Lễ hội đềnThánh Nguyễn gắn với tín ngưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 86 - 89)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.4.1. Lễ hội đềnThánh Nguyễn gắn với tín ngưỡng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà, trong cuốn Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian, cho rằng : “Tín ngưỡng là một sản phẩm văn hoá do con người quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành. Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được”. Với người

Việt Nam, tôn sùng thần thánh, tôn sùng và thờ cúng người có công với đất nước là một loại tín ngưỡng. Để thể hiện tín ngưỡng này, người ta lập đền thờ cúng, tổ chức lễ hội để tưởng niệm kì tích của thần linh hay phong thánh cho các nhân vật lịch sử. Nhân dân lưu truyền cho nhau những truyền thuyết đậm chất thiêng thể hiện lòng ngưỡng mộ của dân gian đối với các vị anh hùng. Tín ngưỡng thờ cúng bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Tín ngưỡng thể hiện nhân sinh quan của người Việt “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt.

Thờ cúng người có công là hình thức thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối quan hệ giữa người sống và người chết, giữa thế giới hiện thực và thế giới tâm linh.

Đối với người dân Gia Viễn nói riêng và người dân Ninh Bình nói chung từ xa xưa cho đến thời điểm hiện nay, Nguyễn Minh Không là người mà họ luôn thể hiện tình cảm biết ơn sâu nặng. Họ luôn thể hiện sự ngưỡng vọng, niềm tin bất diệt, thiêng liêng ở đức Thánh Nguyễn. Ngô Đức Thịnh đưa ra quan điểm rõ ràng hơn: “Tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng,

cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái “trần tục”, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được”. Nguyễn

Minh Không là người mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Cả cuộc đời ông sống giản dị và gắn bó với nhân dân. Nên khi thiền sư Nguyễn Minh Không hóa, nhân dân Ninh Bình lập đền thờ ông ở nhiều nơi như Chùa Non Nước, núi chùa Địch Lộng, Chùa Bái Đính… Nhân dân Đàm Xá - quê hương ông, biến chùa Viên Quang thành đền Thánh Nguyễn là nơi thờ chính. Đức Thánh Nguyễn không chỉ được thờ ở Ninh Bình mà nhiều tỉnh thành, nhiều địa phương trong cả nước thờ ông. Quanh năm, đền thờ ông nghi ngút khói hương của nhân dân trong vùng và khách thập phương đến cầu khấn để thể hiện lòng thành kính và cầu xin sự che chở từ vị “phúc thần|”. Việc thờ cúng đức Thánh Nguyễn ngang hàng với thờ phật, thờ mẫu trong chùa và được thờ riêng trong đền chứng tỏ công đức lớn lao của Nguyễn Minh Không đối với nhân dân trong vùng. Nhân dân thờ Nguyễn Minh Không với lòng biết ơn, kính trọng như một vị thần bảo hộ che chở, đem lại may mắn cho nhân dân.

Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người. Qua khảo sát về địa điểm thờ cúng ở đền Thánh Nguyễn và một số nơi khác trong tỉnh Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy thiền sư Minh Không đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh của người dân. Họ tin vào đức Thánh Nguyễn, tin vào những điều linh thiêng, sức mạnh huyền bí mà con người chỉ cảm nhận được nhưng khó có thể nhận thức hết được. Niềm tin, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với Thánh Nguyễn đã trở thành tín ngưỡng. Người dân Ninh Bình quan niệm ông là “phúc thần” luôn che chở và đem lại may mắn cho cuộc sống của họ. Trong tiềm thức của người dân Ninh Bình, Nguyễn Minh Không là vị phật sống của nhân dân, có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của họ. Lễ hội của hai xã Gia Tiến và Gia Thắng diễn ra định kỳ 6 năm một lần, lễ kỳ phúc được tổ chức hàng năm tại đền Thánh Nguyễn là nhằm tưởng nhớ, suy tôn Nguyễn Minh Không đã có công với quê hương. Chính lòng biết ơn, sự kính trọng ấy, khiến cho truyền thuyết về Nguyễn Minh Không có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân Ninh Bình. Ngày hiện đại, nay bất chấp sự xâm lấn của nhiều luồng tư tưởng mới, truyền thuyết về Nguyễn Minh Không mãi bén chắc rễ trong tâm thức của người dân nơi đây.

Tín ngưỡng được thể hiện trong nghi lễ, hội lễ đền Thánh Nguyễn, là minh chứng cho sự xác thực của truyền thuyết. Trong lễ hội đền Thánh Nguyễn có lễ rước nước, lễ mục dục. Thông qua các nghi thức của lễ mộc dục phần nào hé mở cho thấy cội nguồn xa xưa từ những nghi thức cầu mưa của tín ngưỡng dân gian bản địa, của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống Việt Nam. Nước ở đây chính là nước thanh tịnh, nước mát lành, “nước phúc”, có thể rửa sạch tanh hôi, bùn nhơ. Nước mang đến cho sinh hoạt của cư dân, mang no ấm hạnh phúc đến cho cư dân. Lễ rước nước là nghi lễ nằm trong tín ngưỡng sùng nước. Lễ vật dâng lên đức Thánh Nguyễn của các nghè miếu, của người dân địa phương không thể thiếu các sản vật từ nông nghiệp như bánh chưng, bánh dày, xôi oản, chè kho…Thực ra nó là để thể hiện tín ngưỡng sùng lúa gạo, cảm tạ lúa gạo của cư dân nông nghiệp.

Tín ngưỡng còn được thể hiện ở việc người dân đi lễ hội, đi lễ đền Thánh Nguyễn. Đi lễ trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng nhằm thoả mãn một nhu cầu về văn hoá tâm linh của nhân dân ta. Một mặt họ bày tỏ đức tin tuyệt đối vào sự linh thiêng, sự hiển linh của đức thánh, mặt khác thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Người dân Ninh Bình đi lễ Thánh vào dịp lễ hội, vào các ngày rằm, mùng một. Trong cuộc sống lúc vui cũng như lúc buồn, lúc gặp bất trắc, hoạn nạn người dân Gia Viễn nói riêng và người dân Ninh Bình nói chung thường đến xin, đến trình đức Thánh Nguyễn phù hộ che chở. Họ có niềm tin ở đức Thánh Nguyễn. Chẳng hạn như khi họ làm nhà, cưới hỏi... họ sắm lễ mọn lên xin Thánh phù hộ độ trì… Khi gặp chuyện chẳng lành, họ đi lễ cầu mong đức Thánh Nguyễn giúp tai qua nạn khỏi, cầu bình an, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, gia đình an khang, thịnh vượng. Người dân đi lễ luôn cảm thấy thanh thản với những điều mong ước tốt lành, được giãi bày tâm niệm của mình .

Lễ hội đền Thánh Nguyễn trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng nhằm thoả mãn một nhu cầu về văn hoá tâm linh và trở thành tín ngưỡng của người dân Gia Viễn, Ninh Bình: được an ủi, chia sẻ, ước mơ có điểm tựa tinh thần để đối mặt với những thách thức, rủi ro từ thiên nhiên và xã hội. Lễ hội là

“chất keo gắn kết cộng đồng”, “năng lượng tinh thần”, khuyến khích con người

hướng thiện. Người dân Ninh Bình đã sáng tạo và gửi gắm ở lễ hội đền Thánh Nguyễn tín ngưỡng, duy trì và trao truyền đức tin tôn giáo. Lễ hội là “môi trường

diễn xướng dân gian”, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân

hai xã Gia Tiến và Gia Thắng huyện Gia Viễn nói riêng và người Nình Bình nói chung. Về bản chất, đây là hoạt động của tập thể có cùng một đức tin, có mục tiêu chung, khát vọng và mong ước giống nhau và do đó, có thể thống nhất với nhau trong hàng loạt các hành vi cũng như hoạt động chung. Do có một niềm tin, có mục tiêu chung, lại được củng cố bằng những hoạt động tập thể qua nhiều chu kỳ lễ hội, kéo dài suốt quá trình phát triển của cộng đồng, nên lễ hội góp phần tạo lập ra văn hóa cộng đồng, văn hóa quê hương đức Thánh Nguyễn. Lễ hội đền Thánh

Nguyễn là môi trường đào luyện nhân cách và trao truyền văn hóa. Hay nói một cách khác, đây là nơi khởi nguồn, bồi đắp, duy trì và lan tỏa các giá trị văn hóa, tín ngưỡng được gìn giữ lâu đời trong tâm thức con người Ninh Bình.

Lễ hội đền Thánh Nguyễn và tín ngưỡng thờ cúng người có công, thờ Thánh là mối quan hệ giữa nguyên nhân và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức, giữa tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nói một cách khác, tín ngưỡng và lễ hội đền Thánh Nguyễn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng tôi có thể nhận thấy giá trị của lễ hội đền Thánh Nguyễn không chỉ ở sự phản ánh văn hoá địa phương của tỉnh Ninh Bình mà còn ở sự đóng góp của nó vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị tín ngưỡng và văn hoá dân tộc. Lễ hội - tín ngưỡng hàm chứa nhiều lớp văn hoá, giá trị nhân văn và dân chủ có thể phát huy trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 86 - 89)