1.2.1 Khái niệm quản trị rủi ro tín dụng
Theo Ủy ban Basel, QTRRTD là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện, liên tục và có hệ thống nhằm nhận dạng, phân tích nguyên nhân gây ra rủi ro, đo lường mức độ rủi ro, trên cơ sở đó lựa chọn biện pháp phòng ngừa và quản lý các hoạt động tín dụng nhằm hạn chế, giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro và loại trừ rủi ro trong quá trình cấp tín dụng, đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Mục tiêu của QTRRTD là tối đa hóa tỷ lệ hoàn trả nợ của khách hàng bằng cách duy trì RRTD trong mức chấp nhận được. NHTM phải QTRRTD trong danh mục đầu tư cũng như QTRRTD trong từng khoản tín dụng riêng lẻ, đồng thời xem xét mối quan hệ giữa RRTD với các loại rủi ro khác trong NH. QTRRTD hiệu quả là một thành phần quan trọng của phương thức quản trị rủi ro toàn diện và cần thiết cho sự phát triển bền vững của tất cả các NH.
1.2.2 Sự cần thiết của quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại
Công tác quản trị rủi ro tín dụng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng khi mà mức độ rủi ro tín dụng cũng như mức độ nguy hiểm của nó đối với các NHTM
ngày càng gia tăng. Rủi ro tín dụng luôn gây tổn thất cho các NHTM. Ở mức độ thấp, rủi ro tín dụng làm giảm lợi nhuận, thậm chí còn làm giảm nguồn vốn tự có của các ngân hàng. Còn nếu rủi ro tín dụng không được kiểm soát tốt làm cho tỷ lệ các khoản cho vay mất vốn tăng lên quá cao, các NHTM sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo nghiên cứu của Corsetti (1998), một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây nên cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 là tỷ lệ nợ quá hạn tại các NHTM tăng cao. Ngay trước khủng hoảng, tỷ lệ nợ quá hạn tại các NHTM Thái Lan là 13%, Indonesia là 13%, Phillipines là 14%, Malaysia là 10%. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, trong thời gian gần đây số lượng khủng hoảng trung bình mỗi năm ngày càng tăng với hậu quả ngày càng nặng nề hơn. Điều này chứng tỏ xu hướng kinh doanh ngân hàng đang ngày càng chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Nguyên nhân của thực tế này là do xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và đề cao cạnh tranh ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này đã chứng tỏ hiệu quả nhất định của nó trong việc thúc đẩy nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp phát triển và hoàn thiện, nhưng ở một khía cạnh khác, nó lại thể hiện mức độ rủi ro tăng lên, khi mà các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với nhau làm cho chênh lệch lãi suất biên ngày càng giảm xuống, họ buộc phải mở rộng quy mô kinh doanh để bù đắp sự sụt giảm về lợi nhuận, đồng thời điều này cũng làm giảm khả năng bù đắp rủi ro nội tại của chính họ. Mặt khác, hội nhập kinh tế còn làm xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro mới. Các sản phẩm dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ như thẻ tín dụng, tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng luôn chứa đựng những rủi ro mới. Như vậy có thể nhận thấy rủi ro tín dụng ngày càng đe dọa sự tồn tại và phát triển của các NHTM. Riêng đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước đang trong quá trình chuyển đổi, môi trường kinh doanh không ổn định, thị trường tài chính kém phát triển, mức độ minh bạch thông tin thấp làm gia tăng mức độ rủi ro đối với hoạt động ngân hàng thì nhu cầu phải quản trị rủi ro một cách hiệu quả càng trở nên cấp thiết.
Khi các ngân hàng thương mại thực hiện tốt quy trình quản trị rủi ro tín dụng sẽ đem lại hiệu quả cụ thể như:
- Dự báo, phát hiện kịp thời rủi ro tiềm ẩn. Việc phát hiện những biến cố không có lợi, ngăn chặn các tình huống không có lợi đã và đang xảy ra và có thể lan ra phạm vị rộng. Giải quyết hậu quả rủi ro để hạn chế các thiệt hại đối với tài sản và thu nhập của ngân hàng.
- Phòng chống rủi ro được thực hiện bởi các nhân viên, cán bộ lãnh đạo của ngân hàng.
- Quản trị đề ra những mục tiêu cụ thể giúp ngân hàng đi đúng hướng. Từ đó có kế hoạch hành động cụ thể và hiệu quả phù hợp với mục tiêu đề ra.
1.2.3 Nguyên tắc cơ bản của quản trị rủi ro tín dụng theo ủy ban Basel
Hiệp ước Basel II được ban hành với khung đo lường gồm 3 trụ cột chính:
Trụ cột thứ 1: Liên quan tới duy trì vốn bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% như Basel I. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với Basel I là rủi ro được tinh toán theo 3 yếu tố chính là NH phải đối mặt là RRTD, rủi ro thị trường và rủi ro vận hành.
Trụ cột thứ 2: Liên quan tới việc hoạch định chính sách NH. Trụ cột này cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà NH phải đối mặt như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro thanh khoản,rủi ro pháp lý, rủi ro danh tiếng.
Trụ cột thứ 3: NH cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Basel II đưa ra các danh sách yêu cầu buộc NH phải công khai thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của NH vởi RRTD, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của NH đối với từng loại rủi ro này.
Ủy ban Basel đã ban hành các nguyên tắc về quản lý nợ xấu mà thực chất là đưa ra các nguyên tắc trong quản trị rủi ro tính dụng. Các nguyên tắc này tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:
Xây dựng môi trường tín dụng thích hợp: Hội đồng quản trị phải thực hiện phê duyệt định kỳ chính sách rủi ro tín dụng, xem xét rủi ro tín dụng và xây dựng một chiến lược xuyên suốt trong hoạt động của ngân hàng (tỷ lệ nợ xấu, mức độ chấp nhận rủi ro .). Trên cơ sở này, ban tổng giám đốc có trách nhiệm thực thi
các định hướng này và phát triển các chính sách, thủ tục nhằm phát hiện, đo lường, theo dõi và kiểm soát nợ xấu trong mọi hoạt động tín dụng, ở cấp độ của từng khoản tín dụng và cả danh mục đầu tư tín dụng. Các ngân hàng cần xác định quản trị rủi ro tín dụng trong mọi sản phẩm và hoạt động của mình, đặc biệt là các sản phẩm mới phải có sự phê duyệt của hội đồng quản trị.
Thực hiện cấp tín dụng lành mạnh: Các Ngân hàng cần xác định rõ ràng các tiêu chí cấp tín dụng lành mạnh. Ngân hàng cần xây dựng giới hạn tín dụng cho từng loại khách hàng và nhóm khách hàng vay vốn để tạo ra các loại hình rủi ro tín dụng khác nhau nhựng có thể so sánh và theo dõi được trên cơ sở xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngân hàng cần phải có quy trình rõ ràng trong phê duyệt tín dụng, các sửa đổi tín dụng với sự tham gia của các bộ phận quan hệ khách hàng, bộ phận phân tích tín dụng và bộ phận phê duyệt tín dụng cũng như trách nhiệm rạch ròi của các bộ phận tham gia. Đồng thời, ngân hàng cần phát triển đội ngũ nhân viên quản lý rủi ro tín dụng có kinh nghiệm, kiến thức nhằm đưa ra các nhận định thận trọng trong việc đánh giá, phê duyệt và quản lý rủi ro tín dụng.
Duy trì quá trình quản lý, đo lường và theo dõi tín dụng phù hợp: Các
ngân hàng cần có hệ thống quản lý cập nhật đối với các danh mục đầu tư có rủi ro tín dụng, bao gồm cập nhật hồ sơ tín dụng, thu thập thông tin tài chính hiện hành, dự thảo các văn bản như hợp đồng vay theo quy mô và mức độ phức tạp của ngân hàng. Đồng thời, hệ thống này phải có khả năng nắm bắt và kiểm soát tình hình tài chính, sự tuân thủ các cam kết của khách hàng để phát hiện kịp thời những khoản vay có vấn đề. Các chính sách rủi ro tín dụng của ngân hàng cần chỉ rõ cách thức quản lý các khoản tín dụng có vấn đề, trách nhiệm đối với các khoản tín dụng này nên giao cho bộ phận quan hệ khách hàng hay bộ phận xử lý nợ hoặc kết hợp cả hai bộ phận này, tùy theo quy mô và bản chất của mỗi khoản tín dụng. Ủy ban Basel cũng khuyến khích các ngân hàng xây dựng và hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong quản lý rủi ro tín dụng, giúp phân biệt các mức độ rủi ro tín dụng
trong các tài sản có tiềm năng rủi ro của ngân hàng. Như vậy, trong xây dựng mô hình quản lý rủi ro tín dụng, nguyên tắc Basel có một số điểm cơ bản:
- Phân tách bộ phận cấp tín dụng theo các bộ phận quan hệ, bộ phận phân tích tín dụng và bộ phận phê duyệt tín dụng, cũng như quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ phận tham gia.
- Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý tín dụng - Cách thức quản lý các khoản tín dụng có vấn đề
- Xây dựng một hệ thống quản lý và cập nhật thông tin hiệu quả để duy trì quá trình đo lường, theo dõi tín dụng thích hợp, đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, theo dõi và quản lý rủi ro tín dụng.
1.2.4 Xây dựng mô hình và chính sách quản trị rủi ro tín dụng
Để thực hiện được hoạt động QTRRTD, trước hết NH phải xây dựng và áp dụng mô hình QTRRTD. Một mô hình QTRRTD có thể đạt hiệu quả khi mô hình này phản ánh đầy đủ các nội dung sau:
Các quy định về tổ chức, trình tự và thẩm quyền của bộ máy cấp tín dụng, bộ máy giám sát rủi ro và bộ máy xử lý rủi ro.
Quy định về điều kiện nhân sự trong tuyển dụng, bổ nhiệm CBNV thực hiện các công việc trong bộ máy cấp tín dụng, giám sát rủi ro và xử lý rủi ro.
Xây dựng và hoàn thiện các định hướng, chính sách, quy chế, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động tín dụng và QTRRTD.
Hệ thống đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của NH.
Hệ thống thông tin tín dụng, báo cáo quản trị và cảnh báo rủi ro.
Mô hình quản trị rủi ro được xây dựng tùy thuộc vào quy mô của mỗi NH, mức độ ứng phó với các loại rủi ro khác nhau và độ phức tạp trong tổ chức NH. Một mô hình QTRRTD đúng đắn phải gắn kết được mô hình quản trị rủi ro đó với mục tiêu chiến lược tổng thể của NH. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa các mục tiêu QTRRTD, NH cần thiết lập chính sách quản trị rủi ro phù hợp với điều kiện của mình. Chính sách quản trị rủi ro bao gồm các nội dung cơ bản như sau:
- Xây dựng phương pháp xác định và đo lường RRTD một cách hiệu quả: cách thức đánh giá khả năng trả nợ của KH, chuẩn hóa hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm, phân loại tài sản bảo đảm theo khả năng thu hồi nợ và quản lý nợ.
- Quy định về các điều kiện, quy trình thẩm định, quyết định cho vay và nhận bảo đảm tiền vay.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc, thủ tục cho vay và cấp tín dụng khác, tránh xảy ra sự cố gây thất thoát tài sản.
- Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với hoạt động kinh doanh, đối tượng KH, tính chất rủi ro của khoản nợ.
- Xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống các quy chế, quy trình nội bộ về quản trị rủi ro; trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng chính sách tín dụng, quy định về đánh giá, xếp hạng KH vay, đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý các khoản nợ xấu.
1.2.5 Quy trình thực hiện quản trị rủi ro tín dụng
QTRRTD rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng của NH và phải được gắn liền với quá trình cấp tín dụng. Đây là một công việc phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận trong NH. Theo Peter S. Rose (2001), Quản trị ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Tài chính., để quản lý các khoản cấp tín dụng, có 5
bước mà một nhà quản trị cần quan tâm đó chính là nhận diện, đo lường, phân tích, kiểm soát, và xử lý rủi ro.
Bên cạnh đó, để QTRRTD, Ủy ban Basel cũng đã đưa ra một khung mẫu để các nước tuân theo nhằm hạn chế RRTD xảy ra. Trong nội dung QTRRTD của Basel II và III, mặc dù không thể hiện rõ ràng bao nhiêu bước nhưng nếu sắp xếp và tổng hợp lại thì quy trình QTRRTD cũng bao gồm 5 bước như trên.