Các tác nhân tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè tại huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè ở huyện đại từ tỉnh thái nguyên (Trang 68 - 71)

5. Kết cấu của luận văn

3.3.1. Các tác nhân tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè tại huyện

3.3.1.1. Hộ trồng chè

a. Nhóm hộ công nhân trồng chè

Nhóm hộ này nhận các diện tích đất do Nông trường (trước kia) và DN kinh doanh chè (hiện nay) giao khoán để trồng chè. Diện tích mỗi hộ nhận khoán không lớn, khoảng từ 0,4-1 ha chè, tùy theo từng vùng chè cụ thể của DN. Các hộ này được tổ chức thành các đội sản xuất, mỗi đội có một đội trưởng làm chức năng chỉ đạo sản xuất của các thành viên trong tổ theo ủy quyền của DN, tổ chức công tác khuyến nông cho tổ viên và thu mua chè tươi của tổ viên theo tiêu chuẩn của DN đưa ra. Ngoài việc cung ứng chè cho DN theo hợp đồng nhận khoán, các hộ cũng có thể tự sao chè để bán ra thị trường cho những tác nhân khác trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ chè búp khô. Nhóm hộ này tiêu thụ chè theo hai kênh chính là: bán chè búp tươi cho DN, bán cho cơ sở thu gom chè lá, được các hộ tự chế biến thành chè xanh.

b. Nhóm hộ nông dân trồng chè tự do

Nhóm này rất đa dạng, diện tích trồng chè của các hộ rất khác nhau, từ vài trăm m2 đến hơn 1 ha. Tùy theo từng vùng chè mà giống chè của hộ cũng khác nhau, bao gồm cả giống chè trung du cũ và các giống chè mới. Đặc trưng của hộ nông dân trồng chè xanh là họ tự trồng, tự thu hái và sao sấy thành chè xanh để bán. Phương pháp sao cổ truyền (gần đây có cải tiến bằng lò quay) chủ yếu là dùng lửa làm héo chè trực tiếp đồng thời với quá trình vò lá chè thành sản phẩm chè búp xoăn. Chè càng có độ xoăn càng quý. Mỗi hộ có kỹ thuật sao riêng để tạo chất lượng thơm ngon riêng cho thành phẩm của mình.

Chỉ có một phần nhỏ các hộ bán chè tươi, đa phần là các hộ ở gần khu vực có cơ sở thu mua chè tươi như HTX chè La Bằng hoặc các hộ thuộc các nhóm liên kết với các cơ sở chế biến chè xanh, như Công ty chè Bản Ngoại, Công ty chè Đại Hưng, Doanh nghiệp Thảo Công. Ước tính các hộ tự do chỉ bán chè tươi khoảng 4-5% tổng sản lượng chè của các hộ này; trong đó, bán cho các cơ sở thu gom chè lá khoảng 1,7- 2% và bán cho trực tiếp cho nhà máy khoảng 3%. Còn lại (93-95% sản lượng chè) được các hộ tự chế biến thành chè xanh và bán sản phẩm cho người thu gom chè khô (30-33%) và bán cho người bán buôn (60-62%). Như vậy nếu cá cơ sở muốn phát triển sản phẩm đa dạng, có chất lượng và có tính riêng biệt gặp nhiều khó khăn do thiếu vùng chè nguyên liệu.

3.3.1.2. Người thu gom

a. Nhóm hộ thu gom cho công ty: hay còn gọi là các đại lý thu gom của các công ty. Tùy theo mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm, giá và cách thức thanh toán khác nhau mà các hộ này có những cách tổ chức khác nhau trong công việc thu mua. Vốn đầu tư của nhóm hộ này khá lớn, ngoài vốn mua sắm tài sản, vốn lưu động tới vài trăm triệu đồng (300 - 500 triệu đồng/hộ) để có thể thu gom vài chục tấn, thậm chí cả trăm tấn chè mỗi tháng, nhất là vào lúc thời vụ chính. Nhìn chung, nhóm hộ thu mua chè cho DN chế biến chè đều có điều kiện kinh tế khá và đầu tư cho việc thu mua chè tương ứng với yêu cầu của các DN đặt hàng.

b. Nhóm hộ thu gom để bán buôn, bán lẻ: Các hộ thường thu gom chè khô thành phẩm từ các hộ khác trong huyện, các hộ này thường có quy mô nhỏ hơn nhóm hộ thu gom cho công ty: tài sản ít, vốn lưu động thường chỉ dưới 100 triệu đồng và các hộ càng ở gần các trung tâm càng có quy mô lớn hơn do muốn đạt về lợi thế quy mô trong thu gom và cơ hội kinh doanh.

3.3.1.3. Nhóm chế biến

a. Cơ sở chế biến: là các hộ đầu tư nhiều lò sao chè, kết hợp vừa sao chè của gia đình, vừa thu mua chè của các hộ dân xung quanh để chế biến thêm, đồng thời có thể sao chè thuê cho những hộ lân cận. Thông thường thì các cơ sở chế biến chè xanh theo hình thức này là những đại lý cung cấp chè cho các nhà máy chế biến hoặc các chủ vừa chế biến vừa bán buôn chè.

b. Công ty/doanh nghiệp chế biến: các công ty trên địa bàn huyện đều không có hợp đồng thu mua nguyên liệu với hộ sản xuất nên chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến. Các DN không chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ phải thu mua nguyên liệu từ các hộ trồng chè tự do, phương thức canh tác, thu hái và chế biến vẫn mang tính thủ công, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, chính vì thế nên sản phẩm chè của DN chế biến cũng chưa có chất lượng cao. Các nhà máy chế biến chè hầu hết chưa khai thác hết công suất - vào thời vụ sản xuất chỉ có 25% DN khai thác được hết công suất, còn lại là đa phần chỉ sản xuất ở mức từ 60-70% công suất. Sản phẩm chè của doanh nghiệp chủ yếu chế biến, đóng gói, hút chân không và đa dạng hóa sản phẩm bằng bao bì, tem mác, trọng lượng,…Nhóm này hoạt động tương đối mạnh trên địa bàn huyện, bằng cách này giá trị của sản phẩm chè sẽ được nâng cao trên thị trường hơn.

3.3.1.4. Người bán buôn

Người bán buôn chè tại huyện Đại T rất vừa dạng về cả quy mô và hình thức bán buôn - có thể là các đại lý bán sản phẩm cho các DN chế biến chè, cũng có thể là người trực tiếp mua chè của các hộ nông dân trồng chè để phân phối lại cho mạng lưới của họ tại các địa phương trong cả nước. Người bán buôn chè không có nhiều cơ hội nâng cao GTGT do chủ yếu thu mua chè đã chế biến của người dân và hưởng chênh lệch giá. Khả năng tăng GTGT cho phân khúc này chỉ xảy ra khi chè được thu gom từ xa và có thể tiết giảm được chi phí thu mua, vận chuyển,… hoặc có thể tạo ra một thương hiệu riêng dựa trên tính độc đáo của sản phẩm.

3.3.1.5. Người bán lẻ

Với đặc thù dạng chè xanh chủ yếu tiêu thụ trong nước, người bán lẻ chè xanh rất đa dạng, phong phú, từ các siêu thị lớn đến những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại các làng quê hoặc các chủ cửa hàng ăn uống, quán nước,… Một đặc điểm nữa của việc bán lẻ chè xanh là hầu hết các sản phẩm tiêu thụ trong nước không có nhãn mác, xuất xứ, thường chỉ gọi tên những vùng chè xanh nổi tiếng như La Bằng hay đơn giản là chè Thái Nguyên. Do vậy, người bán lẻ xác định giá bán cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường và tương tự như người bán buôn, do không có thêm các hoạt động chế biến, nên người bán lẻ cũng được hưởng ít GTGT từ sản phẩm mang lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè ở huyện đại từ tỉnh thái nguyên (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)