Bút pháp kỳ ảo trong không gian, thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 111 - 116)

6. Bố cục

3.3.2. Bút pháp kỳ ảo trong không gian, thời gian nghệ thuật

3.3.2.1. Không gian nghệ thuật

phẩm văn học. Không gian đó không phải ngẫu nhiên như trong đời sống mà do tác giả lựa chọn để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Nó bộc lộ hoàn cảnh, khắc họa tâm trạng, tính cách bởi không gian xung quanh một phần thể hiện sự cảm nhận của chính chủ thể hoạt động về thế giới. Là một tác phẩm kỳ ảo, không gian nghệ thuật trong Truyền kỳ mạn lục cũng mang đậm màu sắc thần bí, hoang đường. Có thể chia không gian nghệ thuật trong trong Truyền kỳ mạn lục thành không

gian thực và không gian kỳ ảo. Ở cả hai dạng thức, màu sắc tín ngưỡng đều để lại dấu ấn qua ngòi bút miêu tả của tác giả Nguyễn Dữ.

Không gian thực là nơi sinh hoạt hằng ngày của người trần với cửa nhà, cây cối, ngựa xe… Theo lẽ thường, không gian thực sẽ sáng sủa, rõ ràng, không có yếu tố ly kỳ, huyễn hoặc. Tuy nhiên, bởi hầu hết các tích truyện trong Truyền

kỳ mạn lục đều nói đến chuyện thần tiên, ma quỷ, thánh thần nên không gian đời

sống vẫn nhuốm phong vị huyền bí, thậm chí đầy màu sắc ma quái. Dinh cơ của quan Thái sư trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây được miêu tả với tất cả vẻ tan

hoang, lạnh lẽo: “nếp nhà quạnh hiu, vài ba cây đào, liễu xơ xác tơi bời, lá trút

đầy vườn, tơ vương khắp giậu”. Theo quan niệm, chốn hoang tàn như thế chính

là nơi “u hồn trệ phách” tụ hợp thành yêu, người thường ít ai lai vãng. Cánh đồng hoang, nơi quàn quan tài Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) cũng đầy tử khí: “…chung quanh có bức hàng rào bằng gióng tre, thỉnh thoảng chen lẫn vào vài

khóm lau khô, trong có túp nhà gianh nhỏ lụp sụp, dây bìm leo đầy lên vách (…) Thỉnh thoảng có cơn gió thổi, chàng thoáng thấy một mùi tanh thối khó chịu. Đương kinh ngạc không biết mùi gì, bỗng trong nhà có bóng đèn sáng. Chàng trông vào, thấy ở gian bên phía tả kê một chiếc giường mây nhỏ, trên giường để một cỗ áo quan sơn son, trên quan phủ một tấm the hồng, dùng ngân sa đề vào mấy chữ "Linh cữu của Nhị Khanh". Cạnh cữu có người con gái nặn bằng đất tay ôm cây hồ cầm đứng hầu”. Qua cách miêu tả của mình, Nguyễn Dữ đã tạo ra được

một cảnh tượng rùng rợn, u uất có thể cảm nhận từ mọi giác quan khiến không chỉ Trình Trung Ngộ sởn da gà ù té chạy mà người đọc cũng thấy lạnh tóc gáy.

Cảnh trừ yêu diệt quỷ cũng đem lại ấn tượng cho người đọc với không gian gió dục mây vần dữ dội, tô đậm quyền phép đạo sĩ và sự đáng sợ của yêu ma, như cảnh đạo nhân bắt hồn ma Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ “mây gió nổi

lên đùng đùng dưới song tung cuồn cuộn vang trời động đất” (Chuyện cây gạo),

cảnh sư Pháp Vân làm phép diệt trừ yêu quái Đào Hàn Than và sư Vô Kỷ “đám

mây đen mươi trượng bao bọc xung quanh đàn, một cơn gió lạnh thổi ào ào làm mọi người phát ghê rợn” (Chuyện nghiệp oan của Đào thị). Sau khi các ma quái

bị áp giải, diệt trừ trời đất lại trở lại bình thường với trời quang mây tạnh.

Trong tập truyện, hình ảnh bờ sông hoang lạnh, đền chùa, miếu mạo, lăng mộ, rừng hoang, núi thẳm cũng xuất hiện với tần số cao, nơi người ta thường tưởng tượng ra những việc huyễn hoặc, u linh. Hồn ma Thị Nghi xuất hiện bằng tiếng khóc ai oán bên sông giữa lúc “trăng tỏ sao thưa bốn bề im lặng”. Sở dĩ ma quái hay xuất hiện chốn sông nước vì theo quan niệm dân gian những người chết mà thành ma quái thường là những kẻ lưu lạc, chết không được chôn cất, hồn không được đầu thai phải trôi nổi trên dương thế. Dòng sông chính là tượng trưng cho không gian lưu lạc, trôi nổi ấy. Hơn nữa những ngôi chùa, đền miếu - nơi ma quỷ có thể trú ngụ lại thường ở cạnh sông (ngôi chùa có cây gạo trăm tuổi trong Chuyện cây gạo, đền thờ thủy tộc ở Chuyện đối tụng ở Long

cung). Đó là bối cảnh nền để những tình tiết hay nhân vật ky kỳ xuất hiện.

Không gian kỳ ảo được xây dựng từ trí tưởng tượng của nhà văn, bao gồm: thượng giới, địa ngục, thủy cung. Hình ảnh thượng giới được miêu tả nguy nga, tráng lệ với lầu vàng, gác ngọc, cung điện đền đài, thần tiên cưỡi mây về gió. Khung cảnh sinh hoạt nơi tiên giới rất mực đài các, phong lưu: chỗ này chư vị đánh cờ, chỗ khác thưởng trà, dự yến, nói chuyện thả thơ. Trái lại, địa ngục là nơi tối tăm, tử khí, chỉ có diêm vương, các bộ Dạ Xoa, tướng Xiêm la và ngạ

quỷ. Khung cảnh sinh hoạt ở đây cũng chỉ toàn cảnh xử tội, dẫn giải, tra tấn, hành hung khiến ai nấy đều kinh sợ. “Những câu chuyện này mượn môtip người

trần xuống âm phủ để được đưa người đọc đến với một thế giới kì bí vốn chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng và nỗi sợ hãi. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên âm phủ được hình dung là “một tòa dinh lớn, xung quanh có thành sắt cao vợi. Đằng phía bắc, tức là một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài ước hơn nghìn bước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên tả hữu cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa”. Tòa cung điện trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang duy chỉ có mái hành lang bên tả bị xiêu đổ, sau Hoàng mới thấy

người con gái ở với mình ngày trước (hồn ma Thị Nghi) từ phía hành lang bên tả ấy đi ra. Không gian âm phủ là thế giới của Dạ Xoa hình thù kì dị “mắt xanh tóc

đỏ hình dáng nanh ác” (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên). Trong Chuyện tướng Dạ Xoa, thế giới Dạ Xoa cũng chia ra làm các bộ (có 4 bộ Dạ Xoa), cũng

chia ra làm quân áo đen, áo trắng.

Bên cạnh đó, không gian thủy phủ cũng được miêu tả ấn tượng trong các truyện Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện đối tụng ở Long Cung…

Không gian thủy phủ thiên về không gian thiên giới hơn địa ngục với “lâu đài

lộng lẫy”, “điện bằng ngọc lưu ly, chung quanh ao sen bao bọc”. Không gian

thủy phủ cũng chia cấp bậc rõ ràng: cai quản mối khúc sông là thần Thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung), đứng đầu thủy phủ là Long Vương, Nam hải Đại Vương (Chuyện người con gái Nam Xương), bên dưới có cả tiên nữ và nhiều kẻ hầu, người hạ (cô gái áo xanh, quân lính…)

Những không gian này mang lại màu sắc kì ảo, góp phần tạo nên đặc trưng của thể loại, đồng thời tạo sự hấp dẫn, thu hút trí tò mò của người đọc.

3.3.2.2. Thời gian nghệ thuật

Giống như không gian nghệ thuật, thời gian trong Truyền kỳ mạn lục cũng muốn sắc màu kỳ ảo, thể hiện ở nhiều bình diện:

Thứ nhất, đó là thời gian co giãn, không theo trật tự quy luật thông thường. Điển hình nhất là Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên. Lạc chốn thần tiên, được kết duyên cùng Giáng Hương, Từ Thức đã có những ngày tháng hạnh phúc nơi tiên cảnh. Nhưng thời gian cõi trời không giống với thời gian hạ giới, nên khi Từ Thức nhớ nhà, xin phép về quê thì mọi thứ đã vật đổi sao rời mặc dù phép tiên khiến con đường từ động Phù Lai về nhà chỉ “thoắt cái tới nơi” như trong chớp mắt. Về đến quê, biết 80 năm hạ giới đã trôi qua, người thân không còn nữa, Từ cám cảnh muốn quay lại xe mây mà tất cả đều tan biến.

Thứ hai, đó là thời gian kéo dài, có khi bất tận. Trong thế giới thần tiên, ma quỷ, đôi khi yếu tố thời gian không hiện hữu. Họ tồn tại đời đời kiếp kiếp, vĩnh hằng cùng tạo vật. Họ không chết, không già đi, không tuân theo quy luật của tạo hóa. Loài vật linh như con vượn, con cáo có thể tu đến ngàn năm, các vị đạo sĩ tương truyền phải tu luyện trăm năm mới đắc đạo. Cách tính thời gian trong Truyền

kỳ mạn lục đôi khi không đo bằng tháng, bằng năm mà đo bằng kỷ, bằng đời, bằng

kiếp. Viên quan họ Hoàng (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) vì không tỉnh táo, là nho sĩ mà để giống yêu ma làm tối trí, bị phạt trừ 1 kỷ thọ, ngược lại, Dương Đức Công được Thượng để cho sống thêm 2 kỷ bởi ăn ở hiền lành.

Xét về mặt thời điểm, Truyền kỳ mạn lục thường lấy bối cảnh là đêm tối – thời gian đặc trưng của cõi âm. Những cuộc gặp gỡ giữa ma quỷ và người trần thường diễn ra ban đêm, giữa không gian thâm u, bí hiểm. Hồn ma Nhị Khanh tìm đến ân ái với Trình Trung Ngộ trong cảnh “mang sao mà đến, đội nguyệt mà

về” (Chuyện cây gạo). Rồi Trung Ngộ chết theo Nhị Khanh, “những đêm tối trời, người ta thường thấy hai người dắt tay nhau đi dạo”. Người đạo sĩ bắt gặp

hai hồn ma này cũng vào “giữa lúc sông quạnh trăng mờ, bốn bề im lặng”. Hồn ma của Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) xuất hiện trong cảnh đêm “trăng tỏ sao thưa, bốn bề im lặng” với tiếng khóc ai oán. Đào Hàn Than và Vô Kỷ đầu thai vào nhà Ngụy Nhược Chân trong một đêm gió mưa dữ dội, đến khi

chết cũng vào lúc canh ba nửa đêm. Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở

Khoái Châu) dù là thần tiên nhưng cũng chỉ có thể hẹn gặp chồng vào lúc canh

ba, tại nơi “bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu trên cành cây xao xác”.

Lấy không gian tồn tại vào ban đêm, yêu ma cũng thường tác oai tác quái, gây điều nghiệp chướng vào lúc tối trời. Thần Thuồng Luông bắt Dương Thị vào một đêm trung thu nơi “mặt sông phẳng lặng, trăng chiếu lạnh lùng”, đám tượng thần, hộ pháp ở Đông Triều cũng nhân lúc đêm tối mới vào làng trộm cắp. Kể cả ngạ ủy, Dạ Xoa đi làm nhiệm vụ cũng chỉ bắt người vào ban đêm.

Một dạng thức thời gian đặc biệt nữa trong Truyền kỳ mạn lục, đó là thời gian của những giấc chiêm bao. Sự gặp gỡ kỳ lạ giữa con người với ma quỷ, thần tiên thường được xảy ra trong giấc mơ như trường hợp Hồ Tôn Thốc gặp Hán Vương, Vô Kỷ gặp Hàn Than, Tử Văn gặp viên quan họ Thôi , Mao Tử gặp vợ chồng Ngô Chi Lan…Việc xây dựng tình tiết chiêm bao nhằm hợp lý hóa những hiện tượng ly kỳ, khiến cho câu chuyện nửa hư, nửa thực.

Tóm lại, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật đều là những phương diện thi pháp quan trọng góp phần xây dựng một thế giới nghệ thuật ly kỳ, mang đậm sắc màu tín ngưỡng. Nó được hình thành từ trí tưởng tượng phong phú của dân gian qua lăng kính điều tiết của tác giả. Không gian, thời gian nghệ thuật trong Truyền kỳ mạn lục cũng phản ánh rõ nhiều quan niệm tín ngưỡng của người Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 111 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)