B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.2. Nguyễn Minh Không in dấu địa danh với quê hương Ninh Bình
Trong quá trình tìm hiểu,chúng tôi nhận thấy chuỗi truyền thuyết về Nguyễn Minh Không có những mẫu kể mang thuộc tính của truyền thuyết địa danh. Cả 35 truyện mà chúng tôi sưu tầm, tham khảo đều gắn với địa danh và di tích lịch sử. Những truyền thuyết này có truyện phản ánh sự kiện lịch sử quan trọng. Nhưng cũng có những truyện phản ánh hoạt động của Nguyễn Minh Không trong quá trình tu hành, chữa bệnh, truyền nghề cho dân. Cũng có những truyền thuyết địa danh ít có căn cứ về mặt lịch sử mà chú trọng giải thích nguồn gốc địa danh.
thuyết tên tuổi của ông gắn liền tên làng, tên xã ở Ninh Bình. Truyện Nút đó và lò
nước ông Khổng Lồ, kể lại:“Ông phải ăn ngủ ngay tại chỗ để coi đó. Thế là ông đun nấu, ăn ngủ ngay trên bờ sông. Cả một cái suối lớn ông đun sôi sùng sục để thịt gà và nấu nướng. Cá ở khúc sông này đơm mãi cũng hết. Ông chuyển đó đi đơm nơi khác. Nút đó ông vứt lại thành quả núi một gọi là Nút Đó ở ngã ba sông. Suối ông Khổng lồ đun sôi để thịt gà, đến nay nay vẫn còn nóng, dân gian gọi là suối Canh Gà, lâu dần gọi là Kênh Gà”. [PL2, tr.114]. Truyền thuyết đã giải
thích vì sao ngọn núi ở xã Gia Minh, Gia Viễn, Ninh Bình lại có tên là Nút Đó. Đồng thời, dân gian lý giải tên gọi, nguồn gốc suối nước nóng chảy ra từ một quả núi và đổ vào nhánh sông Hoàng Long là Kênh Gà. Tất cả được bắt nguồn việc ông Khổng Lồ, đun nước để thịt gà, nấu nướng. Vì thế, tên gọi suối nước nóng Kênh Gà, làng nổi Kênh Gà được ra đời, tồn tại đến ngày nay.
Núi Bái Đính là vùng đất thiêng, được thiên nhiên ban tặng phong cảnh đẹp lại có nhiều cây thuốc quý. Hàng ngày, ông đi hái thuốc, tìm cây thuốc về trồng thành vườn, để chữa bệnh cho dân “Không chỉ hái thuốc có sẵn trên núi, mà ông
còn kiếm nhiều loại cây thuốc quý ở các núi rừng quanh vùng về đây để trồng, biến thành một vườn thuốc lớn, ông đặt tên là Vườn Sinh Dược, ở ngay dưới chân núi Bái Đính. Cũng chính từ ý nghĩa này mà cái tên Sinh Dược (thuốc sống) ra đời. Sinh Dược được đặt tên cho cả một thung lũng rộng lớn xung quanh núi Bái Đính”. [PL2, tr.118]. Truyền thuyết đã giải thích tên Vườn Sinh Dược ở xã Gia Sinh huyện Gia Viễn. Tên địa danh gắn liền với việc Nguyễn Minh Không đi hái thuốc, trồng thuốc, chữa bệnh cho người dân. Vườn Sinh Dược còn có tên gọi khác Thung thuốc hay Thung Lang.
Ngoài ra, nhiều nơi trong tỉnh Ninh Bình có các địa danh gắn với hành trạng cuộc đời Nguyễn Minh Không như Động Vân Trình, Hòn Nẹ (Trái núi ngoài biển huyện Kim Sơn), núi Kẽm Đó ở Tam Điệp “Dấu tích cái bờ ông đắp
để đơm đó là dải núi Tam Điệp, còn chỗ ông đặt đó tại đoạn núi Tam Điệp đứt quãng nay thuộc phường Nam Sơn gọi là Kẽm Đó”. [PL2, tr.114].
Cuộc đời Nguyễn Minh Không gắn liền với tên gọi của những ngọn núi, cánh đồng, làng mạc, luống cày: núi Bái Đính, làng Gia Sinh, Lỗ Lùng, động Long Ẩn… Đây là minh chứng cho sự gắn bó của ông với quê hương. Cách gọi tên địa danh như vậy được lý giải: một phần có nguyên do từ nếp nghĩ của dân gian lấy tên địa danh gắn liền với sự kiện xảy ra tại đó để dễ nhớ, dễ lưu truyền. Mặt khác, khi một địa danh có tên gọi liên quan đến một nhân vật thì địa danh ấy trở lên linh thiêng có hồn. Ngược lại, nhân vật lịch sử sẽ trở thành bất tử khi con người họ, tên tuổi họ đã được khắc tạc vào sự vĩnh hằng của đất mẹ.
Nguyễn Minh Không đã để lại dấu ấn đậm nét với quê hương Ninh Bình ở nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Những di tích lịch sử thường gắn liền với cuộc đời tu hành của thiền sư họ Nguyễn. Trên cương vị Quốc sư, thống lĩnh lực lượng phật giáo quốc gia, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên
đất Đại Việt. Nhiều ngôi chùa còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Cổ Lễ, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trông, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long... Riêng ở Ninh Bình, ông đã dựng nhiều ngôi chùa để thờ phật như chùa Bái Đính, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng. Truyền thuyết có kể về nguồn gốc chùa động Am Tiên như sau: “Một
hôm ông đi đến nơi thâm sơn cùng cốc, ít người qua lại, âm khí rất nặng. Ma quỷ gầm rú, oan hồn than khóc thảm thiết, hãm hại dân thường. Hỏi ra mới hay, nơi đây xưa kia là pháp trường vua Đinh thả hổ, nuôi cá sấu để trừng trị những kẻ có tội. Ông dừng lại, đặt bàn đá trong hang thuyết pháp, tụng kinh niệm phật, cầu đảo cho linh hồn siêu thoát. Sau đó ông chọn nơi dựng chùa trong hang đá. Chùa ở lưng chừng núi, cách mặt đất chừng vài trăm mét, hướng chính tây - hướng chầu về đất phật. Hai bên hai cửa hang là hai ngọn núi chạy dài tựa như hai con rồng chầu về cửa hang. Ông Khổng Lồ gọi là chùa động Am Tiên. Từ đấy, ma quỷ không gầm rú, oan hồn không kêu khóc nữa. Cuộc sống người dân yên ổn”. [PL1,
tr.99]. Ngày nay chùa động Am Tiên nằm trong khu quần thể di sản thế giới Tràng An. Nơi đây không còn là chốn thâm sơn cùng cốc nữa mà là nơi thanh tịnh, phong cảnh hùng vĩ mà hữu tình.
Truyền thuyết Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình có giá trị nhiều mặt: giải thích các địa danh, tên làng, tên núi, tên sông, tên chùa từ quá khứ tồn tại đến ngày nay. Đồng thời, gửi gắm niềm tự hào, sự ngưỡng vọng của nhân dân đối với người con ưu tú của quê hương, đã có công phát tích, khai làng, lập chùa. Ý thức tôn vinh Lý triều Quốc sư - Nguyễn Minh Không của dân gian, đã khoác thêm ánh hào quang cho sông núi, quê hương Ninh Bình, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.