Ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 87 - 89)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2 Ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi

Mark Twain nhận định: “Cách viết truyện cho thiếu nhi đúng đắn nhất phải là viết sao cho tác phẩm không chỉ thú vị với em bé mà còn cực kì thú vị với những ai đã từng là một em bé” [46, tr.1]. Các nhà văn Tày khi sáng tác cho thiếu nhi luôn đặt mình vào trong suy nghĩ, cảm nhận của các em nên đã lựa chọn từ ngữ theo tư duy con trẻ trong sáng, hồn nhiên và vô cùng ngộ nghĩnh thú vị.

Trong sáng tác của các nhà văn Tày những nhân vật thiếu nhi thường xưng hô với nhau là mày – tao. Những cậu học sinh Cao Bằng xuống Thái Nguyên học (Đường về với mẹ Chữ) gọi các bạn của mình là “các thằng mày” và xưng tao, Bưu và Tiếu (Phía sau đỉnh Khau Khoang) tuy là hai anh em họ nhưng do bằng tuổi và coi nhau như bạn bè nên cũng chọn cách xưng hô mày - tao mộc mạc, những cậu bé trong Làng nhỏ cũng gọi nhau là mày xưng tao… Lối xưng hô ấy mộc mạc, thân thiết, không kiểu cách, không cầu kì, xóa nhòa mọi khoảng cách giữa những người bạn, tạo sự thân mật gần gũi, phù hợp với ngôn ngữ của tuổi thiếu nhi miền núi. Nhờ chọn kiểu xung hô quen thuộc đó, sáng tác của các nhà văn Tày có một bầu không khí quen thuộc, không hề xa lạ với đối tượng độc giả mà họ hướng tới.

Cảnh vật xung quanh khi được quan sát bởi “lăng kính” trẻ thơ thì cũng được tác giả dùng chính những từ ngữ miêu tả theo cảm nhận rất thiếu nhi: “mản tế”, trông cũng giống cá nheo, nhưng da ngả màu vàng sẫm, mỗi con nặng chừng cân đổ lại, chúng sống thành đàn trong các hốc đá, lặn trúng “ổ” là chúng “gừ gừ”, rung bốn đôi râu dọa dẫm, thò tay vào bắt rất dễ bị cặp ngạnh nhọn trông như đôi sừng nằm phía dưới mang húc phải. Buốt, đau hết đường nói” [13, tr.40]. Ngôn ngữ thể hiện cái nhìn hồn nhiên rất trẻ thơ. Niềm thích thú của những đứa trẻ khi được bắt cá, tắm sông cũng được diễn đạt bằng ngôn ngữ của chính các em: “cả mùa lũ đôi ba lần được bắt cá như vậy, đối với trẻ con đó là một ngày hội. Thằng nào cũng dính đầy bùn đất, sau đó lại được tắm đến chán chê. Làm gì có đông người cũng vui. Cả tắm cũng vậy” [13, tr.67].

Đặc biệt trong các đoạn đối thoại giữa các nhân vật trẻ em, các tác giả đã vận dụng ngôn ngữ riêng của tuổi nhỏ một cách nhuần nhuyễn, không gượng gạo mà rất chân thật rất hồn nhiên:

“- Mẹ kiếp! Thằng chó Tiếu! Bưu đứng phắt dậy hầm hầm nắm lấy ngực áo tôi, mắt nó muốn nuốt sống tôi. “Phịch”, thằng Bưu đẩy tôi ngã nhào vào bụi cây chó đẻ.

- Có mày là chó ấy! Tôi vặc lại.

- Thích không? Thằng Bưu sấn sổ giơ nắm đấm dí vào mặt tôi. - Đấm đi! Tôi cũng nóng gáy thách thức nó.

- Mày chui ở lỗ nào ra mà sợ rắn thế hả? Làm mất của ông mấy trăm ngàn… biết thế ông đếch cho theo! Nó quệt nước mắt

[30, tr.44]. Cách cãi nhau, gây sự này không thể thấy ở đâu khác ngoài ở trẻ con và cái kiểu giận dỗi cũng rất trẻ con ấy đã được tác giả khéo léo đưa vào tác phẩm góp phần khắc họa tính cách của hai cậu bé bướng bỉnh, nghịch ngợm.

Tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi ưa tiếng cười và sự hài hước, chính vì lẽ đó các tác giả đã dùng những từ ngữ mang tính chất hài hước kiểu khẩu ngữ đúng chất thiếu nhi như: Sợ cái cóc khô gì, làm quái gì, rất thiện nghệ, chẳng

thèm, thèm vào… (Đường về với mẹ Chữ); ông kễnh, vớ bở, té phở, như chơi… (Làng nhỏ); ăn thua gì, cóc thèm, tưởng bở, dễ ợt, … (Phía sau đỉnh Khau Khoang); chẳng lạ gì, thì khốn, thèm rỏ rãi… (Bên dòng Quây Sơn);

hết chỗ nói, phải công nhận, cóc thèm, còn khuya, không phải loại xoàng,rất chi là… (Những giấc mơ thời thơ ấu)… để đưa vào sáng tác của mình. Những từ ngữ mang sắc thái khẩu ngữ thiếu nhi này tạo nên một không khí vui tươi dí dỏm nhưng cũng rất mộc mạc trong tác phẩm, khiến cho độc giả cả trẻ em và người lớn đều bắt gặp chút tuổi thơ của chính mình trong đó.

Cách viết phù hợp, rất “trúng” với tâm lý lứa tuổi cũng như với tính cách, tâm hồn trẻ em khiến cho câu chuyện kể của các nhà văn Tày hiện lên gần gũi thân quen, không cần lên gân mà vẫn lôi cuốn hấp dẫn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)