Giọng xót xa thương cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 95 - 97)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Giọng xót xa thương cảm

Trong sáng tác của các nhà văn Tày dành cho thiếu nhi, có nhiều trang viết về những cuộc đời những số phận không may mắn. Và ở những trang viết đó, các tác giả thường sử dụng giọng điệu xót xa thương cảm, để chia sẻ những bất hạnh, những nỗi đau mà nhân vật phải gánh chịu:

Bố Thàn cô đơn, cay đắng nuôi con như một con gà trống… Túng đói quá, ông đành bỏ đứa con mới lên năm sáu tháng lê la dưới đất rồi địu đứa con lớn, đóng cửa đi làm kiếm ăn!

Mỗi buổi đi làm về, ông vừa bế đứa con ra máng nước rửa vừa khóc cùng con. Thằng Thàn của ông như một cục đất thó. Ông nhai cơm nhồm nhoàm với muối trắng, nhồi cho con. Thằng Thàn gầy đét, da nhèo nhẽo, nhàu nát như miếng giẻ lau chân lâu ngày bỏ quên” [5, tr.8].

Giọng điệu xót xa thương cảm giúp nhà văn diễn tả thành công tình cảnh khốn khó của người cha nghèo một nách nuôi hai đứa con mồ côi mẹ. Sẽ chẳng ai có thể quên hình ảnh người cha khóc cùng với đứa con nhỏ vì thiếu ăn, thiếu sự chăm sóc mà “nhàu nát” như “một miếng giẻ rách” vứt đi.

Hình ảnh những con nghiện lên cơn thèm thuốc thường chỉ khiến người ta coi thường, nhưng trong Tuổi thơ oan nghiệt, câu chuyện về một bé gái nghiện thuốc phiện từ khi lên bảy tuổi thì lại khiến bạn đọc bùi ngùi, thương cảm: “Ở ngoài kia đất trời như bừng tỉnh, nhưng trong ngôi nhà to nhất làng Mày Rại cô bé Sùng Thị Sinh đang lên cơn vật vã lăn lộn. Cơn nghiện thuốc phiện đang giày vò tấm thân nhỏ bé của em” [12, tr.83]. Cảnh tượng đau lòng khiến tác giả phải thốt lên câu hỏi đầy đau đớn, xót xa: “Cơn gió độc nào đã đưa em đến nông nỗi này? Ngọn gió lành nào sẽ giúp em trở về cuộc sống?” [12, tr. 83].

Cậu bé tàn tật trong Núi Bó Phạ trở về cũng được tác giả miêu tả bằng một giọng văn thấm đẫm tình yêu mến pha lẫn nỗi cảm thương: “Õ Pu có thói quen mặc áo không bao giờ cài cúc, phơi cái bụng ỏng ra thật tội, được cái Pu không bao giờ đau ốm, Pu cõng em trên lưng cứ như con mèo tha con chuột vậy!” [29. tr.7). Tật nguyền, sự vất vả và cả cái nghèo khiến cho Pu mãi chẳng thể cao lớn như bè bạn, nó lặng lẽ chấp nhận việc trở thành “thành viên “vĩnh cửu” của bọn trẻ” [29, tr.7], nó cũng lặng lẽ làm mọi việc trong giới hạn sức lực của bản thân để giúp mẹ nuôi em. Những câu văn của Đoàn Ngọc Minh cũng lặng lẽ gợi lên trong lòng bạn đọc niềm thương cảm với một số phận không may mắn.

Giọng xót xa thương cảm không chỉ được các tác giả dùng để nói về những mảnh đời bất hạnh, mà nó còn là một giọng điệu đắc lực để diễn tả những mất mát, những nỗi đau. Kể về sự hi sinh anh dũng của Hoàng Văn

Thọ - người đội trưởng đầu tiên của Đội thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch, tác giả không giấu được nỗi tiếc thương: “Sáng hôm ấy, 20 tháng mười một năm 1947, một sáng trong lành mà ảm đạm, Hoàng Văn Thọ đã ngã xuống ngay trên mảnh đất quê hương lúc anh chưa đầy mười sáu tuổi” [10, tr.69]. Ngắn gọn, không cầu kỳ, không lên gân nhưng tràn đầy xúc cảm. Nhà văn đã truyền nỗi tiếc thương của mình tới độc giả bằng giọng điệu xót xa. Sự mất mát khiến bạn đọc lặng đi vì thương tiếc. Và người chiến sĩ nhỏ tuổi ấy sẽ mãi trở thành một tấm gương về lòng yêu nước trong lòng những độc giả nhỏ tuổi.

Những cảm nhận từ trái tim nhân hậu của các nhà văn đã được ngòi bút thể hiện ra trên trang giấy bằng giọng điệu thương cảm xót xa. Thương cho những mảnh đời bé nhỏ, lầm than, thương cho những tuổi thơ không trọn vẹn, tiếc nuối và đớn đau vì những mất mát hi sinh. Độc giả nhỏ tuổi sẽ đọc và hòa cùng với những xót xa thương cảm của nhà văn thể hiện trên trang viết, để tâm hồn các em trở nên rộng mở, biết yêu thương, biết đồng cảm và biết sẻ chia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)