại điện tử chiếm tỷ lệ tiêu thụ từ 20 - 60%.
- Kết cấu việc làm biến đổi, không ngừng khai thác và phát triển những lĩnh vực việc làm mới dưới sự tác động của nền kinh tế tri thức. Mỹ đã loại bỏ
8000 việc làm cũ, tạo ra 6000 việc làm mới. Năm 1996; trong 2,6 triệu việc làm tạo ra; có 2,4 triệu cơ hội trong ngành dịch vụ chiếm 92%.
Nhờ những biến đổi trên, trong gần 10 năm qua, nền kinh tế Mỹ liên tục có tốc độ tăng trưởng 3%; lạm phát dưới 2%; thất nghiệp 4,5%; lương thực tế ngày càng tăng và lợi nhuận của các công ty Mỹ đã tăng 70% so với năm 1990 [13, tr.53-54].
1.2.2.2. Kinh tế tri thức ở Nhật Bản
Nhật Bản đã nhận thức sâu sắc vai trò của mạng máy tính và phần mềm đối với nền kinh tế tương lai. Từ năm 1994, Nhật đã thành lập 2000 công ty phần mềm và Internet. Tuy nhiên, do suy thoái về kinh tế nên bộ mặt nền kinh tế tri thức ở Nhật chưa rõ nét. Do đứng trước sức ép của sự tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản đã chú ý đến vai trò của kinh tế tri thức.
- Khuyến khích các công ty đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin. - Đầu tư vào công nghệ thông tin chỉ mới đạt 2% GDP, nhưng đã bắt đầu được chú trọng tăng lên.
- Xóa thuế đánh vào các sản phẩm máy tính và phần mềm.
- Cải cách giáo dục để giảm bớt thói quen học thuộc lòng và tăng cường sự sáng tạo của học sinh, tăng cường sử dụng máy tính trong nhà trường.
- Cải tạo và nâng cấp lại các phòng thí nghiệm ở các trường Đại học để tăng cường nghiên cứu cơ bản.
- Đề ra các chính sách để mua các phát minh trong lĩnh vực tri thức từ nước ngoài, thu hút nguồn lao động có chất xám cao từ các nước, để góp phần thúc đẩy kinh tế tri thức trong nước phát triển [33, tr.9].
1.2.2.3. Kinh tế tri thức ở Ấn Độ
Đã có nhiều quan điểm cho rằng chỉ những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU,… những nước đó mới có khả năng tiến hành đổi mới, tạo ra tri thức và mới có thể phát triển nền kinh tế tri thức. Hiện nay, khoảng 50% GDP của các
quốc gia thuộc OECD là do những ngành công nghiệp dựa trên tri thức đóng góp. Tuy nhiên, mới đây theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) thì không chỉ những nước phát triển mà cả những nước đang phát triển cũng có thể tham gia vào xu thế hướng đến nền kinh tế tri thức này. Ấn Độ là một nước như vậy, được biết đến là một quốc gia thành công điển hình trong việc hướng tới nền kinh tế tri thức.
Nhận thức được sự cần thiết phải đi lên nền kinh tế tri thức để tránh bị tụt hậu xa trong thế kỷ XXI - thế kỷ của thông tin và tri thức. Vì vậy, Chính phủ nước này đã nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường về công nghệ thông tin của thế giới trong thế kỷ XXI. Chính phủ Ấn Độ coi đã chọn con đường tiến đến nền kinh tế tri thức bằng việc phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, đây là một lĩnh vực được coi là có ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong thế kỷ XXI. Bengan trước đây được biết đến là khu vực rất lạc hậu và kém phát triển, nhờ Chính phủ tập trung đầu tư phát triển, Bengan trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới. Với hơn 250 công ty trong và ngoài nước, Ấn Độ dự kiến thu hoạch từ xuất khẩu phần mềm đạt 5 tỷ USD năm 2000 và đến 2008 đạt 50 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ còn có 5 trong số 10 trường về khoa học và công nghệ tốt nhất tại châu Á là Bombay, Delhi, Madras, Kumpur và Kharagpur [23, tr.47]. Để thực hiện nhanh mục tiêu hướng đến nền kinh tế tri thức, Ấn Độ đã đưa ra nhiều kế hoạch như:
- Cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
- Phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tri thức, đặc biệt là công nghệ phần mềm.
- Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tri thức và khả năng nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ.
- Thực hiện chính sách đầu tư vào nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn. Nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của nước này, Chính phủ Ấn Độ đã vận dụng chính sách mở rộng đầu tư nông nghiệp, có thể
nhập và mở rộng kỹ thuật mới, tăng cường vốn cho các hoạt động R&D, nhất là trong công nghệ sinh học, làm cho nông nghiệp phát triển tương xứng với vị thế của nó. Từ đó, thực hiện hiện đại hóa khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua chiến lược phát triển hệ thống Internet.
Nhìn chung, những chiến lược và chính sách mà Ấn Độ đưa ra nhằm phát triển kinh tế mang tính gắn kết và đồng bộ, bổ trợ cho nhau hướng Ấn Độ phát triển theo xu thế của thời đại - xu thế dựa vào tri thức.
Nhận xét chung:
Nghiên cứu thực tiễn về chiến lược phát triển kinh tế tri thức ở một số nước phát triển và đang phát triển, chúng có thể thấy, đối với những nước có nền kinh tế tri thức phát triển sớm với một nền kinh tế thị trường phát triển cao, khoa học và công nghệ phát triển, thì thực chất của việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức là quá trình thiết lập một môi trường để các chủ thể tham gia tích cực vào quá trình sáng tạo tri thức, phổ biến và sử dụng tri thức vào phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò của nhà nước vào quản lý nền kinh tế.
Mặt khác, kinh nghiệm ở những quốc gia này, tỷ trọng đầu tư cho hoạt động R&D là rất cao trong GDP, Chính phủ thường tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản để tạo ra công nghệ nền và từ đó sáng tạo tri thức. Đối với những nước đang phát triển, cũng tăng cường vai trò của nhà nước vào quản lý nền kinh tế, đưa ra các chính sách tạo lập một môi trường thuận lợi cho sử dụng tri thức vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở những nước này thường chọn một ngành mũi nhọn là trọng tâm trong xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, là gia tăng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, tăng cường khả năng hấp thụ tri thức từ các nước phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia thành công đều có điểm chung là nhà nước thực sự coi trọng việc hướng tới và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Chương 2