Thiên nhiên hoang dã ẩn chứa những hiểm nguy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 44 - 48)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Thiên nhiên hoang dã ẩn chứa những hiểm nguy

Thiên nhiên hoang dã cho đến nay vẫn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn đối với con người. Những cánh rừng ngọn núi, những dòng sông con suối hiền hòa, yên ả nhưng trong chốc lát có thể lại nổi cơn thịnh nộ đe dọa con người. Bởi vậy trong các trang văn viết cho thiếu nhi các tác giả cũng viết nhiều về một thiên nhiên vô cùng dữ dội ẩn chứa những hiểm nguy. Và con người muốn chiến thắng được những thử thách gian nguy ấy thì phải có một sức mạnh được tạo nên từ sự hiểu biết, lòng can đảm, sự đoàn kết của tập thể.

Trong những sáng tác cho thiếu nhi, các nhà văn Tày đã đưa bạn nhỏ đến với một thế giới thiên nhiên hoang dã với vô số những gian nguy không thể lường trước. Những loài động vật như hổ, báo, rắn rết… luôn đe dọa đến sự an toàn của đồng bào miền núi đặc biệt là các em nhỏ.

Là loài mãnh thú đáng sợ nhất của núi rừng, chúa sơn lâm luôn là câu chuyện đáng sợ mà các thế hệ trước kể lại cho con cháu mình. Thậm chí đến cả những chú bé trên đường đến lớp cũng có thể phải đối mặt với chúa sơn lâm bất cứ lúc nào: “Rồi một hôm tôi với thằng Nghị đến lớp, hai đứa vừa đi vừa hát bài “Ông giẳng ông giăng” thì nghe đánh roạt, một con cọp từ đâu nhảy phốc ra ngồi chồm hỗm giữa lòng đường. Hai đứa đứng sững sờ, la hétt ầm ĩ nơi rừng vắng. May quá con cọp vằn vèo, dài như chiếc chăn bông cuộn

tròn, lại đánh phốc một cái lên bè giang trước mặt” [10, tr.373]. Con đường đến trường của các em nhỏ miền núi đầy những hiểm nguy đe dọa. Để được với các con chữ, những học sinh miền núi các em không chỉ có lòng ham học, mà còn cần một trái tim dũng cảm.

Quãng đường đi học của những học sinh Cao Bằng đầu tiên xuống Thái Nguyên học tập phải đối mặt với vô số hiểm nguy: “Chúng tôi chỉ sợ hổ, sợ gấu là chính. Ngoài ra chúng tôi cũng sợ những đàn chó sói đông hàng trăm con kéo nhau đi lúc nhúc từ núi này đến rừng khác Nếu trong lúc ngủ mà chó sói tấn công thì quả là vô cùng nguy hiểm. Vì chúng tôi không kịp đối phó. Nhất là trong đêm tối. Hơn nữa khi đã có máu chảy thì lũ chó sói trở nên hung hăng gấp bội” [7, tr.19]. Và quả thực những cậu học trò Cao Bằng trên con đường đến với “mẹ Chữ” đã nhiều lần giáp mặt với hổ. Thậm chí họ còn phải đánh nhau với hổ để bảo toàn tính mạng của mình: “Hổ ngồi im, tôi cũng dạng chân, đứng tấn cầm dao nhọn thủ thế (…) hổ phun nước bọt ào ào xối xả như một ngọn thác đập vào mặt tôi (…). Tôi cũng hét to lên và làm động tác như lao vào nó. Tôi tiến hai bước, hổ lùi hai bước” [7, tr.54]. Hiện thực này cho thấy những khó khăn, vất vả của học sinh miền núi khi đến trường. Với các em, con đường đến trường không chỉ thơ mộng, đẹp đẽ mà còn rất nhiều vất vả, thậm chí hiểm nguy đôi khi phải đổi chính sự an nguy của bản thân. Bạn đọc khâm phục trước ý chí và quyết tâm học hành, chinh phục tri thức và thực hiện ước mơ của trẻ em miền núi.

Trong truyện Tôi trở thành võ sĩ, nhà văn thông qua câu chuyện người ông kể cho cháu đã đem đến cho độc giả một câu chuyện về một cậu bé dũng cảm đánh nhau với hổ để cứu cha và trả thù cho mẹ: “Hổ thọt say mồi, nên không để ý đến cậu bé đang theo dõi cuộc chiến. Thấy bố đang trong cảnh nguy hiểm, cậu bé nhảy vào tiếp sức, cây đòn dài những ba sải tay giáng mạnh vào lưng hổ (…). Hổ thọt cũng phi thân bay qua “loỏng” há cái miệng rộng ngoác, cậu con trai nắm chắc cái đòn xóc đâm một nhát cực mạnh vào

cái miệng đỏ lòm kia từ độ cao vài thước trong khi lão hổ thọt đang chúc người từ trên không định lao xuống ngoạm vỡ sọ cậu thiếu niên dũng cảm” [12, tr.98 - 99]. Tình yêu cha mẹ, cộng thêm lòng dũng cảm đã khiến cậu bé dám đối mặt chiến đấu với hổ dữ. Sự dũng cảm của cậu đã cứu sống người cha đang lâm nguy và trả thù cho người mẹ đã bị hổ vồ chết. Khi đối mặt với hiểm nguy những thiếu niên miền núi đã tỏ ra dũng cảm một cách phi thường. Đó là là tấm gương dũng cảm và là niềm tự hào của những thiếu niên miền núi. Cũng nhờ tấm gương của cậu bé, nhân vật Tôi trong câu chuyện đã từ bỏ những trò nghịch ngợm như chọc phá những con vật hiền lành bé nhỏ để chuyên tâm học tập và tập võ với mong ước lớn lên sẽ làm được điều gì đó có ích cho quê hương đất nước.

Những loài thú dữ của núi rừng đâu chỉ có hổ báo. Đó còn là những đàn rết khổng lồ mà con rết chúa to như một cái đòn gánh. Những đàn rết đông hàng trăm con là mối hiểm họa khôn lường cho bất cứ ai kém may mắn gặp phải chúng. Trên con đường vượt rừng đến trường Vi Hồng và những người bạn của mình tưởng như đã phải đối mặt với tử thần khi gặp phải đàn rết đi kiếm ăn: “Tôi thấy lũ rết không lao xuống đường, mà lũ chúng, một con to bằng mái chèo và hàng trăm con to bằng chiếc đũa cả, tất thảy đều ngóc đầu nhìn lên phía tôi. Tôi lập tức quay xe lên dốc, cố nhiên tôi đem hết sức mình chạy cho thật nhanh. Lũ rết đuổi theo tôi mỗi lúc một nhanh. Nhất là con rết chúa vừa chạy vừa nhảy từng đoạn. Nó văng mình như một chiếc khăng với cái mào bầm máu (…). Tôi định trèo lên cây thì bỗng từ dưới đường ào lên một đàn „hân gà‟ mười mấy con. Trong đó có hai con to hơn con mèo. Tôi biết đó là hai bố mẹ của lũ con “hân gà”. Một con hân gà to lao vào ngoạm con rết chúa. Nhưng rết chúa khỏe hơn, nó lao được xuống dưới đường. Cả đàn cáo cắn đàn rết hàng trăm con chết tơi bời. Lũ “hân gà” ăn đàn rết rau rau, hết sức ngon lành” [7, tr.64]. Có lẽ tác giả không thể ngờ rằng, câu chuyện về những đàn rết khổng lồ mà người già vẫn thường hay kể tưởng như một huyền

thoại kia lại là sự thực và chính mắt mình được chứng kiến, chính bản thân mình phải trải qua giây phút nguy hiểm cận kề khi đàn rết hàng trăm con đuổi theo.

Cậu bé Pèng trong Người làm mồi bẫy hổ đã chứng kiến một cảnh tượng vô cùng ấn tượng khi các con thú rình mồi: “Pèng bỗng sửng sốt: một con rắn hổ mang đang trườn rất êm từ trên sườn núi xuống. Đến gần vũng nước, con rắn dừng lại chăm chú nhìn con ếch to. Đối diện con rắn là một con cáo kiến cùng một đàn con có đến chín con cũng đang rình con rắn (…). Lại phía dưới có một con cáo to bằng con chó to cũng đang rình đàn cáo con (…). Con hổ già cũng đang rình con cáo (…). Con rắn lao phốc đến đớp con ếch, con ếch kêu eo éo được vài tiếng, con cáo kiến xông ra bắt con rắn. Con mẹ đè con rắn xuống dưới đất với tất cả sức lực dã thú của nó. Lũ con nhâu nhâu vào xé thịt con rắn. Con rắn vồng mình hết sức nhưng chỉ trong nháy mắt lũ cáo con đã ăn hết thịt con rắn. Con cáo mẹ cắn đứt cái đầu của con rắn nhai rau ráu. Con rắn chỉ còn cái khung xương nhưng cũng bò ngùng ngoằng chạy trốn… Bỗng con cáo to lao vụt đến vồ con cáo mẹ. Lũ cáo con tan tác. Con cáo mẹ chỉ kịp kêu một tiếng thảm thiết, cáo lớn đã xé thịt cáo kiến, máu chảy ròng ròng. Con cáo hơi lim dim mắt, vừa khoan khoái nhai thịt vừa nhìn Pèng như cảnh giác lại như thân thiện. Bỗng con hổ già từ bụi rậm xa xa nhảy ào đến” [5, tr.53 - 54]. Phải đặt mình vào vị trí của Pèng khi cậu bé đang ngồi trong lồng bẫy hổ thì mới có thể cảm nhận hết sự kinh hãi của cậu bé trước cảnh tượng đã diễn ra. Bằng ngòi bút miêu tả sinh động, tác giả đã tái hiện cảnh săn mồi vô cùng tàn khốc của các loài thú. Quả thực rừng già ẩn chứa biết bao nhiêu điều vô cùng lí thú nhưng cũng vô cùng nguy hiểm.

Sự nguy hiểm mà chốn núi rừng sâu thẳm đem đến đâu chỉ là các loài thú dữ, đó còn là những loài cây cỏ mà vô tình ăn phải thì sẽ ngộ độc, thậm chí có những loài trong tình huống này là món ngon ngọt nhưng ở hoàn cảnh khác nếu ăn vào lại có thể chết người. Những quả vả vốn ngọt lành nhưng khi đói ăn vào lại có thể say chết. Vi Hồng đã chút nữa thì mất hết những người bạn học của mình vì các bạn ăn quá nhiều quả vả rừng khi đang đói. Và có lẽ họ đã chết nếu như Vi Hồng không kịp cầu cứu người chủ quán trọ kiêm quán

cơm tốt bụng. May mắn là say vả, hay say sắn và các giống quả rừng thì chỉ cần được ăn mấy miếng cơm sẽ khỏi, cho nên khi người chủ quán trọ đã cứu được những cậu học sinh ham học đang gặp nạn. Thế mới biết để sống được ở chốn núi rừng thì con người ta cần phải có một sự hiểu biết nhất định về các loài muông thú, về các loài cây cỏ trong rừng. Câu văn trong Người làm mồi bẫy hổ của Vi Hồng như một sự tổng kết về rừng già: “Núi non trùng điệp lắm thú dữ, thú quý, lắm lâm thổ sản, lắm cây và vạn hoa nghìn quả: quả đeo dưới gốc, quả treo trên ngọn trên cành. Có quả lành vô cùng nhưng cũng có quả độc làm đứt ruột người” [5, tr.3].

Sự hoang dã thậm chí tàn khốc của thiên nhiên là một thử thách vô cùng khó khăn đối với các em thiếu nhi miền núi. Dù đi học, đi chơi hay đi làm phụ giúp gia đình bất cứ lúc nào các em cũng đều có thể gặp phải những nguy hiểm, đe dọa từ thiên nhiên. Nhưng bằng lòng dũng cảm, sự nhanh trí các em đều đã chiến thắng những thử thách ấy. Điều đáng nói ở đây là, những thử thách, những hiểm nguy của đại ngàn không làm các em tỏ ra sợ hãi trái lại trong nguy hiểm trẻ em miền núi lại càng được thư thách, chứng tỏ được bản lĩnh của mình đồng thời hiểu hơn, yêu hơn những cánh rừng quê hương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)