Thiên nhiên hùng vĩ kì thú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 40 - 44)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Thiên nhiên hùng vĩ kì thú

Đọc những trang văn của các nhà văn Tày viết cho thiếu nhi người đọc như lạc vào mê cung của những đoạn văn tả cảnh núi rừng, sông suối vùng cao vô cùng hùng vĩ và kì thú. Và phải chăng chính điều đó đã phần nào mang lại sự hấp dẫn cho những trang văn của các tác giả này. Đến với vùng cao là đến với những cách rừng đầy bí hiểm nhưng cũng chứa đựng bao điều lí thú. Ở nơi đó có những cánh rừng nguyên sinh, những dòng sông, ngọn núi, và thế giới các loài động thực vật phong phú.

Vốn sinh ra đã thấy rừng, lớn lên sống được cũng một phần nhờ vào những cánh rừng, nhưng thiếu nhi miền núi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ kì thú mà đại ngàn mang đến. Những cậu học sinh trên con đường tìm về với mẹ Chữ ngạc nhiên, sợ hãi xen lẫn thích thú trước cảnh: “Rừng đại ngàn trải ra trùng trùng điệp điệp tưởng như vô tận trong sương lam chiều mờ xa tít tắp. (…) Đèo Xẻ Pản gần như suốt ngày cây

khóc vì thiếu ánh mặt trời. Khi có con chim đậu, con sóc chuyền cành sương đọng từ những cành lá không bao giờ thấy ánh mặt trời cứ rơi rào rào như mưa mùa hạ. Suốt đoạn đường xuyên rừng dằng dặc, âm u hoang vắng đến điếc tai, mịt mù đến ngạt thở chỉ nghe thấy tiếng chim và tiếng dã thú” [7, tr.27] hay những cảnh: “Măng vầu, măng nứa mọc giữa đường tua tủa như chông gai của lũ quỷ rừng. Đường nhiều đoạn chui dưới mái đại ngàn âm u. Ánh sáng mờ mờ ảo ảo như men theo bờ vực thẳm của địa ngục” [7, tr.11]. Vốn đã quen với cảnh núi rừng vì sinh ra trên mảnh đất lắm núi nhiều rừng ấy thế mà con đường đến trường xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh vẫn gây ra bao ngạc nhiên cho những cậu học sinh Cao Bằng. Dưới cặp mắt quan sát của tuổi thiếu niên, những cánh rừng ấy hùng vĩ nhưng cũng rất đáng sợ như cảnh địa ngục hiện về từ câu chuyện ngày xưa của ông bà vẫn kể. Núi rừng vĩ đại đến mức vượt qua ranh giới của hiện thực, và trở nên hư ảo trong con mắt tuổi thơ.

Lần đầu tiên về thăm quê ngoại, Tiếu đã được cậu em họ dẫn đi khám phá những cánh rừng già nguyên sinh và dưới cặp mắt quan sát của cậu bé tám tuổi, đỉnh Khau Khoang quê hương thật vĩ đại: “Tôi lẳng lặng trao bi đông nước cho nó, mím môi, đổ người về phía trước; dốc đến nỗi tôi có cảm giác gót chân thằng Bưu sắp đụng vào trán tôi thì phải. Càng gần đỉnh kéo Khau Khoang rừng càng rậm rạp, những cây mỡ, cây chẹo, cây sồi… thân to bằng mấy vòng tay người ôm, cành lá um tùm” [30, tr.37]. Chuyến thám hiểm rừng già của hai cậu bé diễn ra thật vất vả khi phải vượt qua đỉnh dốc cao ngất, dựng đứng đến mức tưởng như gót chân người đi trước chạm vào trán người đi sau. Bên cạnh con dốc vĩ đại ấy còn là cánh rừng già với những thân cây to lớn vượt xa trí tưởng tượng của một cậu bé sinh ra ở thị trấn chưa một lần biết thế nào là rừng già đại ngàn.

Đây là một buổi sáng đẹp đẽ trong cặp mắt quan sát của những cậu bé trong chuyến đi cùng bạn bè vào rừng tìm cây mạy phéc về đan lồng bẫy chim: “Lúc này sương tan, mặt trời vượt qua ngọn núi, tung xuống trần gian

những tia vàng rực rỡ. Từ trên những đỉnh đồi nhìn xuống khe, ruộng bậc thang tầng tàng lớp lớp leo tít lên lưng đồi. Phía trước là dãy Khau Cải xám xịt bí hiểm, giơ phần cớm nắng về phía chúng tôi” [14, tr.11]. Có lẽ trong mắt trẻ thơ núi rừng luôn tồn tại những bí hiểm nhưng cũng đầy hấp dẫn khiến các em có chút sợ hãi và đồng thời lại kích thích trí tò mò khiến các em muốn khám phá, tìm hiểu sâu hơn. Có lẽ, tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên của trẻ em miền núi được nhen nhóm một cách vô cùng tự nhiên và giản dị như vậy.

Nói đến vùng núi cao phía Bắc nước ta là nói đến những ngọn núi đá vôi và núi đá vôi ở Việt Nam chủ yếu là những ngọn núi trẻ chưa bị thời gian và những biến động địa chất mài mòn nên núi đá ở Việt Nam khá cao và thường sắc nhọn. Chính những dãy núi đá vôi này đã tạo nên cho vùng núi nước ta một vẻ đẹp kì vĩ. Vì thế các nhà văn miền núi khi tả phong cảnh không thể không nhắc đến vẻ đẹp của những ngọn núi quê hương mình. Đây là những ngọn núi ở Bản Ngườm Kim cao như muốn chạm đến trời xanh, lại như cánh tay ôm ấp che chở cho dân bản: “Núi non ở đây hùng vĩ cao chót vót tận chín tầng mây, những vách đá dựng đứng như những tấm bình phong chở che cho bản nhỏ giữ được bầu không khí thanh bình” [12, tr.70]. Đọc những câu văn trên ta tưởng như mình đang đứng giữa bản nhỏ, ngước mắt lên cao, nhìn ra bốn bề chỉ thấy núi đá cao chạm tới tận trời xanh. Núi đá nơi đây như đang vươn cánh tay vĩ đại của mình ra che chở cho bản nhỏ trước những biến động của cuộc sống, để bản làng luôn có cuộc sống yên bình.

Trong các nhà văn người dân tộc Tày viết cho thiếu nhi, Đoàn Lư là người viết rất nhiều về sông và các con thác. Sông miền núi do địa hình hiểm trở nên thường lắm thác ghềnh. Những ghềnh thác tuy nguy hiểm nhưng lại tạo nên đươc những vẻ đẹp không gì sánh được, là minh chứng hùng hồn về sự vĩ đại của thiên nhiên. Người Cao Bằng nói riêng và người Việt Nam nói chung, ai ai cũng biết ở tỉnh Cao Bằng có thác Bản Giốc vô cùng hùng vĩ. Trong niềm tự hào chung đó, nhà văn Đoàn Lư - thông qua cặp mắt quan sát

của cậu bé Chẩn - đã tả thác Bản Giốc với tất cả tình cảm của một người con sinh ra lớn lên và lập nghiệp ở chính mảnh đất quê hương: “Thác Bản Giốc là một thác lớn, cao và đẹp, chiều rộng vài trăm mét, còn chiều cao thì ngửa hết cổ từ dưới nhìn lên còn chưa thấy hết, Chẩn đoán có khi phải cao đến vài chục thậm chí là cả trăm sải tay người lớn, nước tung bọt trắng, tạo thành hơi nước mát lạnh, bốc lên trời nghi ngút như những cột khói, dưới ánh mặt trời mùa hè, cầu vồng bảy sắc từ thác vắt lên đỉnh núi đá cao vút bên kia sông như muốn hút dòng nước biếc tưới cho đỉnh núi bớt phần oi bức” [17, tr.14 - 15]. Đọc những câu văn trên ta như thấy hình ảnh một cậu bé đứng dưới chân thác đang ngửa cổ, cố gắng nhìn lên đỉnh thác với tất cả sự ngưỡng mộ. Để đáp tấm thịnh tình của cậu bé, ngọn thác cũng hào phóng phô diễn tất cả vẻ đẹp vĩ đại của mình, từ những bọt nước trắng xóa, hơi nước mát lạnh cho đến cầu vồng bảy sắc hình thành từ hơi nước phản chiếu ánh mặt trời… Tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ lại rực rỡ sắc màu. Những câu văn trên gợi cho ta nhớ đến những câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Lư Sơn vọng bộc bố: “Phi lưu trực há tam thiên xích/ Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên”.

Cũng qua cặp mắt của Chẩn, Đoàn Lư đã giới thiệu cho bạn đọc những ngọn thác khác trên mảnh đất Cao Bằng như thác Thoong Khoảng, thác Thoong Ma… một cách đầy tự hào. Những ngọn thác này so với thác Bản Giốc có lẽ kém hơn về độ lớn nhưng chúng vẫn có vẻ đẹp riêng: “Thác Thoong Khoảng như một đập bằng đá cao gần chục sải tay, cắt ngang mặt sông, nước tuôn từ trên cao xuống thấp ầm ào muôn đời không ngừng không nghỉ” [17, tr.4]; “Thác Thoong Ma hung dữ vô cùng, dù chỉ có độ cao hơn chục sải tay, nhiều khúc gỗ rừng lao xuống thác này có thể bị bẻ gãy làm nhiều đoạn” [17,tr.5]. Những ngọn thác vừa “hung bạo” vừa “trữ tình” đã cùng nhau tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ cho mảnh đất Cao Bằng mà không nơi nào có được. Cặp mắt trẻ thơ đã quan sát những ngọn thác với tất cả niềm thán phục, say mê xen lẫn tò mò háo hức. Những con thác muôn đời vẫn chảy ào

ạt, mạnh mẽ như thế để cho các thế hệ trẻ em miền núi được cảm nhận vẻ đẹp bất diệt của quê hương.

Bằng những trang viết của mình các nhà văn đã tái hiện khung cảnh núi rừng Việt Bắc hùng vĩ hoang sơ và vô cùng lí thú. Điều đó tạo nên một không gian đậm chất miền núi, không lẫn với bất cứ một vùng miền nào khác của đất nước. Núi rừng trải dài trong những trang sách và trải dài trong tâm trí người đọc khiến ta không khỏi tự hào về vẻ đẹp của một miền đất nước. Thế giới thiên nhiên được miêu tả vô cùng đẹp đẽ, kì vĩ sẽ góp phần khơi gợi lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước của các độc giả nhỏ tuổi để từ đó các em có ý thức giữ gìn, bảo vệ, xây dựng quê hương bản làng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)