Quan niệm sinh tử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 89 - 96)

6. Bố cục

3.1.2. Quan niệm sinh tử

Từ ngàn đời nay, sự sống và cái chết luôn là một bí ẩn thách thức nhân loại. Con người sinh ra từ đâu? Sau khi chết sẽ tiêu tan hay luân hồi chuyển kiếp? Ấy là trăn trở trong suốt hành trình sinh tồn của loài người. Quan niệm sinh tử vì thế mà luôn được đề cập đến không chỉ trong các thuyết tôn giáo mà

rất nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật – đặc biệt là giai đoạn cổ, trung đại. Thông qua các câu chuyện truyền kỳ tản mạn trong dân gian được Nguyễn Dữ ghi chép và sáng tạo lại, góc nhìn sinh tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam được thể hiện rõ nét với nhiều khía cạnh đa dạng.

3.1.2.1. Sinh tử là sự xếp đặt của số mệnh

Trước hết, sinh tử được coi là số mệnh, được sắp đặt, định hình bởi đức cao siêu. Số mệnh sẽ quy định con người sinh ra như thế nào, cuộc sống phù hoa hay lận đận, thiên mệnh dài hay vắn. Chuyện Lý tướng quân có nhắc đến chi tiết nói về sự ấn định của Diêm Vương đối với kiếp sau của những người mà kiếp này mắc nhiều công tội:

“- Ở nhà kia có tên Mỗ, vốn người tham bẩn, hối lộ dập dìu; lại lấy lộc trật mà hợm hĩnh ngông nghênh, khinh miệt những người có đức, chưa từng cất nhắc kẻ hiền sĩ để giúp việc nước. Thần xin chuyển báo cho tòa Nam tào tước bỏ tên ra.

Một viên nói:

- Ở châu kia có người họ Hà gắng sức làm thiện, hàng ngày trong nhà thường phải thiếu ăn, gần đây nhân sau hồi binh lửa, tật dịch nổi lên, người ấy lại cho đơn cấp thuốc, số người nhờ thế mà khỏi chết đến hơn một nghìn. Thần muốn xin cho người ấy thác sinh vào nhà có phúc, hưởng lộc ba đời, để báo cái ơn đã cứu sống cho nhiều người.

Một viên nói:

- Ở thôn kia có gã họ Đinh, bất mục với anh em, chẳng hòa với tông tộc, thừa dịp các cháu bé dại chữa lại chúc thư để chiếm cướp lấy cả ruộng nương, khiến họ không còn có miếng đất cắm dùi. Thần muốn bắt người ấy phải thác sinh vào nhà kẻ hèn, đói khát, nằm vạ vật ở ngòi rãnh, để bõ với sự đã đi tranh cướp của người.” (Truyện Lý Tướng Quân)

Theo quan niệm dân gian, việc một con người sinh hạ trong gia đình như thế nào, được phú quý hay bần hàn đều do kiếp trước quy định. Phiên toà xét xử trong câu chuyện về Lý tướng quân còn nhắc đến một chi tiết thể hiện tín ngưỡng dân gian dưới ảnh hưởng của Đạo giáo với hình ảnh toà Nam Tào, Bắc Đẩu. Theo đó, cung Nam Tào là nơi quyết định sự sinh tử. Việc điền tên hay gạch tên của Nam Tào đánh dấu một cuộc đời được sinh ra hay phải từ bỏ trần thế. Trong phiên toà trên, kẻ làm quan tham, chỉ lo vun vén cho mình, khinh miệt người có đức bị tước tên khỏi sổ Nam Tào, nghĩa là vạn kiếp không tái sinh được nữa.

Chính vì sự sinh tử là số phận, nên trong Truyền kỳ mạn lục, ít nhất hai

lần tác giả nhắc đến chi tiết người có đức được nối số, người có lỗi bị giảm thọ. Dương Đức Công, vị quan thanh liêm trấn Tuyên Quang ăn ở lương thiện, truy xét mọi việc thanh minh nhưng “Chỉ tiếc hưởng tuổi không dài và dòng sau

không người nối dõi” nên sau khi chết ở tuổi 50, ông lại được ân trên soi xét: “Thượng đế khen ngợi, ban cho một người con trai tốt và cho sống lâu thêm hai kỷ” để biểu dương, khuyến khích người khác (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh).

Ngược lại, viên quan họ Hoàng trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang người trần mắt thịt, không phân tiệt được giống yêu tà, lấy phải Thị Nghi là linh hồn ma nữ nên thân xác bị hành hạ, ôm đau vạ vật, rồi lại chịu mệnh Diêm Vương: “Nhà ngươi theo đòi Nho học, đọc sách thánh hiền, trải xem những sự tích xưa

nay, há không biết răn sắc đẹp… Bỏ nết cương thường, theo đường tà dục, giảm thọ một kỷ”.

Trong tín ngưỡng dân gian, số phận là mệnh trời, song sự nối số hay giảm thọ như vậy được cho là có thể thực hiện, không phải chỉ như một quyết định của đấng cao xanh hay Diêm thần địa phủ mà đôi khi là khả năng của các vị thầy cao tay chính tại trần thế. Thông qua phương thuật bói toán như tử vi, tướng số, người ta có thể dự đoán vận mệnh của một người và tác động lên số phận của họ

bằng phương thuật nối số (xin sống lâu hơn) hay đổi số (thay đổi số phận), cá biệt, tồn tại cả những bùa thuật nhằm chấm dứt số kiếp của người khác thông qua bùa chú đạo tà. Những tri thức tín ngưỡng dân gian như vậy một phần phản ánh ý thức của con người về thiên mệnh, một phần thể hiện sự vùng vẫy của họ trong nỗ lực phá bỏ mệnh trời.

3.1.2.2. Cuộc sống sau khi chết

Phản ánh đúng tâm thức dân gian, Truyền kỳ mạn lục đã miêu tả sinh

động về hành trình của những linh hồn sau khi lìa khỏi thế xác để sang thế giới bên kia. Theo đó, không phải mọi linh hồn đều đi theo một lộ trình xác định. Có thể kể đến những con đường mở ra đối với linh hồn được Nguyễn Dữ miêu tả trong 20 truyện như sau:

Thứ nhất, người chết bị quân mã Âm ty dẫn xuống địa phủ gặp Diêm vương, nghe phán xét công tội rồi căn cứ vào đó mà phải lưu đày lục cung hay được chuyển kiếp thanh thản. Chuyện Lý tướng quân là minh hoạ tiêu biểu nhất

cho trường hợp này với những chi tiết miêu tả sinh động về toàn cảnh phiên toà phân xử: “Nửa đêm, quả thấy mấy người lính đầu ngựa đến đón tới một cung

điện lớn. Trên điện có một vị vua, bên cạnh đều những người áo sắt mũ đồng tay cầm phủ việt đồng mác, dàn ra hàng lối đứng chầu chực rất là nghiêm túc. Chợt thấy bốn vị phán quan từ bên tả vu đi ra mà một viên tức là Nguyễn Quỳ. Bốn viên này tay đều cầm thẻ, quỳ đọc ở trước án son”. Ngay sau đó, Nguyễn Dữ đã

trần thuật lại phiên toà với những tình tiết ly kỳ, đáng sợ. Ở đó, người hiền thì được “thác sinh vào nhà có phúc, hưởng lộc ba đời, để báo cái ơn đã cứu sống

cho nhiều người” hay “xin tâu lên Đế đình, cho người ấy được làm tiên”, còn kẻ

ác tâm, độc thủ phải chịu những hình phạt đau đớn: “thác sinh vào nhà kẻ hèn,

đói khát, nằm vạ vật ở ngòi rãnh, để bõ với sự đã đi tranh cướp của người”, “chuyển báo cho tòa Nam tào tước bỏ tên ra”, “lấy nước sôi rửa ruột để cho tình dục không sinh”, “lấy dây da chét lấy đầu, lấy dùi lửa đóng vào chân, chim

cắt mổ vào ngực, rắn độc cắn vào bụng, trầm luân kiếp kiếp, không bao giờ được ra khỏi”…

Thứ hai, người chết được Thượng đế, Thuỷ mẫu chiếu cố ân chỉ, phong chức hầu, trở thành thần thánh. Mô típ này xuất hiện khá phổ biến trong Truyền kỳ mạn lục, gắn với những tấm gương trung thần hay nữ nhi hiếu hạnh. Đó là

trường hợp nàng Nhị Khanh, Vũ Nương sống thì tiết nghĩa, trọn đạo làm vợ, vì gặp cảnh hàm oan ngang trái mà phải tìm đến cái chết để giữ gìn phẩm giá. Nhị Khanh được lệ vào đền Trưng Vương, coi giữ sớ văn tấu đối, đi mây về gió cùng đấng cao siêu. Vũ Nương thì được nương nhờ thuỷ cung của Linh Phi, trở thành thuỷ thần, dùng yến tiệc, đi kiệu hoa “theo sau lại có đến hơn 50 chiếc xe, cờ tàn tán lọng, rực rỡ đầy sống, lúc ẩn lúc hiện”. Đó cũng là câu chuyện ly kỳ của nhà xử sĩ Dương Trạm, khi sống gương mẫu, đức hiền, biết điều tín nghĩa, biết trọng thư văn mà lúc chết được làm chức trực lại ở cửa Tư đồng, hàng ngày đàm đạo cùng chư tiên, đi bằng xe mây tán vàng kiệu ngọc, kẻ hầu người hạ rộn ràng đông đúc. Trong Chuyện Tử Hư lên chơi thiên tào có miêu tả về “Cửa tích đức”, nơi ở của những vị tiên “thuở sống có lòng yêu thương mọi người, tuy không phải dốc hết tiền của để làm việc nố thí nhưng biết tuỳ cơ mà chu cấp, đã không keo bẩn, lại không hợm hĩnh. Thượng đế khen là có nhân, liệt vào danh sách thanh phẩm”.

Thứ ba, người chết trở thành linh hồn lai vãng, sống đời nửa thực nửa hư,

thoắt ẩn thoắt hiện nơi mộ chí. Sự hoá thân này được nhắc đến trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa hay Chuyện nàng Lệ Nương. Ngô Chi Lan và vị tiên sinh

họ Phù sinh thời đều là những người sống thanh đạm, giỏi thơ phú nhưng đoản mệnh. Thân xác họ được an tang ở cánh bãi Tây Nguyên trên bãi cỏ xanh giữa đồng không mông quạnh. Một buổi mưa to gió lớn, người học trò Mao Tử Biên đi qua vùng này giữa lúc đêm khuya, bỗng gặp mấy gian nhà tranh xin ngủ nhờ, nửa đêm được chứng kiến cuộc đàm đạo thơ văn, nhân tình thế thái của vợ

chồng chủ nhà với vị khách văn Lã Đường tiên sinh. Sáng ra tỉnh dậy mới biết cảnh, người, cuốn thơ và cuộc hội ngộ đêm qua chỉ là hư ảo: “Đến lúc mặt trời

mọc, chàng ngồi vùng dậy, té ra thấy mình nằm trên cỏ, áo đầm những sương, chỉ có đông tây hai ngôi mộ nhà ai nằm đó. Mở quyển sách ra xem thấy toàn là những giấy trắng chỉ có bốn dòng chữ “Lã Đường Thi tập” nét mực còn ong ánh chưa khô” (…) hỏi thăm người ở đây mới biết hai ngôi mộ này là mộ cợ chồng giáo quan họ Phù”. Trong Chuyện Lệ Nương, tác giả cũng nhắc đến sự thác sinh tiết hạnh của Lệ Nương và hai mỹ nhân họ Chu, họ Trịnh trên đường chạy giặc: “Trước đây năm hôm, quân Tầu sắp rút, người đàn bà họ Nguyễn ấy

bảo với hai bà phu nhân họ Chu họ Trịnh rằng: "Bọn chúng ta vóc mềm tựa liễu, mệnh bạc như vôi, nước vỡ nhà tan lưu ly đến đó. Nay nếu lại theo họ sang qua cửa ải tức là đến nước non quê người. Chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc". Thế rồi mấy người đều cùng nhau tự tận. Tướng Tầu thương là có tiết tháo, dùng lễ mà táng ở trên núi”. Linh hồn những người phụ nữ “trinh thuần cương liệt” ấy chọn được nơi nương nhờ yên ổn là chốn non bồng thuỷ tú “nước non trong sáng, mây khói vật vờ, thần yên phách yên” nên yên tịnh mà nguyện gắn bó vĩnh hằng, ngay cả khi vị hôn phu Phật Sinh tìm đến mà giãi bày tâm nguyện được cải táng rước linh về lại quê hương.

Thứ tư, người chết trở thành hồn ma bóng quỷ vật vờ trần thế, càn quấy

nhân gian: Ly kỳ và tạo ám ảnh nhất trong Truyền kỳ mạn lục có lẽ chính là

những câu chuyện về hồn ma bóng quỷ không siêu sinh mà lai vãng dương trần, chòng ghẹo người lành, trừng phạt kẻ ác, vương vấn, lôi kéo kẻ tình si cùng từ bỏ kiếp sống nhân gian để đoàn viên nơi chín suối. Đó là Thị Nghi mồ côi, chết trẻ, trở thành yêu quái Xương Giang, là oan hồn Đào Thị vương vấn tình duyên với Sư Vô Kỷ để rồi kéo người nhân ngãi đi theo mình “bỏ giường thiền tứ đại,

cái nợ oan gia ngày trước”. Đó cũng là câu chuyện tình người – ma đầy ám ảnh

của Trình Trung Ngộ và Lệ Khanh trong Chuyện cây gạo. Dễ nhận thấy, mô típ hồn ma thác oan dật dờ nơi trần thế phần đa đều là những cô gái trẻ, chưa hưởng trọn hạnh phúc dương trần, vì lưu luyến tình ái nhân gian mà linh khí chẳng tiêu tan, trở thành yêu nữ. Mặc dù Nguyễn Dữ đều chọn cho những linh hồn ấy đoạn kết thảm thương hay những lời bình hà khắc, song đi sâu vào tình tiết bên trong, ta vẫn thấy người viết có sự đồng cảm thiết tha đối với những kiếp đời nhi nhữ truân chuyên, bất hạnh, chỉ vì một chữ tình mà ngàn năm chịu tiếng là ma dữ, yêu tà.

Miêu tả chi tiết, sinh động câu chuyện về những linh hồn cô nữ, Nguyễn Dữ đã phản ánh trung thực đặc trưng tín ngưỡng dân gian. Theo đó, mọi cái chết đều linh thiêng, song cái chết của những người trẻ tuổi chưa yên bề gia thất, đặc biệt là phụ nữ luôn được cho là linh thiêng nhất. Họ là những con người bất hạnh, không kịp hưởng hạnh phúc trần gian đã phải lìa xa dương giới nên dẫu hồn bay phác lạc mà không thể đành lòng về miền cực lạc siêu sinh. Họ trở thành bà cô, ông mãnh lẩn khuất dương trần, bảo vệ con cháu nhưng cũng hay dỗi hờn, quấy quả. Vì thế người Việt luôn có bát hương thờ bà cô, ông mãnh trong gia đình, song song với bát hương Thổ công và tổ tiên. Trong Văn tế thập

loại chúng sinh, Nguyễn Du cũng viết nhiều nhất về những linh hồn đoản mệnh

thác oan:

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé, Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha. Lấy ai bồng bế vào ra,

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng. Kìa những kẻ chìm sông lạc suối, Cũng có người sẩy cối sa cây, Có người leo giếng đứt dây,

Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành. Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái Người thì sa nanh sói ngà voi, Có người hay đẻ không nuôi,

Có người sa sẩy, có người khốn thương…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 89 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)