Nguyễn Minh Không trên cương vị thần linh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 52 - 55)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.7. Nguyễn Minh Không trên cương vị thần linh

2.2.7.1. Nguyễn Minh Không trên cương vị "nhân thần"

Hình tượng Nguyễn Minh Không trong truyền thuyết lưu hành ở Ninh Bình là một hình tượng có cốt cách "nhân thần". Truyền thuyết kể rằng, “Dương thị mang thai mười ba tháng. Đến ngày 15 tháng 10 năm Quý Sửu sinh hạ được người con trai khôi ngô tuấn tú, khi chất mạnh mẽ. Trên tay có một dấu ấn vuông, trên trán có chữ son Phật Tử.. Lúc Dương thị sinh có một đám mây vàng bay trên trời. Trên mái nhà có khí lành bay phủ, hương tỏa thơm phức. Sùng công đặt tên con là Minh”. [PL1, tr.107]. Tên Minh có ý nghĩa sáng, thông tuệ, rõ ràng. Sau này con trai lớn lên ngày càng ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu thuận nên Sùng công đổi tên con là Chí Thành. Cha mẹ gửi gắm niềm tin con trai là người có ý chí, bền bỉ theo đuổi mục đích tốt đẹp sẽ thành công.

Chuỗi truyền thuyết lưu hành ở Ninh Bình khắc họa cốt cách nhân thần của Nguyễn Minh Không ở tài năng siêu phàm: Gánh núi, biến niêu cơm nhỏ thành niêu cơm nhiều người ăn mãi không hết, cho tay vào vạc dầu sôi, đi mây về gió… Nhân dân vừa ca ngợi tài năng, phật pháp vô biên vừa gửi gắm niềm tin vào Nguyễn Minh Không có thể làm được nhiều điều phi phàm, lập nên kỳ tích lớn lao mà người thường không thể làm được.

Trong cốt cách "nhân thần", Nguyễn Minh Không được khắc họa trong

truyền thuyết là đã làm nhiều việc có ích giúp đời, giúp dân. Ông tìm cây thuốc, hái thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Ông là một trong những người có công lớn trong việc phát triển y thuật ở nước ta, dùng cây thuốc nam và châm cứu. Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua Lý hóa hổ và được phong là Lý triều Quốc sư. Ông truyền lại cho dân kỹ thuật đúc đồng và nhiều nghề khác, phát triển các ngành thủ công nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh.

Khắc họa Nguyễn Minh Không trong cốt cách "nhân thần", nhân dân

khẳng định ông là người có trách nhiệm với dân, yêu dân, chăm lo cho dân. Ông cống hiến trọn cuộc đời của mình cho dân, cho nước.

2.2.7.2. Nguyễn Minh Không trên cương vị "phúc thần"

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật ở đời và đã là người không ai tránh khỏi quy luật đó. Thiền sư họ Nguyễn không phải tiên, bụt, thánh thần nên có sinh thì ắt có tử. Đó là định mệnh. Tác giả dân gian không chống lại quy luật cuộc sống. Họ lý giải cái chết của Nguyễn Minh Không không phải là hết mà đi vào cõi siêu sinh bất tử. Họ muốn sự nghiệp của thiền sư họ Nguyễn còn mãi mãi có ý nghĩa trong lịch sử, trong cả hiện tại và tương lai. Nếu như Thánh Gióng giết giặc xong cởi áo giáp bay về trời là sự hóa thân vào cõi bất tử; thì đối với Nguyễn Minh Không, người dân Ninh Bình kể về cái chết của ông cũng là một sự hóa thân “Nhìn thấy

trần ai, tất là cửu huyền thất tổ nghe kinh nghe kệ, thực được siêu sinh. Như vậy với ta cũng đạt được là hiếu rồi. Nay nợ trần gần trả xong, sớm tối ắt chầu phật tổ, ta mới thỉnh chuông ly biệt tổ sư. Nay ta phó thác mỗi người ba trăm thanh tiền để ngày sau hương hỏa. Mọi người dân, gia thần đều hành lễ bái tạ lĩnh mệnh. Đương lúc ấy, bỗng nhiên thấy ngài nhắm mắt, sấm mây đại tác, tứ linh thẳng xuống, bách thú đến chầu ở trên không trung. Trong tiếng gió nghe như có tiếng đàn véo von. Ngày ấy Minh Không hóa” [PL1, tr.106 - 107]. Sự bất tử của

Nguyễn Minh Không bắt nguồn từ quan niệm dân gian ''Sinh vi tướng, tử vi thần". Có nghĩa là sinh ra làm tướng để giúp dân giúp nước, chết thì thành thần

để giúp dân cứu đời. Nguyễn Minh Không vẫn "hiển linh" để "phù trợ" cho nhân dân đời sau.

Từ cảm hứng thiêng hóa thực tại, tôn vinh người anh hùng có công với đất nước, nhân dân muốn người anh hùng sống mãi với non sông, cho nên họ không chết mà chỉ đi vào cõi bất tử. Khi sống các vị hết lòng vì dân vì nước; lúc chết đi chắc chắn còn nguyên vẹn tấm lòng ấy. Khi sống các vị anh minh, tài cao, đức rộng, khi chết các vị tiếp tục "phù hộ độ trì" cho con cháu. Hiển linh âm phù là mô típ quen thuộc trong truyền thuyết, nếu bất kể một truyền thuyết lịch sử nào mà không kể về sự hiển linh của nhân vật sẽ gây nên cảm giác thiếu hụt với đối tượng tiếp nhận. Trong truyện Người con đỡ đầu của Thánh Nguyễn có kể về sự hiển linh, phù trợ của đức thánh đã giúp Trung công được toại nguyện mong ước có con:“Thiền sư ngồi trên điện, chỉ Trung công bảo rằng: Nhà ngươi tích đức đã

nhiều năm, tất có sung lư lệnh tử (…) Vừa được trăm ngày, Trung công lại mộng thấy một lão nhân từ trên trời xuống, hai tay ôm một thanh đồng. Lão nhân nói rằng: Thượng đế nghe thiền sư Nguyễn Minh Không nói nhà ngươi phúc hậu mà thành tâm. Nay ta cho một đồng tử, tên gọi Hiến Thành. Ngày sau tất có tài phù giúp nước, tế thế an dân, được nêu danh muôn đời”. [PL1, tr.108]. Trong chuỗi truyền thuyết về Nguyễn Minh Không lưu truyền ở Ninh Bình, có nhiều truyện nói về sự hiển linh của Thánh Nguyễn. Sau khi ông chết đã phù trợ cho nhân dân có cuộc sống ấm no đồng thời trừng trị kẻ xấu. Trong truyền thuyết Nồi đồng bên

núi Lạc Khoái có kể rằng “Người chài lưới bèn cưa lấy một mảnh nồi đồng mang về đúc thành niêu nhỏ. Sau đó người này bị ốm thập tử nhất sinh. Có người biết

chuyện nên đã khuyên mang trả nồi cho thánh. Người chài lưới làm lễ xin thánh và trả nồi xuống sông. Ba tháng sau thì khỏi ốm”. [PL1, tr.103].

Sự hiển linh của của Thánh Nguyễn còn được thể hiện trong nhiều truyền thuyết khác như Sự tích Bến Bia do cụ Kim Khánh người Gia Viễn, kể lại “Một

hôm có mấy người Tàu vào chùa Viên Quang lấy trộm chuông và đưa xuống thuyền tại bến sông Hoàng Long. Lạ thay, thuyền thì lớn mà không chở nổi chuông. Từ từ cả thuyền và chuông chìm xuống sông, không thể nào kéo lên được. Bọn người Tàu hoảng sợ vô cùng, cho rằng Thánh hiển linh giữ chuông. Chẳng ai bảo ai, bọn người Tàu tháo chạy, vứt lại chuông ở sông Hoàng Long”.

[PL1, tr.103]. Trong truyền thuyết Nồi đồng bên núi Lạc Khoái kể về sự hiển linh của Thánh Nguyễn “Người chài lưới bèn cưa lấy một mảnh nồi đồng mang về đúc thành niêu nhỏ. Sau đó người này bị ốm thập tử nhất sinh. Có người biết chuyện nên đã khuyên mang trả nồi cho thánh. Người chài lưới làm lễ xin Thánh và trả nồi xuống sông. Ba tháng sau thì khỏi ốm. Người này đã lặn xuống sông xem lại cái nồi đồng, thì thật lạ nồi lại lành như cũ không có vết cắt. Từ đó đến nay chiếc nồi đồng đó vẫn nằm dưới sông Hoàng Long”. [PL1, tr.103]. Đức Thánh hiển linh cho dân mượn nồi để cuộc sống của họ an nhàn, thuận tiện hơn xong cũng dạy cho những người có tính tham lam một bài học. Từ những sự kiện trên, nhân dân Ninh Bình luôn tin rằng, Thánh Nguyễn hiển linh, mang lại cuộc sống thái bình ấm no, ngăn trừ cái ác, đem lại sự yên bình cho con cháu. Những câu chuyện trên cũng là minh chứng sinh động chứa đựng ý nghĩa sâu xa: Thánh Nguyễn tồn tại mãi mãi bất tử với thời gian.

Bên cạnh đó truyền thuyết cũng kể lại đức Thánh hiển linh âm phù, giúp cho những người anh hùng đời sau lập chiến công. Sự hiển linh âm phù của Thánh Nguyễn thể hiện trong truyền thuyết Đức Thánh hiển linh giúp Lê Lợi

đánh thắng giặc Minh.“Lê Lợi nghe nói ở làng Đàm Xá có đền thờ thánh Nguyễn

Minh Không rất linh ứng, cầu gì được ấy. Lê Lợi đã vào chùa thành tâm yết bái, được thánh phù hộ, đánh thắng giặc Minh”. [PL1, tr.102]. Đức Thánh Nguyễn

sau khi viên tịch, luôn hiển linh giúp dân, giúp đời. Truyền thuyết còn lý giải một trong những nguyên nhân giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh là do Thánh Nguyễn hiển. Qua chi tiết này, nhân dân khẳng định Nguyễn Minh Không là phúc thần mãi mãi gắn bó với nhân dân, với đất nước, người đời trước giúp người đời sau, lấy yếu thắng mạnh, lấy thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Tất cả đều nằm trong nguyện vọng cao cả là giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ cuộc sống yên bình cho muôn dân. Sự hiển linh còn ngầm chứng minh rằng nhân vật có chính nghĩa không chỉ được sự ủng hộ của cả cộng đồng mà được cả thánh thần trợ giúp. Đây là cách thể hiện sự đồng tâm của các thế hệ anh hùng trong những giờ phút nguy nan của dân tộc. Đồng thời, còn thể hiện niềm tin của nhân dân vào người anh hùng "sinh vi tướng, tử vi thần". Người anh hùng luôn tồn tại như một sức mạnh huyền bí, luôn hiện diện và có thể chi phối đời sống tinh thần hôm nay. Đối với

tác giả của truyền thuyết dân gian, sự hiển linh của người anh hùng là tối quan trọng vì thế truyền thuyết thường có đoạn "vĩ thanh" kể về cuộc đời nhân vật sau khi chết.

Trong tâm thức của người dân Ninh Bình, đức Thánh Nguyễn vẫn luôn hiện diện và phù trợ cho các thế hệ hậu sinh. Nhân vật Nguyễn Minh Không đi từ lịch sử đến truyền thuyết, từ cõi trần đến cõi bất tử, cõi thiêng. Nhân dân, bằng trí tưởng tưởng phong phú đã thêu dệt, sáng tạo truyền thuyết đậm yếu tố kỳ ảo, qua đó bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với Thánh Nguyễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)