Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 78 - 80)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình

Ngoại hình chính là ấn tượng đầu tiên để người đọc hình dung về nhân vật. Hơn nữa, miêu tả ngoại hình cũng chính là cách để thông qua đó tác giả bộc lộ ý đồ sáng tác của mình cũng như góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Đặc biệt, với sáng tác cho thiếu nhi, các nhà văn càng phải chú ý để miêu tả nhân vật sao cho phù hợp với đặc điểm về tư duy, thị hiếu rất riêng của đối tượng tiếp nhận này. Nhìn chung, các tác giả người Tày khi sáng tác cho thiếu nhi thường chú ý để miêu tả ngoại hình nhân vật sao cho phù hợp với tính cách, số phận của nhân vật ấy. Đồng thời việc miêu tả cũng thường mang tính chất đặc tả những nét nổi bật chứ không đi vào miêu tả một cách chi tiết tỉ mỉ. Miêu tả đứa bé nhà nghèo, mồ côi mẹ từ lúc mới sinh, tác giả chỉ dùng duy nhất một câu văn nhưng khiến người đọc nhớ mãi: “Thằng Thàn gày đét, da nhèo nhẽo, nhàu nát như một miếng giẻ rách lau chân lâu ngày bỏ quên” [5, tr.8]. Cách miêu tả này dành nhiều không gian cho trí tưởng tượng và cảm xúc của người đọc. Giọng văn tưởng như dửng dưng, lạnh lùng nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm xót xa.

Ang trong Thách đố là một nhân vật gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn đọc bởi sự phức tạp của tính cách cũng như một vẻ ngoài khiến người đối diện không mấy thiện cảm: “Nó luôn khịt cái mũi lúc nào cũng đo đỏ như một hòn than. Đã mười sáu tuổi nhưng nó vẫn mũi rãi như trẻ con mới lêm một lên hai. Nó lại tham ăn và hay ăn. Cái mồm nó lúc nào cũng nhai đủ thứ. Nếu không có quả, hay củ lạc, củ mài hoang… thì nó nhai lá cây, nhai cỏ như loài trâu. Nó có bộ răng trắng nhởn. Chân răng mọc rêu xanh – chắc là vì nhai quá nhiều lá và cỏ” [6, tr.4]. Dáng vẻ, nhất là hình ảnh hàm răng của Ang là một gây ấn tượng mạnh trong tâm trí người đọc. Đứa trẻ nhà nghèo thất học vừa đáng thương vừa đáng trách ấy đang trên con đường bị “vật hóa” nếu nó không nhận được sự quan tâm của những người xung quanh.

Truyện kí Đường về với mẹ Chữ là cuốn sách ghi lại những kỉ niệm của nhà văn về quãng đường đi học gian nan nhưng vô cùng đáng nhớ. Kể về những người bạn của mình, nhà văn chỉ điểm qua những nét riêng của mỗi người. Phan Hỏn cao to, Phan Soỏng dáng người và cả giọng nói đều như con gái, Bằng Tập trán dô, mắt sáng thông minh, Lạng có làn da rất đen, Bế Tâm ăn nói rủ rỉ như nói thầm, Lư luôn đăm chiêu suy nghĩ, Hoảnh với mái tóc rễ tre. Mỗi người một dáng vẻ, một tính cách nhưng họ đã sát cánh bên nhau để vượt qua mọi gian khổ khó khăn trên con đường học tập. Cách miêu tả điểm qua như một lời giới thiệu sơ lược đó phù hợp với quy luật của trí nhớ, bởi thời điểm tác giả viết cuốn sách này là 32 năm sau khi câu chuyện diễn ra. Và dù miêu tả ngắn gọn, nhưng cũng đủ để độc giả hình dung ra “cái tập thể” bé nhỏ của những học sinh Cao Bằng đầu tiên đi học cấp 3.

Một số nhân vật thiếu nhi được tác giả miêu tả dưới cặp mắt quan sát của những nhân vật thiếu nhi khác lại gây ấn tượng cho bạn đọc bởi cách miêu tả vô cùng dí dỏm. Trong con mắt của cậu bé miền núi, hình ảnh một chú bé miền xuôi thật ngộ nghĩnh: “Cửa mở, một chú bé tầm tuổi tôi nhưng gầy, da trắng như tẩm bột. Cậu ta mừng quýnh quên cả chào khách.” – Chân trời rộng mở [13, tr. 51]. Bằng cái nhìn dưới lăng kính trẻ thơ, nhà văn đã có sự so sánh vô cùng thú vị, gây ấn tượng cho người đọc bằng hình ảnh thị giác mạnh mẽ.

Cũng dưới cái nhìn của trẻ thơ, Đoàn Ngọc Minh đã xây dựng thành công hình ảnh một cậu bé miền núi nghịch ngợm, hiếu động và “lôi thôi” một cách đáng yêu: “Thằng nhóc loắt choắt nọ hiện ra, áo phanh ngực để lộ những dẻ xương sườn như đã bị nhịn đói cả năm, hai ống tay áo nó toạc đến tận khuỷu lủng lẳng, quần thì không ra quần ngố, cũng chẳng phải quần đùi, nhìn cứ lùng bùng như cái váy đàn bà… thật ngứa mắt” [30, tr.23]. Những nhân vật được miêu tả bằng cặp mắt trẻ thơ thường có vẻ hồn nhiên, vui nhộn. Hình ảnh đó kết hợp với chất giọng dí dỏm có sức hấp dẫn rất lớn đối với bạn đọc nhỏ tuổi.

Những nhân vật thiếu nhi không may mắn sinh ra với cơ thể tật nguyền cũng được các tác giả miêu tả một cách chân thực nhất để từ đó nhấn mạnh những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Cô bé Trà Mi - nạn nhân của chất độc màu da cam hiện lên dưới ngòi bút Đoàn Lư thật tội nghiệp: “Tóc nó đỏ hoe cộc cớn, lốm đốm bạc, mắt nó bên to bên nhỏ, bên to thì lòng trắng chiếm gần hết, bên nhỏ thì mí trơ ra đỏ lòm. Đã vậy cái mũi nó lại to bè, bẹp dúm trông chẳng ra thể thống gì, cái trán thấp tè, gồ, cái miệng rộng trên môi còn vết sẹo phẫu thuật thẩm mĩ từ hồi còn bé tý. Cái cằm lẹm, răng màu xỉn, mọc lộn xộn, tai cũng bên nhỏ bên to” [15, tr.12 -13]. Hay như cậu bé Pu (Núi Bó Phạ trở về ) được tác giả khắc họa bằng hình ảnh cái chân khèo, dáng người bé nhỏ, mái tóc vàng hoe và cái bụng ỏng luôn “phơi ra” trước mắt mọi người vì thói quen mặc áo không cài cúc. Những chi tiết miêu tả “đắt giá” ấy tạo được nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Độc giả nhỏ tuổi qua đó mà thấu hiểu những bất hạnh của những người bạn không may mắn - đó chính là bài học giáo dục đạo đức mà các tác giả đưa vào trong sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)