6. Bố cục
1.5.1. Tác giả Nguyễn Dữ
Theo phỏng đoán của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Dữ là tác giả văn học đầu thế kỷ XVI, tên tự, tên hiệu cũng như năm sinh năm mất của ông đều không rõ. Bài tựa Cựu biên Truyền kỳ mạn lục của Hà Thiện Hán viết năm 1547 là tài liệu cổ nhất có ghi về Nguyễn Dữ và tác phẩm của ông: “Tập lục này là trứ tác của Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu. Ông là con trưởng vị tiến sĩ triều trước Nguyễn Tường Phiêu. Lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi đậu hương tiến, nhiều lần thi Hội đỗ trúng Tam trường, từng được bổ làm Tri huyện Thanh Tuyền. Được một năm ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu. Mấy năm không đặt chân tới chốn thị thành, thế rồi ông viết ra tập lục này, để ngụ ý…”. Một tài liệu khác có chép về Nguyễn Dữ là Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Trong cuốn sách này, Lê Quý Đôn giới thiệu về Nguyễn Dữ như sau: “Nguyễn Dữ người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc. Cha là Nguyễn Tường Phiêu, tiến sĩ khóa Bính Thìn đời Hồng Đức (1496), làm quan đến Thượng thư Bộ hộ. Nguyễn Dữ từ nhỏ đã nổi tiếng học rộng nhớ nhiều, có thể lấy văn chương nối nghiệp nhà. Đỗ Hương tiến, nhiều lần thi hội trúng tam trường, được bổ chức Tri huyện Thanh Tuyền, mới được một năm lấy cớ nơi làm việc xa xôi, xin về phụng dưỡng cha mẹ. Sau vì ngụy Mạc thoán đạt, thề không đi làm quan nữa; ở làng dạy học không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển văn từ thanh lệ, người đương thời rất khen”.
Những ghi chép trên đây cùng nhận định của các nhà nghiên cứu khác cho phép chúng ta đưa ra một số kết luận về thân thế Nguyễn Dữ: Ông là người huyện Gia Phúc, thuộc Hồng Châu, cha là tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu, đậu tiến sĩ đời Hồng Đức năm 1496, làm quan đến chức Thượng thư. Nguyễn Dữ vốn sinh ra trong dòng dõi khoa hoạn, từ nhỏ đã ham học, nhớ nhiều và có thể từng
là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bạn của Phùng Khắc Khoan, đã từng thi đỗ, làm quan. Tư tưởng của Nguyễn Dữ về cơ bản là tư tưởng của một nhà Nho chính thống. Tư tưởng này đã để lại dấu ấn trong Truyền kỳ mạn lục và thể hiện khá rõ nét trong nghệ thuật kể, tả người phụ nữ của tập tác phẩm này.
Nguyễn Dữ sống chủ yếu vào đầu thế kỷ XVI. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến tập quyền sau một thời gian đạt đến cực thịnh ở triều Lê Thánh Tông bắt đầu bộc lộ những hạn chế nhất định. Hình ảnh quân minh thần lương của triều đại Lê Thánh Tông không còn mà thay vào đó là các ông vua bất tài ươn hèn, là bọn gian thần đua nhau tranh quyền đoạt vị. Song đây lại là điều kiện để nhiều tư tưởng dân chủ, tư tưởng đề cao người phụ nữ vốn tiềm tàng trong dân gian được sống dậy. Ở một chừng mực nhất định, xã hội Việt Nam thời kỳ này đã có dấu hiệu của xã hội thị dân, tư tưởng tự do phóng khoáng trong tình yêu đã xuất hiện. Viết Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ ít nhiều đã ảnh hưởng từ hoàn cảnh lịch sử biến động này.