Nguyễn Minh Không là con người đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 34 - 38)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.1. Nguyễn Minh Không là con người đời thường

Truyền thuyết dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và luôn mang vẻ đẹp tinh thần nhân văn cao quý. Các sự kiện, cảnh vật, con người... được phản ánh trong truyền thuyết rất gần gũi, thân thiết với cuộc sống và tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử thời Lý đã được nhân dân dệt thành những huyền thoại đẹp. Quốc sư Minh Không tu hành đắc đạo có thể đi mây về gió, dời non lấp biển, niệm thần chú cho chim sẻ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông… Khi tìm hiểu vể truyền thuyết Nguyễn Minh Không, chúng tôi còn nhận thấy Nguyễn Minh Không hiện lên gần gũi như những con người đời thường. Đặc điểm này của nhân vật được thể hiện tập trung ở một số truyền thuyết như: Sự tích Nguyễn Minh Không, Sự tích đồi Ba Rau, Đống Củi và Bó Xôi, Ông Khổng Lồ bắt lươn, Sự tích núi Con Mèo, Một lời nguyền của ông Khổng Lồ, Nút Đó và lò nước của ông Khổng Lồ…

Lai lịch, hoàn cảnh xuất thân là phương diện đầu tiên góp phần chi phối đặc điểm tính cách, cuộc đời nhân vật. Bằng tình cảm yêu quý, lòng tự hào về người con ưu tú của quê hương, dân gian xây dựng hình tượng Nguyễn Minh Không là con người đời thường với xuất thân cụ thể. Truyền thuyết về sự ra đời

nước Đại Việt ta có hương Đàm Xá, huyện Gia Viễn, Phủ Trường An, Ái Châu có một nhà họ Nguyễn tên Sùng. Sùng công là người có tư chất siêng năng, thông minh”. Còn quê mẹ, được giới thiệu ở Phả Lại “Sùng công đến Phả Lại thấy có một phú gia tên Vương Công Tiệp, pháp môn diệu thủ, y số chân truyền bèn xin vào nhà ở”.[PL1, tr.106]. Nhà Dương Công Tiệp có cô con gái tên là Mỹ Nương.

Nàng là người có nhan sắc, lại hiếu thuận đã đến tuổi lập gia đình “Gặp khi Sùng

công đến ở nhờ đã vài năm Dương Công thấy Sùng công ngôn ngữ nhu hòa, cử chỉ cẩn thận tinh thông văn tự nên đã gả con gái cho”.[PL1, tr.106]. Quê cha

Đàm Xá, quê mẹ ở Phả Lại, hai địa danh này được kể rất nhiều lần trong truyền thuyết Nguyễn Minh Không.

Nguyễn Minh Không được sinh ra trong một gia đình nông dân, nghèo khó. Cha làm nghề chài lưới mưu sinh. Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Minh Không đã gắn bó với sông nước, làm quen với công việc chài lưới. Khi trưởng thành Nguyễn Minh Không mưu sinh bằng nghề này. Ông thường hay đơm đó bắt cá, bắt tôm, bắt tép trên sông Hoàng Long, một số dòng sông trong tỉnh và ở Thái Bình, Nam Định. Qua quá trình khảo sát chuỗi truyền thuyết lưu hành ở Ninh Bình chúng tôi nhận thấy có tới 12 truyện khắc họa hình ảnh Nguyễn Minh Không bắt cá.

Truyền thuyết nhân dân khắc họa hình tượng Nguyễn Minh Không rất chân thực về hoàn cảnh sống “Thuở sinh thời, ông Khổng Lồ nghèo lắm. Ông chỉ có

cái khố che thân. Ngày ngày ông thường bắt lươn, bắt cua ở các cánh đồng Gia Viễn để kiếm sống”.[PL2, tr.113]. Nguyễn Minh Không hiện lên như một người

nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, cần mẫn với công việc, gần gũi với cuộc sống dân dã chốn thôn quê.“Khổng Lồ vẫn bị mất trộm cá. Ông phải ăn ngủ ngay

tại chỗ để coi đó. Thế là ông đun nấu, ăn ngủ ngay trên bờ sông. Cả một cái suối lớn ông đun sôi sùng sục để thịt gà và nấu nướng”. [PL2, tr.118]. Ngày xưa,

trong các gia đình nông dân ở nông thôn, bếp đun thường bằng rơm, rạ, củi. Người ta lấy đất sét dẻo, nhào nhuyễn rồi đắp thành ba hòn đất bắc nồi, người ta gọi là Ông Ba Rau. Ông Khổng Lồ cũng làm bếp củi để đun nấu. “Ông Khổng Lồ

gánh đất các nơi về đắp thành Ba Rau ngay dưới chân núi Bái Đính để bắc bếp đun nấu. Ba ông Đồ Rau ông bắc bếp nấu cơm, sắc thuốc chữa bệnh cho nhân dân”. [PL2, tr. 115].

Cuộc đời gắn liền với cảnh sông nước, nên ông có nhiều kinh nghiệm về nghề chài lưới. Truyện Sự tích núi Kẽm Đó, kể lại kinh nghiệm bắt cá “Mỗi lần thuỷ triều lên, tôm cá lại theo nước lên đất liền nhiều vô kể. Ông Khổng Lồ bèn nghĩ cách để bắt cá. Ông đi khắp nơi vác đất đá, đắp một cái bờ lớn để ngăn cá, ở giữa đặt một cái dó lớn. Thế là bao nhiêu cá dưới biển theo thuỷ triều lên đất liền hoặc khi nước rút, đều vào đó của ông Khổng Lồ cả. Vì vậy ông ăn uống rất sung túc, lại còn cá để bán hoặc đổi lấy thóc gạo”. [PL2, tr.114]. Truyện Nút đó và lò nước của ông Khổng lồ, kể lại “Hồi ấy, sông Hoàng Long rất nhiều cá tôm. Ông Khổng Lồ thường đặt một cái đó rất lớn để đơm cá ở ngã ba sông”. [PL2,

tr.114]. Vật dụng ông Khổng Lồ dùng để bắt cá là cái đó, cần câu, cái giỏ - hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống lao động của người dân Ninh Bình.

Truyền thuyết xây dựng nhân vật Nguyễn Minh Không là con người đời thường được thể hiện qua ngoại hình, trang phục. Truyện Chữa bệnh hóa hổ cho

vua Lý Thần Tông dân gian miêu tả “Dương Hoán con vua Lý Nhân Tông đi săn trong rừng, gặp ông lão đầu trọc, chân đất, quần nâu áo vá. Dương Hoán ngồi trên ngựa lấy áo lông trùm đầu giả là hổ lao ra trêu ông lão đầu trọc”. [PL1,

tr.105]. “Các danh y và triều thấy ông lão đầu trọc, to lớn, ăn mặc quê mùa có vẻ

khinh thường”, “Không Lộ cất quần áo nâu sồng, tràng hạt, xuống núi để giúp dân làng”. [PL2, tr.119]. Qua một số nét khắc hoạ, tác giả dân gian đã giúp người

đọc hình dung ra diện mạo, tư thế cũng như bản chất của nhân vật. Hình ảnh nhân vật Nguyễn Minh Không trong truyền thuyết như một lão nông, một tiều phu. Ông ăn mặc giản dị, có phần tềnh toàng.

Nguyễn Minh Không là con người đời thường được thể hiện ngay trong lối sống bình dị. Hàng ngày, ông bắt cá, bắt tôm để đổi gạo. Truyện Sự tích Vũng Ông Khổng lại kể về việc ông đi bán cá “Ông Khổng Lồ bắt được nhiều hay ít cá, tôm đều mang về chợ chùa Viên Quang, chợ Lẫm để bán, lấy tiền đổi gạo. Ở chợ Lẫm có một bệ đá cao hai thước vuông, mỗi bề tám thước tương truyền đó là nơi ông Khổng Lồ ngồi bán cá”. [PL1, tr.109]. Ông tự mình nấu ăn, đi chợ bán cá,

đổi gạo. Ông kiếm sống bằng chính đôi bàn tay, chính sức lực của mình. Cuộc sống của ông dung dị, lối sống thuận theo lẽ tự nhiên, hòa mình với thiên nhiên. Ông không dùng phép thuật để có cuộc sống giàu sang phú quý, nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ mà chọn lối sống nhàn: sống trong sạch, cao đẹp, coi thường danh lợi, vinh hoa phú quí.

Truyền thuyết khắc họa Nguyễn Minh Không là con người đời thường, gắn bó với nhân dân. Ông luôn quan tâm đến những hoàn cảnh sống khó khăn, giúp cho họ có cuộc sống thuận lợi, đỡ vất vả. Trong truyện Sự tích Luống Cày ông Nguyễn có kể lại “Sinh thời Ông Khổng Lồ hay băng rừng vượt núi tìm cây thuốc về chữa bệnh cho dân. Ông đi đến đâu đều chữa bệnh cho dân và còn dạy cho dân trồng lúa, trồng khoai, chăn trâu, cắt cỏ. Khi đến núi Bái Đính nhiều rừng núi hoang sơ, ông đã phát tích một quả đồi mở mang đất hoang, giúp dân trồng cấy”. [PL1, tr.98]. Ông thạo việc nhà nông, tay quen cầm cày, cầm cái cuốc. Ông

dành nhiều tâm huyết, sức lực cho việc trồng thuốc, chữa bệnh cho dân. Hàng ngày, ông băng rừng, vượt núi tìm cây thuốc về trồng thành thung thuốc “rừng già mênh mông vô vàn cây thuốc quý. Ông đã dừng chân ở đây tu hành và hái thuốc để cứu độ chúng sinh. Không chỉ hái thuốc có sẵn trên núi, mà ông còn kiếm nhiều loại cây thuốc quý ở các núi rừng quanh vùng về đây để trồng, biến thành một vườn thuốc lớn, ông đặt tên là Vườn Sinh Dược”. [PL2, tr.118].

Truyền thuyết xây dựng nhân vật Nguyễn Minh Không là con người đời thường được thể hiện qua tính không đồng nhất thiện - ác. Nguyễn Minh Không

có phẩm chất đa dạng: có yêu thương, có đồng cảm, có giận dỗi. Điều đó, khiến cho nhân vật hiện lên chân thực và sinh động. Khi gặp người trong hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, ông giúp đỡ tận tâm. Trong truyện Ông Khổng Lồ gánh núi, khi người dân đến nhờ, ông không quản ngại khó khăn, gánh núi giúp người dân có đường để đi, có ruộng để trồng cấy.“Dân các nơi bàn nhau đến kêu với ông về

nỗi khổ do núi non mọc hết các cánh đồng, chặn ngang đường đi lối lại, chặn mất các dòng sông đánh cá(...) Ông gánh các quả núi xếp gọn về phía tây, phía bắc, dọn sạch đồng nương cho dân trồng cấy. Bởi vậy, bây giờ núi mới xếp hàng thành dãy ở cả phía tây, phía bắc như ngày nay”.[PL2, tr.112]. Đó là hành động

phi thường của người anh hùng văn hóa: dắt núi, đào sông tạo nên những vùng đất bằng phẳng để người dân dễ cày cấy. Hành động của ông Khổng Lồ gắn với những hoạt động của con người Ninh Bình xưa kia. Người dân đã bền bỉ cải tạo và đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Thế nhưng cũng có lúc ông Khổng Lồ nổi giận. Sự nổi giận của ông được thể hiện qua lời nguyền với người dân làng Trì Động ở Nho Quan Ninh Bình.

“Làm cho Trì Động biết tay Trăm năm chảy thuế đi may về nồm

Từ đấy trở đi, người làng Trì Động đi trẩy thuế qua quãng sông này cả đi và về đều ngược gió, đi lại vất vả vô cùng. Lúc ấy người dân Làng Trì Động mới vỡ lẽ câu hát nghêu ngao trước đó của ông Khổng Lồ là lời nguyền trừng phạt đã phá đó của ông”. [PL1, tr.100]. Sự nổi giận của ông Khổng Lồ thật đáng sợ, để

lại hậu quả lâu dài. Một lần ông đi xin mẻ, nấu cá nhưng người dân không cho. Ông rất tức giận. Trong truyện Sự tích cánh đồng chua, kể lại “Một hôm đi đánh

cá, cá đã đánh được nhưng ông quên không mang lọ mẻ. Ông vào làng gần đó xin mẻ. Ông gặp một bà lão mắt kém đang nấu cơm trong bếp. Bà lão không cho mẻ. Ông tức giận nói: làng các bà không có tôi cho một ít. Ông đang cầm chiếc lá khoai, ném xuống cánh đồng gần đó. Từ đó về sau cả cánh đồng rộng lớn thuộc xã Gia Phong huyện Gia Viễn bị nhiễm chua, không trồng cấy được. Dân gian còn gọi là cánh đồng chua”. [PL1, tr.99]. Ông đã biến cánh đồng rộng lớn

thành cánh đồng hoang, không thể trồng cấy được gì.

Trong những lần đi đơm đó, ông Khổng Lồ thường mang theo con mèo. Con mèo gắn bó với ông cho dù nó có tật hay ăn vụng. Ông đã đánh nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Một lần con mèo ăn hết lọ mẻ ông mang theo, ông tức giận tát nó “Khi ông đến bên lọ mẻ thì chẳng thấy cá đâu, chỉ thấy chú mèo

đang vuốt râu tém lưỡi liên hồi. Hiểu rõ sự tình, giận quá, ông dang tay tát cho chú ta một cái như trời đánh. Chú mèo chết ngay tức khắc, hoá thành núi đá, hình giống hệt con mèo đang ngồi nhìn về phía sông Hoàng Long. Dân gian gọi là Núi Con Mèo”. [PL2, tr.115]. Sự tức giận của ông Khổng Lồ vẫn còn dấu tích đến ngày nay qua các địa danh, tạo thành hình sông thế núi. Ở Ninh Bình có núi Con Mèo, ở Nam Định có Vũng Ông Khổng mà người đời nay vẫn kể qua truyền

thuyết “Một lần nọ khi ông Khổng Lồ xách giỏ mang cá đi bán đi qua địa phận xã

Dao Cù, ba con cá nhẩy ra. Ông Khổng Lồ tức giận, lấy chân di di ngực vào cá. Một con cá chết, không hóa được. Người dân gọi là con cá Ngã. Hai con cá còn lại lập tức thì biến thành hai con long mã. Sẹo trên ngực chúng thành hai vũng sâu. Đến này vẫn còn hai vũng sâu đó rộng chừng tám thước, sâu hai thước tục gọi là Vũng ông Khổng”. [PL1, tr.109].

Việc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, truyền thuyết trong dân gian có kể việc vua Lý Thần Tông hóa hổ là nghiệp chướng từ kiếp trước. Còn trong truyền thuyết lưu truyền ở Ninh Bình lại cho rằng Dương Hoán có ý xem thường ông lão quê mùa đầu trọc, nên đã giả hổ trêu ông. Ông đã dạy cho Dương Hoán một bài học về thói ngạo mạn, coi thường người khác.“Dương Hoán con vua Lý Nhân

Tông đi săn trong rừng, gặp ông lão đầu trọc, chân đất, quần nâu áo vá. Dương Hoán ngồi trên ngựa lấy áo lông trùm đầu giả là hổ lao ra trêu ông lão đầu trọc. Ông Khổng Lồ bảo: Ta tưởng ngươi là người, ngươi không thích là người ta cho ngươi hóa ra hùm. Ông lão nói xong biến mất. Dương Hoán lên ngựa hét như hổ gầm. Cởi bỏ bộ áo lông, toàn thân mọc lông lá, gầm thét ngày càng lớn, chạy bạt mạng trong rừng, không chịu về. Dương Hoán hóa hổ”.[PL1, tr.105]. Dương

Hoán bị ông biến thành hổ. Một căn bệnh lạ, các thày thuốc đều không thể chữa khỏi.

Nguyễn Minh Không sinh ra và trưởng thành, gắn bó với quê hương Ninh Bình và được nhân dân yêu quý, kính trọng. Ông luôn hoà điệu với cuộc sống của nhân dân từ trong tính cách đến lối sống: đi cày, gánh nước, bắt cá. Khắp vùng Gia Viễn, Ninh Bình rộng lớn không đâu là ông không tới, không in dấu chân ông.

Như vậy, từ nhân vật lịch sử, Nguyễn Minh Không đi vào truyền thuyết để rồi, từ truyền thuyết ông trở về với cuộc đời. Thật gần gũi mà rất đỗi thiêng liêng, vừa đời thường vừa kỳ vĩ lớn lao.Theo xu hướng địa phương hóa, truyền thuyết đã phản ánh cuộc đời Nguyễn Minh Không gắn với cốt cách, phong tục của người Ninh Bình. Điều đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt, lâu bền của chuỗi truyền thuyết Nguyễn Minh Không.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)