B. PHẦN NỘI DUNG
3.1.1. Lịch sử lễ hội đềnThánh Nguyễn
Mang đặc trưng nguyên hợp của văn hoá dân gian, truyền thuyết và lễ hội luôn gắn bó hữu cơ với nhau. Truyền thuyết người anh hùng được tái hiện sống động trong các lễ hội. Lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về thiền sư Nguyễn Minh Không. Theo Ngọc phả đền Thánh Nguyễn, thiền sư Nguyễn Minh Không sinh vào ngày 15 tháng 10 năm Quý Sửu. Cha là Nguyễn Sùng, quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, Phủ Trường
An, Ái Châu, mẹ là Dương Mĩ Nương, là người có nhan sắc và rất hiếu thuận. Quê Xã Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử thời Lý đã được nhân dân yêu quý dệt lên những truyền thuyết đẹp để ca ngợi công đức, tài năng. Khi nhắc đến thiền sư Minh Không, hậu thế không chỉ biết đến ông là người có tài năng phi thường, xuất chúng, phật pháp vô biên mà còn biết đến ông là nhà tu hành mộ đạo, một thày thuốc tài ba, vị tổ sư của nhiều nghề. Ông là người có công phò vua giúp nước, xin giảm sưu cao thuế nặng cho dân... Đặc biệt Nguyễn Minh Không là người đã chữa khỏi bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông và được phong Lý triều Quốc sư. Khi thiền sư Minh Không hóa ngày 12 tháng 6 năm 1141, vua Lý đã hạ lệnh thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng…Từ trên Sơn Tây đến Ái Châu đều thờ phụng ngài, lấy Đàm Xá là nơi thờ chính. Thiền sư Minh Không được dân gian suy tôn là Thánh tổ và được thờ phụng ở rất nhiều nơi trong cả nước. Lịch sử mỗi ngôi đền, ngôi chùa thờ Nguyễn Minh Không, thường bắt nguồn từ dấu vết mỗi lần ông đặt chân qua. Trong số đó, phải kể đến đền thờ Thánh Nguyễn ở khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn. Riêng ở đền Thượng xã Khánh Phú và đền Tam Thánh ở xã Khánh An, Yên Khánh ông được suy tôn là đức Thánh Cả… Đền Thánh Nguyễn thuộc làng Đàm Xá, phủ Tràng An nay là hai xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn, Ninh Bình là nơi thờ chính. Vào tiết xuân thu, nước cúng tế, tứ thời hương hỏa vạn đại của người dân dâng lên không bao giờ dứt.