Trẻ em miền núi yêu quê hương và gắn bó sâu sắc với nguồn cội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 58 - 62)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Trẻ em miền núi yêu quê hương và gắn bó sâu sắc với nguồn cội

Niềm tự hào và tình yêu sâu sắc đối với quê hương là bản chất của mỗi người con mang dòng máu Việt. Riêng với đồng bào miền núi tình yêu quê hương càng trở nên sâu đậm thiết tha, bởi để xây dựng nên mảnh đất quê hương thì mồ hôi công sức và cả máu xương của biết bao thế hệ đã đổ xuống. Ngay trong những trang mở đầu của tác phẩm Bên dòng Quây Sơn nhà văn Đoàn Lư đã có những lời bộc bạch rất thiết tha: “Người Tày sống dọc theo dải biên giới này không có gì mãnh liệt hơn tình yêu quê hương bản quán. Họ đã phải bỏ ra nhiều xương máu để bảo vệ tình yêu đó, nhưng không phải lúc nào họ cũng thích nói ra những điều thầm kín trong nỗi lòng, nhất là với người lạ, người vùng cao vốn nói ít làm nhiều” [17, tr.3]. Và người vùng cao cũng có những cách rất riêng để nhắc nhở con cháu về tình yêu với quê hương bản quán. Cậu bé Chẩn ngay từ những ngày còn đỏ hỏn đã được ông nội cho tắm nước dòng Quây Sơn để sau này lớn lên đi đến đâu cũng “luôn yêu luôn nhớ quê nhà”

[17. tr.9]. Cô bé Lêna – Kítti trong bộ ba tiểu thuyết viễn tưởng Lêna - Kítti sinh ra trong thời đại mọi người ăn thức ăn tổng hợp để sống nhưng vẫn được bà được mẹ nấu cho ăn những món quê nhà (như cá kho với riềng), vẫn uống nước chè xanh và đặc biệt vẫn được ăn món kẹo truyền thống của của người Việt Nam là kẹo mạch nha như một cách nhắc nhở về nguồn cội, về truyền thống.

Còn nhà văn Vi Hồng trong Đường về với mẹ chữ, ngay từ khi được gia đình quyết định cho xuống “xứ Thái” học chữ, thì người ông nội đã hàng ngày ra bờ suối cố tìm cho được một hòn sỏi quê hương thật đẹp cho đứa cháu mang theo để nhớ tới quê nhà: “Từ ngày bố mẹ họ hàng tôi bàn cách cho tôi đi học tận xứ Thái thì ông nội tôi đã đi tìm hòn sỏi cho tôi mang theo. Sau ba tháng tìm kiếm, ông nội tôi đã chon được một hòn sỏi có hình quả hót màu hồng, gân tía, ánh sắc biếc xanh. Một hòn sỏi kì diệu. Nó đẹp hơn các hòn sỏi của lũ bạn tôi” [7, tr.66 - 67]. Hòn sỏi ấy theo những người con của mảnh đất Cao Bằng trong tất cả những ngày học tập vất vả gian nan. Mỗi bữa nấu ăn hòn sỏi ấy lại được thả vào nồi canh để những người con xa quê có được chút

hương của đất, của nước quê hương thấm đượm trong nó. Mỗi năm khi tết đến xuân về, dù xa xôi đến mấy, dù tốn kém đến đâu, những người con xa quê đều trở về nhà để cùng gia đình sum họp trong một cái tết đầm ấm và nhất là trong giờ phút giao thừa được thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên cùng người lớn trong nhà xin với tổ tiên phù hộ cho con đường học hành được may mắn thuận lợi. Tình yêu quê hương sâu sắc trong lòng mỗi nhà văn đã truyền qua ngòi bút, để mỗi trang viết là một bài học sâu sắc giáo dục tình yêu quê hương và mỗi nhân vật là một tấm gương về tình cảm dành cho xứ sở.

Hà Lâm Kỳ trong hai tập truyện Kỉ vật cuối cùngChim ri núi đã tái hiện cuộc sống, quá trình chiến đấu và cả sự hi sinh của những thiếu niên vùng cao dũng cảm, những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống Pháp bảo vệ quê hương. Kỉ vật cuối cùng kể về qua trình thành lập và những chiến công đầu tiên của Đội thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch mà Thọ làm đội trưởng. Mười lăm tuổi, luôn đau đáu trước cảnh quê hương bị giặc tàn phá, Thọ đã tự mình tìm đến với cách mạng, đến với kháng chiến. Sau đó được cấp trên tin tưởng cậu đã tích cực vận động những người bạn cùng chung chí hướng đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Từ đó những người bạn Thọ, Liên, Lồng, Uyên, Dần, Dảo… trở thành những đồng đội của nhau, kề vai sát cánh bên nhau trong mọi nhiệm vụ cách mạng giao. Lời hứa đoàn kết chiến đấu không được nói ra bằng lời nhưng lại vô cùng sâu sắc: “Thay mặt các đội viên, Thọ chém một nhát dao thật mạnh vào mô đất đỏ Gò Bằng, mỗi người nhặt một viên bằng đầu ngón tay cái đưa cho Dần, Dần nắm tất cả lại thành một khối tròn rắn chắc” [10, tr.25. Trong nhóm bạn có Uyên là người có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả, bởi cha Uyên là chánh Lự - người có quan hệ với Pháp. Nhưng tình yêu nước trong Uyên đã chiến thắng tất cả, chính Uyên là người nghĩ cách lấy bản kế hoạch lập đồn mà bọn Pháp giao cho cha mình để đưa cho Việt Minh. Còn Lồng trong một lần bị địch bắt mặc cho chúng dùng những lời đường mật, dùng thức ăn ngon và một cuộc sống sung sướng dụ dỗ nhưng cậu không hề bị mua chuộc mà vẫn một lòng hướng về cách mạng.

Lồng còn mưu kế, vờ như nghe lời để thoát được đòn roi và sự tra tấn của quân thù. Mưu kế mà một cậu bé còn non nớt trong quá trình hoạt động cách mạng nghĩ ra đã qua mắt được tên sĩ quan Pháp một cách ngoạn mục. Cuối tác phẩm ai nấy đều xót xa đau đớn trươc sự hi sinh của Thọ. Bố mẹ bắt lấy vợ sớm, Thọ phản đối bằng cách bỏ nhà ra đi theo cách mạng và gửi lại người bạn gái mà mình quý mến chiếc áo để thùa nốt khuy cổ như một lời ước hẹn. Nhưng không ngờ đó chính là kỉ vật cuối cùng mà Thọ để lại. Bởi sau đó trong một trận đánh, khi Thọ cướp được khẩu súng giặc thì anh đã bị địch bắn và hi sinh.

Cái chết của Thọ là nỗi đau vô cùng đối với các đồng đội nhưng cũng là động lực để các bạn tiếp tục chiến đấu trả thù cho anh. Có lẽ vì vậy nên Hà Lâm Kỳ viết Chim ri núi, tác phẩm được coi là phần tiếp theo của Kỉ vật cuối cùng. Trong Chim ri núi những người bạn lại sát cánh bên nhau trong công cuộc kháng chiến. Chiến thắng có, mất mát hi sinh cũng có (Nhan bị địch tra tấn đến chết, Lồng bị trúng đạn lịm đi trong vòng tay yêu thương của bạn bè). Những điều đó càng tô đậm thêm tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương ngoan cường của những người con vùng núi.

Trong Làng nhỏ cô giáo của làng tổng kết cho đến thời điểm ấy cả làng đã có 47 người con hi sinh trong hai cuộc kháng chiến. Làng nhỏ trong câu chuyện là một làng kháng chiến, từ phụ nữ, người già cho đến em nhỏ đều có các tổ chức yêu nước của mình. Cho nên ông đội trưởng đội sản xuất đã có câu nói rất hóm hỉnh rằng: “Người già có hội mẹ chiến sĩ, thanh niên có phong trào làm thật kĩ, trẻ con có đàn gà chống Mỹ, thế thì nhất định thằng giặc Mỹ sẽ phải thua dốc tĩ” [10, tr.377]. Trong những bài học hàng ngày các em nhỏ cũng được các thầy cô giáo nhắc nhở về tinh thần cảnh giác với những âm mưu của bọn gián điệp, việt gian. Tình yêu quê hương đất nước đã chuyển thành động cụ thể của cả người lớn và trẻ con. Điều đó đã tạo thành nguồn sức mạnh to lớn giúp nhân dân ta làm nên những chiến thắng hiển hách vang dội khắp năm châu.

Quả thực đúng như những lời nhà văn Đoàn Lư viết ở đầu tác phẩm

Bên dòng Quây Sơn, tình yêu quê hương đất nước của người miền núi luôn thể hiện bằng những hành động cụ thể chứ ít khi trực tiếp nói ra bằng lời nói. Lão Dìn hàng ngày làm nghề đánh cá, ít nói đến thầm lặng nên rất ít người biết rằng lão vẫn hàng ngày tìm cách giúp đỡ Việt minh bằng tất cả khả năng của lão. Cậu bé Chẩn và bạn bè của mình không quản vất vả nặng nhọc xin được giúp đỡ người lớn vận chuyển hàng hóa vũ khí cho cách mạng. Dù mệt nhưng ai nấy đều vui vì giúp được một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến của đất nước. Chẩn còn có sáng kiến gia cố bè mảng thành những chiếc mảng có hai tầng để vận chuyển vũ khí vừa nhanh, vừa được nhiều lại đỡ tốn sức lực. Trong lòng lúc nào cũng hướng về kháng chiến nên dù làm gì, Chẩn cũng suy nghĩ xem có thể giúp được gì cho kháng chiến. Những lời của Phùng khi về phép kể rằng bộ đội rất thiếu quần áo, làm Chẩn băn khoăn mãi, và cuối cùng đã nẩy ra một sáng kiến tuyệt vời: “Hay là mua vải về may quần áo gửi ra ngoài mặt trận. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Chẩn. Mình sẽ giúp sức lão Dìn đánh cá để có tiền, thanh niên trong bản cũng sẵn sàng ủng hộ thêm” [17, tr.77]. Không chỉ riêng Chẩn mà cả gia đình Chẩn cũng rất tích cực ủng hộ kháng chiến. Bố Chẩn tham gia vào đoàn dân công vận chuyển hàng hóa vũ khí, gia đình Chẩn ủng hộ cho cách mạng nhiều tấn lúa, nhiều con trâu, thậm chí họ còn bán cả ngựa để mua súng cho cách mạng.

Những mạch nước kể lại hành trình đi tìm nguồn nước cho dân bản của cậu học sinh Lỳ Sang. Lỳ Sang đi học xa nhà, trong những ngày về nghỉ hè cậu đã thấm thía được cái khổ của dân bản khi ngày ngày phải đi cõng nước xa đến hàng chục cây số, một giọt nước đổi giọt mồ hôi. Vì thiếu nước nên cái đói, cái nghèo lại càng nặng nề thêm, dân làng đã dao động trước lời lẽ của kẻ xấu chuẩn bị bỏ bản mà ra đi. Quyết tâm tìm ra nguồn nước để mọi người bớt khổ và cũng là để giữ chân dân làng, Lỳ Sang đã không quản khó khăn, ngày ngày trèo núi băng rừng để tìm mạch nước. Công sức cậu bỏ ra đã không uổng phí, nước đã về với dân bản, dù không thật nhiều nhưng cũng đủ

làm dịu cơn khát của mọi người, làm những giọt mồ hôi bớt mặn. Nhưng quan trọng hơn, Lỳ Sang đã tuyên truyền vận động được bà con không nghe lời kích động của kẻ xấu mà bỏ bản bỏ làng. Ý thức về trách nhiệm công dân trong con người cậu cộng với truyền thống yêu nước của gia đình đã khiến cho Lỳ Sang làm được việc lớn. Những thế hệ trẻ như Lỳ Sang chính là hi vọng, là tương lai của đồng bào miền núi nước ta.

Các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn truyền thống yêu nước chống ngoại xâm để bảo vệ vùng đất biên cương của dân tộc. Bằng những tấm gương yêu nước, các nhà văn đã bước đầu giáo dục các độc giả nhỏ tuổi của mình về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Khi đất nước không còn giặc xâm lược, thiếu nhi miền núi lại thể hiện tình yêu nước bằng niềm tự hào về dân tộc, về sự gắn bó và nỗ lực góp phần xây dựng quê hương. Tình yêu nước, yêu quê hương trong thời kỳ đất nước có chiến tranh chính là cầm súng tham gia kháng chiến như Thọ (Kỉ vật cuối cùng) hay góp công sức cho cách mạng như Chẩn (Bên dòng Quây Sơn) còn trong thời bình đôi khi chỉ đơn giản là mang theo mình hòn sỏi quê hương như Vi Hồng và các bạn khi xa quê (Đường về với mẹ Chữ), hay quyết tâm không bỏ học của A KhiAo (Hạt Giống bản Mông) và nỗ lực tìm nước cho dân bản của Lỳ Sang (Những mạch nước)… Dù thể hiện bằng cách này hay cách khác, tình yêu, sự gắn bó với quê hương vẫn luôn là mạch nguồn chảy mãi trong dòng máu của các thế hệ thiếu nhi miền núi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)