1.1.4.1. Các nhân tố từ bên ngoài
Văn hóa dân tộc
Văn hóa dân tộc có ý nghĩa quyết định to lớn đối với VHDN. Bởi vì DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, trong một DN, những cá nhân này sẽ mang theo những nét nhân cách đó. Tổng hợp những nét nhân cách này làm nên một phần nhân cách của DN, đó là các giá trị văn hóa dân tộc không thể phủ nhận được, giúp hình thành nên bản sắc văn hóa riêng, đặc thù cho VHDN.
Mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và VHDN càng có ý nghĩa to lớn trong thời đại hội nhập kinh tế ngày càng rộng rãi. Các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau thì văn hóa dân tộc ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động trên khắp thế giới. Sự khác biệt giữa các quốc gia, nói cách khác là văn hóa dân tộc, có ảnh hưởng lớn đến việc nhận biết hành vi ứng xử
của những tổ chức ở các quốc gia khác nhau. Việc nghiên cứu văn hóa dân tộc chính là để tạo nên được VHDN mạnh và phù hợp.
Như vậy, văn hóa dân tộc góp phần tạo nên bản sắc riêng cho DN và DN khi xâm nhập vào các quốc gia khác nhau phải tìm hiểu văn hóa dân tộc tại đó và điều chỉnh VHDN mình phù hợp thì mới có thể thành công ở quốc gia đó.
Môi trường kinh doanh
DN hay bất kỳ một thực thể kinh tế nào đều tồn tại và phát triển trong một môi trường nhất định, do đó VHDN cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh. Tác động của môi trường kinh doanh tác động rất sâu sắc đến việc hình thành, phát triển và hoàn thiện VHDN. Cụ thể, VHDN chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các yếu tố bên ngoài như: xu hướng toàn cầu hóa, lợi ích của người tiêu dùng, xu thế tiêu dùng, áp lực cạnh tranh trên thị trường, chính sách của Chính phủ, ngành nghề kinh doanh,...
Tác động lớn nhất của cơ chế thị trường đến VHDN chính là sự đảo lộn các giá trị và quan niệm truyền thống. Hơn nữa, môi trường kinh doanh của Việt Nam lại chưa ổn định, luật và các chính sách thuộc môi trường kinh tế thường xuyên thay đổi nên khiến DN có thể gây ra sai sót. Mở cửa hội nhập cũng có những tác động tiêu cực như tâm lí tôn sùng ngoại quốc, bên cạnh đó là tâm lí phủ nhận tất cả các giá trị truyền thống.
Nhận thức xã hội về văn hóa doanh nghiệp
Quan niệm xã hội nhìn nhận về doanh nhân nói chung còn thiên về coi họ là những người ích kỷ, chỉ vì tiền, muốn làm giàu cho bản thân mình, hay trốn thuế, buôn lậu, làm hàng giả,…Bản thân một số doanh nhân còn mặc cảm với trạng thái tâm lí coi thường nghề kinh doanh trong lịch sử dân tộc. Với trạng thái đó họ chưa thực sự tự tin và mạnh dạn dồn hết sức lực và trí tuệ của mình, và chưa động viên người khác cùng hợp sức đầu tư phát triển quy mô lớn và dài hạn.
Những giá trị văn hóa học hỏi được
Có những giá trị VHDN không thuộc về văn hóa dân tộc, cũng không phải do nhà lãnh đạo sáng tạo ra mà do tập thể nhân viên trong DN tạo dựng nên, được gọi là
những kinh nghiệm hội nhập. Chúng hình thành thường trải qua một thời gian dài, hoặc vô thức hoặc có ý thức và ảnh hưởng chung đến hoạt động của DN với hình thức thường rất phong phú.
Đó có thể là những kinh nghiệm có được khi xử lý các vấn đề chung của tập thể DN hoặc của một hay một vài cá nhân mang lại. Chúng được tuyên truyền và phổ biến chung trong toàn đơn vị hoặc các nhân viên khác tự phát noi theo, dẫn đến hình thành nên nét văn hóa mới trong DN. Đó có thể là những kinh nghiệm về giao dịch với KH, về phục vụ yêu cầu của KH hoặc cũng có thể là kinh nghiệm ứng phó với những diễn biến bất ngờ hàng ngày. Những giá trị được học hỏi từ các DN khác, được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hóa khác cũng có thể được DN tiếp thu và chuyển hóa thành nét văn hóa của DN mình. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, của các chương trình giao lưu, của những khóa đào tạo.
Thông thường ban đầu có một nhóm nhân viên của DN tiếp thu những giá trị và truyền lại cho đồng nghiệp khác hoặc những người này tự ý tiếp thu chúng… Sau một thời gian, các giá trị này trở thành “tập quán” chung cho toàn DN. Nhìn chung khó có thể thống kê hết những hình thức của những giá trị học hỏi và hội nhập trong DN, chỉ biết rằng, những kinh nghiệm này có rất ít sự góp mặt của nhà lãnh đạo, mà phần lớn chúng do tập thể nhân viên tạo ra. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan là những người biết cách ứng xử với những kinh nghiệm này để đạt được hiệu quả quản trị cao nhất, tạo nên môi trường văn hóa hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của DN.
1.1.4.2. Các nhân tố từ bên trong
Nhà lãnh đạo
Nhà lãnh đạo không chỉ là người quyết định cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của DN mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, các ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ, giai thoại,… của DN. Qua quá trình xây dựng và quản lý DN, hệ tư tưởng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ được phản chiếu rõ nét lên VHDN.
Vai trò, năng lực của những người lãnh đạo càng lớn, ảnh hưởng của họ đối với việc hình thành và củng cố bản sắc VHDN càng mạnh. Nhân tố quan trọng bậc nhất cho việc ra các quyết định liên quan đến đạo đức là vai trò của người lãnh đạo cao nhất
trong việc thể hiện sự cam kết, sự chỉ đạo sát sao và sự gương mẫu về những giá trị đạo đức. Hơn nữa, một khi những người lãnh đạo cấp cao đều nhất quán tôn trọng sự công bằng và trung thực trong kinh doanh cũng sẽ trở thành tài sản chính yếu của DN. Trong cùng một DN, các thế hệ lãnh đạo khác nhau cũng sẽ tạo ra những giá trị khác nhau, thể hiện bản chất thay đổi của VHDN. Những người có khả năng tạo lập giá trị và bản sắc văn hóa thường là những người sáng lập. Ngay từ buổi đầu lập nghiệp, họ đã định rõ sứ mệnh của tổ chức và những giá trị, bản sắc văn hóa riêng của tổ chức. Một khi thực tiễn khắc nghiệt đã kiểm soát tính đúng đắn và phù hợp của bản sắc văn hóa riêng (lợi thế so sánh) trong việc tạo lập sự nghiệp của một DN và giúp DN đứng vững, bản sắc văn hóa sẽ được tạo lập và định hình. Khi đó, triết lý và phong cách lãnh đạo thường mang đậm nét văn hóa sứ mệnh.
Lịch sử, truyền thống của DN
Đây là yếu tố tuy không mang vai trò quyết định nhưng cần phải được lưu ý. Bởi vì trên thực tế, mỗi DN đều có lịch sử phát triển của mình. Mỗi DN đều có những đặc điểm mang tính đặc thù cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và đặc trưng văn hóa, những yếu tố này đều có ảnh hưởng đến việc xây dựng, điều chỉnh và phát triển văn hóa kinh doanh của DN trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, các DN mới thành lập thường có các phong cách kinh doanh hiện đại và hướng tới thị trường nhiều hơn. Thành viên của DN này cũng trẻ hơn và năng động hơn. Ngược lại những DN có lịch sử phát triển lâu dài thường khó đổi mới hơn nhưng lại có các giá trị văn hóa truyền thống, có kinh nghiệm chuyên môn hơn. Nếu một DN có một nền văn hóa truyền thống với những bản sắc riêng đã hình thành trong tâm trí của mọi thành viên trong DN thì văn hóa của DN càng có khả năng, có cơ hội phát triển đạt mức cao hơn và ngược lại.
Hình thức sở hữu của DN
Loại hình thức sở hữu hay các loại hình đơn vị khác nhau cũng tạo ra sự khác biệt trong văn hóa của DN. Các đơn vị cổ phần sẽ có những giá trị văn hóa khác với giá trị văn hóa của các đơn vị TNHH và càng khác với giá trị văn hóa của các công ty Nhà nước. Sở dĩ như vậy vì bản chất hoạt động và điều hành cũng như ra quyết
định của các đơn vị này khác nhau. Trong các công ty Nhà nước, khi giám đốc điều hành SXKD dựa trên nguồn vốn 100% của Nhà nước, lại hoạt động chủ yếu trong môi trường độc quyền và điều hành hoạt động theo các chỉ tiêu kế hoạch mà Nhà nước thông qua thì tính chủ động và tự giác sẽ thấp hơn các công ty tư nhân. Theo các nhà nghiên cứu, các DN Nhà nước thường có giá trị văn hóa thích sự tuân thủ, ít chú ý đến chăm sóc KH trong khi các công ty tư nhân lại có giá trị văn hóa hướng tới KH và ưa thích sự linh hoạt hơn.
Ngành nghề kinh doanh của DN
Giữa các công ty có ngành nghề kinh doanh khác nhau sẽ có văn hóa khác nhau. Văn hóa ngành nghề cũng là một yếu tố tác động quan trọng đến kết quả kinh doanh của từng DN. Các công ty thương mại, dịch vụ có văn hóa khác với các công ty sản xuất. Mặt khác, văn hóa ngành nghề cũng thể hiện rõ trong việc xác định mối quan hệ giữa các các bộ phận khác nhau trong DN. Những lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ thuộc gián tiếp sẽ có các cách ứng xử và những giá trị văn hóa khác với các công nhân trực tiếp sản xuất …Điều đó lý giải tại sao giữa các đơn vị, bộ phận trong DN nhiều khi lại khó phối hợp hoạt động. Sự khó phối hợp này làm giảm khả năng của tất cả các bộ phận trong việc đưa ra chất lượng hiệu quả cao vì mục đích chung của DN. Điều này thấy rất rõ trong các công ty liên doanh. Các đối tác sẽ mang đến công ty liên doanh những văn hóa khác nhau của DN mình. Nó thể hiện rõ ở những khó khăn trong công tác quản lý, việc xác lập một phong cách quản lý chung, dung hoà giữa các bên trong các công ty liên doanh, vì mỗi bên nhìn nhận đối tác của mình theo quan điểm của riêng họ.
Mối quan hệ giữa các thành viên của DN
Mối quan hệ giữa các thành viên trong DN là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến VHDN cũng như sự tồn tại và phát triển của DN. Một DN có những giá trị phù hợp để mọi thành viên cùng chia sẻ, quan tâm; có một hệ thống những định chế bao gồm những vấn đề liên quan đến tính chuyên nghiệp như sự hoàn hảo của công việc, sự hài hoà giữa quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; có quy trình, có kiểm soát, đánh giá chính xác hiệu quả làm việc của người lao động…
thì sẽ tạo thành một thể thống nhất, tạo được sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên. Từ đó, DN có thể phát huy được cao nhất nguồn lực con người như năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu, năng lực tiếp thu và vận dụng công nghệ, năng lực khám phá thị trường…Với ý nghĩa như vậy, nguồn lực con người luôn có tính quyết định, đồng thời giúp cho DN vượt qua được những rủi ro lớn.