6. Bố cục
1.2.1. Cơ sở hình thành đặc trưng tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên phong phú. Thời xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên nên việc thờ cúng các vị thần tự nhiên đã sớm gần gũi với họ. Hơn nữa, Việt Nam lại nằm ở vị trí ngã ba đường, nơi giao lưu với nhiều nền văn minh nên dễ dàng dẫn đến hệ quả là đất nước ta đa tôn giáo, tín ngưỡng. Điều đáng nói là tính đa thần không chỉ thể hiện ở số lượng lớn các vị thần mà các vị thần ấy cùng đồng hành trong tâm thức một người Việt. Điều đó dẫn đến một đặc điểm trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo là tính hỗn dung tôn giáo. Trước sự du nhập của các tín ngưỡng ngoại lai, người Việt không tiếp nhận thụ động mà luôn có sự cải biển cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm lí bản địa. Vì thế ở nước ta, trong khi các tôn giáo vẫn phát triển thì các tín ngưỡng cũng vẫn giữ vai trò trong đời sống dân gian, trong tâm thức cộng đồng. Đa số người Việt đều có niềm tin tôn giáo song phần lớn trong số họ lại không thật sự thành kính tuyệt đối một tôn giáo nào. Một người vừa có thể đến chùa, vừa có thể đến phủ, vừa có thể đến nhà thờ… miễn sao điều đó có lợi cho họ, thực hiện được điều họ cầu xin hoặc giúp họ thanh thản trong tâm hồn. Bên cạnh đó, tín ngưỡng Việt Nam mang tính thực tế cao. Người ta tìm đến với các vị thần thánh bao giờ cũng đi kèm với một ước vọng “hoán đổi nào đó”. Nghĩa là, “con đến dâng hương niệm Phật, kính lạy Đức Phật chứng giám lòng thành, phù hộ cho con…”. Về sau – về cầu xin và “ra điều kiện” bao giờ cũng hết sức dài dòng, chi tiết và thực dụng với những mong muốn trần tục: làm ăn thăng tiến, con cái thi đỗ…Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm, tín ngưỡng Việt Nam có tính dụng, nghĩa là luôn đặt ra vấn đề thỏa mãn mục đích của tín đồ.
Tín ngưỡng của người Việt thể hiện ở các mặt: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Ra đời trên nền
tảng xã hội nông nghiệp cổ truyền, tố chất nông dân mạnh về tư duy tổng hợp, thiếu tư duy phân tích nên tín ngưỡng của người Việt là tín ngưỡng dân dã đang ở giai đoạn hình thành những mầm mống của tôn giáo sơ khai; nghĩa là tín ngưỡng Việt Nam chưa chuyển được thành tôn giáo.
Cũng như các thành tố khác của văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng Việt Nam phản ánh rất rõ những đặc trưng nông nghiệp lúa nước của nền văn hóa Việt Nam. Đó là: Sự tôn trọng gắn bó mật thiết với thiên nhiên (tín ngưỡng sùng bái tự nhiên), là sự phản ánh đậm nét nguyên lý Âm – Dương (từ đối tượng thờ cúng như Trời - Đất, Chim – Thú, Rừng – Nước, cơ quan sinh dục nam – nữ…cho đến cách thức giao lưu giữa con người và thần linh, trần gian và cõi linh thiêng; là khuynh hướng đề cao nữ tính với hàng loạt nữ thần được thờ cúng ở mọi làng quê; là tính tổng hợp thể hiện tính đa thần, tính cộng đồng.
Theo tác giả Nguyễn Thị Bích Hà, tín ngưỡng dân gian Việt Nam chủ yếu dựa trên lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với tiền thần, tiền nhân. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam khá phong phú. Nó là tâm thức tôn sùng các lực lượng siêu nhiên như:
- Tôn sùng tự nhiên (mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp…), các loại cây trồng (bầu bí, lúa, ngô, đậu…), vật nuôi (trâu, bò, lợn…)
- Tôn sùng vật tổ (vật tổ chim, cá, cây, trâu…), tôn sùng tổ tiên (quốc tổ, thành hoàng, tổ tiên, ông bà)
- Tôn sùng sự sinh sản: sinh thực khí và các hoạt động tính giao
- Tôn sùng Mẫu: các nữ thần, tứ mẫu (thiên phủ, địa phủ, nhạc phủ (thượng ngàn), thủy phủ (mẫu thoải), Bà chúa xứ và Thiên Yana
- Tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công lớn với dân với nước: Thánh Gióng, Đức thánh Trần, Tản Viên Sơn Thánh, Bà Trưng, Lý Ông Trọng…