Quá trình phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc có thể chia ra làm 2 giai đoạn chính:
2.2.1.1. Giai đoạn I (1985 - 1996): “Giai đoạn mở đầu”
Thế kỷ XXI là thế kỷ mà nhân loại đang quá độ chuyển sang nền kinh tế tri thức và tiến vào kỷ nguyên công nghệ thông tin. Chính vì vậy, việc cải cách, mở cửa nền kinh tế và phát triển nền kinh tế ở Trung Quốc phải dựa trên cơ sở xây dựng nền kinh tế dựa vào tri thức hay còn gọi là nền kinh tế tri thức. Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Năm 1978, tại hội nghị khoa học toàn quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã trình bày về quan điểm rằng khoa học và công nghệ phải trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu.
Đến Hội nghị khen thưởng KH&CN Quốc gia tổ chức vào năm 1982, Ông Triệu Tử Dương, đã thay mặt Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ đưa ra nguyên tắc chiến lược “xây dựng kinh tế phải dựa vào KH&CN và công tác KH&CN phải hướng vào xây dựng kinh tế”. Từ đây Trung Quốc cũng nhận thấy rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh khoa học công nghệ cao thì phải phát triển theo hướng ngành nghề hoá, tri thức hóa
do vậy cần xây dựng các khu phát triển các ngành kỹ thuật cao. Với quan điểm như vậy Trung Quốc đã thành lập khu công nghiệp đầu tiên ở Thâm Quyến với tên gọi "Khu vườn công nghiệp khoa học Thâm Quyến" vào tháng 7 năm 1985. Cũng chính từ đây Trung Quốc đã bắt đầu tạo dựng những cơ sở ban đầu cho quá trình tạo dựng nền kinh tế tri thức.
2.2.1.2. Giai đoạn II (1997 đến nay): “Giai đoạn hình thành nền kinh tế tri thức”
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin hóa và kỹ thuật cao ngày càng phát triển, một đặc trưng quan trọng trong biến đổi của thế giới đương đại chính là sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức. Tri thức đã trở thành yếu tố cơ bản của sản xuất. Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, sáng tạo tri thức là một xu thế quốc tế lớn. Đi theo và nắm bắt xu thế phát triển này, đồng thời khởi xướng và thúc đẩy sáng tạo tri thức, đưa ra quyết sách quan trọng về hệ thống sáng tạo quốc gia. Tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc “hết sức coi trọng sáng tạo lý luận, sáng tạo thể chế, sáng tạo khoa học kỹ thuật, sáng tạo văn hóa” [10, tr.23]. Trong các hình thức sáng tạo, sáng tạo lý luận chiếm vị trí hàng đầu, dẫn dắt phát triển sáng tạo ở các lĩnh vực khác. Trải qua các kỳ Đại hội lần thứ XV, XVI, XVII, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng kinh tế tri thức và xây dựng lý luận để tạo dựng môi trường, chính sách phù hợp cho nền kinh tế tri thức hành thành và phát triển. Ngày 04-02-1998, tại Bắc Kinh, “Hội nghị kinh tế tri thức, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia”, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã chỉ rõ: “cần nghiên cứu và thực hiện hướng dẫn phát triển kinh tế tri thức, đổi mới để phát triển thế kỷ XXI”. Thể hiện rõ nỗ lực của Trung Quốc trong chính sách đón bắt và từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức, ngày 14-02-1998, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã chỉ rõ: “Sáng tạo là linh hồn của một dân tộc tiến bộ, là nguồn động lực không bao giờ cạn, tạo nên sự hưng thịnh của một quốc gia” hay đúng hơn sáng tạo là linh hồn của nền kinh tế tri thức [38, tr.50].
Với chiến lược chủ động đón bắt và xây dựng nền kinh tế tri thức, Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch như:
- Chương trình phát triển các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu cơ bản quốc gia, mà thực chất là Chương trình 973 (1997). Đây là một chương trình tiếp cận theo hướng đa ngành và định hướng vào tương lai, nhằm xác định và thúc đẩy các nhu cầu R&D cơ bản, khoa học và giáo dục trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, phát triển công nghệ cao, các công nghệ môi trường thân thiện với môi trường sinh thái, các nguồn năng lượng cải tiến và chăm sóc sức khỏe.
- Năm 1997, Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn phương án xây dựng hệ thống sáng tạo quốc gia của Viện khoa học Trung Quốc, đầu tư thực hiện công trình sáng tạo tri thức. Tháng 6 - 1998, Trung Quốc thành lập Tổ lãnh đạo Khoa học giáo dục quốc gia, điều này chứng tỏ, Trung Quốc ở một tầm cao hơn đã tăng cường chỉ đạo vĩ mô và điều tiết tổng thể công tác KH&CN phục vụ cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức của mình. Tháng 8 - 1999, Chính phủ Trung Quốc mở hội nghị sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, đề ra cần phải nỗ lực tạo những đột phá trong tiến bộ KH&CN và sáng tạo.
- Năm 2006, là năm đầu tiên thực hiện Cương yếu quy hoạch phát triển
KH&CN lần thứ XI của nhà nước Trung Quốc. Theo lý luận chỉ đạo của Đặng
Tiểu Bình và tư tưởng “Ba Đại Diện” thực hiện quan điểm phát triển khoa học toàn diện, dốc sức thực thi chiến lược khoa học chấn hưng đất nước, kiên trì theo đuổi phương châm “tự chủ sáng tạo, đột phá trọng điểm, hỗ trợ phát triển, hướng tới tương lai”, coi việc tự chủ sáng tạo là sợi chỉ chủ đạo cho quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức.
Căn cứ mục tiêu tổng thể về phát triển KH&CN đã được đề ra trong “Cương yếu” thì giai đoạn “5 năm lần thứ 11” cơ bản là phải thiết lập một thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thích ứng và hệ thống sáng tạo nhà nước phù hợp với quy luật phát triển KH&CN, hình thành nên cục diện phát triển KH&CN hợp lý, cố gắng phát triển vượt bậc và đột phá trọng điểm ở nhiều lĩnh
vực chủ chốt của nền kinh tế tri thức, quan tâm đầu tư R&D, phấn đấu đầu tư R&D trong GDP tới 2%, khiến Trung Quốc trở thành một nước lớn có sức chủ động sáng tạo trong KH&CN, đặt ra nền móng cho việc tiến tới một quốc gia kiểu mới. Để trở thành một quốc gia đón bắt và xây dựng thành công nền kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI.