Cảm hứng bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 31 - 35)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Cảm hứng bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ

Tuổi ấu thơ luôn là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà văn khai thác trong quá trình sáng tác của mình. Ta dễ dàng bắt gặp những tác phẩm được khơi nguồn từ kí ức tuổi thơ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới như Thời thơ ấu của Macxim Gorky, Tốt - tô - chan Cô bé bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán. Các nhà văn Tày khi viết cho thiếu nhi cũng đã lấy cảm hứng sáng tác từ những kí ức tuổi thơ và cho ra đời nhiều tác phẩm được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.

Những sáng tác cho thiếu nhi có cảm hứng bắt nguồn từ những kí ức tuổi thơ của các nhà văn Tày có thể kể đến đó là Đường về với mẹ Chữ của Vi Hồng, Làng nhỏ và Suối làng của Hà Lâm Kỳ, Kỉ niệm về một dòng sông và Những giấc mơ thời thơ ấu của Đoàn Lư. Trong những sáng tác này, các tác giả khai thác tư liệu từ những kỉ niệm tuổi thơ và cho ra đời những tác phẩm lôi cuốn và có ý nghĩa.

Đường về với mẹ Chữ kể lại những ngày tháng vất vả khó quên trong cuộc đời học sinh của tác giả và những người bạn của mình. Khi đó tại Cao Bằng chưa có trường cấp 3 cho nên tác giả và bạn bè đã phải vượt hơn ba trăm cây số đường rừng xuống Thái Nguyên trọ học. Trên con đường đi học

xuyên qua rừng đại ngàn nguyên sinh, nhà văn và những người bạn đã từng phải ngủ đêm trong rừng, từng đánh nhau với hổ, từng say quả vả đến sùi bọt mép… nhưng họ đã vượt qua tất cả để đến với mẹ Chữ - cội nguồn của sự hiểu biết. Cuộc sống trọ học có vô vàn khó khăn đối với những học trò nghèo, nhưng họ vẫn học một cách say mê trong cái đói, cái rét và nỗi nhớ nhà đến thắt ruột gan. Trong “Vài lời phi lộ” đầu cuốn sách nhà văn tâm sự: “Khá nhiều bạn bè biết chúng tôi đã vượt qua bao vất vả cực nhọc để đi học một thời đã động viên tôi ghi lại những gì đã xảy ra trên con đường đi học vạn dặm. Còn tôi thì băn khoăn: Viết ra không biết có ích gì cho đời không? Nhưng bạn bè lại khuyên: “Ít nhất cũng để làm gương cho con cháu chúng ta chăm học hơn.

Bởi vậy tôi viết ra đây mong các lớp con cháu người dân tộc thiểu số, trước hết là con cháu các dân tộc Cao Bằng hiểu một phần lớp người đi trước ngày xưa quý cái chữ nghĩa như thế nào, vất vả nhọc nhằn ra làm sao thì mới có được một ít chữ trong bụng!” [10].

Như vậy, tác giả viết cuốn sách này đơn giản chỉ với mục đích cho con cháu biết thế hệ đi trước quý cái chữ như thế nào và đã vất vả ra sao để đến trường từ đó mà chăm học hơn. Nhưng không chỉ dùng lại ở đó, những câu chuyện đường rừng trong kí ức tuổi thơ còn là niềm tự hào về ý chí và nghị lực của tuổi thơ miền núi trên con đường đến với tri thức. Và cho đến nay, các thế hệ độc giả nhỏ tuổi vẫn say mê từng con chữ trong cuốn truyện kí này.

Hà Lâm Kỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại Lịch, thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái. Tuổi thơ của Hà Lâm Kỳ thấm đẫm những câu chuyện cổ tích, những lời ru ngọt ngào của bà nội – người đã góp phần nuôi dưỡng hun đúc nên tâm hồn yêu văn chương của ông. Bên cạnh đó Hà Lâm Kỳ lại có người cha hết lòng tạo mọi điều kiện để ông được học hành đến nơi, đến chốn. Làng nhỏ là những kí ức tuổi thơ của Hà Lâm Kỳ về Khe Liền thân thương của mình với bao kỉ niệm về những người thân yêu của nhà văn. Tại nơi này nhà văn đã được trải qua một tuổi thơ vô cùng ngọt ngào và ý nghĩa.

Làng là nơi Tôi đã được nếm vị ngọt của các loại quả rừng (quả bứa, quả dọc, quả dùi, quả vú bò…), vị ngọt ấy đọng mãi trong tâm trí của tác giả góp phần tạo nên những trang văn ngọt ngào đầy chất trữ tình. Cũng tại nơi đây, tuổi thơ được đắm mình trong sắc đẹp của các loài hoa núi, sự phong phú của các loài chim, những câu chuyện cổ tích của bà, những trò chơi tuổi thơ, những phong tục đẹp của làng bản và cả những ngày đi học vất vả nhưng ý nghĩa.

Làng nhỏ cũng là nơi tác giả học được những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với thiên nhiên nhẹ nhàng mà sâu sắc. Làng Khe Liền nhỏ bé trở thành niềm tự hào, thành miền nhớ để nhà văn Hà Lâm Kỳ viết nên những trang văn thấm đượm yêu thương.

Nếu như Làng nhỏ mãi mãi là niềm tự hào trong lòng tác giả thì Suối làng lại là bài ca của sự ngậm ngùi tiếc nhớ. Nhân vật Tôi lớn lên bên cạnh suối làng, ngày ngày ăn uống tắm táp dòng nước mát lành dẫn về từ con suối ấy, dòng suối cũng chứng kiến bao kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ Tôi bên cạnh người chị dâu thương mến. Nhưng rồi, rừng bị phá, suối làng cạn khô, những máng nước không còn, nhà nhà phải đào giếng lấy nước ăn. Tôi công tác xa trong một lần về làng đem theo camera với mong muốn ghi lại những hình ảnh đã gắn liền với kí ức tuổi thơ, nhưng đành thất vọng vì mọi thứ đã đổi thay. Tôi

đau đớn xót xa, chỉ biết mong ước một ngày nào đó suối làng sẽ trở lại.

Cảm hứng được mang lại từ những kỉ niệm tuổi thơ đã giúp cho Hà Lâm Kỳ sáng tác nên hai tác phẩm, một truyện ngắn, một truyện dài mà truyện nào cũng thấm thía, sâu sắc gợi nên nhiều suy tư cho người đọc. Ông tâm sự: “Trở thành người lớn từ trẻ con. Bây giờ mới có điều kiện nghĩ về ngày xưa, ngẫm nghĩ về những kỉ niệm và kỉ vật, về mỗi nét hoa văn, về từng vuông thổ cẩm, và cả về cái làng nhỏ đã nuôi mình. Tôi viết, và còn viết nhiều cho thiếu nhi miền núi dân tộc; mối duyên nợ ấy, cũng là để phần nào được trả ơn” [44, tr.316]. Nếu trong kí ức của tác giả luôn lưu giữ những kí ức về làng Khe Liền thân yêu, về con suối làng gắn bó thì Làng nhỏSuối làng

lại gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ của những độc giả nhí đã từng đọc hai tác phẩm này của Hà Lâm Kỳ.

Trong sáng tác của Đoàn Lư, những kỉ niệm của tuổi ấu thơ là một nguồn cảm hứng quan trọng giúp nhà văn cho ra đời những tác phẩm được nhiều độc giả yêu mến. Đoàn Lư sinh ra trong một gia đình có cha là một cán bộ cách mạng lão thành, lại được gia đình tạo điều kiện tốt nhất để học tập cộng thêm tư chất thông minh, nên con đường học vấn của Đoàn Lư rộng mở. Tuổi thơ êm đềm, ngọt ngào đã được nhà văn tái hiện một cách sinh động trong các sáng tác của mình.

Cha là một người làm vườn, đánh cá giỏi, lại được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bằng trù phú cá tôm, Đoàn Lư có sự am hiểu sâu sắc về hệ thống động thực vật ở mảnh đất quê hương. Những kỉ niệm ấu thơ thôi thúc nhà văn viết nên những trang sách ngọt ngào, lắng đọng. Ở những sáng tác đó, bên cạnh nỗi tiếc nhớ và cả tự hào về tuổi thơ đã trôi qua, còn thể hiện một tình cảm mến yêu muốn làm được một điều gì đó cho trẻ em như những lời ông tâm sự: “Tôi là bác sĩ chuyên khoa nhi. Việc sáng tác thơ, viết văn của tôi cũng giống như chuyên ngành đã chọn, rất giản đơn, bình dị là muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho trẻ em mà thôi. Do vậy dù sáng tác cho cả những đối tượng khác, nhưng mục tiêu sáng tác cho trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu. Những tác phẩm đã có tuy còn điểm này điểm nọ nhưng tất cả đã vì trẻ thơ” [43, tr.275].

Kỷ niệm về một dòng sông ghi lại tuổi ấu thơ của nhà văn bên cạnh con sông quê hương yêu dấu. Con sông ấy là nơi chứng kiến niềm vui của cậu bé lần đầu tiên bắt được một con cá lớn đẹp đẽ của riêng mình. Cũng nhờ lớn lên bên sông cho nên nhà văn đã có được bao nhiêu kiến thức quý báu về các loài cá của sông suối vùng cao cũng như những cách thức bắt cá độc đáo của đồng bào nơi đây. Những con cá do “dòng sông kỉ niệm” mang lại đã góp phần nuôi lớn cậu bé con ngày nào và “dòng sông kỉ niệm” đã góp phần mang lại những trang văn thú vị bổ ích của nhà văn Đoàn Lư ngày hôm nay.

Nếu như Kỷ niệm về một dòng sông là tuổi ấu thơ bên dòng sông quê thì Những giấc mơ thời thơ ấu lại gắn liền với mảnh vườn nhà và những loài

chim nhỏ bé thân thương mà tuổi thơ của bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn, miền núi đều say mê, yêu thích. Bằng cặp mắt quan sát của một cậu bé có năng khiếu văn chương bẩm sinh, Đoàn Lư đã tái hiện trong sáng tác của mình cả một thế giới các loài chim, từ chim ri, chim ngói, chim én cho đến những con chim phường chèo rực rỡ. Những loài chim nhỏ bé ấy đã góp phần tô đẹp thêm cho phong cảnh núi non đồng thời làm cho tuổi thơ của Tôi trở nên thú vị ý nghĩa hơn. Cùng với thế giới của các loài chim, mảnh vườn nhà gắn bó, những người bạn thời ấu thơ, người cha, người anh đều được nhà văn tái hiện trong tác phẩm một cách vô cùng chân thực, sinh động. Đọc Những giấc mơ thời thơ ấu ta như tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó. Điều này khiến cho tác phẩm trở nên gần gũi hơn và cuốn hút không chỉ độc giả nhí mà còn làm say mê bất cứ người trưởng thành nào muốn tìm lại một chút vui tươi, hồn nhiên của tuổi thơ.

Những kỉ niệm tuổi thơ đã trở thành nguồn cảm hứng quan trọng trong sáng tác cho thiếu nhi của các tác giả dân tộc Tày. Theo dòng những kỉ niệm tuổi thơ các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm lôi cuốn, thú vị và giàu ý nghĩa. Tuổi thơ trở thành niềm tự hào, thành sợi dây nối liền mỗi con người với quê hương bản quán. Đọc những trang văn được khơi nguồn từ những kí ức thời niên thiếu của các tác giả, các em nhỏ thấy mình trong đó, hồn nhiên, nghịch ngợm và cũng nhiều khao khát ước mơ. Những sáng tác có mạch nguồn cảm hứng từ kỉ niệm tuổi thơ của các tác giả còn đem đến cho độc giả của mình những hiểu biết về cuộc sống miền núi và thiên nhiên nơi đây đồng thời cũng đem lại cho các em những bài học nhẹ nhàng về tình bạn, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, khát vọng học tập và tình yêu quê hương đất nước. Chúng tôi tin rằng, những bài học đó sẽ là hành trang quý giá theo bước các em trong suốt cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)