5. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Nhóm nhân tố chủ quan
a.Từ phía hộ nông dân
Chất lượng chè từ các hộ sản xuất chè có sự khác nhau, nên các hộ trồng chè thường có xu hướng bán cho người thu gom (người thu gom thường đến từng hộ gia đình) người thu gom nào trả giá cao hơn thì họ bán, hoặc là họ mang ra chợ bán, sản xuất đến đâu họ bán đến đấy (số lượng thường nhỏ <100kg). Chè của các hộ cũng chia thành nhiều lứa (do các bãi khác nhau) nên thời gian thu hoạch không giống nhau. Các doanh nghiệp thường có nhu cầu về sản lượng lớn nên thường mua lại của người thu gom.Những vấn đề này thuộc về nhận thức của tầm quan trọng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ chè trên địa bàn nghiên cứu.
Bảng 3.15: Nhận thức của người dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ chè trên địa bàn nghiên cứu
Tiêu chí Số người trả lời Tỷ lệ trả lời (%)
Rất quan trọng 20 19,23
Quan trọng 26 25,00
Bình thường 51 49,04
Không quan trọng 7 6,73
(Nguồn: Tác giả khảo sát năm 2017)
Theo kết quả khảo sát bảng 3.15, đa số hộ trồng chè chưa nhận thức được vai trò của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè, có đến 49,04% cho rằng mối liên kết này bình thường, và 6,73% cho rằng không quan trọng, họ một phần vì lợi ích trước mắt bán cho người thu gom vừa không phải đi lại vừa thu được tiền ngay đối với dân trồng chè kinh tế họ vẫn còn nghèo họ rất cần tiền để lo chi phí cho gia đình cũng như chăm sóc cây chè. Nếu bán cho các doanh nghiệp thường sẽ bị nợ. Bên cạnh đó, tâm lý bán chè “được giá” là nguyên nhân cơ bản của các hộ này. Mặt khác, có 25% người dân cho rằng mối liên kết này là quan trọng và 19,23% cho rằng mối liên kết này là rất quan trọng, đó là các hộ đã tham gia vào các nhóm và tổ hợp tác, họ được tuyên truyền lợi ích khi liên kết với nhau cùng sản xuất và tiêu thụ với tác nhân là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác. Tuy nhiên, bộ phận này chưa biết bắt đầu từ đâu và làm những công việc gì để duy trì va phát triển mối liên kết kinh tế này. Do đó, nhận thức của người dân ảnh hưởng lớn đến liên kết sản xuất và tiêu thụ chè trên địa bàn nghiên cứu.
b.Tứ phía doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn khá nhỏ bé, để tránh tình trạng bị lép vế, bị thua thiệt trong cạnh tranh toàn cầu thì chỉ còn một con đường duy nhất là liên kết, các doanh nghiệp liên kết với nhau
để cùng nhau phát triển. Liên kết trong làm ăn giúp nhà kinh doanh tăng lợi thế cạnh tranh ở chỗ: giảm chi phí và tối đa hoá lợi nhuận, đảm bảo tăng trưởng bền vững, không bị đe dọa, tăng vị thế cạnh tranh và nâng cao năng lực quản lý tổ chức con người. Nói cách khác, liên kết trong kinh doanh là quá trình làm tăng giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở cùng chia sẻ cơ hội và rủi ro giữa các bên. Ngoài ra, các doanh nghiệp có cùng hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên kết với nhau để có thể mua bán, trao đổi sản phẩm, nguyên liệu sản xuất khi thiếu.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè có thể tạo ra sức mạnh chung cho ngành chè, tạo dựng thương hiệu chè Việt Nam nói chung và thương hiệu chè cho từng doanh nghiệp nói riêng. Trên địa bàn huyện Đại từ đã có nhiều doanh nghiệp chè tạo dựng được thương hiệu như chè La Bằng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại làng chè Thái Nguyên, Công ty Cổ phần chè Quân Chu, Công ty Cổ phần chè Hà Thái. Các công ty này đều tổ chức thu gom, chế biến chè theo hình thức thu mua từ cơ sở thương lái trên địa bàn, đặt hàng theo mùa vụ.
Bảng 3.16: Các ưu tiên mà doanh nghiệp lựa chọn đối tác nông dân liên kết trên địa bàn nghiên cứu
Tiêu chí Xếp hạng ưu tiên
Chọn Hợp tác xã 1
Nông dân gắn với HTX 2
Nông dân sản xuất lâu năm có kinh nghiệm 3
Nông dân giàu,quy mô lớn 4
Nông dân cá thể 5
Nông dân nghèo, quy mô nhỏ 6
Nông dân mới SX chưa có kinh nghiệm 7
Theo kết quả điều tra, công ty có nguyện vọng liên kết với HTX, bởi lẽ HTX có bộ máy, con dấu và tư cách pháp nhân nên chịu trách nhiệm với doanh nghiệp trước hợp đồng ký kết bằng văn bản, hơn nữa số lượng, chất lượng sản phẩm luôn ổn định ngay cả khi sản phẩm chịu rủi ro bởi thời tiết, khí hậu. Đối với các hộ nông dân cá thể, nông dân nghèo, quy mô sản xuất và tiêu thụ nhỏ, mới sản xuất chưa có kinh nghiệm thì công ty khó thực hiện các hoạt động liên kết do khả năng đảm bảo về số lượng và chất lượng sản phẩm thấp. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần thực hiện các hoạt động nhằm đẩy mạnh khả năng hợp tác, hay liên kết ngang giữa các hộ sản xuất, thành lập nhiều hơn nữa các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trên địa bàn huyện Đại Từ.