Những mảnh đời bất hạnh và niềm tin vào tấm lòng nhân ái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 67 - 72)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.4. Những mảnh đời bất hạnh và niềm tin vào tấm lòng nhân ái

Từ miền núi, miền xuôi đâu đâu cũng còn những mảnh đời nhỏ bé bất hạnh. Các em sinh ra không may mắn được hưởng sự ấm no hay sự an nhàn hạnh phúc mà ngày ngày phải vật lộn mưu sinh. Cái đói, cái rét hay thậm chí đôi là sự ghẻ lạnh của một số những người vô tâm ngày ngày dày vò tâm hồn non nớt của các em. Tuy nhiên những mảnh đời không may mắn đó vẫn sống một cách mạnh mẽ và chưa bao giờ từ bỏ khát vọng vươn lên.

Nhà văn Vi Hồng sinh ra, lớn lên và cầm bút viết trong cảnh sống thiếu thốn đủ bề, nên hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi bất hạnh của những người nghèo tới tận cùng của xã hội. Trong Người làm mồi bẫy hổ những mảnh đời bất hạnh đã được nhà văn miêu tả với những chi tiết xúc động lòng người. Hình ảnh của đứa bé con nhà nghèo mồ côi mẹ “gầy đét, da nhèo nhẽo như miếng giẻ rách lau chân lâu ngày bỏ quên” [5, tr.8] gợi nên trong lòng bạn đọc bao xót xa cho số kiếp đứa trẻ bất hạnh. Và liệu có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người cha khi tận mắt chứng kiến đứa con mình vì đói cơm khát sữa nên đã

rơi vào cảnh đau lòng: “Thằng Thàn của ông ngày càng béo lên. Lạ thế! Một hôm đi làm đến nửa chừng thì ông bỏ về, len len từ trên rừng sau nhà đi xuống. Không thấy thằng con của ông khóc, chỉ thấy con cún chưa đầy một tháng í oẳng cáu bẳn. Ông ghé mắt vào lỗ vách kinh ngạc: con Đăm đang nằm yên cho thằng Thàn bú. Thằng bé nuốt ừng ực. Ông trân trân nhìn, nước mắt chảy ròng ròng” [5, tr.9]. Đọc những câu văn trên, độc giả không khỏi nghẹn ngào thương cho đứa bé tội nghiệp và thương cho cả người cha nghèo đang bất lực trước sự đói rét của con mình.

Trong sáng tác dành cho thiếu nhi, các nhà văn Tày đã phản ánh một thực trạng nhức nhối đó là vấn nạn ma túy. Do thiếu hiểu biết, do tò mò, nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã vướng vào làn khói của nàng tiên nâu, kéo theo biết bao nhiêu đứa trẻ vô tội phải chịu cảnh khổ cực từ khi còn quá nhỏ. Những cô bé, cậu bé như Nen, Pèng (Người Làm mồi bẫy hổ), bé Sinh (tuổi thơ oan nghiệt), A Ly (A Ly không xuống chợ), Hảo (Tấm lòng bè bạn)… đều là những em bé bị đánh cắp tuổi thơ bởi chính sự nghiện ngập của cha, mẹ mình.

Nen và Pèng vốn dĩ sinh ra trong một gia đình sung túc, nhưng rồi người cha nghiện đã khiến cho của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cho đến khi chẳng còn gì để bán, ông liền nghĩ cách bán cả vợ con: “Bố Nen đã quyết định bán cả ba mẹ con cho lão Xấn Xáng, lấy một cân thuốc phiện đã sắc đã cô! Xấn Xáng và Thỉ bày đặt ăn uống tại căn nhà rạ của bố Nen một bữa cơm thật thịnh soạn. Bố Nen cùng Lạo Pản và Thỉ cười nói ngả nghiêng. Ba người uống rượu ướt ngực áo. Mẹ con Nen thì uống nước mắt” [5, tr.22]. Khói thuốc đã khiến người cha mất cả tình thương lẫn nhân cách, nhẫn tâm bán vợ bán con cho tên Lạo Pản vốn nổi tiếng ác độc. Chính vì quyết định này của cha, mà chị em Nen đã lần lượt bị lão Xấn Xáng biến thành con mồi sống để đem đi bẫy hổ. Trong Tướng cướp hoàn lương có chi tiết tướng cướp Lạo Lầu cứu sống đứa trẻ mới biết bò bị Ké Khoày – một tên nhà giàu

độc ác mang ra làm mồi bẫy hổ. Trước sự lộng hành của bọn nhà giàu, tính mạng trẻ em nghèo trong xã hội miền núi trước kia thật sự quá mong manh. Những em bé ngây thơ trở thành phương tiện để bọn nhà giàu kiếm tiền và giải trí. Là những con mồi trong lồng bẫy, cái chết đau đớn và kinh hoàng sẽ ập đến các em bất cứ lúc nào. Các nhà văn, bằng ngòi bút của mình, đã cho chúng ta thấy hiện thực thảm khốc của xã hội miền núi trong những năm tháng trước Cách mạng.

A Ly (ALy không xuống chợ) của Hà Lâm Kỳ mới mười lăm tuổi mà phải gánh trên vai gánh nặng của cả gia đình. Bố nghiện thuốc phiện rồi lôi kéo cả mẹ nghiện theo, hai người lớn trong nhà chỉ làm duy nhất một việc là nằm chờ thuốc phiện và những bữa cơm nghèo khổ mà đứa con gái nhỏ mang về: “Chưa kịp đặt bát cơm độn chuối xanh xuống sàn nhà, nước mắt đã chạy vòng quanh. Chỉ cần mấy cái lá ngón như thằng A Lử thôi, từ ngay mai A Ly không còn phải kiếm củi rừng nữa. Không đi kiếm củi thì cả bố cả mẹ chẳng còn tìm đâu ra thuốc phiện mà hút. Nghĩ vừa thương bố, vừa giận bố, vừa thương mẹ, vừa giạn mẹ. Dưới A Ly là bảy đứa em, tuổi A Ly mới mười lăm, mỗi ngày hai gùi củi xuống chợ huyện, một gùi đổi lấy gạo, đổi lấy bắp. Còn một gùi đổi thuốc phiện” [10, tr. 467]. Ta khâm phục A Ly vì sự chịu thương, chịu khó nhưng cũng xót xa vô cùng khi thấy trong suy nghĩ của cô bé mới mười lăm tuổi đầu kia, xuất hiện hình ảnh những chiếc lá ngón như là một sự giải thoát khỏi nỗi vất vả và cả những lời mắng chửi cay nghiệt của mẹ cha. Nhưng may mắn thay, mặc dù trong lòng nhiều khi xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực, nhưng rồi mơ ước, niềm tin “sớm muộn gì thì những cái cây độc ác trong vườn kia sẽ bị nhổ bỏ đi thôi” [10, tr.469] cộng với lòng yêu thương cha mẹ và các em đã trở thành nguồn sức mạnh cho A Ly để cô bé tiếp tục nỗ lực hết mình vì cuộc sống.

Cô bé Sùng Thị Sinh trong Tuổi thơ oan nghiệt sinh ra trong một gia đình giàu lên nhờ trồng cây thuốc phiện và những của cải ấy lại lần lượt theo

làn khói thuốc mà bay đi. Ông nghiện, bố nghiện và họ còn làm cô bé nghiện theo vì đã cho bé dùng sái thuốc mỗi khi đau ốm: “Mỗi lần con bé Sinh ỉa chảy, đau bụng, họ lại pha sái thuốc phiện cho nó uống. Và thế là bé Sinh bắt đầu nghiện thuốc phiện từ khi lên bảy tuổi” [12, tr.87]. Thấy đứa con gái út cũng nghiện nốt, bà mẹ tuyệt vọng đã dùng chính những viên thuốc phiện tự tử, để lại một gia đình toàn những người đang vật vã , tuyệt vọng vì đói thuốc, đói cơm. Số phận của Sinh sẽ đi về đầu khi sống trong một gia đình như thế? Câu hỏi cứ day dứt, trăn trở trong lòng người đọc về một sự thật nghiệt ngã nơi vùng cao bốn mùa mây phủ.

Còn bé Hảo trong Tấm lòng bè bạn cũng vì có người cha nghiện hút nên phải bỏ học đi bán kem để chia sẻ với mẹ nỗi vất vả mưu sinh. Cha đốt hết tất cả những đồng tiền hai mẹ con em kiếm được vào khói thuốc, Hảo vất vả, ăn đói mặc rách bị ốm mà vẫn phải đi bán kem rồi xỉu đi trong tay cô giáo và bạn bè. Nằm viện trong tình trạng nguy kịch nhưng bồi dưỡng cho em cũng chỉ là bát cháo trắng mà hàng sáng mẹ em để đầu giường trước khi vào rừng kiếm củi và bát mì tôm mua bằng những đồng lương nghèo nàn của các cô y tá giàu tình thương.

Miền núi là nơi lưu giữ nhiều phong tục độc đáo, là nét văn hóa đáng tự hào nhưng cũng là nơi còn tồn tại nhiều hủ tục khiến những người vô tội phải chịu bao nhiêu đau khổ. Trong Ma gà nhà văn Đoàn Lư kể câu chuyện về gia đình bé Na - những người bị dân bản coi là ma gà mang lại sự rủi ro bất hạnh. Mẹ Na vốn là cô gái rất xinh đẹp được nhiều người yêu mến. Nhưng sắc đẹp ấy lại mang đến bất hạnh khiến bà bị vu là ma gà nên ai nấy đều xa lánh, mãi đến khi tuổi đã lớn mới có một người từ xa đến bỏ ngoài tai cái tiếng ma gà mà cùng bà tạo nên một gia đình nhỏ. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, nhưng định kiến của xã hội lạc hậu lại tiếp tục đè lên đôi vai của đứa con gái nhỏ xinh đẹp chẳng kém mẹ. Na sinh ra và lớn lên trong sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh, không một ai chơi với em, ai cũng

có thể đánh, ai cũng có thể chửi em vì cho em là ma gà nối tiếp dòng máu ma gà của mẹ. Mọi bất hạnh của làng bản như người ốm chết, trâu bò gà vịt bị dịch bệnh họ đều đổ lỗi cho gia đình ma gà của em gây ra. Áp lực nặng nề đến mức cha mẹ em đã có lúc nghĩ đến việc bỏ xứ mà đi để tìm một nơi khác yên ổn sinh sống.

Ngoài ra, trong sáng tác của các nhà văn Tày chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những em nhỏ bất hạnh sinh ra không cha không mẹ như thằng Côi trong Kiềng ba chân (Đoàn Lư). Hay cậu bé ăn mày vô danh trong truyện ngắn Đứa ăn mày (Đoàn Ngọc Minh). Ngay từ khi mới sinh ra các em đã không được hưởng sự quan tâm của cha mẹ, hàng ngày phải lang thang xin ăn, một bữa cơm no, một giấc ngủ ngon cũng trở nên xa vời đối với những đứa bé mồ côi ấy.

Những em bé như bé Mỉ (Hoa núi – Đoàn Lư), Trà Mi (Cô bé nhặt hoa rụng – Đoàn Lư), Pu (Núi Bó Phạ trở về - Đoàn Ngọc Minh) sinh ra không được may mắn như bao nhiêu người khác khi các em không được ông trời ban cho một cơ thể khỏe mạnh vẹn toàn. Mỉ (Hoa núi) bị mù từ lúc mới sinh ra, cuộc sống xung quanh có biết bao nhiêu màu sắc nhưng với em thì chỉ toàn màu đen, tăm tối, đáng sợ. Pu bị khèo một chân do hậu quả của trận sốt từ khi mới lọt lòng khiến cho cậu bé mười lăm tuổi mà “trông còi cọc chỉ bằng đứa trẻ lên năm” [29, tr.6]. Và cái thân hình nhỏ bé ấy lại phải gánh trên vai trách nhiệm của người anh cả trong gia đình. Ngày ngày Pu chăn trâu, trồng cây và chăm sóc các em giúp mẹ. Trà Mi (Cô bé nhặt hoa rụng) do di chứng của chất độc da cam nên có một khuôn mặt bất thường: “Tóc nó đỏ hoe cộc cớn, lốm đốm bạc, mắt nó bên to bên nhỏ, bên to thì lòng trắng chiếm gần hết, bên nhỏ thì mí trơ ra đỏ lòm. Đã vậy cái mũi nó lại to bè, bẹp dúm trông chẳng ra thể thống gì, cái trán thấp tè, gồ, cái miệng rộng trên môi còn vết sẹo phẫu thuật thẩm mĩ từ hồi còn bé tý. Cái cằm lẹm, răng màu xỉn, mọc lộn xộn, tai cũng bên nhỏ bên to” [15, tr.12,13]. Vì dáng vẻ ấy nên

bố mẹ không cho bé tiếp xúc với thế giới xung quanh, cũng không cho cô bé nhìn thấy khuôn mặt trong gương. Trà Mi sống trong ảo tưởng rằng mình xinh đẹp như một nàng công chúa nhỏ trong truyện cổ tích. Cô bé là một minh chứng tố cáo tội ác của chiến tranh. Biết bao giờ em mới hòa nhập được vào cuộc sống đời thường như bao đứa trẻ khác.

Viết về những mảnh đời bất hạnh, nhưng các nhà văn không vì thế mà khiến độc giả mất niềm tin vào cuộc sống. Thàn, Nen , Pèng trong Người làm mồi bẫy hổ tuy gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nhưng cuối cùng cũng đã được trở về quê hương, đoàn tụ bên nhau và hạnh phúc đã bắt đầu mỉm cười với họ. Bé Na và mẹ trong Ma gà cũng đã được rửa tiếng oan và sống yên ổn. Những nạn nhân của ma túy cũng đã được cộng đồng dang tay giúp đỡ. Cô bé Sùng Thị Sinh trong Tuổi thơ oan nghiệt được những cán bộ y tế cứu sống và đưa đi cai nghiện. Bé Hảo trong Tấm lòng bè bạn, đã được mọi người chung tay giúp đỡ trong lúc ốm đau, tạo cơ hội cho em trở lại trường học. Và cha em cũng đã hiểu ra lỗi lầm của mình nên hứa sẽ làm lại cuộc đời. Những mảnh đời bơ vơ cũng đã bắt đầu tìm thấy chỗ neo đậu của cuộc đời mình. Thằng Côi (Kiềng ba chân) cũng được mọi người giúp sức làm cho một căn nhà nhỏ để ở, và được đến trường.

Bằng việc đưa vào trong sáng tác của mình cái nhìn chân thực về cuộc sống qua những mảnh đời bất hạnh của những em nhỏ người dân tộc thiểu số sống ở miền núi nước ta, các nhà văn đã giáo dục cho độc giả của mình những bài học về tình người, về sự đùm bọc sẻ chia. Người đọc cảm thương và đau lòng trước những hiện thực khó khăn thậm chí là nghiệt ngã mà những em nhỏ đã và đang phải trải qua ở vùng núi cao nước ta. Những trang viết mang giá trị nhân văn sâu sắc đó sẽ đưa con người đến gần nhau hơn để cùng nhau xây dựng vùng biên cương của tổ quốc mỗi ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)