Thời gian và không gian lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 69 - 71)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.1.2. Thời gian và không gian lễ hội

3.1.2.1. Thời gian lễ hội

Sau khi Nguyễn Minh Không mất, nhân dân làng Đàm Xá, ngày nay là hai xã Gia Tiến và Gia Thắng huyện Gia Viễn hàng năm đã tổ chức lễ kỳ phúc (Hát Lệ) từ ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch. Đây là ngày được đức Thánh quy định từ khi dựng chùa Viên Quang (1121) để cầu phúc cho nhân dân. Ngày nay đã trở thành thông lệ. Trong Kệ của đức Thánh Nguyễn có ghi “Sáu năm mở hội vui một lần”. Như vậy, lễ hội đền Thánh Nguyễn sáu năm mở hội một lần và có thể

lâu hơn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương. Lễ hội đền Thánh Nguyễn mang đậm tính lễ hội lịch sử, gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Minh Không. Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra trong ba ngày từ ngày 8,9,10 tháng 3 âm lịch. Thời gian mở hội không gắn liền với ngày sinh, ngày hoá của đức Thánh Nguyễn, không gắn với mùa vụ… Lễ hội tổ chức vào mùa xuân vì theo quan niệm dân gian, mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, con người như được tiếp thêm sức mạnh, bừng bừng sức xuân trong cuộc sống mới. Vì vậy, nhân dân làng Đàm Xá xưa mở hội để bày tỏ tình cảm, tưởng nhớ công ơn của Thiền sư Minh Không. Trong dân gian có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh", " Thánh làng nào làng ấy thờ", điều này vừa phản ánh, thể hiện yếu tố bản địa, mang tính

địa phương, vừa tạo ra sự phong phú đa dạng của bức tranh văn hoá dân tộc. Lễ hội đền Thánh Nguyễn trở thành phong tục tập quán được hình thành từ bao đời và được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.

3.1.2.2. Không gian lễ hội

Mọi lễ hội đều diễn ra trong một không gian nhất định, đó chính là những không gian văn hóa gắn với các cộng đồng dân cư ở làng xã Việt Nam. Không gian của lễ hội thường gắn liền với hệ thống thiết chế tôn giáo tín ngưỡng. Nơi diễn ra lễ hội là những công trình di tích lịch sử văn hoá ở các địa phương. Đó là nơi lưu giữ và tôn vinh những giá trị văn hoá tinh thần được kết tinh qua các nhân vật và sự kiện đã hình thành trong lịch sử. Dưới góc độ nào đó có thể coi di tích chính là cái “vỏ” trang nghiêm để chứa cái “hồn” lễ hội trong đó. Lễ hội đền Thánh Nguyễn gắn với tín ngưỡng dân gian, gắn chặt với đời sống văn hoá của người dân Gia Viễn nói riêng và Ninh Bình nói chung.

Từ quá trình điền dã, tham khảo một số trang Web Wikipedia, Ninhbinh dulịch.com.vn. Chúng tôi được biết lễ hội đền Thánh Nguyễn được tổ chức tại đền Thánh Nguyễn. Vào năm 1211, thiền sư Minh Không lập chùa Viên Quang trên chính mảnh đất quê hương thuộc làng Đàm Xá, phủ Tràng An nay là hai xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Đây là điều vô cùng đặc biệt vì trên cả nước không có một ngôi đền nào lại thuộc địa phận hai xã. Khi ông mất, nhân dân Đàm Xá biến chùa Viên Quang thành đền thờ Thánh Nguyễn. Đền Thánh Nguyễn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tháng 2 năm 1989.

Đền Thánh Nguyễn quay hướng nam, song song với đường vua Đinh hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như là một di tích thuộc Hoa Lư tứ trấn. Đền nằm trên mảnh đất dài 100m rộng hơn 40m trong đó địa phận xã Gia Tiến 32 hàng gạch và xã Gia Thắng 27 hàng gạch. Từ xưa truyền lại theo quan niệm

“nhất đông nhì tây” hướng đền chệch đông nhiều hơn nên Gia Tiến là “anh” còn

xã Gia Thắng là “em”. Tổng thể công trình kiến trúc khá quy mô, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Không gian đền Thánh Nguyễn nhìn từ ngoài vào, đền không mở chính giữa như những ngôi chùa, ngôi đền mà chúng ta thường thấy. Cổng đền được mở theo hai lối Đông, Tây. Mỗi cổng lại thuộc về một xã. Hai bên cổng đền là hai cột cờ cao vút.

Từ ngoài vào là Vọng Lâu làm hoàn toàn bằng đá. Mặt trước Vọng Lâu có cuốn thư chạm khắc bốn chữ “Lý triều Quốc sư” bằng chữ Hán. Phía dưới cuốn thư dưới có ba cặp câu đối. Mặt trong Vọng Lâu, có cuốn thư chạm khắc bốn chữ

“Tiên hậu quỹ nhất”. Phía dưới cuốn thư có ba cặp câu đối. Tiếp đến là chiếc

khánh bằng đá thường gọi là Vọng Liệu Sở - nơi hóa sớ, đốt văn. Hai bên hồi của Vọng Lâu có hai cây đèn đá, cao hơn một mét. Huyền thoại kể rằng, cây đèn đá tự mọc lên, Nguyễn Minh Không đêm đêm thường ngồi bên cây đèn để thiền tịnh. Các loài chim, loài thú về chầu xung quanh, ánh sáng cây đèn chiếu sáng

đến tầng mây trên không. Chính vì thế nhân dân tôn hiệu ông là Minh Không và từ đó trở đi tục gọi thiền sư là Minh Không. Tiếp đến là sân rồng được lát bằng gạch đỏ. Hai dãy Nhà Giải hai bên thuộc địa phận hai xã. Mỗi dãy nhà gồm 9 gian thờ Chư vị tiên công. Đi qua sân rồng trước cửa tiền đường là chiếc sập đá lớn, một lô hương do phật tử cúng tiến là nơi làm lễ dâng hương của phật tử, khách thập phương về chiêm bái, lễ thánh.

Đền có 4 toà làm theo kiểu tiền nhất, hậu công (trước theo kiểu chữ nhất 一

sau là chữ công 工). Năm gian tiền đường làm theo kiểu chồng rường, hồi có mái đại, trụ non xà đuôi chuột, các cặp xà dọc, xà ngang, xà nách, được bám vào cột chắc khoẻ như những ngấn mộng chính xác kín kít, phân bổ ở vị trí không để ảnh hưởng tới sự chịu tải của cột. Trước Tiền Đường cung Siêu Hương là 2 con sóc đá thời Lê sơ. Trong Tiền Đường trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc bốn chữ Hán “Thiên khái Thánh sinh” (trời sinh ra Thánh), trong tiền đường có 2 chiếc Quán tẩy thời Nguyễn được chạm khắc tinh xảo; 2 chiếc trống cù rất quý hiếm, mặt trống đường kính 1,4 m tương truyền có từ thời Lý - Trần; toàn bộ khám thờ thuộc thời Nguyễn. Đặc biệt trong đền còn lưu giữ một chiếc vạc dầu tương truyền là chiếc vạc được đức Thánh dùng để đun thuốc chữa bệnh. Ngoài giá trị lịch sử, đền còn được ghi nhận giá trị đặc sắc bởi nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.

Tiếp giáp năm gian Tiền Đường là cung Siêu Hương được trang hoàng trang trọng là nơi tiến lễ, tiến trà, tiến rượu…Trong cùng là chính tẩm - cung cấm gồm 5 gian. Chính giữa là nơi bày Cỗ Khám được sơn thiếp vàng lộng lẫy để thần tượng của đức Thánh Nguyễn. Phía trước cỗ khám là cỗ ngai được chạm khắc tinh tế, bày linh vị của đức Thánh. Bên phía đông (tay trái nhìn từ trong ra ngoài) là hai cỗ ngai và linh vị cha mẹ đức Thánh (Khải Thánh), phía tây là cỗ ngai và linh vị đức Thánh Tô (Tô Hiến Thành).

Phía sau chính tẩm là gác chuông hai tầng, tám mái, cũng toàn bằng gỗ lim. Gác chuông đây treo một quả chuông nặng hơn một tấn, cao 1,60 m. Quanh đền có nhiều cây cổ thụ tán lá xanh tươi và những cây cảnh điểm trang cho đền, tạo thành một bức tranh phong cảnh làng quê thâm nghiêm, tĩnh mịch.

Ngoài khu đền Thánh Nguyễn, không gian lễ hội còn được mở rộng ra các nghè miếu của hai xã Gia Tiến và Gia Thắng của huyện Gia Viễn. Vì thế lễ hội đền Thánh Nguyễn trở thành lễ hội có nét độc đáo riêng của mình so với lễ hội khác của tỉnh Ninh Bình. Trước ngày lễ hội chính thức được mở ra, tại các nghè miếu có tổ chức lễ trang hoàng trí kiệu, kéo cờ nghè miếu. Sau khi hội kết thúc, các nghè miếu rước sắc, rước kiệu về làm lễ yên vị và lễ tạ. Không gian các nghè miếu ở các thôn được xem là không gian thứ hai của hội đền Thánh Nguyễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết nguyễn minh không và lễ hội đền thánh nguyễn ở ninh bình (Trang 69 - 71)