5. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Kinh nghiệm liên kết và tiêu thụ chè của một số địa phương trong nước
1.2.2.1. Kinh nghiệm của huyện Tân Uyên, Lai Châu
*Thứ nhất, người trồng chè đã chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè.
Nhiều năm qua, Công ty CP trà Than Uyên và người trồng chè của huyện Tân Uyên đã chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè.
Hiện nay, bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có 143 hộ trồng chè với diện tích 160ha. 100% các hộ dân trồng chè trong bản đều tham gia ký hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi với Công ty cổ phần trà Than Uyên.
Nhờ việc không phải bỏ kinh phí đầu tư vật tư nông nghiệp và thị trường đầu ra, giá cả sản phẩm chè búp tươi ổn định, đời sống của các hộ dân trồng chè của bản ngày một khá hơn.
* Thứ hai, hộ dân trồng chè đều tham gia ký hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi với doanh nghiệp chế biến.
Với 5ha chè của gia đình, sau khi được ký hợp đồng bán chè cho Công ty cổ phần trà Than Uyên, hàng năm, gia đình ông Hoàng Văn Phúc ở bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên bán cho công ty trên 80 tấn chè búp tươi, sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập gần 300 triệu đồng.
Ngoài 432ha chè nguyên liệu hiện có, Công ty cổ phần trà Than Uyên đã tổ chức ký kết hợp đồng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho 498 hộ gia đình trồng chè trên địa bàn huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu với tổng diện tích 331ha chè.
Ngược lại, sự ký kết hợp đồng với các hộ dân trồng chè cũng đã giúp Công ty cổ phần trà Than Uyên có sản phẩm chè búp tươi đầu vào chất lượng, ổn định, qua đó giúp công ty mở rộng sản xuất, nâng cao doanh thu và đảm bảo cung ứng các đơn hàng với đối tác.
Với việc thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, trong những năm qua, cây chè đã giúp nhiều hộ nông dân ở Tân Uyên, tỉnh Lai Châu thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Sự liên kết cũng đã góp phần mở rộng diện tích vùng chè và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu. [26]
1.2.2.2. Kinh nghiệm của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
* Thứ nhất, để tăng cường tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, huyện có chủ trương chuyển đổi hình thức sản xuất và tiêu thụ từ các hộ đơn lẻ sang hình thức HTX nhằm gia tăng số lượng, quy mô sản lượng và chất lượng sản phẩm chè
Hiện, trên địa bàn huyện Bắc Quang có trên 5,8 nghìn ha chè. Trong đó, diện tích thu hoạch đạt gần 5,3 nghìn ha, cho sản lượng chè búp tươi trên 26 nghìn tấn/năm. Đồng thời, tại địa phương đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung với tổng diện tích 4.077,1 ha, cho sản lượng chiếm 76% tổng sản lượng chè toàn huyện. Không những vậy, nhiều năm qua, việc triển khai sản xuất 679,7 ha chè theo quy trình VietGAP trên địa bàn huyện đã chứng minh giá trị KT-XH thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Bởi quy trình này giúp người trồng chè nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, không chỉ hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi. Và giá thành sản phẩm chè búp tươi VietGAP luôn cao hơn so với chè búp tươi sản xuất truyền thống từ 2 đến 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã đầu tư vốn để đổi mới thiết bị, dây chuyền chế biến hiện đại với công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, điển hình như: Công ty TNHH Trà Hoàng Long hay Công ty Cổ phần Chè Hùng An với công suất chế biến lên đến 100 tấn và 150 tấn chè búp tươi/ngày,...
Tiếp nối kết quả trên, hiện nay, huyện Bắc Quang tiếp tục triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt cho 1.131,6 ha chè cho thu hoạch sản phẩm. Đến hết năm 2017, nâng tổng diện tích chè VietGAP toàn huyện đạt trên 34%
diện tích chè cho thu hoạch kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu này, cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang phối hợp cùng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) hoàn thành việc khoanh vùng, rà soát địa điểm, quy mô diện tích thực hiện tại 11 xã, thị trấn tập trung nhiều diện tích chè của huyện như, xã: Hùng An, Việt Hồng, Vĩnh Hảo, thị trấn Vĩnh Tuy,... Đồng thời, xây dựng hệ thống biển báo, xử lý chất thải, hệ thống giao thông nội vùng, hỗ trợ sản xuất (giống, vật tư phân bón, kinh phí xây bể chứa bao bì thuốc BVTV) cho hộ dân và cơ sở tham gia sản xuất chè theo quy trình VietGAP.
* Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ, tăng cường kết nối, thu hút doanh nghiệp, cơ sở đầu mối tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Song song với mục tiêu trên, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, hướng dẫn nhân dân thực hiện phân vùng nguyên liệu chè; giao vùng nguyên liệu cho các đơn vị chế biến quản lý, chủ động đầu tư sản xuất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu chè. Theo đó, 77 cơ sở chế biến/10 xã, thị trấn đã thực hiện phân vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích 2.855 ha/3.636 hộ tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp như Công ty: TNHH Trà Hoàng Long, Cổ phần Chè Hùng An, Nhà máy chè Hùng Thắng được phân vùng nguyên liệu từ 50 đến 250 ha chè. Việc làm này sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu ổn định sản xuất khi các nhà máy, cơ sở chế biến đảm bảo nguyên liệu hoạt động. Và thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã khẳng định vai trò “đầu kéo” để cùng nông dân sản xuất chè bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
* Thứ ba, đối với các xã đã hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã đầu tư vốn để đổi mới thiết bị, dây chuyền chế biến hiện đại với công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Gắn liền với hoạt động trên, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đặc biệt coi trọng việc thực hiện công tác chuyển đổi từ sản xuất hộ đơn lẻ, quảng canh sang liên kết, hình thành các cơ sở tổ hợp tác, HTX sản xuất chè an toàn theo hình thức tập trung, khép kín (từ tổ chức, chỉ đạo sản xuất đến khâu dịch vụ đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) gắn với từng vùng sản xuất chè theo quy trình VietGAP; nhằm tổ chức lại sản xuất, tăng cường gắn kết cơ sở chế biến liên kết với vùng sản xuất chè búp tươi chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Từ đó, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chè có chất lượng và giá trị cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững. Đồng thời, nỗ lực thực hiện đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ, tăng cường kết nối, thu hút doanh nghiệp, cơ sở đầu mối tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Bằng những hoạt động thiết thực như trên, việc phân vùng nguyên liệu sẽ hướng đến nền sản xuất, chế biến, kinh doanh chè bền vững. Và sản phẩm từ chè - một trong những cây trồng chủ lực, có thế mạnh của huyện Bắc Quang sẽ từng bước khẳng định vị thế trên thị trường khi sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. [27]