Ngôn ngữ mang sắc thái dân tộc Tày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 89 - 93)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Ngôn ngữ mang sắc thái dân tộc Tày

Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc luôn là nỗi niềm đau đáu trong lòng những người con yêu quê hương, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc. Các nhà văn Tày viết cho thiếu nhi cũng như các nhà văn dân tộc thiểu số khác luôn có ý thức về việc dùng chính những sáng tác của mình để góp phần giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Trong các sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi, các tác giả dân tộc Tày đã đa vận dụng tối đa ngôn ngữ mang sắc thái dân tộc Tày như là một cách để thể hiện lòng tự hào và góp phần bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa và tri thức dân tộc.

Sắc thái ngôn ngữ dân tộc Tày thể hiện trước hết ở việc các nhà văn đưa các thành ngữ, tục ngữ của dân tộc Tày vào trong các sáng tác một cách nhuần nhuyễn. Chẳng hạn như người Tày có câu: “Ong muỗi đốt vuỗi không ra, ong vang đốt vàng con mắt, ong đất đốt giật chân trâu, ong giời nâu gặp đâu đốt đấy” [10, tr.378]; “Đầu tháng trăng non, ong giữ con, con mập. Cuối tháng trăng già, ong giữ nhà, già xác” [10, tr. 380] hoặc “Mua ông ra hoa thì ta quải mạ, mua bà ra hoa thì ta xuống cấy” [10, tr. 390]… Trong Những giấc mơ thời thơ ấu, bên cạnh việc miêu tả các loài chim, tác giả cũng khéo léo đưa vào những câu thành ngữ của người Tày liên quan đến các loài chim đó, ví dụ như nói đến chim chích có câu “Bỡ ngỡ như chim chích vào rừng”,

chim chích mà ghẹo bồ nông” [18, tr.86]. Khi Nen đối diện với hổ dữ trong chốn rừng già, tác giả đã dùng câu “gan người to thì gan hổ teo” [5, tr.33] để kết luận về việc hổ đã phải bỏ chạy trong cuộc đối đầu với cô gái bé nhỏ đó. Những kinh nghiệm sống của đồng bào miền núi đã được truyền lại cho con cháu bằng những câu nói ngắn gọn, mộc mạc, dễ hiểu. Qua lời dạy của cha ông, trẻ em miền núi biết tập quán sinh sống của các loài ong, biết mùa vụ cấy trồng, biết cư xử khéo léo, đúng mực. Những bài học bổ ích đó sẽ là hành trang quý báu cho các em mang theo trong suốt cuộc đời.

Không chỉ sử dụng những thành ngữ, tục ngữ đã được dịch ra tiếng phổ thông, các tác giả còn mạnh dạn đưa vào sáng tác của mình những thành ngữ tục ngữ hoàn toàn bằng tiếng dân tộc. Đến với các sáng tác cho thiếu nhi của các tác giả dân tộc Tày, bạn đọc biết được rằng “nốc ngòi tha, ma ngõi pác” nghĩa là “xem mõn chó, ngó mắt chim” đây chính là kinh nghiệm trong việc chọn giống vật nuôi của người Tày. Câu nói ngắn gọn, đơn giản nhưng để có được nó thì lại là cả một quá trình quan sát lâu dài của người xưa. Câu “rạc may tẩn, rạc cấnx ríx, pì noọng tang quây, bấu cơ pì noọng bản láng” (được tác giả dịch sang tiếng phổ thông là “rễ cây ngắn, rễ người dài, anh em xa không bằng anh em trong bản”) nhắc nhở cháu con về sự gắn bó của con người ta với quê hương, nguồn cội. “Hân khản tức tó” là câu nói nhắc nhỏ con cháu rằng, làm gì cũng vậy, phải biết đoàn kết, nhẫn nại và dũng cảm như “cáo khản đánh ong” thì mới có thể đạt được thành công. Như vậy, bằng việc đưa các câu thành ngữ, tục ngữ của dân tộc mình vào trong tác phẩm, các tác giả đã bước đầu giới thiệu đến độc giả kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào người Tày.

Ngôn ngữ dân tộc Tày cũng được các nhà văn đưa vào trong các sáng tác của mình. Trong Bên dòng Quây Sơn có một đoạn văn rất thú vị trong đó hai bên giao tiếp một bên là người và một bên là chú chim yểng:

Sau một lúc lưỡng lự, con yểng cất tiếng hỏi anh Thuần bằng tiếng Nùng - Tày

Anh Thuần cười trừ, không đáp. Nó lại hỏi tiếp: - Kin khẩu xằng?

Anh Thuần lại cười. Tính anh ta vẫn vậy mà. Khối kẻ còn cho là khinh người. May có nụ cười và ánh mắt lúc nào cũng vui vẻ kéo lại. Con yểng hỏi lần thứ ba:

- Lạo có kin khẩu xằng? (Ông anh ăn cơm chưa?)

Chết nỗi anh Thuần vẫn không đáp lễ. Anh không muốn tin ở tai mình, anh thấy lạ quá, chim mà nói sõi tiếng người. Anh đang chủ định mở miệng nói với chú Đỉnh về con yểng thì bất ngờ con chim yểng chuyển sang nói bằng tiếng Kinh:

- Ăn cơm chưa? Biết nghe không đấy? Anh Thuần chột dạ vội lắp bắp trả lời: - Kin dá” [18, tr.60 - 61].

Bà Cậy, mẹ của ò Pu (Núi Bó Phạ trở về) là một nhân vật có cách sử dụng ngôn ngữ rất đặc biệt. Mọi câu nói của bà bao gờ cũng đan xen cả tiếng Kinh và tiếng Tày. Xây dựng một nhân vật như vậy, tác giả đã khéo léo đưa trực tiếp ngôn ngữ dân tộc mình vào trong tác phẩm mà vẫn hoàn toàn tự nhiên, không gượng ép Bà nói với Pu về chuyện con lợn cậu nuôi như sau: “Con thả “mu rảo” (lợn rừng) vào “chang goọc” (chuồng) thì làm sao nó chịu? (…). Tốt nhất là cứ “pioocí oóc” (thả ra) chứ còn làm thế nào” [29, tr.41].

Trong quá trình đưa tiếng dân tộc Tày vào sáng tác văn học các nhà văn luôn chú ý lựa chọn tuyển lựa kỹ càng, đó thường là những từ ngữ, những câu thăm hỏi, cách gọi, tên gọi, thuật ngữ văn hóa đã ăn sau trong nếp sinh hoạt của bà con dân tộc Tày. Bên cạnh đó, các nhà văn cũng luôn phiên dịch ra tiếng Việt để bạn đọc không phải là người am hiểu tiếng Tày có thể tiếp nhận được.

Các nhà văn cũng sử dụng nhiều tên gọi địa phương bằng tiếng Tày để tạo nét riêng cho sáng tác. Những từ xung hô như “” (ông), “báo” (anh), “ò” (thằng), “ché” (chị)… xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Tên các giống loài cũng thường được các tác giả gọi bằng tên gọi địa phương . Những từ này

không chỉ được dùng để tạo không khí miền núi mà còn bởi khi dịch ra tiếng Việt sẽ không tìm được các giống loài ấy ở vùng xuôi. Trong sáng tác của các tác giả người Tày viết cho thiếu nhi, ta thường xuyên bắt gặp những danh từ như: cây “cáng lò”, cây “mạy phéc”, nấm “mạy piảo”, cáo “hân gà”, cáo “hân súng”, súng “tả lống”, cá “mản tuể”, cá “vài váo”, cá “pja gò lài”…. Các vật dụng quen thuộc với đồng bào và thiếu nhi dân tộc như “lù cởi” (cái gùi), “cọn nặm” (guồng nước)… cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó các địa danh trong các sáng tác cũng được tác giả gọi bằng những tên gọi địa phương như: thị trấn Pác Mjàu, huyện Co Xàu, núi Bó Phạ, kéo Khau Khoang, rừng Khuổi Huống, mường Cốc Nặm… và nhiều địa danh khác được đưa vào tác phẩm đã góp phần tạo nên “bầu khí quyển” của cuộc sống và con người miền núi. Những danh từ bằng tiếng Tày ấy mang đến một không gian thiên nhiên đậm chất núi rừng, đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi những kiến thức thú vị về núi rừng giàu đẹp của đất nước.

Ngoài ra, các tác giả còn đưa vào sáng tác của mình những tiếng kêu cửa miệng của người dân tộc mỗi khi ngạc nhiên, sợ hãi hay tức giận như: “phjạ ơi”, “đin phjạ ơi”, “à lối”... Những từ này khi dịch ra tiếng Việt sẽ không thể trọn vẹn ý nghĩa của nó đồng thời nếu để các nhân vật nói ra bằng những từ tiếng Việt thì sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa của người dân tộc.

Như vậy, ở phương diện ngôn ngữ các nhà văn người Tày viết cho thiếu nhi không chỉ phản ánh được điệu tâm hồn của dân tộc mình mà còn góp phần bảo tồn và phát huy được tinh hoa văn hóa dân tộc cũng như ngôn ngữ dân tộc – một vấn đề rất quan trọng khi mà hiện nay có tình trạng một số ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, nhiều khi lối diễn đạt và ngôn ngữ dân tộc lại chính là một nhược điểm trong sáng tác cho thiếu nhi của các nhà văn dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như trong sáng tác của Đoàn Lư, mật độ sử dụng các từ phủ định “không” một cách dày đặc khiến cho câu văn trở nên đơn điệu, thậm chí là thiếu mạch lạc. Ví dụ như: Trong tiểu thuyết Lêna – Kítti Cô bé siêu nhân: “Để qua được các kỳ thi thì không dễ dàng như việc học bởi máy tính không biết tình cảm

với ai, vả lại lúc này giảng viên không thể điều chỉnh sinh viên bằng điểm như những thế kỉ trước” [19, tr.77]. Trong Lêna – Kítti Thiên thần của tình yêu: “Hôm qua trường Đại học Âu Lạc cũng phong hàm giáo sư cho nó nhưng nó kiên quyết không nhận bởi nó thấy không xứng đángkhông cần thiết vì nó không giảng dạy cho sinh viên” [20, tr.94]. Với nhà văn Vi Hồng, ảnh hưởng của lối nói Phuối pác, Phuối rọi với lời văn chau chuốt đôi khi không phù hợp với độc giả nhỏ tuổi. Đây là một đoạn đối thoại giữa Nai Nị và Hoàng trong Thách đố: Nai Nị nói với Hoàng “Chẳng thể kéo bố em về con đường rộng thẳng để xa con đường lầm lạc của bố em đâu. Em biết lắm. Em đã mười bốn, anh mười lăm. Chúng ta chưa thật là người lớn, nhưng chúng ta cũng chẳng là trẻ con. Em và anh đều đã đi học. Ngần ấy chữ nghĩa đủ làm sáng con mắt của chúng ta nhiều. Anh có thấy đúng không anh Hoàng? (…) Cảm ơn anh đã dành cho em những lời khen đẹp. Nhưng em làm sao thông minh bằng anh. Chẳng qua chúng ta ở những hoàn cảnh khác nhau thì phải chịu những thân phận khác nhau. Nhưng anh đừng lo, đừng buồn, chúng ta sẽ bắc cầu gỗ lim, trải ván gỗ ghiến, nối hai bờ ngăn cách” [6, tr.71]; Đáp lại lời Nai Nị, Hoàng nói:“Tôi là con nhà nghèo. Còn Nai Nị là con nhà nghìn lạng vàng. Tôi là con chim cun cút luồn gốc rạ, Nai Nị là phượng hoàng bay tận cao xanh. Nai Nị là mặt trời chói chang giữa đỉnh đầu, còn tôi chỉ là một đoạn sào ngắn. Đoạn sào ngắn làm sao chòi được mặt trời… Đoạn sào ngắn khều mặt trời, mặt trời không thể rụng. Cũng như tôi đây, tôi ước Nai Nị khác nào con khỉ què ước quả xoài chín mõn chót vót cao, chẳng khác gì con cóc dưới gầm sàn lại ước mơ bay giữa trời cao. Thôi đi Nai Nị, đừng lừa tôi nữa” [6, tr.114].

Các hình ảnh như phượng hoàng, chim cút, mặt trời... hay lời văn có nhịp điệu khiến cho độc giả nhỏ tuổi không dễ tiếp cận và thấu hiểu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)