Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 80 - 83)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả nội tâm

Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, các nhà văn Tày khi sáng tác cho thiếu nhi cũng đã chú ý đến việc khắc họa nội tâm nhân vật. Những tâm trạng, suy nghĩ, những nỗi niềm của thiếu nhi miền núi được các tác giả khai thác khá tinh tế, tạo nên sự hấp dẫn của những trang văn.

Thằng Ang (Thách đố) vốn không được mọi người trong bản yêu quý. Người ta coi thường nó từ dáng vẻ, tính cách cho đến những việc nó làm, những lời nó nói ra. Ang thường làm mọi việc mà tảo Lăm Đăm sai bảo để nhận lấy những bữa cơm nguội hay những đồng tiền lẻ mà lão bố thí cho. Lão sai gì nó cũng làm, đặc biệt nó bỏ rất nhiều công sức để hát những lời hát

“ngợi ca” tài nghệ cao cường của lão thầy tảo trong việc đuổi ma trừ tà, bất chấp sự khinh ghét của những người xung quanh. Ang vốn không nghĩ ngợi nhiều, cũng chẳng lo xa. Nhà nghèo, đói ăn triền miên, mối bận tâm duy nhất của Ang là phải tìm cái ăn, mà phải là thứ có thể ăn ngay lập tức: “ Nó cũng chỉ ăn cắp những gì có thể cho vào mồm, nhai và nuốt ngay. Nó không như

một vài đứa trẻ hay ăn cắp khác. Thí dụ trèo lên câu mít nhà nào đó vỗ không có quả mít chín thì nó thôi ngay và chẳng hái quả nào. Còn thông thường, người ta vặt một hai quả đem giấu đi ở nơi nào đó trong rừng, vài hôm sau chín sẽ ăn. Đằng này nó không ăn cắp những thứ còn xanh đem dấm” [6, tr.34]. Cái đói, cái nghèo, và cả sự khinh rẻ của mọi người xung quanh khiến Ang trượt dài trên con đường tha hóa. Thế nhưng khi tảo Lăm Đăm thuê nó bằng rất nhiều tiền để đánh thuốc độc giết Hoàng thì Ang bắt đầu biết suy nghĩ vì: “Nó thấy thằng Hoàng rất tốt đối với nó. Nó chửi mắng, thằng Hoàng không chửi mắng lại. Hoàng chơi với Ang thân mật và không bao giờ tỏ ra khinh Ang. Đặc biệt Ang nhớ mãi thằng Hoàng đã hai lần cứu nó thoát chết” [6, tr.103]. Lần đầu tiên trong đời, suy nghĩ của Ang không còn chỉ là việc kiếm miếng ăn ngay trước mắt, nó đã biết băn khoăn về cách đối nhân xử thế của con người. Trong đầu Ang luôn vang lên câu hỏi: “Một con người tốt như thế sao ta lại nỡ giết nó” [6, tr.103]. Chính vì thế Ang đã quyết định kể cho Hoàng mọi chuyện và nhờ Hoàng kết hợp để lừa tảo Lăm Đăm một số tiền lớn. Suy nghĩ của Ang chứng tỏ nó đã bắt đầu trưởng thành, biết hướng thiện. Có thể nói rằng, trong sáng tác cho thiếu nhi của Vi Hồng, Ang là nhân vật có nội tâm phong phú, phức tạp nhưng cũng rất thú vị. Nhìn chung, các tác giả miền núi dưới ảnh hưởng của bút pháp truyền thống thường xây dựng nhân vật với tính cách thuần nhất, tốt xấu rõ ràng. Nhưng với Ang, con người đã được nhìn nhận bằng cái nhìn biện chứng, nhiều chiều. Ang hiện lên trên trang sách sống động như giữa đời thường.

Cậu bé Tiếu (Phía sau đỉnh Khau Khoang) luôn khao khát được một lần về quê ngoại để thỏa sức khám phá núi rừng quê hương. Chính vì thế khi mẹ về quê em đã lặng lẽ trốn theo. Quãng đường đi bộ, trèo đèo, lội sông suốt một ngày trời với người lớn đã không phải là dễ dàng, thế mà cậu bé tám tuổi nhịn đói suốt một ngày trời vẫn cố gắng đi đến đích. Tính cách ấy có thể gọi là sự bướng bỉnh của một đứa trẻ, nhưng nếu nhìn bằng cặp mắt độ lượng hơn thì đó chính là sự dũng cảm và quyết đoán. Sự kiên định của cậu bé càng bộc lộ rõ hơn khi cậu kiên quyết không ăn quả táo mua đem biếu ông: “Lúc này,

như có cả đàn kiến hung dữ đang bò lổn nhổn trong bụng tôi. Chợt nhớ đến quả táo to trong túi quần áo, tôi vội mở ra. Quả táo nửa trắng, nửa đỏ thơm nức! Tôi đưa lên miệng định cắn… Bụng sôi òng ọc… Thế nhưng, lần đầu về thăm ông ngoại lại chẳng có quà gì ư? Tôi phân vân, xoay xoay quả táo một hồi rồi quyết định cất vào trong túi áo, cố chịu đựng cơn đói khát đang giày ” [30, tr.15 - 16]. Quyết định không ăn quả táo dành biếu ông với một cậu bé tám tuổi đang trong cơn đói cồn cào không phải là một quyết định dễ dàng. Ở cái tuổi lên tám, ham ăn, ham chơi, không phải bất cứ em nhỏ nào cũng làm được như Tiếu. Để làm được điều đó, hẳn Tiếu đã phải làm một cuộc đấu tranh nội tâm vô cùng quyết liệt. Hành động tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, qua đó tấm lòng thơm thảo của cậu bé đối với người ông đang ốm đã được thể hiện một cách sâu sắc nhất. Tiếu xứng đáng trở thành tấm gương của lòng hiếu thảo và sự kiên định cho những độc giả nhí học tập.

Các nhân vật trong Kỉ vật cuối cùngChim ri núi đều mang trong lòng quyết tâm đấu tranh giải phóng đất nước. Do đó, dù trong những tình huống hiểm nghèo nhất, những thiếu niên yêu nước ấy vẫn luôn một lòng hướng về sự nghiệp chung của cả dân tộc. Giặc vào làng mà vẫn chưa có ai đánh mõ báo động, Lồng không suy nghĩ được gì khác là phải làm thế nào để báo động cho mọi người biết: “Cái mõ làng vẫn treo lơ lửng trên cây dọc. Chúng nó đi đâu để giặc vào làng mà không biết? Trời ơi! Lồng như muốn nhắm mắt lao đến. Quẳng chiếc nỏ xuống đất, Lồng dùng tất cả sức lực ôm ghì lấy cây dọc to, leo lên” [10, tr.37]. Đoạn độc thoại nội tâm trên đã cho chúng ta thấy tấm lòng yêu nước nồng nàn của cậu thiếu niên dũng cảm. Một lòng hướng về cách mạng, Lồng đã đặt lợi ích chung lên trên sự an toàn của bản thân. Bởi thế Lồng không băn khoăn nhiều mọi suy nghĩ của cậu đều vì kháng chiến.

Trong Hạt giống bản H’Mông, tác giả Đoàn Lư đã rất thành công trong việc khắc họa tâm lí của cậu bé người Mông lần đầu tiên phải xa nhà, đi học nội trú. Nỗi nhớ nhà, cộng với việc chưa quen cách ăn ở, sinh hoạt ở môi trường mới khiến A KhiAo buồn vô cùng: “Hầu A KhiAo buồn lắm. (…) Mới

mười một tuổi đã phải xa bố mẹ, xa em Xía, đứa bé út mập mạp và thật xinh. Ở tít tắp phương trời xa A KhiAo không sao quên được cái bản Mông Ón nghèo xác xơ của mình. Hầu A KhiAo còn buồn nhiều bởi chưa nói thành thạo tiếng phổ thông nên học thấy khó vô cùng cho dù ở bản Mông Ón, A KhiAo thuộc loại nhiều chữ chỉ đứng sau cô giáo Phương Thúy Băng. Hầu A KhiAo còn thấy khổ và buồn vì ở đây không được lao động chân tay và không có cơm ngô để ăn, thay vào đó là cơm độn mì sợi, nấu vào vạc nhiều khi vón thành cục nát bét, ăn với canh mùng tơi ngấy tận cổ” [13, tr.92]. Do mật độ cư trú thưa, nhiều khi cả huyện miền núi rộng lớn mới có một trường cấp hai cho nên trẻ em miền núi thường phải trọ học xa nhà từ rất sớm. Cuộc sống trọ học thiếu thốn, nỗi nhớ nhà và nhiều khi cả sự bất đồng ngôn ngữ khiến cho việc học trở nên gian nan gấp bội. Do đó tâm trạng, nỗi buồn của A KhiAo cũng chính là tâm trạng, nỗi buồn chung của rất nhiều thiếu nhi người dân tộc đang đi tìm “cái chữ”.

Bằng việc hóa thân vào nhân vật, những diễn biến tâm trạng của thiếu nhi miền núi được các tác giả bộc lộ trực tiếp ngay trong lời kể của người trần thuật. Những buồn vui, những nỗi niềm của nhân vật thể hiện trong trang viết đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng nhưng vô cùng xúc động. Qua sáng tác cho thiếu nhi của các nhà văn Tày, ta nhận thấy những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của thiếu nhi miền núi. Nhưng, nhìn chung thế giới nội tâm của các nhân vật còn khá đơn giản, những nhân vật có diễn biến tâm lí như Ang chưa nhiều. Đây cũng là một hạn chế trong sáng tác cho thiếu nhi của các nhà văn Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)