B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.5. Nguyễn Minh Không trên cương vị thiền sư
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ xa xưa nhưng hưng thịnh nhất vào thời Lý - Trần. Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong ý thức hệ của nhân dân và trong sự nghiệp xây dựng đất nước Đại Việt. Đạo phật trở thành quốc giáo. Chính vì vậy, rất nhiều người dân Đại Việt thời bấy giờ đều lập chí tu hành học đạo, Nguyễn Minh Không cũng là một trong số ấy. Tuy nhiên những câu chuyện về thiền sư họ Nguyễn được dân gian sáng tạo đậm màu sắc phật giáo kết hợp yếu tố kỳ ảo, ca ngợi pháp thuật của sư Minh Không. Thiền sư họ Nguyễn là nhà tu hành đắc đạo, là người có công lớn trong việc truyền bá đạo phật và đưa đạo phật phát triển hưng thịnh.
Truyền thuyết ở Ninh Bình cho rằng, thiền sư là người nhà phật, có chân tu. Tác giả dân gian đã sáng tạo chi tiết ly kỳ, huyền ảo về sự ra đời của thiền sư. Trong truyện Truyền thuyết về sự ra đời của Nguyễn Minh Không kể: “Dương thị
mang thai mười ba tháng. Đến ngày 15 tháng 10 năm Quý Sửu sinh hạ được người con trai khôi ngô tuấn tú, khí chất mạnh mẽ. Trên tay có một dấu ấn vuông, trên trán có chữ son Phật Tử. Lúc Dương thị sinh có một đám mây vàng bay trên trời. Trên mái nhà có khí lành bay phủ, hương tỏa thơm phức. Sùng công đặt tên con là Minh. Con trai lớn lên ngày càng ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu thuận với cha mẹ Sùng công đổi tên con là Chí Thành”. [PL1, tr.106]. Qua truyền thuyết
trên, thiền sư không phải xuất thân phàm trần mà là bậc thần thánh đầu thai xuống hạ giới để truyền đạo, giúp dân, giúp đời “Trên tay có một dấu ấn vuông, trên trái
có chữ son phật tử”.[PL1, tr.106]. Đó là chi tiết cho thấy, Nguyễn Minh Không
có cốt cách nhà phật, cuộc đời sau này sẽ gắn bó với đạo Phật. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Minh Không đã hình thành phẩm chất hiếu thuận, lễ phép, mang cốt cách phật tử của người tu hành. Lúc trưởng thành, ông luôn giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn.“Năm ấy trời hạn hán, cây cối chết khô, mất mùa. Dân đói khổ.
Ông Khổng Lồ đã giúp dân gánh nước tưới ruộng đồng. Lúc gánh nước, ông bị trượt chân ngã quỳ gối. Dấu nay vẫn còn. Mỗi gối rộng ba thước, sâu thước rưỡi. Cả cánh đồng được tưới ướt sũng. Cây cối sống lại, mùa màng tốt tươi”. [PL1,
tr.101]. Ông còn giúp dân gánh núi, phát tích cả quả đồi, khai khẩn đất hoang để dân trồng cấy. Việc làm của ông luôn vì người khác, thể hiện đúng bản chất của đạo phật, lối sống từ bi, nhân ái, hướng thiện và hành thiện.
Nguyễn Minh Không là người có số chân tu, có tâm mộ đạo, có huệ tâm, luôn có ý thức học hỏi, giác ngộ chính mình. Chính vì vậy, từ khi hai mươi chín tuổi, Minh Không bỏ nghề đánh cá, rời quê hương Đàm Xá chịu nhiều gian khổ, tầm sư học đạo.“Đến năm 1104, Nguyễn Minh Không 29 tuổi bỏ nghề chài lưới
chuyên tâm học thiền ở cư sĩ Bảo Tài. Đến năm 1112, Nguyễn Minh Không 42 tuổi đang theo học Thảo Đường thiền sư. Được thày khen có cốt cách phi phàm, sau xứng đáng làm pháp tự, người kế tục sự nghiệp đứng đầu thiền phái Thảo Đường”. [PL1, tr.108- 110]. Nguyễn Minh Không tầm sư học đạo trong nhiều
năm, học nhiều thày ở đất nước ta. Ông thông làu kinh kệ, giữ mình ngũ giới tam quy, tụng kinh niệm phật. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa nguyện, ông đã không quản ngại đường xa, muôn vàn khó khăn, vất vả sang Tây Trúc học đạo với mong muốn được ngộ đạo về giúp dân, giúp đời “Đến năm 1119, Nguyễn Minh Không
44 tuổi đến cư trú tại thôn Đô Bồ, học thày Hà Trạch chùa Mục Ngưu. Ông quyết chí tu hành ,giữ mình ngũ giới tam quy, tụng kinh niệm phật. Đến mùa xuân năm 1120, Nguyễn Minh Không cùng với ông Giác Hải lên Sơn Tây kết giao với ông Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy. Ba ông kết nghĩa anh em, đồng lòng sang Tây Trúc học đạo”. [PL1, tr.110]. Chính nhờ sự nỗ lực vượt khó, vượt khổ và trí tuệ của bản thân, sư Minh Không tu hành đắc đạo. Tu thân là gốc trong mọi ý nghĩ và hành vi suốt cả cuộc đời. Tu thân mới đạt được “ngũ thường”: nhân, nghĩa,trí, lẽ, tín. Đó cũng là sự nỗ lực thực hiện khát vọng sống của bản thân thiền sư họ Nguyễn. Ông tầm sư học đạo, thấu hiểu phật pháp, lý lẽ của cuộc sống, nhận thức được đúng, sai trước mọi vấn đề. Con đường tu hành của thiền sư họ Nguyễn không phải là đi ở ẩn mà xuất thế, luôn nỗ lực mang hết tài năng, hiểu biết của bản thân để giúp dân giúp đời.
Phật dạy rằng, người ta sinh ra trên trái đất này, ai cũng có bổn phận với chính bản thân, với với xã hội, với cha mẹ với thày dạy, bạn bè. Cả cuộc đời Nguyễn Minh Không luôn vì dân, vì những người gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn. Truyện Đan sọt gánh nước kể rằng, người dân huyện Yên Khánh, Yên Mô bị hạn hán nhiều ngày. Dân chúng đã lập đàn tế thần, tế trời, cầu mưa rồi mà vẫn chẳng thấy có một giọt mưa nào. Ông Khổng Lồ thấy vậy, thương tình giúp họ đan sọt gánh nước “Ông Khổng Lồ đan thành đôi sọt lớn rồi lấy giấy phất ra bên ngoài. Ông lấy dây rừng làm quang, chặt cây gỗ to làm đòn gánh, rồi quẩy đôi sọt ra cửa bể Thần Phù gánh nước tưới cho các cánh đồng”. [PL2, tr.114]. Ông đã
giúp cho nhân dân hai huyện thoát khỏi hạn hán, mang lại cuộc sống ấm no cho họ. Việc làm của ông luôn vì người khác, luôn chăm lo cho nhân dân. Thiền sư Minh Không luôn thực hiện tốt bổn phận một phật tử, một nhà tu hành, vun trồng lòng từ bi bác ái, tạo phúc, giúp đỡ người gặp khó khăn hoạn nạn.
Thiền sư Minh Không là người tinh tường, am hiểu sâu sắc đạo phật, giỏi phật pháp. Ông đã đem tư tưởng bác ái của nhà phật để cứu nhân độ thế, quan tâm đến những người nghèo khổ, hành thiện. Truyện Ông Khổng Lồ chữa bệnh cho Dương Hoán có chi tiết trước khi chữa bệnh cho Dương Hoán “Ông sai quân lính thổi cho một nồi cơm, lấy cho ông chín cái nong to. Ông hóa phép một nồi cơm thành nồi khổng lồ, gỡ ra đầy chín nong cơm to. Ông sai quân lính lấy mo cau gói cơm lại phát cho người nghèo, kẻ đói khát xung quanh”. [PL1, tr.104].
Hành động thiện nguyện của ông không chỉ chăm lo đến những người đói khổ, mà còn mong muốn nhà vua luôn tạo phúc cho dân và vì dân.
Trong việc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, còn có nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa Nguyễn Minh Không với Từ Đạo Hạnh là thày trò hay là bạn bè. Cho dù đó là mối quan hệ nào đi chăng nữa thì thiền sư Nguyễn Minh Không cũng trọn đạo. Bởi nếu là thày dạy thì ông trọn đạo thày trò, luôn nhớ ơn thày dạy. Chữa bệnh cho vua Lý (Tương truyền kiếp sau của Từ Đạo Hạnh) cũng là một cách cảm tạ ân tình của thày dạy. Còn nếu là mối quan hệ là bạn bè đã từng cùng chí hướng, cùng tầm sư học đạo, cùng chia sẻ khó khăn thì giúp đỡ bạn bè là việc tất yếu. Việc chữa bệnh cứu người thể hiện lòng từ bi bác ái của nhà tu hành, y đức của một thày thuốc. Ông là người theo đạo phật, hành thiện, hướng hiện luôn coi trọng tính mạng con người cho dù người ấy là vua hay dân thường. Mặt khác, chúng ta còn thấy ở ông có sự kết hợp tư tưởng nho giáo, lão giáo và phật giáo. Thứ nhất là tư tưởng “trung quân”. Khi vua Lý Thần Tông bị bệnh hóa hổ, ông không quản ngại đường xa, trở về kinh thành, hết lòng phụng sự chữa bệnh cho nhà vua. Thứ hai là tưởng “vô vi”, từ bi bác ái. Chữa bệnh cứu vua Lý Thần Tông là mục đích cao nhất chứ không phải vì danh lợi. “Thần Tông
mở đại tiệc và tôn Minh Không là Quốc Sư thưởng cho hơn nghìn kim ngân châu ngọc. Minh Không đều từ chối không nhận. Vua Thần Tông nói:
- Nhà sư đã chữa khỏi bệnh cho Trẫm, công to như núi, đức rộng như biển không thể nói hết được. Nay ý Quốc sư như thế nào. Trẫm nhất định sẽ làm theo.Minh Không đáp.
- Của cải thần không thiếu thốn. Nay chỉ xin được từ Sơn Tây, dưới đến Hoan Châu có người dân nào thì đều là thần tử của thần. Ngày sau họ sẽ vì thần mà hương khói ở chốn quê nhà. Cùng với bản hương Đàm Xá ở Ái Châu là quê ngoại ở Phả Lại xin bệ hạ miễn cho các việc quân binh, thuế thân. Như vậy là cho thần ấp thang mộc rồi”. [PL1, tr.111]. Ông được phong Lý triều Quốc sư, nhưng ông không màng
vinh hoa phú quý, không thỉnh cầu điều gì cho bản thân mà cầu xin cho dân. Nguyễn Minh Không có căn kiếp tu hành, đến với đạo phật bằng sự chân thành, bằng tấm lòng mộ đạo. Ông trở thành thiền sư tu hành đắc đạo, có được phép thuật vô biên. Thiền sư họ Nguyễn không trực tiếp dạy giáo lý nhưng bằng hành động xây chùa, cầu kinh niệm phật, ông đã hướng phật tử tới đạo phật. Việc thờ phật, tế lễ, cầu kinh là biểu hiện lòng tôn kính với đức phật. Cho nên sau khi
tu hành đắc đạo, ông về quê hương Đàm Xá dựng chùa Viên Quang để thờ phật. Ông dựng nhiều ngôi chùa ở Ninh Bình như Chùa Bái Đính, chùa động Am Tiên… và dựng chùa ở các tỉnh khác như chùa Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình). Sự tích chùa Động Am Tiên, kể rằng “Một hôm
ông đi đến nơi thâm sơn cùng cốc, ít người qua lại, âm khí rất nặng. Ma quỷ gầm rú, oan hồn than khóc thảm thiết, hãm hại dân thường. Hỏi ra mới hay, nơi đây xưa kia là pháp trường vua Đinh thả hổ, nuôi cá sấu để trừng trị những kẻ có tội. Ông dừng lại, đặt bàn đá trong hang thuyết pháp, tụng kinh niệm phật, cầu đảo cho linh hồn siêu thoát. Sau đó ông chọn nơi dựng chùa trong hang đá”. [PL1,
tr.99]. Một trong những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở đất Ninh Bình được thiền sư họ Nguyễn dựng lên nay trở thành trung tâm văn hóa tâm linh - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam đó là chùa Bái Đính “Ông thường đến núi Bái Đính hái
thuốc. Ông phát hiện trên ngọn núi cao nhất của khu núi Bái Đính có một hang động rất đẹp, cửa hang hướng về phía tây như chầu về đất phật. Trước mặt là sông hai bên đều là những dãy núi hình cánh cung. Nhìn bao quát cảnh vật giống như hổ phục rồng chầu. Ông đã dựng chùa trong hang đá để thờ phật”. [PL1,
tr.100]. Người dân thấm nhuần giáo lý nhà phật, xây dựng cộng đồng dân cư sống tốt đời, đẹp đạo, từ bi bác ái.
Truyền thuyết về Nguyễn Minh Không còn khắc họa ông là một thiền sư có tài năng xuất chúng phi thường, giỏi phật pháp. Nhờ có lòng từ bi bác ái, ông mới có được phép thuật thần thông của đạo phật, có sức mạnh vô song, dời non lấp biển, đi mây về gió. Mặt khác cho thấy được chân lý của đạo phật “phật pháp vô
biên” là chỉ cần có lòng mộ đạo, thành tâm hướng phật sẽ làm được những việc
phi thường. “Ông thò tay vào vạc đun thuốc đang sôi. Vớt một lượt 100 cây kim
ra, đầu nào ra đầu ấy. Ông lấy tay múc dầu đang sôi tưới lên mình Dương Hoán và đồng thời cắm 100 cây kim lên người Dương Hoán. Tự nhiên lông lá biến mất, Dương Hoán không còn gầm rú nữa mà trở thành người”. [PL1, tr.105]. Cho tay
vào dầu đang sôi - người thường không thể làm điều đó - chứng tỏ tài năng của Nguyễn Minh Không đã đến độ phi thường của bậc thần thánh. Trong truyện Sự tích hòn đá Diều Công và hai con voi hóa thạch đã khắc họa sức mạnh vô song
của thiền sư Minh Không “nhìn thấy phía trước có hai con voi lớn đang húc nhau
kịch liệt. Ông Khổng Lồ liền nhảy vào đẩy hai con voi ra. Hai con voi đang hăng máu lại xông vào húc nhau dữ dội. Ông Khổng Lồ giận quá liền vỗ vào mông mỗi con voi một cái mạnh như trời giáng. Tức khắc cả hai con voi hoá thành núi đá”.
[PL2, tr.117].
Qua các truyền thuyết, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Minh Không là một thiền sư có tài năng xuất chúng phi thường, giỏi phật pháp. Tài năng của thiền sư đều phục vụ cho lợi ích của nhân dân, giúp dân giúp đời. Trên cương vị một thiền sư, ông là người mộ đạo, thành tâm thờ phật, xây chùa đúc chuông, truyền bá đạo phật. Thiền sư họ Nguyễn là người có công lớn góp phần phát triển đạo phật thời
Lý hưng thịnh.