Đầu tư Phát triển Việt Nam – chi nhánh Lào Cai
Cùng với những thành công đã đạt được thì trong quá trình xây dựng và phát triển, VHDN của Chi nhánh cũng không tránh khỏi một số hạn chế nhất định, đó là:
Về mô hình VHDN: Mô hình VHDN của đơn vị có sự chênh lệch so với kỳ vọng của nhân viên. Nhân viên mong muốn kiểu văn hóa gia đình và sáng tạo. Theo đó, cần cải thiện mô hình văn hóa hiện tại theo xu hướng văn hóa gia đình và văn hóa sáng tạo, giảm bớt văn hóa cấp bậc. Mô hình văn hóa hiện tại chưa phát huy cao độ được tính chủ động sáng tạo: có thể do văn hóa cấp bậc chiếm ưu thế khá lâu trong nền văn hóa nên tạo ra không ít những điểm cản trở trong việc đổi mới hay trong việc tiếp thêm nguồn sinh khí cho nhân viên. Đồng thời sự phân quyền, tôn ti trật tự mà các nhà quản trị đòi hỏi nhân viên phải tôn trọng làm cho người lao động có thể e dè trong việc đưa ra ý kiến đóng góp hay sáng tạo cho đơn vị.
Về giá trị hữu hình: Về kiến trúc trụ sở còn chưa đáp ứng được nhu cầu trung và dài hạn. Chi nhánh thiếu văn phòng đặc biệt, tách riêng, phục vụ cho công tác nghiên cứu như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm tín dụng mới. BIDV Lào Cai cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị, tính toán đến việc có nhiều nhân viên mới, phục vụ nhiều KH mới và có phân loại KH. Các lễ nghi tại chi nhánh còn tổ chức theo khuôn khổ chung của BIDV chứ chưa có nhiều sáng tạo phá cách theo nét riêng của văn hóa vùng miền Tây Bắc. Thêm vào đó, đồng phục, logo, chữ viết tắt vẫn chưa thực sự tạo ấn tượng mạnh.
Về giá trị được tuyên bố: Việc quản lý điều hành trong đơn vị còn khá cứng nhắc do nền văn hóa cấp bậc chiếm ưu thế. Đây là điều thường thấy ở các đơn vị xuất thân từ các DN Nhà nước. Điều này làm cho bầu không khí làm việc ở đơn vị chưa
được thoải mái lắm dẫn đến việc ảnh hưởng tới năng suất làm việc của cán bộ công nhân viên. Hiện nay, nội dung của các cuộc họp của BIDV Lào Cai đều chủ yếu liên quan đến hoạt động kinh doanh của đơn vị mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển nguồn lực con người và đề xuất, đánh giá các chương trình văn hoá trong từng giai đoạn, từng thời kỳ của năm. Chế độ báo cáo quá dày đặc cũng là gánh nặng cho CBNV trong đơn vị, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của nhân viên.
Về giá trị ngầm định: Chi nhánh vẫn còn một số nhân viên có phong cách, thái độ phục vụ chưa tốt, chưa làm hài lòng khách hàng. Đặc biệt với các nhân viên mới, họ cần nhiều thời gian để học tập bộ quy tắc ứng xử và làm quen với môi trường trước khi vào làm chính thức. Công tác đào tạo cán bộ tại BIDV Lào Cai còn mang nặng tính cơ cấu, chưa có nhiều cơ hội thực sự cho CBCNV. Hơn nữa, thu nhập của CBCNV tại BIDV Lào Cai chưa thực sự cạnh tranh, còn dẫn đến tình trạng nghỉ việc, nhảy việc của lao động. Đây là vấn đề mà BIDV phải quan tâm để giữ chân lao động trong thời gian tới.