Những em nhỏ vượt mọi khó khăn để học tập, thực hiện ước mơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 62 - 67)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Những em nhỏ vượt mọi khó khăn để học tập, thực hiện ước mơ

Cuộc sống khó khăn, giao thông đi lại bất tiện… là những chướng ngại vật vô cùng lớn đối với trẻ em vùng cao trên con đường đến trường. Nhưng cũng vì thế mà những học sinh vùng cao một khi đã quyết tâm học tập thì đều đạt kết quả tốt, bởi những khó khăn khiến các em coi học tập là con đường để thay đổi cuộc sống của mình, của đồng bào mình. Chính vì thế những con chữ có một mãnh lực vô hình khiến các em khát chữ còn hơn khát cơm, khát nước.

Những tấm gương vượt khó học tập đầu tiên phải kể đến là những cậu học sinh trong Đường về với mẹ chữ của nhà văn Vi Hồng. Hơn ba trăm cây số đường rừng với vô vàn những nguy hiểm không làm những học sinh từ Cao Bằng nản lòng trên con đường tìm về với “mẹ Chữ”. Cái đói, cái rét, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần họ đếu có cách để vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình. Quãng đường từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên hồi bấy giờ phải băng qua những cách rừng đại ngàn âm u như địa ngục, với hổ báo, chó sói và những đàn rết lớn, ấy vậy mà những học sinh Cao Bằng lúc mới đến trường chỉ có phương tiện duy nhất là đôi chân của chính mình: “Ngày đầu cuốc bộ được gần năm mươi cây số. Nhưng ngày thứ hai thì đôi chân cả lũ đều sưng vù lên! Lê lết mãi cũng chỉ được đoạn đường gần hai chục cây mà thôi” [7, tr. 12]. Nhưng những khó khăn đâu chỉ dừng lại ở đó, ở trường học, những học sinh Cao Bằng còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn khác như cái đói, cái rét: “Chúng tôi chăm chỉ học trong nghèo nàn, thường xuyên đói. Mùa đông mặc không đủ ấm. Chăn đắp chỉ là những chăn chiên cũ kĩ. Ba cái chăn chập vào nhau mà vẫn không kín hết mọi lỗ thủng. (…) Nhờ mỡ rẻ mà chúng tôi không đến nỗi sút cân lắm. Chính nhờ những cân thịt mỡ, nhất là mỡ chài, mỡ lá giúp sức chúng tôi học và học giỏi. Cũng nhờ có mỡ rẻ, nên mùa đông chúng tôi tạm chống lại được với cái rét, có ngày như cắt da cắt thịt của xứ Thái” [7, tr.23]. Cuộc sống trọ học của các cậu học trò đến từ Cao Bằng ở xứ Thái thiếu thốn trăm bề, mùa đông lạnh ôm nhau đắp chung chăn cho ấm, đến đêm có người lăn ra khỏi chăn nên bị cảm lạnh nằm viện cả tháng trời. Ăn uống cũng vô cùng kham khổ, những người con Cao Bằng chỉ có tiền mua thứ mỡ rẻ nhất là mỡ chài, mỡ lá rán lên lấy mỡ xào rau. Họ cố ăn cho nhiều mỡ để lấy sức học và lấy sức chống lại mùa đông rét mướt. Chuyện ăn ở là như vây, còn chuyện học cũng không kém phần gian nan. Ham học, hiếu học nhưng họ nghèo đến nỗi ngay cả thứ giấy xấu nhất, rẻ tiền nhất cũng không có khả năng mua để viết, cuối cùng một

“phát kiến vĩ đại” được đưa ra, giúp họ tạm thời đối phó được với khó khăn này: “Cụ thể là, cho vôi vào khoắng trong một cái nồi to rồi đun sôi lên, bỏ cả giấy đã viết vào ninh như ninh xương khoảng nửa tiếng thì vớt ra nhúng vào nước sạch để rửa rồi đem phơi khô. Những tờ giấy này dù là giấy trắng tinh hay giấy loại xoàng đều biến thành một màu vàng úa. Các dòng chữ viết cũ đã mất hẳn. Chúng tôi chủ yếu viết bằng loại giấy luộc với nước vôi này”

[7, tr.25]. Vượt qua tất cả những khó khăn, những đứa con của mảnh đất Cao Bằng xuống Thái Nguyên học tập đều có một kết quả học tập tốt, mỗi người đều trở thành “vua” trong một lĩnh vực học tập nào đó mà họ yêu thích. Quả thật khó khăn không thể ngăn được quyết tâm của những cậu bé có ý chí, mà đôi khi nó lại chính là động lực thúc đẩy con người ta nỗ lực thêm nữa để làm những gì mà họ khao khát.

Cũng trong sáng tác của Vi Hồng, Hoàng (Thách đố) cũng là một thiếu niên có quyết tâm sắt đá với niềm đam mê học tập của mình. Sinh ra trong một gia đình chỉ có mẹ, gia cảnh vô cùng nghèo đến cháo cũng không có để ăn, hàng ngày còn phải cố gắng kiếm cái ăn giúp người mẹ bệnh tật, nhưng Hoàng ham học và học giỏi: “Hoàng vẫn sáng sáng đi học, chiều chiều lại lên núi chăn trâu thuê và mang theo sách học bài (…). Chỉ có riêng Hoàng thì chẳng mấy khi vui với bạn bè. Bao giờ cậu cũng tìm một nơi vắng vẻ, xa nơi ồn ào để học bài làm bài” [6, tr.54 - 55]. Quả thực hiếm có cậu bé nào lại có thể từ chối sự hấp dẫn của những trò chơi để học bài như Hoàng. Cậu tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học bởi bận bịu với những việc nhà, việc đồng, Hoàng không có thời gian riêng cho việc học như chúng bạn. Cũng nhờ say mê học hỏi, nên Hoàng sớm hiểu biết và có được sự chín chắn mà bạn bè cùng trang lứa với cậu không có được. Sự hiểu biết giúp Hoàng vạch mặt được những trò lừa gạt của tảo Lăm Đăm, thức tỉnh được những người già mê tín trong bản. Hoàng chính là tấm gương cho những thanh thiếu niên trong bản noi theo, chính cậu cũng giúp Ang tránh được con đường hư hỏng, sai lầm trở thành người tốt.

Những cậu bé trong Làng nhỏ của Hà lâm Kỳ cũng có một tinh thần học tập ít người bì kịp. Cuộc sống trong chiến tranh, phải sơ tán tránh máy bay đi học về đêm nhưng không làm nản lòng những cậu trò nhỏ. Thậm chí những cậu bé tám chín tuổi, trên đường đi học gặp cả những con hổ khổng lồ, nhưng con đường ấy hàng đêm vẫn không vắng bước chân của những cậu trò khát chữ. Cuộc sống khó khăn, học tập vất vả, làm có người nản lòng, nhưng cũng không ít ngưới càng yêu việc học hơn nữa: “Học được hơn một tháng đã có đứa bỏ, nó bảo: “Đi nương thích hơn”. Bốn năm sau hết cấp một, lớp tôi từ hai mươi còn mười sáu. Ba năm tiếp chỉ còn lại năm đứa. Cả làng gọi chúng tôi là những thằng bé hiếu học, nó sáng dạ, nó biết lấy chữ làm cơm! Thương nhất là thằng Binh, thằng Binh ham học đến nỗi đi thả trâu, đi nương làm việc đồng, làm việc nhà là những công việc chính của ban ngày, còn việc học là công việc chính của ban đêm” [10, tr.370]. Ban ngày làm việc cùng gia đình, ban đêm sau khi mọi công việc đã xong mới ngồi vào bàn học, và hôm sau đến lớp với cái bụng đói, đến hôm nay vẫn là chuyện bình thường của học sinh nông thôn, miền núi.

Trong các sáng tác của Đoàn Lư, có không ít các tấm gương hiếu học. Chẩn trong Bên dòng Quây Sơn, do cảnh sống ở trọ học xa nhà có nhiều bất lợi nên quyết định hàng ngày đi đi về về quãng đường bốn mươi cây số vậy mà học tập lại ngày càng tiến bộ, vì Chẩn đã nghĩ ra cách học khắc phục được việc thiếu thời gian học bài ở nhà: “Vì phải đi về nhà mỗi ngày hết những tám giờ đi lại Chẩn ít có thời gian học bài ở nhà nhưng Chẩn đã có cách khắc phục. Ở lớp nó chú ý nghe giảng, cố hiểu và thuộc bài càng nhiều càng tốt. Trên đường về nhà trước khi trời tối nó vừa đi vừa cố nhớ lại nội dung bài giảng trên lớp của thầy giáo, chỗ nào không nhớ được thì mới mở vở ra xem” [17, tr.103]. Việc học trên đường về không những giúp Chẩn tiết kiệm được thời gian mà còn giúp quãng đường bốn mươi cây số như rút ngắn lại. Vừa đi vừa học khiến Chẩn quên bớt sự mệt mỏi và cả nỗi sợ hãi khi sáng tinh mơ hay khi trời tối sẫm, một mình đi trên quãng đường rừng

vắng lặng. Cách học của Chẩn là một cách hay mà mọi người có thể tham khảo để giảm bớt những áp lực học tập cho chính bản thân mình. Chẩn yêu việc học vì Chẩn nhận ra rằng: “càng hăng say học tập càng biết thêm nhiều điều mới mẻ, ước mơ cũng ngày càng đẹp. Càng học Chẩn càng thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn” [17, tr.105].

Trong Hạt giống bản H’Mông, cậu bé A KhiAo sinh ra và lớn lên trong cảnh sống lạc hậu, đói nghèo cả bản hầu như không ai biết chữ : “Gà, lợn, trâu, bò thả rông, chó săn, chó lớn, chó con tụ tập thành bầy. Đàn bà con gái suốt ngày cắm mặt vào những sườn dốc, tận dụng từng hốc đất tra bắp, trồng lanh. Đàn ông lặn lội khắp các ngả rừng ngọn núi săn thú, tối quây quần bên những vò rượu mua vui chứ không biết làm gì khác. Trẻ con chạy nhảy nhông nhông, cả ngày hun chuột bẫy chim, việc học hành chả ra ngô ra khoai gì cả” [13, tr.64]. Trong hoàn cảnh đó, A KhiAo được ông trưởng bản và cô giáo giúp cho đi học ở trường nội trú vì cậu là người đã được học nhiều nhất bản, họ coi cậu chính là “hạt giống”, là tương lai của bản nghèo. Trước kì vọng của mọi người A KhiAo đặt quyết tâm: “Quyết không trốn học. Hãy chịu khó chịu khổ một chút, mình sẽ cố gắng học thật giỏi. Cây ngô muốn tốt tươi thì trước hết hạt ngô giống phải khỏe khoắn” [13, tr.68]. Chắc chắn với suy nghĩ ấy A Khiao sẽ trở thành hạt giống tốt tươi của bản Mông, cậu sẽ không phụ lòng mong mỏi của mọi người sẽ học tập thành tài, để sau này trở về xây dựng quê hương.

Ngay trong bộ tiểu thuyết Lêna – Kítti, cô bé Lêna và các bạn của mình dù sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập nhưng không vì thế mà lơ là nhiệm vụ của mình. Hàng ngày cô bé và bạn bè mình không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức để thực hiện những ước mơ cao đẹp vì một thế giới ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Hay như cậu bé Pu trong Núi Bó Phạ trở về dù mặc cảm tật nguyền, gia đình khó khăn nên bỏ học từ sớm nhưng ước mơ được đến trưòng không lúc nào nguôi trong lòng cậu. Cậu vẫn tới nhìn qua khe cửa lớp xem cô giáo dạy học. Và cánh cửa

tới trường của cậu rộng mở trở lại, khi vườn quả của cậu mang lại nguồn thu lớn, còn cô giáo và các bạn ai ai cũng động viên cậu đến trường, hứa sẽ giúp đỡ cậu trong việc bài vở.

Các sáng tác của bốn nhà văn Vi Hồng – Hà Lâm Kỳ - Đoàn Ngọc Minh – Đoàn Lư đã mang đến những tấm gương trong việc vượt khó học tập. Những tấm gương ấy là minh chứng cho lòng hiếu học của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là nguồn động viên cho các thế hệ sau này soi mình vào để cố gắng phấn đấu học tập. Và không đâu khác, sự thành công của chính các nhà văn cũng chính là tấm gương cho các độc giả nhỏ tuổi noi theo. Ngày nay, con đường đến với “mẹ chữ” của các em nhỏ vùng cao vẫn còn vô vàn những vất vả khó khăn, nhưng hi vọng khi những cuốn sách của các nhà văn nói trên đến được tay các em, các em sẽ có thêm quyết tâm và nghị lực trên con đường chinh phục tri thức của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)