Những em nhỏ cần cù yêu lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 55 - 58)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Những em nhỏ cần cù yêu lao động

Trẻ em nông thôn, miền núi từ lúc sáu, bảy tuổi đã biết phụ giúp gia đình những công việc đơn giản như chăn trâu, cắt cỏ, hay cùng bố mẹ lên nương đi rẫy. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” thông thường các em sẽ được cha mẹ giao cho những công việc phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên có khi vì hoàn cảnh gia đình các em lại trở thành lao động chính nuôi sống gia đình. Viết về thiếu nhi, các tác giả người Tày đã thể hiện rất rõ tinh thần lao động cần cù chăm chỉ của các thế hệ trẻ em vùng núi cao nước ta.

Hoàng trong Thách đố sinh ra trong một gia đình vô cùng nghèo khó, mẹ bệnh tật, bố mất từ lâu, mình Hoàng bươn chải lo liệu cuộc sống cho gia đình. Hàng ngày cậu chăm chỉ câu cá, kiếm thức ăn. Cậu còn không ngại bẩn thỉu, hôi tanh lấy ruột cá thối để chữa bệnh cho con nghé bị “nhan” cắn sắp

chết với hi vọng cứu sống được nó sẽ có con trâu cày ruộng, gia đình sẽ bớt khó khăn hơn.

Ò Pu (Núi Bọ Phạ trở về) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh không may mắn. Bố mất sớm lại không may bị tàn tật nhưng Ò Pu vẫn hàng ngày cùng mẹ làm việc, trồng cây, nuôi lợn, chăn trâu và chăm sóc các em. Chính một tay Pu, bằng niềm yêu thích cây cối đã tạo nên cả một khu đồi xanh tốt: “Thấy bất cứ cây ăn quả gì như bưởi, nhãn, vải, chanh… mọc hoang ở vệ đường hay gần bụi tre, Pu cẩn thận đánh về nhà trồng khắp xung quanh vườn. Õ Pu rất khoái ngắm vườn cây ăn quả của nó ngày càng cao lớn tốt tươi (…). Õ Pu đã phủ xanh được hai quả đồi trọc, ngày ngày Pu chăm trâu và chăm sóc rừng cây” [29, tr.13]. Tuổi còn nhỏ, lại tật nguyền mười lăm tuổi mà chỉ như đứa bé lên năm nhưng sự cần cù chăm chỉ của Pu đã đem lại nguồn sống cho cả gia đình. Nhờ vườn cây của Pu mà hàng tháng gia đình Pu được trợ cấp gạo ăn. Khi vườn cây ra quả lại đem đến khoản thu nhập lớn cho gia đình. Nhờ đó, mẹ Pu đã có số tiền lớn mà cả đời bà đến nằm mơ cũng không thể thấy được.

Cô bé A Ly trong A Ly không xuống chợ và bé Hảo trong Tấm lòng bè bạn cũng ngày ngày gánh trên đôi vai bé nhỏ của mình gánh nặng cơm áo và những lo toan cuộc sống. A Ly thì ngày ngày vào rừng kiếm củi còn Hảo thì đi bán kem. Cả hai em đều phải vất vả để kiếm sống. A Ly có bố và mẹ nghiện hút nên em phải lo cho cuộc sống của cả gia đình và lo cả thuốc phiện cho những cơn nghiện của bố mẹ. Còn Hảo phải bỏ học để phụ mẹ kiếm tiền nuôi người cha nghiện ngập. Hai cô bé dù phải chịu bao vất vả nhọc nhằn nhưng không một phút nào chán nản, các em vẫn hi vọng rằng ngày mai cuộc sống của các em sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt, các em vẫn yêu thương kính trọng cha mẹ mình bằng một niềm kính yêu không gì lay chuyển.

Cậu bé Bưu và các anh chị em của mình (Phía sau đỉnh Khau Khoang) cũng ngày ngày đóng góp sức lực dù là nhỏ bé cho gia đình mình. Những việc tưởng như là trò chơi lại cũng chính là những việc mang lại thêm

chút thức ăn cho bữa cơm hàng ngày của người miền núi. Cậu bé Bưu hàng ngày vào rừng nhặt nấm, tìm trứng gà rừng, ra suối lặn bắt cá… những việc ấy cậu làm vì thích nhưng cũng vì những gì cậu thu nhặt hái lượm được sẽ góp phần vào những bữa cơm hàng ngày của gia đình cậu. Thậm chí hành động liều lĩnh kéo đuôi con rắn hổ mang to như bắp tay người lớn quyết bắt được nó cũng vì muốn kiếm chút tiền phụ giúp bố mẹ. Hay các anh chị cậu đi đãi vàng dưới suối, chị cậu đi chặt cây “mạy tàn” về đan chiếu cũng đều vì mục đích giúp đỡ gia đình. Dường như tình yêu đối với lao động chảy trong huyết quản của những người con miền núi từ lúc bé thơ, đến khi khôn lớn trưởng thành tình yêu ấy cũng ngày một lớn.

Cheng (Mơ ước của Cheng) một mình nhận trách nhiệm chăm sóc hai chú hươu sao và cả một đàn bò nhưng lúc nào nụ cười cũng nở trên môi. Dáng vẻ Cheng lúc vừa đi cắt cỏ cho hươu về được quan sát dưới cặp mắt của người bạn cùng trang lứa hiện ra giản dị nhưng đáng khâm phục: “Tôi chạy ra cửa, suýt nữa thì va vào một cậu bé trạc tuổi tôi, dong dỏng cao, trên vai trĩu nặng một gánh lá vả, đôi tay đỏ tấy lên vì lạnh” [28, tr.11]. Hình ảnh đôi tay đỏ tấy vì sương giá của cậu bé chính là minh chứng cho sự lao động chăm chỉ của cậu bé và cũng là biểu hiện của tình yêu lao động ở cậu bé đáng mến này.

Những thiếu nhi miền núi giống như những con ong chăm chỉ ngày ngày cần cù tìm phấn hoa làm ra những giọt mật ngọt. Bằng khả năng lao động của mình, các em đã và đang giúp đỡ thậm chí là nuôi sống gia đình mình. Việc các nhà văn Tày đưa vào trong sáng tác cho thiếu nhi hình ảnh những em bé vùng cao cần cù lao động không chỉ với mục đích coi đó là tấm gương để giáo dục tình yêu lao động cho các độc giả của mình còn phản ánh những vất vả thiệt thòi của trẻ em miền núi so với trẻ em ở khu vực thành thị, từ đó góp phần cất lên tiếng nói kêu gọi cộng đồng có những hành động thiết thực để giúp cuộc sống của thiếu nhi vùng cao giảm bớt những nhọc nhằn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)