Ngôn ngữ giàu chất trữ tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 84 - 87)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Ngôn ngữ giàu chất trữ tình

Có tấm lòng gắn bó thiết tha với con người và cuộc sống, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp cảnh sắc quê hương và tâm hồn trong sáng của tuổi thơ miền núi, các nhà văn Tày trong quá trình sáng tác cho thiếu nhi đã lựa chọn thứ ngôn ngữ giàu chất trữ tình để tả, để kể và đã tạo nên những trang văn đẹp đẽ.

Độc giả không thể nào quên được những câu nói đầy hình ảnh mà Mí Dùng dùng để tả về màu sắc cho đứa em không may mắn bị mù từ khi mới chào đời: “Đúng rồi, màu đỏ ấm áp, rạo rực, mạnh mẽ như tiếng chim họa mi hót, màu đỏ giống như tiếng khèn mà trai bản mình thổi. Còn cái màu xanh lá cây, xanh của trời, núi nó như tiếng gió thổi nhẹ, như tiếng khen lá gái bản ta vẫn thổi, nó nhẹ thênh, mát rượi, nồng nàn như tiếng sáo của người H‟ Mông” [15, tr.48]. Những màu sắc cụ thể được cậu anh trai so sánh bằng những hình ảnh trừu tượng để thỏa mãn trí tò mò và tâm hồn bay bổng của đứa em bất hạnh. Câu văn ngân vang như một điệu nhạc say đắm lòng người của đồng bào người Mông.

Đặc biệt khi tả cảnh núi rừng, các tác giả đã huy động tối đa thứ ngôn ngữ giàu hình tượng và biểu cảm để gợi lên vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ của quê hương vùng cao. Đây là cảnh rừng lúc sáng sớm và khi giữa trưa qua con mắt quan sát của những cậu bé lần đâu tiên được thực sự khám phá núi rừng:

- “Buổi sáng hôm đó thật đẹp trời. Mây mù bay lảng bảng báo hiệu một ngày nắng đẹp. Dòng sông đoạn này trôi lặng lẽ, sương phủ mơ màng như thực, như mơ. (…) Trước mắt tôi mở ra bao điều lạ. Lúc này sương tan, mặt trời vượt qua ngọn núi, tung xuống trần gian những tia vàng rực rỡ. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống phía khe, ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp leo tít lên

lưng đồi. Phía trước mặt là dãy Khau Cải màu xám xịt bí hiểm, giơ phần cớm nắng về phía chúng tôi” [14, tr.10- 11].

- “Tôi nằm ngửa mặt nhìn lên trời, bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng có đám mây trắng như bông lãng đãng trôi, những tia nắng xuyên qua vòm lá sả gài như muôn ngàn ống khói đậu xuống nền cỏ thành bông hoa nắng đung đưa, một đàn bướm đủ màu sắc: Đen, trắng, xanh lam, đốm… đuổi nhau bay vòng tròn đẹp như tranh vẽ.” [30, tr.41].

Bằng những từ ngữ giàu sức gợi tả, thiên nhiên quê hương miền núi hiện lên đẹp đẽ, yên bình trong niềm tự hào không giấu giếm của tác giả.

Những cảm xúc trong tâm hồn con người cũng được thứ ngôn ngữ giàu chất trữ tình, chất thơ diễn tả một cách hiệu quả. Tâm trạng của Chẩn ngày trở về thăm quê sau nhiều năm xa cách được Đoàn Lư ghi lại như sau: “Tuổi thơ xôn xao trong lòng anh khi nhìn thấy dòng sông xưa. Lão Dìn không còn nữa, nhưng anh thấy lão hình như vẫn đang sống, đang thong dong xuôi mảng theo dòng nước biếc đi về phía chân trời. Lão Dìn là người đầu tiên chắp cho anh đôi cánh, bay xa như con đại bàng đến mọi phương trời xa” [17, tr.110]. Chất trữ tình trong ngôn ngữ nghệ thuật đã phát huy tối đa hiệu quả của nó khi diễn tả những tâm trạng nhẹ nhàng, sâu lắng pha chút bùi ngùi như vậy.

Ngôn ngữ giàu chất trữ tình cũng chính là chất liệu làm nên những đoạn trữ tình ngoại đề trong sáng tác của các nhà văn Tày khi viết cho thiếu nhi. Nó đem đến cho người đọc những giây phút lắng đọng của cảm xúc:

- “Những hồi ức thời niên thiếu cứ hiển hiện trong đầu rõ mồn một, nhiều kỉ niệm đúng là những viên ngọc lung linh huyền diệu, nhưng có kỉ niệm lại là những viên ngọc đã hóa đá. Bước chân đã đến nhiều ngả, lồng ngực đã hít thở không khí ở những nơi xa lạ, đã ăn cơm, uống nước ở những góc biển chân trời nhưng quê hương vẫn đẹp hơn tất cả, vẫn đẹp hơn tất cả” [17, tr.79].

- “Cha sinh mẹ đẻ dặn rằng: Đây là nơi tổ tiên gốc cội nên phải chăm nom thờ cúng. Vâng con cháu sẽ xuân thu nhị kì chăm nom thờ cúng. Đây là nguồn nước nuôi cả bản ta lớn lên, mắt ta cũng nhờ nước mà sáng dần nên

phải biết giữ gìn. Vâng, con cháu sẽ ra sức giữ gìn, vậy thôi. Nhưng dù muốn hay không, tôi vẫn có ý thức về làng, vẫn thấy thương yêu bản ngay từ những lời răn dạy đầu tiên ấy” [10, tr.365].

Viết về cảnh sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn ở vùng núi cao nước ta, chất trữ tình được các tác giả sử dụng để thể hiện lòng cảm hương sâu sắc, nỗi day dứt chân thành: “Đất đai đấy, rừng núi đấy, một huyện mà mênh mông bằng cả tỉnh miền xuôi, nhưng bao đời nay, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi những người dân lam lũ ở đây. Đói rét, bệnh tật là bạn của đồng bào. Nhiều đứa trẻ nghĩ đến việc học cứ xa vời vợi như trong giấc mơ” [13, tr.6]. Nỗi xót xa ẩn chứa trong những câu văn nhẹ nhàng, sâu lắng. Hiện thực cuộc sống của đồng bào và thiếu nhi miền núi đã và đang là nỗi nhức nhối trong lòng các nhà văn người Tày yêu quê hương.

Sự thay đổi của cuộc sống, những hậu quả của việc khai thác thiên nhiên quá mức làm cho phong cảnh vùng cao đang có những biến đổi sâu sắc khiến những người con xa quê lâu ngày không khỏi ngỡ ngàng tiếc nuối: “Lũng Lầu (…) không còn tiếng chim ri ríu rít gọi đàn, sẻ núi cũng thưa thớt. Trên những đồng cỏ, trâu bò đang mải miết ăn, nhưng không còn những con sáo lẽo đẽo sau trâu tìm bắt cào cào, trên lưng trâu bò không có bóng dáng những con sáo đậu thảnh thơi. Cây gạo ven đường trụi sạch lá, qua tết sẽ nở bừng những bông hoa như ngọn đưốc nhỏ nhưng thiếu vắng những con quạ khoang, những con sáo đen xòe đôi cánh điểm trắng nhào lộn. Cuộc sống dường như tẻ nhạt hơn” [17, tr.115]. Đoạn văn đầy chất trữ tình trên nằm trong mạch cảm xúc của Chẩn, khi ngày trở về hình ảnh quê hương không còn vẹn nguyên như trong trí nhớ. Nỗi tiếc nuối về cái đẹp đã xa, khiến trong lòng Chẩn như có một khoảng trống không thể lấp đầy. Nỗi niềm của Chẩn phải chăng là của chính nhà văn và đoạn văn trên cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về hậu quả của việc khai thác thiên nhiên quá mức.

Có thể nói, ngôn ngữ giàu chất trữ tình là một trong những thế mạnh của các nhà văn người dân tộc khi sáng tác cho thiếu nhi. Từ các nhà văn người Thái như La Quán Miên, đến nhà văn người H‟Mông như Mã A Lềnh,

cho đến các nhà văn người Tày đều khai thác kiểu ngôn ngữ nghệ thuật giàu sắc thái biểu cảm này. Có lẽ do xuất phát từ lòng tự hào dân tộc nên các tác giả đã chọn cho mình thứ ngôn ngữ ngọt ngào đầy trìu mến để viết về cuộc sống, con người, thiên nhiên miền núi quê hương. Ngôn ngữ giàu chất trữ tình đã tạo nên những trang văn ngọt ngào thấm đượm những cảm xúc sâu lắng đem đến cho người đọc những rụng động sâu xa nhất của tâm hồn. Trong lòng độc giả đã ngân lên những điệu nhạc tươi vui trước cảnh đẹp quê hương, ngậm ngùi sâu lắng bởi tuổi thơ nhiều kỉ niệm đã “một đi không trở lại”, xót xa trước cảnh quê hương bị tàn phá hay trước cuộc sống thiếu thốn của trẻ em miền núi. Những cung bậc cảm xúc ấy là dư vị khó quên khi ta đến với sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi của các tác giả dân tộc Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)