Giọng thủ thỉ tâm tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 94 - 95)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Giọng thủ thỉ tâm tình

Cảm hứng chủ đạo tạo nên giọng tâm tình trong sáng tác của các nhà văn người Tày khi sáng tác cho thiếu nhi là cảm hứng hoài niệm. Những kỉ niệm tuổi thơ luôn nguyên vẹn trong tâm trí của các nhà văn và được tái hiện một cách sinh động trên những trang viết của họ. Các tác giả sử dụng triệt để giọng điệu thủ thỉ tâm tình để giãi bày những cảm xúc, những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. “Bà nội tôi lòa cả hai mắt sau một trận vây bắt của giặc Pháp hồi đầu kháng chiến, nên bà trở thành cây chuyện cổ tích tại chỗ cho đám trẻ con ở bản. Mà đúng thật, ở bà có cả một kho truyện, truyện nào cũng sóng sánh như trăng giữa rừng, cũng ngọt như quả ngõa chín, cũng thơm như cơm lam đầu mùa vậy” [10, tr.368]. Những câu văn ngọt ngào, nhẹ nhàng như những kỉ niệm dịu êm trong lòng tác giả.

Xuất phát từ điểm nhìn bên trong, các tác giả kể chuyện như giãi bày và phân trần tâm trạng, cảm xúc của mình với người bên cạnh: “Đã 32 năm rồi. Ngày ấy tôi mới 6 tuổi, chưa được một lần xa nhà, chỉ quẩn quanh trong bản. Bố mẹ tôi làm ruộng nên cũng không có dịp đi đây đi đó như những người khác. (…) Tôi còn nhớ như in buổi sáng cuối mùa xuân năm đó. Những dấu ấn những sự kiện lớn của của đời người khó mà bị lãng quên. Lần đầu tiên trong đời tôi được đến núi” [14, tr.8, 9]. Và theo mạch cảm xúc đã được khơi, những kỉ niệm cứ thế tuôn trào như nước chảy ra từ mạch nước ngầm không bao giờ vơi cạn.

Không triết lý, không lên gân, giọng thủ thỉ tâm tình nhẹ nhàng đưa độc giả theo những câu chuyện, hòa vào cảm xúc của nhân vật và lay động mọi

sợi dây cảm xúc trong lòng người đọc: „„Lũng Lầu dù đang mùa đông nhưng cỏ non vẫn xanh rờn như không biết rét buốt, sương giá đang bao phủ. Song không còn tiếng chim ri ríu rít gọi đàn, sẻ núi cũng thưa thớt. Trên những đồng cỏ, trâu bò đang mải miết ăn, nhưng không còn những con sáo lẽo đẽo sau trâu tìm bắt cào cào, trên lưng trâu bò không có bóng dáng những con sáo đậu thảnh thơi. Cây gạo ven đường trụi sạch lá, qua tết sẽ nở bừng những bông hoa như ngọn đưốc nhỏ nhưng thiếu vắng những con quạ khoang, những con sáo đen xòe đôi cánh điểm trắng nhào lộn. Cuộc sống dường như tẻ nhạt hơn” [17, tr.115].

Kể về những khó khăn trong cuộc sống trọ học xa nhà Vi Hồng tâm sự: “Chúng tôi chăm chỉ học trong nghèo nàn, thường xuyên đói. Mùa đông mặc không đủ ấm. Chăn đắp chỉ là những chăn chiên cũ kỹ. Ba cái chăn chập vào nhau mà vẫn không kín hết mọi lỗ thủng” [7, tr.23]. Lời kể nhẹ nhàng, ngắn gọn, nhưng cũng đủ để hình dung những thiếu thốn của các cậu trò nghèo. Có lẽ, trong trí nhớ của nhà văn, mọi khó khăn đã trôi qua, trở thành một kỉ niệm cho nên giọng văn nhẹ nhàng đến thế.

Giọng điệu thủ thỉ tâm tình khiến cho những trang văn giống như một lời tâm sự. Các tác giả nhẹ nhàng nói chuyện với các độc giả của mình về cuộc sống, về thiên nhiên, về ước mơ và cả những hoài niệm. Mỗi trang sách cứ thế, theo những lời tâm tình mà đi vào trí nhớ bạn đọc, mở ra và đánh thức những xúc cảm sâu lắng nhất trong tâm hồn con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 94 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)