Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý ngân sách nhà nước thành phố lào cai, tỉnh lào cai (Trang 102 - 107)

5. Bố cục của luận văn

3.6.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, quản lý ngân sách nhà nước thành phố Lào Cai hiện nay còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục và tiếp tục đổi mới, đó là:

- Quá trình xây dựng dự toán ngân sách còn có đơn vị cấp dưới giảm thu, tăng chi để nhận được số bổ sung của ngân sách cấp trên, chưa bám sát vào khả năng thu để bố trí chi. Việc tổ chức hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán và thảo luận dự toán giữa cơ quan Tài chính với các đơn vị thụ hưởng ngân sách, các xã, phường còn hạn chế. Nguyên nhân do hệ thống NSNN mang tính chất lồng ghép đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cân đối ngân sách của thành phố Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung. Hệ thống NSNN của Việt Nam có một đặc điểm khác biệt so với một số nước trên thế giới đó chính là tính lồng ghép: Ngân sách cấp huyện, thành phố được lồng vào ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp tỉnh được lồng vào ngân sách nhà nước. Tính lồng ghép này đã tạo điều kiện quản lý ngân sách tập trung của cấp trên đối với cấp dưới, nhưng cũng chính tính chất này đã làm hạn chế tính độc lập của ngân sách cấp dưới, đặc biệt tạo sự phức tạp trong quản lý ngân sách, trách nhiệm giữa các cấp ngân sách không được phân định rõ ràng. Ngân sách cấp dưới vừa phải phụ thuộc vào ngân sách cấp trên, vừa không chịu trách nhiệm đến mức cuối cùng về các hoạt động của mình trong hệ thống ngân sách lồng ghép, hơn nữa ngân sách cấp trên cũng không thể quản lý chặt chẽ được ngân sách cấp dưới. Mặt khác, thực tế cho thấy, do tính lồng ghép của hệ thống NSNN mà có nhiều chỉ tiêu thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định vì vậy không khuyến khích cấp dưới tự cân đối thu, chi hay lập dự toán ngân sách tích cực mà ngược lại thường có xu hướng lập dự toán thu thấp, dự toán chi cao để được nhận trợ cấp nhiều hơn.

- Vẫn còn tình trạng thất thu như khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, hiện tượng trốn thuế trên giá còn rất phổ biến, vẫn còn

tồn đọng thuế ở lĩnh vực kinh doanh xây dựng cơ bản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ karaoke, các xã, phường thường chậm nộp các khoản thu vào NSNN. Nguyên nhân do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý thu chi ngân sách: Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện Luật ngân sách, song sự phối hợp giữa các cơ quan còn mang tính hình thức, chủ yếu giao cho phòng Tài chính và cơ quan Thuế thực hiện. Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan khối nội chính, các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo chống thất thu ngân sách, chống buôn lậu và tăng cường quản lý ngân sách trên địa bàn thành phố chưa chặt chẽ, thường xuyên.

- Việc xây dựng cơ chế phân cấp quản lý và điều hành ngân sách của thành phố hàng năm còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế phân cấp của tỉnh nên chưa đảm bảo được tính ổn định của ngân sách trong thời gian dài. Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ các xã, phường thường quan tâm khai thác những nguồn thu hưởng 100% hoặc nguồn thu có tỷ lệ điều tiết cao cho ngân sách cấp mình, chưa quan tâm đúng mức đến nguồn thu có tỷ lệ điều tiết thấp hoặc không được điều tiết. Việc phân chia tỷ lệ điều tiết còn có nội dung chưa khoa học, hợp lý nên chưa khuyến khích được sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp dưới. Do hệ thống NSNN mang tính chất lồng ghép đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cân đối ngân sách. Ngân sách cấp huyện, thành phố được lồng vào ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp tỉnh được lồng vào ngân sách nhà nước. Tính lồng ghép này đã tạo điều kiện quản lý ngân sách tập trung của cấp trên đối với cấp dưới, nhưng cũng chính tính chất này đã làm hạn chế tính độc lập của ngân sách cấp dưới, đặc biệt tạo sự phức tạp trong quản lý ngân sách, trách nhiệm giữa các cấp ngân sách không được phân định rõ ràng.

- Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa tập trung, việc quản lý vốn đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với cấp xã, phường còn yếu kém, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản vẫn còn kéo dài, là nguyên nhân của việc không có nguồn thu vững chắc nhưng vẫn quyết định triển khai đầu tư xây dựng. Công tác khảo sát thiết kế và lập dự toán cho các công trình xây dựng cơ bản chưa chuẩn xác, thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Do hệ thống thông tin về ngân sách còn thiếu đồng bộ, chưa liên tục, công tác phân tích và dự báo về ngân sách chưa thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ bản.

- Đối với chi thường xuyên, việc quản lý quá trình mua sắm, sửa chữa chưa được kiểm soát chặt chẽ, thông tin cập nhật giá cả thị trường chưa đầy đủ. Một số đơn vị mua sắm tài sản chưa thực hiện đúng quy trình, quy định; chi tổ chức hội nghị, chi công tác phí, sử dụng xăng xe, điện thoại, điện thắp sáng... vượt định mức chi theo quy định. Hệ thống các định mức chi tiêu ngân sách chưa đầy đủ nên quá trình cấp phát, thanh toán và kiểm soát chi ở Kho bạc Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chi hành chính thường vượt định mức được giao. Nguyên nhân do một số đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chưa chấp hành tốt quy định của Luật NSNN; việc quản lý, sử dụng kinh phí chưa đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy được tiến hành thường xuyên nhưng tính răn đe không cao, vẫn còn có kết luận bỏ qua khuyết điểm sai phạm, biện pháp xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

- Việc thực hiện chu trình ngân sách chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đảm bảo về mặt thời gian; chất lượng của báo cáo quyết toán ngân sách chưa cao. Việc mở sổ sách theo dõi kế toán NSNN còn hạn chế, chưa đúng quy định, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài sản công. Nguyên nhân do quy trình ngân sách mang tính lồng ghép lớn cùng với thời gian tương đối ngắn đã

làm cho quyết toán ngân sách đòi hỏi cấp dưới phải trình lên cấp trên, cấp trên tổng hợp dự toán và quyết toán của cấp dưới trong khoảng thời gian ngắn, vì vậy trên thực tế yêu cầu này hầu như chưa thực hiện tốt.

- Trình độ, năng lực của cán bộ quản lý ngân sách còn hạn chế, hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm quản lý còn chưa được đổi mới. Chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý ngân sách trong thời kỳ đổi mới như hiện nay. Nguyên nhân do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác tài chính kế toán ở các đơn vị thụ hưởng ngân sách còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Đội ngũ kế toán các trường học, các xã, phường đa số có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý tài chính, công tác tham mưu về quản lý tài chính - ngân sách cho cơ quan, cấp uỷ chính quyền địa phương. Cán bộ làm công tác chuyên môn ở các cơ quan Tài chính, Thuế, Kho bạc Nhà nước trình độ nghiệp vụ mới dừng lại ở khâu hạch toán, kế toán, công tác đánh giá phân tích..., việc đề xuất tham mưu trong công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Hệ thống công nghệ thong tin, máy móc, phần mềm chưa được nâng cấp thường xuyên.

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện tốt nhưng vẫn còn có nhiều sai xót, sai phạm chưa được phát hiện ra. Việc kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, còn có đơn vị vi phạm quy định về quản lý tài chính chưa được phát hiện kịp thời. Nguyên nhân do HĐND có vai trò lớn trong việc quyết định dự toán ngân sách, giám sát thực hiện dự toán, phê duyệt quyết toán, giám sát triển khai và thực hiện ngân sách; tuy nhiên, rất ít đại biểu HĐND có chuyên môn về tài chính kế toán và hầu như không được tập huấn về quản lý tài chính trong khi phải ra quyết định phân bổ và giám sát thực hiện ngân sách. Vì vậy, hiệu quả quản lý ngân sách chưa cao. Bên cạnh đó phòng Thanh tra cũng có nhiệm vụ trong việc thanh tra, kiểm tra quản lý ngân sách nhà nước nhưng do số lượng cán bộ ít, trình độ chuyên môn của

cán bộ thanh tra về quản lý ngân sách còn hạn chế nên việc kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, còn có đơn vị vi phạm quy định về quản lý tài chính chưa được phát hiện kịp thời.

- Đối với cơ quan Tài chính, trong thảo luận dự toán ngân sách còn có hiện tượng áp đặt, chưa thực sự thấy hết các nhiệm vụ phát sinh của các đơn vị, các xã, phường. Trong cấp phát có nội dung chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của đơn vị.

Chương 4

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ LÀO CAI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý ngân sách nhà nước thành phố lào cai, tỉnh lào cai (Trang 102 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)