Bút pháp kỳ ảo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 105 - 111)

6. Bố cục

3.3.1. Bút pháp kỳ ảo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật

Thế giới nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục rất đa dạng. Từ góc nhìn đạo đức, có thể phân chia thành nhân vật chính diện, phản diện; từ góc nhìn xã hội, có thể phân chia thành nhân vật quyền thế và người bình dân; từ góc nhìn tín ngưỡng lại có thể phân loại thành nhân vật thần tiên, ma quỷ, nhà sư - đạo sĩ bí ẩn, người trần.

3.3.1.1. Nhân vật thần tiên

Thần tiên là những nhân vật sống ở cõi thiên giới kỳ ảo với tướng mạo phi phàm, quyền năng bí ẩn và thường đại diện cho phe chính diện, đứng ra hành đạo, lập lại lẽ công bình. Nhân vật thần tiên xuất hiện trong các truyện: Chuyện

người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Đức Bà, chư tiên), Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Thượng đế, Trà đồng, viên quan chốn Tinh Tào…), Chuyện đối tụng ở Long Cung (Bạch Long Hầu, Long Vương, Đức Vua…), Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Giáng Hương, Phu Nhân, chư tiên), Chuyện Tử Hư lên chơi Thiên tào (chư

tiên), Chuyện người con gái Nam Xương (Đức Linh Phi)…

Hầu hết thần tiên đều là những người có nguồn gốc thiên giới, cai quản cõi trời, núi rừng, sông biển, hang động. Thần tiên đóng vai trò như một thế lực của tự nhiên, của Trời để phân xử chuyện tốt xấu ở đời, đón nhận những người trung hậu và xử phạt kẻ bội bạc, tráo trở… Trong bút pháp miêu tả, Nguyễn Dữ không nhấn mạnh đặc tính cảm xúc, tâm trạng của họ (trừ một số ngoại lệ như Giáng Hương – vợ Từ Thức là người tiên giới nhưng “bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục”). Trái lại, đặc điểm tướng mạo, quyền năng và những sinh hoạt tiên giới đậm màu sắc phù hoa lại được nhấn mạnh. Hình dung quần tiên ở núi Phù Lai, nơi tiên cảnh Từ Thức lạc chân đến được miêu tả lộng lẫy: “Ngày

hôm sau, quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng Bắc xuống, có người bận xiêm lụa, cưỡi rồng từ phía Nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió…”. Đức Linh Phi, phu nhân Nam Hải Đại Vương

(Chuyện người con gái Nam Xương) mặc tấm áo cẩm vân dát ngọc, đi đôi giàu màu ráng nạm vàng, dùng khăn lụa, thuốc thần mà cứu, mở đại yến mà đãi ân nhân (tức Phan Lang – người đã thả con rùa thần thuở trước)… Nhìn chung, tác giả thường dùng một số mô típ ước lệ như lụa là, gấm vóc, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ tựa son, mũ áo dát vàng lộng lẫy, lầu ngọc, xe châu, đi mây về gió để tả

ngoại hình, hành động của đấng thần thần tiên. Cũng như phương diện tâm trạng, cảm xúc, yếu tố tính cách của lớp nhân vật này không được nhấn mạnh.

Bên cạnh hệ thống nhân vật thần tiên là người có nguồn gốc thiên giới, có không ít thánh thần vốn là người thường nhưng vì sống đạo đức, lập chiến tích hay chết oan khiên cảm lòng trời đất mà được hóa thánh. Đó là Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Vũ Nương (Chuyện người con gái

Nam Xương), Dương Trạm (Chuyện Tử Hư lên chơi thiên tào), Chu Văn An, Tô

Hiến Thành (Chuyện Gã trà đồng giáng sinh), Ngô Tử Văn (Chuyện chức phán

sự đền Tản Viên). Ở những nhân vật này, tác giả kết hợp giữa miêu tả ngoại

hình, quyền năng với cảm xúc, tâm trạng. Ở họ, chất “con người” vẫn chưa thể gột sạch. Nàng Nhị Khanh sau khi tuẫn tiết được làm người của thiên đình, đi mây về gió song khi gặp chồng cũ, dẫu là một người chồng vô tâm, bán rẻ vợ vào sòng bạc, nàng vẫn ngậm ngùi, than khóc. Không những thế, Nhị Khanh còn lấy chuyện tối mật trộm nghe từ đấng chư tiên để mách mối cho người thân.Vũ Nương là tiên chốn Thủy cung sống nơi lầu vàng gác tía nhưng vẫn động lòng khi nhớ về chồng con, quê quán: “Vũ Nương ứa nước mắt khóc rồi nói: “Tôi có

lẽ không thể gửi mình ẩn vết mãi ở đây được. Ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành Nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi nhất định phải về có ngày”. Dương Trạm làm

quan thiên đình vẫn thương người học trò cũ mà xin phép thiên giới để Tử Hư được lên chơi thiên tào…

Sự xuất hiện của hệ thống nhân vật thần tiên trong Truyền kỳ mạn lục vừa thể hiện cách nhìn thế thế giới với nhiều không gian, hiện tượng kỳ ảo, đồng thời, thể hiện niềm tin, rằng thiện ác đều được phân xử theo quy luật công bình. Người tiết hạnh, đạo đức sẽ được đền bù, cho dù là sự đền bù sau cái chết.

3.3.1.2. Nhân vật ma quỷ

Đối lập với hình tượng nhân vật thần tiên là nhân vật ma quỷ, chiếm một số lượng không nhỏ trong Truyền kỳ mạn lục như trong các truyện: Chuyện

tướng Dạ Xoa, Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở Trại tây, Chuyện Lý tướng quân, Chuyện nghiệp oan của Đào Thị… Có thể nói, so với các nhân vật thần tiên,

nhân vật ma quỷ đa dạng, được miêu tả ở nhiều khía cạnh, tính cách, hành động rõ ràng và có vai trò tạo ra sự hấp dẫn cho tác phẩm nhiều hơn. Nhân vật ma quỷ trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có thể được phân thành các loại sau:

Nhóm 1 là loại nhân vật ma quái do hồn người chết hóa thành (hồn ma thị Nghi, Hàn Than, Vô Kỷ, Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh, viên Bách hộ họ Thôi tử trận, vợ chồng tiên sinh họ Phù ở Kim Hoa…). Thông thường, họ là người chết trẻ còn nặng tình trần thế, chết hàm oan nên không thể siêu thoát. Họ trở về dương thế để trả thù (Hàn Than, vô Kỷ), tận hưởng hạnh phúc (Nhị Khanh, Trình Trung Ngộ), trêu chọc nhân gian (Thị Nghi), tác oai tác quái bắt dân chúng phải cầu cúng (viên Bách hộ). Cũng có người trở về bình thản chỉ để báo tin cho người thân những sự bất thường (Nguyễn Quỳ hiện về báo cho Thúc Khoản phiên tòa xử Lý Tướng quân), hay vợ chồng Phù tiên sinh và Ngô Chi Lan hiện về chỉ để đàm chuyện thơ phú.

Phản ánh đúng trí tưởng tượng của dân gian về hồn ma bóng quỷ, những linh hồn này thường được miêu tả qua tiếng khóc ai oán, nỉ non, điệu cười lạnh lẽo, sự biến ảo vô lường, hình dung mơ hồ đáng sợ: “Nhị Khanh cũng thường

qua lại, có lúc đứng trên bãi cỏ sông eo éo gọi, có lúc bên cửa sổ nói thì thào”, “phàm những đêm trời tối, người ta thường thấy hai người dắt nhau đi dạo, khi thì hát, khi thì khóc. Hai người thường bắt người ta phải cầu cúng lễ bái, hễ hơi không được như ý là làm tai làm vạ”, “hồn thị Nghi hưng yêu tác quái, biến huyễn đủ vẻ, hoặc nhập vào thị ả buôn tương, hoặc ốp vào cô nàng bán rượu… Bấy giờ trăng tỏ sao thưa, bốn bề im lặng, chợt nghe thấy ở mỏm bãi cát đàng phía đông nam, có tiếng khóc rất ai oán. Chèo thuyền đến xem, chợt thấy có người con gái mặc áo lụa đỏ, đương ngồi trên đệm đỏ…”

Thái độ của người viết đối với nhân vật ma quỷ do linh hồn sau khi chết biến thành mang tính hai mặt. Một phần, Nguyễn Dữ tỏ ra lạnh lùng, mắng mỏ giống yêu ma, phần khác, ông ngầm tỏ ra thương xót cho những kiếp người khi sống gặp bất hạnh, khi chết lại bị xua đuổi, trừng trị.

Nhóm 2 là những nhân vật ma quái ở dưới âm phủ. Diêm Vương là người đứng đầu dưới âm ti, cai quản âm phủ. Quỷ sứ, dọa xoa là quân lính của Diêm Vương có nhiệm vụ đi bắt giải các hồn ma hay yêu quái. Cá biệt, có những nhân vật là con người đời thường nhưng sau khi chết lại được làm tướng xiêm la, là chức quan nơi địa phủ (như Dĩ Thành trong Chuyện tướng Dạ Xoa). Nhóm nhân vật ma quái này này tuy là đặc trưng cho thế giới nhân vật ma quái nhưng không được chú trọng khắc họa bởi thường không giữ vai trò quan trọng trong cốt truyện. Họ thường xuất hiện với số đông, trong không gian, thời gian huyền ảo, tăm tối và với tư cách là người thi hành nhiệm vụ: “Hai bên tả hữu

cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ hình dáng nanh ác. Hai quỷ dùng ngông dài thừng lớn gông trói Tử Văn mà giải đi rất nhanh”. Duy

trong Chuyện tướng Dạ Xoa, chúng quỷ giữ vai trò đương đối quan trọng và

được miêu tả ở góc độ tính cách, suy nghĩ: “Chúng quỷ bùi ngùi nói: Đó là

chúng tôi bất đắc dĩ chứ không phải là muốn như thế. Sống chẳng gặp thời, chết không phải số. Đói không có gì cấp dưỡng, lui không có chỗ nào tựa nương. Trong gò xương trắng, rầu rĩ cỏ rêu, trên đống cát vàng lạnh lùng sương gió…”.

Sinh động nhất, có lẽ là chi tiết quỷ sứ được Lê Ngộ đãi chúng sinh, đã ăn uống no say, đành phạm mệnh trời mà tha cho gia chủ: “Nhưng đã ăn của nó,

chả lẽ làm ngơ không cứu. Thôi thì có vì cứu nó mà phải tội, dẫu chết ta cũng bằng lòng”. Đây là chi tiết thể hiện chất người và những suy nghĩ đầy tình cảm

trong lòng chúng quỷ, đồng thời, phản ánh tâm niệm trong tín ngưỡng dân gian: có thờ có hưởng.

Nhóm 3 là tinh khí của vật lâu ngày thành yêu, có khả năng biến hóa. Đó có thế là loài vật tu luyện lâu năm như cáo, vượn (Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà

Giang), thuồng luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung); cây cối, hoa cỏ có linh

hồn, biến huyễn thành người (Chuyện kì ngộ ở trại Tây) hay pho tượng người, thần, Hộ pháp hưng yêu tác quái (Chuyện cây gạo, Chuyện cái chùa hoang ở

Đông Triều). Trong nhóm này có những nhân vật làm yêu làm quái gây hại cho

dân lành (thần Thuồng luồng, tượng Thủy thần, Hộ pháp, cây gạo…) nhưng có những nhân vật không chủ ý gây hại cho con người (hồn hoa Nhu Nương, Hồng Nương), thậm chí còn chủ động gặp người mà nói chuyện Đạo đầy chí tình, chí lý (Vượn, Cáo thành tinh)

3.3.1.3. Nhân vật thầy sư, đạo sĩ bí ẩn

Trong hệ thống các nhân vật thần kỳ của Truyền kỳ mạn lục, không thể

không kể đến một mô hình nhân vật đặc biệt, vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng, vừa là một mẫu người có thật trong xã hội bây giờ, đó là các nhà sư, đạo sĩ, thầy pháp với hành tung và quyền năng bí ẩn. Số lượng các nhân vật này tuy không dày đặc như nhân vật thần tiên ma quỷ nhưng cũng khá phổ biến: đạo nhân (Chuyện cây gạo, Gã trà đồng giáng sinh, Chuyện nghiệp oan của Đào

Thị, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện đối đáp của người tiểu phu núi Na, Chuyện cái chùa Hoang ở Đông Triều…), Sư cụ Pháp Vân (Chuyện nghiệp oan của Đào Thị).

Có thể thấy, nhân vật đạo nhân trong Truyền kỳ mạn lục đều là những người có hành tích kỳ lạ. Họ thường xuất hiện bất ngờ và biến mất bí ẩn sau khi đã giúp dân chúng giải trừ một tai vạ. Tư trang đơn giản, cốt cách đường hoàng, ngôn từ huyền bí, phép thuật cao siêu là hình dung chung của mẫu nhân vật này. Thường gặp nhất là mô thức đạo nhân dùng phép từ yêu diệt quái. Vị đạo nhân trong Chuyện cây gạo dùng đạo pháp hô mưa gọi gió đánh bật gốc loài cây ma quái: “lập một đàn tràng cúng tế, viết ba đạo bùa, một đạo đóng vào cây gạo,

một đạo thả chìm xuống sông, còn một đạo đốt ở giữa trời (…). Một lúc mây gió nổi lên đùng đùng, người đứng cách mấy thước không thấy nhau, dưới sông thì sóng tung cuồn cuộn vang trời động đất. Sau một hồi gió lặng mây quang, thấy cây gạo đã bị nhổ bật…”, Bên cạnh đó, có những vị đạo khách lại xuất hiện để

báo trước điềm dữ lành, như quan đại phu họ Thạch trong Chuyện gã trà đồng giáng sinh: “Có đứa con gái là Hán Anh, vậy xin hiến cậu để hầu hạ chăn gối. Cậu nên tự bảo trọng lấy mình, đừng vì cớ nghèo mà hao mòn mất chí khí”. Hay

vị thầy tu không rõ tên tuổi báo trước cái họa nhà Nhược Chân: “Lại thay, tòa

lâu đài thế kia mà rồi sẽ thành cái vực thuồng luồng. Đáng tiếc! Đáng tiếc”.

Cũng có khi, đạo nhân được nhắc đến như ẩn sĩ lánh đời, thấu hiểu chuyện thiên hạ, ẩn cư nơi sơn lâm cùng cốc mà Chuyện người tiều phu núi Na là một ví dụ.

Có thể thấy, sự xuất hiện của đạo nhân, thầy tu phản ánh bức tranh xã hội đương thời, nơi có sự hòa trộn giữa Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Nhìn chung, nhân vật đạo sĩ được miêu tả từ góc nhìn thiện cảm. Họ trừ yêu diệt quái, lấy việc hành đạo làm lẽ sống: “Ta vốn lấy việc cứu giúp mọi người làm

nhiệm vụ, cái việc mắt ta trông thấy nếu không đem pháo thủ ra tức là thấy người chết đuối mà không cứu.” (Chuyện cây gạo). Họ không màng danh lợi,

cứu người rồi lẳng lặng biến mất, không nhận bất cứ thứ lễ lạt gì. Họ còn đưa ra những điều thấm thía, sâu sắc về xã hội, về triều đình hay lẽ phải trái. Xét trên bình diện nghệ thuật, họ là mắt xích quan trọng thúc đẩy cốt truyện, đưa kịch tính đến đỉnh cao và giải quyết mâu nhuẫn triệt để.

Tóm lại, nghệ thuật xây các nhân vật kỳ ảo (thần tiên, ma quái, đạo sĩ…) được thể hiện sự trưởng thành của thể loại văn học tự sự thế kỷ XVI.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 105 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)