Một số sinh hoạt tín ngưỡng khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 79 - 82)

6. Bố cục

2.3.2. Một số sinh hoạt tín ngưỡng khác

Bên cạnh những sinh hoạt tín ngưỡng đơn thuần, Truyền kỳ mạn lục của

Nguyễn Dữ cũng ghi lại nhiều hình thức tín ngưỡng đặc biệt, ít xuất hiện hơn trong đời sống song không thể phủ nhận sự tồn tại của nó trong lòng văn hoá dân gian.

2.3.2.1. Trừ tà, trấn yểm

Trừ tà là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc biệt được nhắc đến nhiều nhất trong Truyền kỳ mạn lục (8/20 truyện). Trong thế giới huyền bí linh thiêng, song song với việc cúng bài thần linh là các hành thức giải trừ tà ma, yêu quái. Trừ tà, trấn yểm là phương thuật phù thuỷ phổ biến trong đời sống, có thể

thực hiện dưới sự trợ giúp của thầy pháp, phù thuỷ, thầy địa lý, thầy tào, thầy cúng, nhà sư hoặc chính bản thân gia chủ. Thuật trừ tà bao gồm nhiều phương thức bí truyền (bùa chú, niệm chú, một số vật dụng trấn yểm như chu sa, thần sa, chỉ ngũ sắc, con ốc, con dao…) hoặc đơn giản, phổ biến (quả ớt, củ tỏi, cành dâu, nước giải…).

Trong 20 kỳ truyện của Truyền kỳ mạn lục, các hình thức trừ tà cũng được miêu tả ở dạng thức từ thô sơ đến phức tạp. Cách trừ tà đơn giản nhất chính là việc đập phá mộ, vứt xương cốt xuống sông, khai quật quan tài, ném đá, chặt cây gạo… được thực hiện bởi nhân vật “đám đông” là dân làng, người nhà… Tuy nhiên, hầu hết các cách thức này đều không đem lại hiệu quả hoặc hiệu quả không rõ rệt. Hồn ma Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh sau khi bị đào mả lại càng lộng hành, trú ngụ trên cây gạo, không ai giải trừ được “hễ ai động đến cành lá

cây gạo thì dao gẫy rìu mẻ, không thể nào đẵn phạt”. Vong hồn Thị Nghi lai

vãng ở Xương Giang khiến mọi người sợ hãi. Họ đào mộ nàng, vứt xương cốt xuống sông nhưng sự càn quấy cũng chỉ “hơi bơn bớt”… Ở hầu hết các trường hợp, chỉ khi có sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt thì loài yêu ma mới được giải trừ tận gốc. Nhân vật đó thường là đạo sĩ bí ẩn hoặc nhà sư cao tay với những phép màu huyền bí hoặc dụng cụ thần kỳ. Trong Chuyện cây gạo, vị đạo sĩ “lập đàn cúng tế, viết ba đạo bùa, một đạo đóng vào cây gạo, một đạo thả

chìm xuống sông, một đạo đốt ở dưới trời” rồi quát to đe doạ thì mới khiến cây

gạo bị nhổ bật gốc, linh hồn hai kẻ tình si bị lính đầu trâu dẫn đi. Chuyện Nghiệp

oan của Đào Thị kể chuyện trừ tà bằng phép thuật của nhà sư Nhược Pháp: “Bèn dựng một đàn tràng ngay ở trên núi, treo đèn bốn mặt và lấy bút son vẽ bùa dấu. Ước độ trống canh thì có đám mây đen mươi trượng bao bọc ở chung quanh đàn, một cơn gió lạnh thổi ào làm cho người phải ghê rợn. Sư cụ cầm cây tích trượng chỉ huy tả hữu, có lúc lại ra khỏi đàn làm ra bộ quát mắng. Nhược Chân ngồi ở một ngôi nhà phía xa, vén mành trông trộm; nhưng vắng lặng

chẳng thấy gì cả, chỉ nghe trên không có tiếng khóc y ỷ, một lúc tiếng tắt mà đám mây cũng tan. Sáng hôm sau, sư cụ lấy một phiến đá bôi hùng hoàng vào rồi viết mực lên, trao cho Nhược Chân mà bảo:

Ông về hễ thấy loài yêu quái biến ra vật gì, kịp lấy đá này mà ném thì những mối thừa của tai họa sẽ dứt được hết.”

Chuyện yêu quái ở Xương Giang lại nói về phép thuật bí ẩn của một người

kỳ lạ “khăn cũ giày rách, ăn mặc lôi thôi”. Người ấy nhận ra nguyên nhân những ốm đau dặt dẹo của viên quan họ Hoàng chính ở người vợ ma quỷ bèn “lấy một

đạo bùa ném ra, người con gái liền theo bùa mà ngã bổ nhào xuống đất, thành ra một đống xương trắng. Người ấy lấy nước nóng thất hương vào ngực Hoàng. Một lúc sau Hoàng tỉnh dậy, hỏi những việc trước thì chẳng biết gì cả”

2.3.2.2. Lập đàn giải oan, bói toán, lên đồng

Một số nghi thức tín ngưỡng đặc biệt khác cũng được Nguyễn Dữ kể đến chi tiết hoặc thoáng qua trong các chuyện thần bí. Đó là đàn giải oan mà Trương Sinh lập cho vợ bên bờ sông trong truyện : Chuyện người con gái Nam Xương, là nghi lễ tiễn vong lên chùa mà Trọng Quỳ làm cho vợ theo phong tục truyền thống, nhằm để linh hồn người oan khuất sớm siêu sinh tịnh độ:

“Phong cảnh còn đây Người đã xa chơi Lấy gì độ em Một lễ lên chùa Lấy gì khuây em Duyên sau đền bù Non mòn bể cạn Mối hận khôn khuây”

Đó còn là các phương thuật bói toán, nghi lễ lên đồng, gọi hồn được nhắc đến trong các chuyện: Chuyện Lý tướng Quân, Chuyện chức Phán sự ở đền Tản

Viên…

Có thể khẳng định rằng, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã tái hiện

một bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đa dạng, phong phú, từ những hình thức tín ngưỡng đơn thuần cho đến những nghi thức đặc biệt, bí ẩn. Nó phản ánh đời sống tâm linh phức tạp của người Việt trong thời kỳ trung đại với sự hội tụ, dung hợp của nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Đạo giáo, Phật giáo và các tín ngưỡng bản địa. Tất cả những chất liệu dân gian này đã được Nguyễn Dữ nhào lặn để xây dựng lên những tác phẩm văn học vừa mang yếu tố kỳ ảo vừa chứa đựng những giá trị hiện thực, nhân bản sâu sắc. 20 câu chuyện trong tác phẩm cũng đã góp phần dựng lại bức tranh tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Việt thuở ấy. Truyền kỳ mạn lục không chỉ có giá trị văn

chương mà còn chứa đựng những giá trị quý báu về mặt văn hóa - lịch sự là bởi lẽ đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)