Hiện tượng báo mộng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 45 - 51)

6. Bố cục

2.1.1. Hiện tượng báo mộng

Giấc mộng là một trong những bí ẩn chưa được giải đáp của cuộc sống ngay từ thuở sơ khai hay khi khoa học đã phát triển. Theo các tài liệu, từ thời cổ đại, khoa học phương Đông đã có những biện giải đầu tiên về giấc mộng. Vào triều đại nhà Thương khoảng 4.000 năm về trước, người Trung Quốc cổ đại đã rất coi trọng những giấc mơ và coi đó như một phương thức để khám phá thế giới linh hồn. Triều đình và tầng lớp quý tộc nhà Thương tin rằng giấc mơ báo hiệu điềm tốt hoặc điềm xấu, vì vậy họ đã tham vấn những viên quan am hiểu về

giấc mơ để diễn giải ý nghĩa của chúng. Theo “Chu Lễ” (Lễ nghi đời nhà Chu), một bộ sách kinh điển của Nho giáo được tuyển tập vào thời Chiến Quốc (475- 221 TCN), giấc mơ được phân thành 6 loại riêng biệt. Vương Phù cuối thời Đông Hán cho rằng, mộng mị của con người có căn nguyên từ sinh lý, bệnh lý và tâm lý tinh thần. Các nhà khoa học hiện đại cho rằng giấc mơ là hiện tượng tư duy khi ngủ. Freud khẳng định “Mộng là sự biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những

dục vọng bị kìm nén của con người”, Carl Gustav Jung, nhà phân tích tâm lý học

tiên phong của Thụy Sĩ xem “mộng là sự thực hiện một cách tự nhiên và đương

nhiên cái thực trạng vô thức”. Theo đó, mộng chính là sự tái sinh những ham

muốn, ý niệm mà lúc tỉnh, ý thức của con người đã lấn át dưới sự chi phối của lý trí, đạo đức.

Mặc dù quan điểm khoa học về giấc mộng từng ngày được khai sáng song sự lý giải giấc mộng dưới góc nhìn tâm linh không vì thế mà bị co hẹp. Trong tín ngưỡng dân gian, mộng có chức năng thông báo. Nói cách khác, mộng là một dạng thức cơ bản của điềm báo (cùng với nhiều điềm báo khác như vỡ gương, đứt dây đàn, gà mái gáy, bát hương bốc cháy…). Người xưa cho rằng, giấc mơ và hiện thực có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, giấc mơ đến khi linh hồn thoát khỏi thân xác, giao tiếp với thế giới xung quanh, kể cả với bậc thánh thần hay người đã khuất, từ đó mà tri nhận được nhiều điều bí ẩn về tương lai hay câu chuyện xa vời ở thế giới khác. Giấc mơ là cầu nối giữa con người với thế giới thần linh, là điềm báo lành dữ, phúc hoạ. Đôi khi, thần tiên hay người đã khuất vào thông qua giấc mơ của người sống mà truyền báo thông tin, từ những điều lớn lao như vận mệnh sơn hà hay nỗi niềm riêng tư nhỏ nhặt như ở thế giới bên kia: vong hồn cần gì, thiếu gì, dặn dò con cháu điều gì…. Bắt nguồn từ niềm tin ấy, trong triều đình phong kiến phương Đông thường có vị chức quan chuyên giữ trọng trách cầu mộng, giải mộng. Trong dân gian, tri thức liên quan đến giải nghĩa giấc mộng, trấn áp điềm dữ trong mộng cực kỳ phong phú. Sinh dữ tử

lành là thành ngữ dân gian khẳng định, nếu mộng thấy chuyện sinh đẻ thì rủi ro,

mộng thấy điều chết chóc thì may mắn. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền nhiều tri thức đoán mộng và cách giải trừ mộng dữ. Tất cả được gọi chung là tri thức “chiêm mộng” (bói mộng).

Chiêm mộng ảnh hưởng tới sáng tác văn học, trước thuật khá sâu rộng qua mấy ngàn năm văn hoá. Mượn mộng ảo để nói chuyện thực, mượn mộng ảo để giải toả bế tắc trong cuộc đời, lấy mộng để phúng dụ... đem lại cho văn học mộng ảo sự hấp dẫn và nhân sinh sâu sắc. Ở Trung Hoa, đề tài về chiêm mộng có từ Kinh thi, rồi thơ ca Đường, Tống, hý khúc, tiểu thuyết thời Minh, Thanh. Ví như Mộng Lý Bạch của Đỗ Phủ. Thơ Lục Du có khoảng 160 bài liên quan

đến mộng. Thang Hiến Tổ sáng tác Hàm Đan mộng, Nam Kha mộng, Thẩm Ký Tế có Chẩm mộng ký. Đặc biệt là kiệt tác Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần... Trong văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng báo mộng, chiêm mộng cũng có mặt dày đặc, ở cả loại hình truyện truyền kỳ, thơ trữ tình và truyện thơ.

Giấc mộng thường xuất hiện để báo trước sự ra đời của một bậc kỳ tài. Mẹ Hán Cao Tổ Lưu Bang thường sống bên bờ hồ lớn. Bà mơ gặp thần lúc gió mưa, ngẩng lên thấy rồng phủ lên trên bà, bà mang thai sinh ra Lưu Bang (Sử ký - Tư Mã Thiên). Trong truyện thơ Nôm Thạch Sanh, Thạch Sanh là thái tử Ngọc Hoàng đầu thai. Vì thế, Thạch bà mơ thấy rồng kề bên người mà sinh ra chàng (Thạch

Sanh). Lý Công ăn mày nhưng đi đâu cũng có rồng chầu, rồng phủ. Họ Phạm

mộng hùng bi sinh Phạm Kim, họ Trương mộng thấy hoa lan sinh ra Thuỵ Châu (Sơ kính tân trang). Họ Trần mộng xà sinh Kiều Liên, nhà Phan mộng hùng bi sinh Phan Tất Chánh (Phan Trần)... Những nhân vật trên sau này đều trở thành những nhân vật tài tử, giai nhân, hoặc hoàng phi, đế vương. Chiêm mộng làm sáng rõ kiểu tư duy của người cầm bút, sự chi phối của tư duy thần thoại.

Chiêm mộng trong truyện thơ Nôm còn là những chiêm mộng tiên báo số

phận, đường đời nhân vật. Ở đó, chiêm mộng như yếu tố “kỹ thuật” của người

viết văn, đồng thời tham gia vào cấu trúc cốt truyện. Giấc mộng với ý nghĩa tiên báo khá rõ. Chàng Tú Uyên đến cầu duyên ở đền Bạch Mã, linh ứng qua thần báo mộng. Sau đó chàng mua được tranh tiên nữ về nhà. Chiêm mộng tham gia vào khởi đầu gặp gỡ giữa nam phàm và tiên nữ (Bích Câu kỳ ngộ). Ở cốt truyện Song Tinh, Dã Hạc và Thanh Vân (gia đồng của Song Tinh) được thần sông báo mộng cứu Nhụy Châu bị nạn để sau đó đưa nàng về quê của Song Tinh ở Thục Xuyên. Châu Tuấn xa nước mười bảy năm, chàng xót thương người vợ tao khang nơi quê nhà, tuyệt vọng vì sinh ly, chàng liền mộng thấy Phật mách bảo viễn cảnh sum họp (Thoại Khanh - Châu Tuấn). Đặc biệt đối với Truyện Kiều của

Nguyễn Du, chiêm mộng của Thuý Kiều về Đạm Tiên được liên kết thành mạch kể xuyên suốt cốt truyện. Có mở đầu, phát triển và có kết thúc. Đạm Tiên "bám riết", chi phối cuộc đời Kiều. Tiên đoán, tiền định, hư hư, thực thực... là những tính chất, màu sắc đa dạng của chiêm mộng.

Mộng thường xuất hiện trong trạng thái nửa thức nửa tỉnh. Vì vậy, người ta dễ mộng mị khi cơ thể yếu đuối, giấc ngủ không sâu. Mô típ giấc mộng với những điềm báo đặc biệt trong văn học vì thế mà thường gắn với tình huống nhân vật ốm đau, mê sảng, say rượu hay khi “ngủ la đà”, “vừa thiếp đi”… Hồ Tông Thốc sau khi đề thơ ở đền Hạng Vũ, rượu say, nằm ngủ chiêm báo thấy người đến đón đi gặp Hạng Vương để nghe trách cứ về những dòng thơ bị coi là chế giễu, coi thường vị tướng nước Tàu.

Trở lại với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, chúng tôi nhận thấy có

10/20 kỳ truyện chứa đựng chi tiết về giấc mộng (Xin xem Bảng 1 phần Phụ lục trang 110). Chẳng hạn, Trọng Quỳ (Chuyện Người nghĩa phụ ở Khoái Châu) trong lúc đau buồn vì mất vợ, lại rơi vào cảnh lầm than phải đi tìm bạn cũ cậy nhờ đã tạt vào vệ đường “ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng” mà gặp lại Nhị

Khanh. Trình Trung Ngộ (Chuyện cây gạo) bị vong hồn người yêu đã chết quấy quả trong lúc mê sảng, sau tự tử vì không cưỡng lại được lời dụ dỗ của ma nữ…Có thể nói, ở hầu hết các truyện trong Truyền kỳ mạn lục đều xuất hiện

hiện tượng báo mộng, thậm chí tình tiết này xuất hiện nhiều lần trong một tác phẩm. Giấc kỳ mộng thường gắn với hai nội dung lớn: báo trước sự ra đời kỳ lạ và giao tiếp với thành thần ma quỷ.

Ở nội dung thứ nhất, giấc mộng là sự tiên đoán cho sự ra đời kỳ ảo

(giống với mô típ quen thuộc trong truyện dân gian, trung đại), ta có thể kể đến 2 truyện tiêu biểu là: Chuyện gã trà đồng giáng sinh và Chuyện nghiệp oan của

Đào Thị. Trong Chuyện gã trà đồng giáng sinh, Dương Đức Công sau khi được

Thượng Đế cho hồi sinh, sống thêm hai kỷ và có con nối dõi thì người vợ chiêm bao lúc cuối canh một. Bà mơ thấy “có ngôi sao nhỏ rơi vào lòng, lòng bỗng

thấy rung động”, từ đó mang thai, sinh ra Thiên Tích – vốn là gã trà đồng trên

tiên giới vì tò mò xuống thưởng ngoạn trần gian và đầu thai vào gia đình Đức Công. Ấy là sự ra đời kỳ lạ và lành đức của bậc thần tiên. Trái lại, trong Chuyện

nghiệp oan của Đào Thị, cơn mộng dữ báo trước sự ra đời bi kịch của hai người

con trai quan hành khiển Ngụy Nhược Chân. Đào Thị khi sống có hận với vợ Nhược Chân vì đã nghi ngờ, hành hạ nàng nên sau khi chết, cùng tình nhân Vô Kỷ “thác hoá đầu thai, đặng trả cho xong một cái nợ oan gia ngày trước”. Vậy là, vào một đêm mưa gió dữ dội, bà vợ quan hành khiển “chiêm bao thấy hai

con rắn cắn vào mạng sườn dưới nách bên tả. Sau đó bà mang thai sinh ra hai người con trai đặt tên là Long Thúc, Long Quý”. Sau này, có vị thầy tu mách

bảo, rồi nhờ tài phép của sư Pháp Vân với giải trừ được mối duyên nghiệp ấy. Như vậy, rõ ràng giấc mộng được coi như một dấu hiệu báo trước sự ra đời đầy tính kỳ ảo của một vài nhân vật trong tác phẩm. Chi tiết về những giấc mộng dị thường cũng chính là một dạng biểu hiện của yếu tố kỳ ảo – đặc trưng điển hình tạo nên sức hấp dẫn của thể loại truyền kỳ.

Ở nội dung thứ hai, giấc mộng là cầu nối để gặp gỡ, giao tiếp với người đã chết, bậc thánh thần, ma quỷ. Nội dung này xuất hiện phổ biến hơn trong 6 truyện: Câu chuyện ở đền Hạng Vương, Chuyện cây gạo, Chuyện người

nghĩa phụ ở Khoái Châu, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa, Cuộc kỳ ngộ ở Trại Tây, Chuyện nghiệp oan của Đào Thị… Những giấc mộng ấy được nhà văn sử

dụng như những thủ pháp nghệ thuật nhằm các mục đích sau: (1). Tạo ra cuộc gặp gỡ kỳ ngộ để đoàn viên, đàm đạo, chất vấn, giãi bày, nói chuyện văn thơ, triết lý giữa người sống với người chết, thánh thần và phàm trần. (2). Tiên báo vận mệnh (Ví dụ: Nhị Khanh báo cho Trọng Quỳ về vận mệnh họ Hồ và sự xuất hiện của chân nhân họ Lê…). (3). Dụ dỗ, lôi kéo tình nhân theo mình xuống chín suối. Ví dụ trong Chuyện cây gạo, Nhị Khanh trở về trong cơn mê sảng của Trình Trung Ngộ, vừa khóc vừa cười, vừa nỉ non, mời gọi để chàng như hoá điên hoá dại, cuối cùng trốn nhà, lao vào quan tài mà chết. Hay Chuyện nghiệp

oan của Đào Thị, sau cuộc sinh nở nguy biến, Đào Thị quằn quại chết ở gường

cữ, Vô Kỷ cũng đau lòng, ân hận mà sinh ốm đau “lai rai đến nửa năm trời, bỏ

cả cơm cháo”. Một đêm, thấy Hàn Than hiện đến, rủ đi để “chết xuống cùng nhau quấn quýt”, bệnh Vô Kỷ càng thêm nguy kịch, rồi từ trần đau đớn. (4). Nói

lời ân nghĩa: Đây là trường hợp tương đối phổ biến, thường gắn với tình huống nhân vật làm điều ân nghĩa với người đã khuất, sau được gặp lại linh hồn trong chiêm bao thoảng qua để nghe lời cảm tạ. Hà Nhân trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại

Tây bán áo, lấy tiền làm mâm cỗ cúng hai hồn hoa, lại viết bài văn tế cảm động

nên được hai nàng hiện về trong chiêm bao nói lời ân nghĩa rồi phút chốc biến đi. Phật Sinh trong Chuyện nàng Lệ Nương lặn lội đường xa đi tìm vợ nhưng Lệ Nương và hai tiết nữ họ Chu, họ Trịnh đã tuẫn tiết để giữ lòng vàng. Chàng bèn cúng tế, lại ý định cải táng đưa ba người về quê hương. Nhưng đêm đó, trong lúc chiêm bao, Phật Sinh được ba người báo mộng, nói lời cảm ơn và di nguyện muốn được ở lại chốn non bồng nước nhược vĩnh hằng bên nhau…

Như vậy, có thể thấy, báo mộng là một trong những tình tiết kỳ ảo phổ biến trong Truyền kỳ mạn lục với tần số xuất hiện cao, hình thức, nội dung đa dạng. Theo khảo sát của chúng tôi, chi tiết giấc mộng xuất hiện khá phổ biến trong hầu hết các tác phẩm (10/20 truyện). Yếu tố mộng, báo mộng tham gia vào cốt truyện và để lại dấu ấn rõ nét và Hiện tượng báo mộng vừa nhằm mục đích nói sự kỳ ảo một cách hợp lý nhất, bớt hoang đường nhất song lại giải quyết gọn gàng tình huống truyện, đem đến cho tác phẩm truyền kỳ sức cuốn hút mãnh liệt. Chi tiết báo mộng cũng góp phần thể hiện đời sống tín ngưỡng phong phú của dân gian, khi mà giấc mơ được coi là một trong những điều huyền bí nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian trong truyền kỳ mạn lục của nguyễn dữ (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)