Lễ hội đềnThánh Nguyễn gắn với phong tục tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 89 - 92)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.4.2. Lễ hội đềnThánh Nguyễn gắn với phong tục tập quán

Lễ hội đền Thánh Nguyễn góp phần giữ gìn, bảo lưu và phát triển những truyền thống tốt đẹp của quê hương Ninh Bình. Thông qua hoạt động lễ hội đền Thánh Nguyễn, các phong tục tập quán của quê hương, đất nước, của các thế hệ cha ông giữ gìn một cách tốt nhất. Lễ hội là dịp để cả cộng đồng dân cư bày tỏ thái độ và những “hành xử văn hoá” trong việc trân trọng và giữ gìn truyền thống, thuần phong mỹ tục. Thông qua lễ hội, những truyền thống tốt đẹp, phong tục tập quán, lối sống và nếp sống... được kế thừa và phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử, tạo nền móng vững chắc cho văn hoá bản địa.

Từ việc biết ơn, thành kính thờ cúng Nguyễn Minh Không đã hình thành nên nhiều phong tục tập quán trên mảnh đất Gia Viễn và trong tâm thức của người dân Ninh Bình được truyền từ đời này sang đời khác. Một trong những phong tục tập quán được kể đến là việc cầu tự, bán khoán con lên chùa và những tục hèm, kiêng khem.

Bán khoán con lên chùa là một tín ngưỡng dân gian. Đây là một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình ở Ninh Bình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, quấy khóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch) nên phải bán khoán con cho nhà chùa hoặc lên đền Thánh mới giải tai được. Không chỉ vậy, với nhiều gia đình sinh con muộn mằn, con “cầu tự” cũng có tâm lý sợ khó nuôi nên đã làm lễ bán con vào cửa đền làm con Thánh, để nương nhờ và được hộ mệnh. Trong tục bán khoán còn có những tục lệ khác: cha mẹ thường đem đứa nhỏ đến đền Thánh Nguyễn sắm một mâm xôi con gà, vàng nhang hoa quả cùng một tờ sớ xin bán khoán con cho đức Thánh bảo bọc nuôi dưỡng trong một số năm. Khi đứa trẻ đủ 13 tuổi, bố mẹ lại làm lễ chuộc con về. Việc bán con chỉ giải quyết về niềm tin tôn giáo.

Bình, đó là khi gia đình hiếm muộn, bên cạnh việc chữa chạy bằng tây y, họ còn có giải pháp thể hiện ở niềm tin tâm linh là đi đến đền chùa cầu tự. Một trong những nơi cầu tự thiêng liêng, linh ứng chính là đến cầu ở cửa Thánh. Việc cầu con, muốn linh nghiệm thì phải hết sức thành tâm và tin tưởng vào quyền năng của Thánh. Tốt nhất, là tự mình đi cầu tự. Người đi cầu tự, trước hết phải giữ mình cho thanh khiết, ít nhất nên ăn chay trước khi ngồi lễ để tâm thành động tới quỷ thần. Phải tắm sạch sẽ để tẩy mùi xú uế trần tục, phải kiêng ăn hành tỏi trong ngày đi lễ. Chuẩn bị lễ để cầu con bao không cầu kỳ, chủ yếu là tùy tâm và thành tâm. Niềm tin đó trở thành tập quán từ xa xưa và tồn tại đến ngày nay ở Ninh Bình.

Đền Thánh Nguyễn thuộc địa phận hai xã Gia Thắng và Gia Tiến nên phong tục từ xưa truyền lại, hai xã cùng tổ chức lễ hội 6 năm một lần, cùng tổ chức lễ kỳ phúc hàng năm vào các ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lích. Các nghi thức lễ hội tổ chức song song với hai ban hành lễ, hai tế chủ. Tất cả sắc phong, kiệu rước bách thần ở các nghè miếu, các lễ vật dâng lên đức Thánh của xã nào thì để trên địa phận của xã ấy. Đây là nét phong tục tập quán từ xa xưa và chỉ duy nhất có ở Gia Viễn Ninh Bình. Trong quá trình hành lễ, nếu tế chủ, bồi tế, ca công, đọc chúc văn mà làm chưa đúng thì xã ấy sẽ bị phạt ba chai rượu cho ban tổ chức lễ hội.

Trong tâm thức người dân Gia Viễn, người dân Ninh Bình, Thánh Nguyễn rất linh thiêng. Chính vì vậy trong lễ hội có một số điều kỵ. Sự cấm kỵ, kiêng khem đó trở thành phong tục, tập quán được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những người tế chủ của đền, của miếu, thủ từ của hai xã khi dâng sắc phong dâng lễ, đón sắc phong, đón lễ luôn phải bịt miệng bằng khăn điều để tránh phả hơi sẽ phạm tội bất kính, làm mất đi sự tôn nghiêm thiêng liêng của Thánh. Tượng Thánh được đặt trong cung cấm và trong cỗ khám được sơn son thiếp vàng không ai được vào để chiêm bái tượng Thánh. Ai cố tình vào cung cấm, về sẽ bị Thánh phạt có khi bị ốm. Hàng ngày chỉ có thủ từ được vào cung cấm dâng nước ngày hai lần vào 4 giờ sáng và 16 giờ chiều. Cấm tuyệt đối phụ nữ vào cung cấm. Một điều cấm kị nữa khi đến đền Thánh Nguyễn không được mặc váy, mặc áo cộc tay, quần cộc. Những nhà có tang, tuyệt đối không được tham gia ban hành lễ, chỉ khi đoạn tang mới được tiếp tục. Những người tham gia khiêng kiệu thánh, rước sắc phong, linh vị của thánh phải là nam nhi chưa vợ không có dị tật, có sức khỏe, gia đình có nền tảng tốt không phạm pháp, không có tang, luôn hòa thuận.

Trong quá trình tổ chức lễ hội, lễ rước nước, người dân hai xã Gia Tiến và Gia Thắng tổ chức quét dọn sạch sẽ đền Thánh, trang hoàng trí kiệu long trọng và cho người quét dọn đường cẩn thận không để xú uế trên đường. Người dân ở đây kể lại, có năm, kiệu của thánh đang được rước ra Bến Bia trên đường đi có phân trâu, kiệu cửu cống của Thánh quay tít và quay trở lại đền. Hay trên đường rước kiệu có người dân trèo lên mái nhà, lên cây để xem lễ mà cao hơn kiệu Thánh,

kiệu dừng lại không đi nữa. Từ đấy người dân hai xã tuyệt đối tránh và đã trở thành phong tục, tập quán.

Qua quá trình tìm hiểu truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đềnThánh Nguyễn, chúng tôi nhận thấy Lý triều Quốc sư đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Ninh Bình. Họ quan niệm ông là vị “phúc thần” luôn che chở và đem lại may mắn cho cuộc sống của họ.Việc thờ cúng Nguyễn Minh Không như một vị “phúc thần” đã bồi đắp thêm niềm

ngưỡng vọng thiêng liêng của người dân Ninh Bình đối với Lý triều Quốc sư. Chính lòng biết ơn, sự kính trọng ấy, khiến cho truyền thuyết về Nguyễn Minh Không có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán của nhân dân Ninh Bình. Trong đời sống hiện đại, bất chấp sự xâm lấn của nhiều luồng tư tưởng mới, truyền thuyết về Nguyễn Minh Không mãi bén chắc rễ trong tâm thức của người dân nơi đây.

Tiểu kết chương 3

Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử, được nhân dân yêu quý dệt nên những truyền thuyết đẹp. Trải qua nhiều thăng trầm của gần mười thế kỷ, chuỗi truyền thuyết về Nguyễn Minh Không ngày nay vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Ninh Bình. Ông là một thày thuốc tài ba, ông tổ của nhiều nghề, một thiền sư tu hành đắc đạo phật pháp vô biên, luôn cứu khổ cứu nạn. Có nhiều yếu tố làm nên sức sống bền bỉ của chuỗi truyền thuyết Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình như hình thức truyền miệng, văn bản hóa.Trong đó không thể không kể đến là sự tồn tại của lễ hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán ở Ninh Bình.

Truyền thuyết về Nguyễn Minh Không có mối quan hệ qua lại, biện chứng với lễ hội đền Thánh Nguyễn, tín ngưỡng và phong tục tập quán ở Ninh Bình. Truyền thuyết Nguyễn Minh Không là cơ sở tồn tại của lễ hội đền Thánh Nguyễn. Nhờ lễ hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán mà hình tượng Nguyễn Minh Không hiện lên một cách sống động. Các nghi thức tế lễ, các lễ vật dâng cúng và các trò chơi hấp dẫn trong ngày hội đều là những minh chứng cụ thể cho mối quan hệ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 89 - 92)