Thế giới loài vật thông minh, ngộ nghĩnh, đáng yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 72)

7. Cấu trúc luận văn

2.3. Thế giới loài vật thông minh, ngộ nghĩnh, đáng yêu

Thế giới loài vật luôn là một đề tài được các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi ưa thích và những tác phẩm viết về các con vật cũng luôn được các em nhỏ đón nhận một cách say mê. Trong văn học thiếu nhi Việt Nam, các độc giả đã quen thuộc với những câu chuyện về loài vật rất đáng yêu trong tác

phẩm của Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, trong thơ Trần Đăng Khoa hay gần đây nhất là trong một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh… Viết cho thiếu nhi, các nhà văn thường mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, để đưa ra những bài học giáo dục nhân cách, lối sống. Đến với sáng tác cho thiếu nhi của các nhà văn Tày, độc giả nhí cũng sẽ được làm quen với những loài vật gắn bó, gần gũi với trẻ em miền núi.

Ở miền núi, trâu là con vật nuôi quen thuộc trong các gia đình. Trẻ em ngoài việc học hành còn phải chăn trâu giúp đỡ bố mẹ. Chính vì vậy, con trâu đã trở thành con vật gần gũi, thân quen, thậm chí là người bạn gắn bó với tuổi thơ của các em. Trong Thách đố, Vi Hồng đã miêu tả rất thành công tình cảm của cậu bé Hoàng với chú nghé tội nghiệp. Từ một con nghé bị “nhan”

(ghẻ) cắn lở loét, bẩn thỉu sắp bị đem chôn, nhờ bàn tay chăm sóc của Hoàng, con nghé đã “hồi sinh” trở thành chàng trâu đực Vài Mu khỏe mạnh, dũng mãnh: “Vài Mu có tấm ngực nở, rộng thênh, chân to như cột nhà, đi đứng vững như cột đá. Cặp sừng cong như hai vành trăng khuyết. Gốc sừng to bè, mập mạp. Ngọn sừng nhọn như mũi giáo” [6, tr.23]. Vai Mu không chỉ là con trâu khỏe mạnh, dai sức, làm việc tốt mà nó còn là con vật nghĩa tình, có nhận thức. Khi làm việc có lỗi nó biết “run sợ, cúp đuôi, co mình lại, run cầm cập như một con cún con” [6, tr. 33]. Nó cũng biết thể hiện tình cảm nhớ thương dành cho chủ: “Con Vài Mu chạy đến trước mặt Hoàng. Một chân nó quỳ xuống, một chân sau duỗi ra, quệt quệt vào đất. Miệng nó “ngá ọ” từng tiếng khe khẽ. (…). Hai giọt nước mắt rất to lăn khỏi mí mắt trâu Vài Mu. Rồi hai giọt nữa, hai giọt nữa…” [6, tr.57 - 58]. Và Vài Mu cũng biết tỏ ra vui sướng, bẽn lẽn khi được khen: “Hoàng cứ thế mà reo hò. Trâu Vài Mu cười nhe cả lợi sún. Một chân nó quệt quệt xuống đất và nó đái. Nó đái mới lâu làm sao, cái đồ trâu đực” [6, tr.93]. Khỏe mạnh, khôn ngoan, dũng mãnh, nghĩa tình. Vài Mu dành được nhiều yêu mến của độc giả.

Chú chó có cái tên rất đỗi quê mùa trong Con Mốc của bác Luồng được tác giả miêu tả với một giọng văn dí dỏm: “Chàng Mốc không phải loại điển trai nhưng vóc dáng cao lớn, hoạt bát, khỏe mạnh, tai hơi cụp nhưng tinh ranh đáo để - nhiều cô bạn không ưa bộ lông mốc thếch của nó, nhưng không cưỡng lại được cái tính khảng khái, hào hiệp và dáng dấp hùng dũng của anh chàng

Mốc” [13, tr.10]. Mốc hiện lên với dáng vẻ của một chàng thanh niên mới lớn khiến cho độc giả thấy vô cùng thú vị. Đặc biệt Mốc lại vô cùng thông minh và có phần“tinh ranh”, đây là cảnh chú ta rình đàn khỉ đang phá nương ngô: “Con Mốc tính toán, rồi nó vụt chạy về phía bờ sông, vừa đi vừa sủa “ốp, ốp, ốp” giả đò như mải đuổi theo con thú nào khác, rời xa đàn khỉ. Thế rồi nó lặng lẽ đi vòng trở lại, nó tiến lại mỏm đá từ phía đằng sau. (…) Bập! Hai hàm khỏe đầy răng của con Mốc cắn vào bàn tay lông lá của lão khỉ già, khiến nó kêu thất thanh, thả mình rơi xuống như một quả bưởi rụng” [13, tr.13]. Cách miêu tả dí dỏm, độc đáo, cộng với nghệ thuật nhân hóa đã tạo nên được hình ảnh đầy ấn tượng của chú chó Mốc. Với một nhân vật độc đáo như vậy, có độc giả nhí nào lại có thể không thích thú say mê.

Trong Quái cẩu Pi - tơ - chun, tác giả đã để chú chó thông minh Pi - tơ - chun tự kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Vốn “sinh ra ở thành hố Đà Lạt mộng mơ” [16, tr.3] và có cuộc sống êm đềm bên ông bà chủ là những người rất yêu thương loài vật. Nhưng sóng gió đã ập đến với “cuộc đời” Pi kể từ khi ông bà chủ của chú mất vì tai nạn giao thông. Không còn người thân, không nơi nương tựa, Pi lưu lạc nhiều nơi. Bị bọn trộm chó bắt cóc bán cho Chiêu Pán (một tên người Trung Quốc ác độc), bị hắn bắt làm nhiều trò ác độc, Pi bỏ trốn và may mắn gặp được ngài Pi - tơ - li – một thương gia giàu có và hiểu biết, kể từ đó chú đã lập được nhiều kì tích trở thành một “siêu khuyển” nổi tiếng với trí tuệ và tài năng hơn người. Trong tác phẩm, tác giả đã để Pi tự bộc lộ những phẩm chất của bản thân mình: kiêu hãnh về tài năng, tự hào về phẩm chất, giàu lòng tự trọng, ý trí kiên định, tài năng và trí tuệ siêu phàm. Được viết bởi lối văn giả tưởng, câu chuyện cuộc đời Pi đem mở ra một thế giới mới mẻ hấp dẫn các độc giả nhí.

Có thể nói rằng, trong sáng tác của các nhà văn Tày, người trần thuật đã hóa thân vào nhiều nhân vật là các con vật thuộc các giống loài khác nhau và đối với mỗi nhân vật các nhà văn đều có cách khai thác vô cùng thú vị. Mỗi nhân vật đều là những nét tính cách riêng, có suy nghĩ, hoài bão, ước mơ.

Nhân vật chú khỉ King (Cuộc phiêu lưu của khỉ con), và chàng tê tê Xuyên Sơn (Ly kì Xuyên Sơn) thuộc “kiểu người” ưu mạo hiểm và thích khám phá. Sinh ra trong rạp xiếc, dù được yêu mến và quan tâm nhưng trong lòng khỉ King vẫn luôn đau đáu khát vọng được khám phá thế giới: “Cái đầu nó thường mơ đến những bến bờ xa lạ, đôi chân nó muốn đi đến cuối đất cùng trời. Tuy nhiều nơi King đã được đặt chân tới, nhưng nó biết thế giới này còn rộng lắm” [22, tr.7]. Còn chú tê tê Xuyên Sơn trong một lần tò mò xen lẫn nghịch ngơm, Xuyên Sơn đã đào thủng cả lòng sông và nhờ đó đã vô tình tìm ra một hồ nước mênh mông trong lòng đất. Những nhân vật như chó Giôn và mèo Miu (Giôn và Miu), chim sáo (Mơ ước tôt lành) lại giàu chất suy tưởng. Giôn và Miu luôn băn khoăn vì sao những thành viên trong gia đình nhà chủ của chúng lại đối xử không tốt với nhau. Chim sáo nhỏ sau những biến cố mà bản thân trải qua thì lại đau đáu trong lòng suy nghĩ “tại sao nhiều người lại thích bắn giết loài chim đến thế” [15, tr.36]. Bài học về đạo đức sống và tình cảm gia đình cũng như lời nhắc nhở hãy yêu thương bảo vệ các loài vật hiền lành nhỏ bé được đưa đến cho độc giả rất thú vị và sâu sắc. Chú Vẹt (Chuyện anh vẹt xám) thì luôn kiêu hãnh và tự hào vì chú có xuất thân từ “một giống vẹt thông minh nhất trong các loài động vật” [22, tr.24]. Thậm chí đến cả chuột Cống (Giấc mơ của anh chuột Cống) cũng biết mơ ước: “Anh Cống dù thuộc diện to lớn, nếu so với họ hàng nhà chuột nhắt thì anh ta là chuột khổng lồ, nhưng so với nhiều loài vật khác thì anh ta chưa là gì cả. Đấy là nói đến thân xác, chứ nói đến trí tuệ thì loài chuột cống khuya mới có thể ngang bằng chó mèo… được. Nghĩ đến điều này Cống chỉ muốn chết quách đi cho xong, trời chẳng công bằng chút nào cả. Chính vì vậy ngày nào Cống cũng mơ ước làm sao có một sự đổi mới” [22, tr.14].

Cánh Cam (Cánh Cam kiêu sa) là một cô bé rất nhút nhát hiền lành khi còn nhỏ, nhưng lớn lên lại “trở nên kiêu sa, thậm chí muốn bất chấp tất cả. Sáng nào cũng vậy, khi chị Nắng ló khỏi ngọn tre đến bên cây Chanh Yên, Cánh Cam mới vươn vai xòe đôi cánh nâu bóng” [10, tr. 457]. Cánh cam vì quá tự hào về

bộ cánh xinh đẹp của mình nên chỉ ham chơi, chải chuốt, quên đi nhiệm vụ học tập và lao động. Hình ảnh Cánh Cam có chút gì đó rất gần với sự nổi loạn của tuổi mới lớn. Nói chuyện Cánh Cam, nhưng qua đó tác giả muốn nhắn nhủ bạn đọc của mình đừng như Cánh Cam vì bộ cánh đẹp không phải là thứ giá trị vĩnh cửu. Mèo con đi dự hội lại là một câu chuyện về việc tôn trọng lời hứa, giống như Mèo Con, các em nhỏ đã hứa là phải làm bởi “người không giữ đúng lời hứa là người xấu đấy” [10, tr.450].

Qua những câu chuyện về loài vật, các tác giả đã mang lại cho độc giả những trải nghiệm thú vị. Ta đã có những giây phút xúc động trong sâu thẳm tâm hồn với trâu Vài Mu dũng cảm, tình nghĩa; thú vị trước sự tinh khôn của chó Mốc; hồi hộp với những chuyến phiêu lưu của chó Pi; thả sức tưởng tượng ở thế giới trong lòng đất của Xuyên Sơn, bật cười trước cách học tập thực dụng (ăn sách) của chuột Cống, không đồng tình với Cánh Cam vì chỉ biết ăn diện, yêu quý Mèo Con biết tôn trọng lời hứa… những trải nghiệm ấy sẽ trở thành những kỉ niệm khó quên đối với các em nhỏ yêu văn học. Đó cũng là những bài học bổ ích giáo dục cho các em về lẽ phải và cách làm người sâu sắc và ý nghĩa.

Tiểu kết

Các nhà văn dân tộc Tày đã mang vào trong trang văn viết cho thiếu nhi của mình những nét tiêu biểu nhất của cảnh sắc và con người miền núi. Đặc biệt với các em thiếu nhi, rừng núi là một thế giới vô cùng hấp dẫn, nơi đó có những bí mật cần được khám phá, có những hiểm nguy thử thách sự gan dạ, lòng dũng cảm và đó cũng là nơi tuổi thơ được trải qua những giờ phút thú vị êm đềm khi được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ tươi đẹp, được đón nhận nhưng món quà do thiên nhiên ban tặng.

Hình ảnh thiếu nhi miền núi cũng hiện lên trong các trang viết một cách vô cùng sống động. Đọc những tác phẩm của các nhà văn dân tộc Tày ta nhận thấy những nét đẹp trong tính cách các em, hiểu thêm về các em và từ đó trân trọng các em hơn. Thiếu nhi miền núi cũng giống như người dân nơi đây, nói ít làm nhiều, yêu và bảo vệ quê hương bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Thiếu nhi miền núi giàu lòng quyết tâm và nghị lực sống, dù cuộc sống có khó khăn thì các em vẫn không ngừng cố gắng vươn lên và chưa bao giờ mất đi niềm tin tưởng vào tương lai.

Bên cạnh đó, các tác giả cũng xây dựng nên một thế giới vô cùng hấp dẫn của các con vật thông minh, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Qua những câu chuyện đó, độc giả nhỏ tuổi tìm thấy cho mình những bài học giáo dục bổ ích, sâu sắc.

Bằng tâm huyết và khả năng văn chương, các tác giả người Tày đã đem đến cho các em thiếu nhi những hình ảnh thú vị về cảnh sắc và con người miền núi nước ta. Quan trọng hơn, qua những sáng tác của mình, các nhà văn đã đem đến những bài học giáo dục tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, tình yêu lao động và lòng say mê học hỏi. Đó là những giá trị không thể không nhắc đến khi đọc sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi của các nhà văn dân tộc Tày.

CHƢƠNG 3: VĂN XUÔI VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ DÂN TỘC TÀY NHÌN TỪ PHƢƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT 3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.1. Xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình

Ngoại hình chính là ấn tượng đầu tiên để người đọc hình dung về nhân vật. Hơn nữa, miêu tả ngoại hình cũng chính là cách để thông qua đó tác giả bộc lộ ý đồ sáng tác của mình cũng như góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Đặc biệt, với sáng tác cho thiếu nhi, các nhà văn càng phải chú ý để miêu tả nhân vật sao cho phù hợp với đặc điểm về tư duy, thị hiếu rất riêng của đối tượng tiếp nhận này. Nhìn chung, các tác giả người Tày khi sáng tác cho thiếu nhi thường chú ý để miêu tả ngoại hình nhân vật sao cho phù hợp với tính cách, số phận của nhân vật ấy. Đồng thời việc miêu tả cũng thường mang tính chất đặc tả những nét nổi bật chứ không đi vào miêu tả một cách chi tiết tỉ mỉ. Miêu tả đứa bé nhà nghèo, mồ côi mẹ từ lúc mới sinh, tác giả chỉ dùng duy nhất một câu văn nhưng khiến người đọc nhớ mãi: “Thằng Thàn gày đét, da nhèo nhẽo, nhàu nát như một miếng giẻ rách lau chân lâu ngày bỏ quên” [5, tr.8]. Cách miêu tả này dành nhiều không gian cho trí tưởng tượng và cảm xúc của người đọc. Giọng văn tưởng như dửng dưng, lạnh lùng nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm xót xa.

Ang trong Thách đố là một nhân vật gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn đọc bởi sự phức tạp của tính cách cũng như một vẻ ngoài khiến người đối diện không mấy thiện cảm: “Nó luôn khịt cái mũi lúc nào cũng đo đỏ như một hòn than. Đã mười sáu tuổi nhưng nó vẫn mũi rãi như trẻ con mới lêm một lên hai. Nó lại tham ăn và hay ăn. Cái mồm nó lúc nào cũng nhai đủ thứ. Nếu không có quả, hay củ lạc, củ mài hoang… thì nó nhai lá cây, nhai cỏ như loài trâu. Nó có bộ răng trắng nhởn. Chân răng mọc rêu xanh – chắc là vì nhai quá nhiều lá và cỏ” [6, tr.4]. Dáng vẻ, nhất là hình ảnh hàm răng của Ang là một gây ấn tượng mạnh trong tâm trí người đọc. Đứa trẻ nhà nghèo thất học vừa đáng thương vừa đáng trách ấy đang trên con đường bị “vật hóa” nếu nó không nhận được sự quan tâm của những người xung quanh.

Truyện kí Đường về với mẹ Chữ là cuốn sách ghi lại những kỉ niệm của nhà văn về quãng đường đi học gian nan nhưng vô cùng đáng nhớ. Kể về những người bạn của mình, nhà văn chỉ điểm qua những nét riêng của mỗi người. Phan Hỏn cao to, Phan Soỏng dáng người và cả giọng nói đều như con gái, Bằng Tập trán dô, mắt sáng thông minh, Lạng có làn da rất đen, Bế Tâm ăn nói rủ rỉ như nói thầm, Lư luôn đăm chiêu suy nghĩ, Hoảnh với mái tóc rễ tre. Mỗi người một dáng vẻ, một tính cách nhưng họ đã sát cánh bên nhau để vượt qua mọi gian khổ khó khăn trên con đường học tập. Cách miêu tả điểm qua như một lời giới thiệu sơ lược đó phù hợp với quy luật của trí nhớ, bởi thời điểm tác giả viết cuốn sách này là 32 năm sau khi câu chuyện diễn ra. Và dù miêu tả ngắn gọn, nhưng cũng đủ để độc giả hình dung ra “cái tập thể” bé nhỏ của những học sinh Cao Bằng đầu tiên đi học cấp 3.

Một số nhân vật thiếu nhi được tác giả miêu tả dưới cặp mắt quan sát của những nhân vật thiếu nhi khác lại gây ấn tượng cho bạn đọc bởi cách miêu tả vô cùng dí dỏm. Trong con mắt của cậu bé miền núi, hình ảnh một chú bé miền xuôi thật ngộ nghĩnh: “Cửa mở, một chú bé tầm tuổi tôi nhưng gầy, da trắng như tẩm bột. Cậu ta mừng quýnh quên cả chào khách.” – Chân trời rộng mở [13, tr. 51]. Bằng cái nhìn dưới lăng kính trẻ thơ, nhà văn đã có sự so sánh vô cùng thú vị, gây ấn tượng cho người đọc bằng hình ảnh thị giác mạnh mẽ.

Cũng dưới cái nhìn của trẻ thơ, Đoàn Ngọc Minh đã xây dựng thành công hình ảnh một cậu bé miền núi nghịch ngợm, hiếu động và “lôi thôi” một cách đáng yêu: “Thằng nhóc loắt choắt nọ hiện ra, áo phanh ngực để lộ những dẻ xương sườn như đã bị nhịn đói cả năm, hai ống tay áo nó toạc đến tận khuỷu lủng lẳng, quần thì không ra quần ngố, cũng chẳng phải quần đùi, nhìn cứ lùng bùng như cái váy đàn bà… thật ngứa mắt” [30, tr.23]. Những

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi viết cho thiếu nhi của một số tác giả dân tộc tày (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)