Quan niệm nhân quả, thiên mệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 96 - 98)

6. Bố cục

3.1.3. Quan niệm nhân quả, thiên mệnh

Nhân quả, thiên mệnh là những thuật ngữ gắn với Phật giáo nhưng cũng là ý niệm cố hữu trong tín ngưỡng dân gian. Ở tất cả các hình thức tín ngưỡng bản địa của người Việt, ý niệm về sự nhân quả đều được định hình. Tín ngưỡng sơ khai vạn vật hữu linh hướng đến niềm tin bất diệt: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lấy việc con cháu hiếu kính tiên tổ làm cơ sở quyết định phận phúc sau này. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng qua hệ thống các bài văn chầu (dùng trong nghi thức hầu bóng) để giáo dục ý thức tích thiện, trừ tà. Bên cạnh ý niệm về nhân quả, dân gian đặt niềm tin vào mệnh trời với những câu nói quen thuộc: sống chết có số, có phúc có phận, không tránh được số trời, người tính không bằng trời tính, giàu tại phận …

Trong các nội dung về quan niệm tín ngưỡng qua Truyền kỳ mạn lục mà luận văn đã khái quát bên trên, mối quan hệ nhân quả và sự xếp đặt thiên mệnh được thể hiện rõ nét. Địa ngục, thiên đình là không gian vũ trụ gắn với triết lý nhân quả: người sống thiện được lên thiên đình nguy nga, lầu son gác tía, kẻ bạc ác bị đầy địa ngục tối tăm, hôi hám. Sự sinh tử cũng phản ánh quy luật này: người tốt được đầu thai vào nhà tử tế, được nối số, trường sinh, kẻ xấu lộn kiếp đoạ đầy, lại bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào, bị hành hình 9 tầng địa ngục. Chuyện

gã trà đồng giáng sinh còn nhắc tới 24 toà Phong Đô nơi: “phàm người mới chết đều qua cả. Người nào tên ghi ở sổ son, may ra cò có khi sống mà quay về, chứ đã tên ghi ở sổ mực thì chẳng còn mong gì. Nếu không phải người xưa nay hết lòng làm việc thiện thì khó bề thoát được”. Có thể hiểu, 24 toà Phong Đô chính

là ranh giới giữa thiên đình, địa ngục, nơi phân định thiện ác mà những người thiện sẽ được ghi tên vào sổ son, ngược lại, phải lưu tên sổ mực.

Vấn đề mệnh trời nhiều lần được nhắc tới trong những triết lý của nhân vật hay tình tiết sự kiện. Chuyện tướng Dạ Xoa ghi lại lời của Dĩ Thành: “Phú

quý không thể cầu, nghèo cùng do tự số cho nên núi đồng mà chết đói họ Đặng, thằng Xe mà làm khố chàng Chu; có duyên gió thổi núi Mã Đương, không phận sét đánh bia Tiến Phúc. Nếu không như vậy thì đức hạnh như Nhan như Mẫn, hẳn là lên đến mây xanh, từ chương như Lạc như Lư,sao lại chỉ là chân trắng. Bởi cái gì không làm mà nên là do trời, không vời mà đến là do mệnh. Cái đáng quý ở kẻ sĩ chỉ là nghèo mà không xiểm nịnh, cùng mà vẫn vững bền, làm việc theo địa vị của mình và thuận với cảnh ngộ mà thôi, còn sự cùng thông sắc nhụt thì ta có thể làm gì cưỡng với chúng nó được”.

Một loạt các điển tích mà Dĩ Thành dẫn ra đều nhằm vào cái ý: số phận tại Trời, khiên cưỡng chống lại tất đều thất bại. Kẻ khôn ngoan phải biết giữ đạo và thuận lẽ trời.

Tin vào số mệnh, con người luôn có khát vọng xem trước số mệnh. Dân gian thực hiện nguyện vọng đó bằng thuật bói toán, soi tử vi, chiêm tinh, tiên tri, dự cảm... Trong thế giới truyền kỳ của Truyền kỳ mạn lục, xuất hiện nhiều tình tiết tiên báo vận mệnh. Nhị Khanh (Chuyện Người thiếu phụ ở Khoái Châu) sau khi thác trở thành người tiên giới nên biết chuyện tương lai: “Hồ triều sẽ hết vào

năm Binh tuất, (16) binh cách nổi lớn, số người bị giết tróc đến chừng hơn 20 vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi. Nếu không phải người giồng cây đức đã sâu thì chỉ e ngọc đá đều bị cháy cả. Bấy giờ có một vị chân nhân họ Lê, từ miền tây nam xuất hiện; chàng nên khuyên hai con bền chí đi theo vị ấy, thiếp dù chết cũng không nát”. Dương Thiên Tích (Chuyện gã trà đồng giáng sinh) được vị

thần trước là quan đại phu họ Thạch tiên định sau sẽ lấy vợ hiền họ Thạch tên Hán Anh, chịu khó học hành thì thành danh phú quý. Về sau, cũng chính Thiên

Tích được vị đạo nhân báo trước kiếp nạn Ô Tôn và cách gọi người trợ giúp. Phạm Tử Hư nhân gặp gỡ vị thầy quá cố, cũng gửi gắm nguyện vọng thiết tha được biết sự thực hư về thiên mệnh: “Cái cửa hoạ phúc đã được nghe đại khái.

Nhưng nay những người học trò thường đến đền Đế quân làm lễ cầu mộng, xin ngài báo ứng cho biết những sự nghiệp về sau. Việc đó có quả thực không?” Lý

tướng quân làm nhiều việc ác nên trên hạt châu của vị thầy tướng báo trước hình ảnh tương lai với “lò lửa, vạc sôi, bên cạnh có những người đầu quỷ ghê gớm hoặc cầm thừng chão, hoặc cầm dao cưa, mình thì đương bị goong xiềng, bò khúm núm ở bên vạc dầu, lấm lét sợ toát mồ hôi”… Tất cả những câu chuyện tiền định đó sau đều trở thành sự thật như một lời khẳng định cho sự tồn tại của thiên mệnh.

Tóm lại, Truyền kỳ mạn lục phản ánh đa diện những quan niệm tín

ngưỡng trong dân gian về thế giới quan, vụ trụ quan, về sinh tử, nghiệp báo và thiên mệnh. Nó không chỉ là bức tranh trung thành về đời sống tâm linh trong dân gian mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trong đó nhân quả của sự thiện ác là bài học cốt lõi nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)