5. Kết cấu của luận văn
1.1.4. Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản
a. Mô hình liên kết Hiệp hội
Để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đồng thời phối hợp, thống nhất hành động giữa các doanh nghiệp trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối tác trong bối cảnh hội nhập và tự do hoá thương mại, các Hiệp hội ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các doanh nghiệp và làm chức năng cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp.
Hiệp hội các sản phẩm nông sản như trái cây, rau, cà phê, chè,…, giữa các Hiệp hội này xây dựng quy chế liên kết, phối hợp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất và tiêu thụ tập trung vào các lĩnh vực chính như: Xác định phương hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, phổ biến và khuyến khích các thành viên áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất; Nhận định tình hình sản xuất, giá cả thị trường, đề ra phương thức liên kết và hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tự nguyện của các thành viên; Cung
cấp thông tin về thị trường giá cả, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, VSATTP của các nước... cho các thành viên thông qua các tạp chí định kỳ, website của Hiệp hội; Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội chợ triển lãm, tham quan, khảo sát thị trường trong và ngoài nước; Bảo vệ quyền lợi hội viên; Phản ánh nguyện vọng của các thành viên đến các cơ quan Nhà nước, đề xuất với Chính phủ phương hướng phát triển, cơ chế quản lý ngành hàng, các chính sách, giải pháp nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hoá...
Để tạo điều kiện cho hoạt động của các Hiệp hội, cần có văn bản pháp quy của Nhà nước quy định cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Bộ ngành liên quan với các Hiệp hội, giữa các Hiệp hội với nhau và giữa các thành viên trong Hiệp hội. Tăng cường năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng để làm vai trò thống nhất hành động giữa các thành viên trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại...
b.Mô hình liên kết Hợp tác
Trong bối cảnh sản xuất hàng hoá phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường gay gắt, việc liên doanh, liên kết sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã nâng cao năng lực, sản xuất theo quy hoạch và có kế hoạch; tiết kiệm được mức chi phí sản xuất dẫn đến giảm giá thành sản phẩm; tạo khả năng cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất phát triển; ổn định giá cả ngay từ đầu vụ thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế chính thức...
Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản nói chung chè nói riêng, cần chú trọng đến vấn đề nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho cán bộ HTX, tổ chức liên kết tạo nên các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phù hợp với nhu cầu phát triển của từng địa bàn. Liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã để giải quyết các vấn đề: cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức các hoạt động khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, đưa giống mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ vào sản xuất; dịch vụ tín dụng nội bộ; góp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm, tạo nguồn hàng lớn cho thị trường... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng hoá và dịch vụ xuất, nhập khẩu có khả năng cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng, sức mua của khu vực nông thôn ngày càng tăng, các HTX sẽ là đầu mối quan trọng liên kết nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, tiêu thụ. Do đó, các hợp tác xã cần chủ động tiếp cận các đối tác thương mại và đầu tư theo hướng vừa liên kết, vừa cạnh tranh. Chú trọng đẩy mạnh việc liên kết không chỉ giữa các hợp tác xã với nhau mà còn giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cả về vốn, tổ chức và sản xuất, kinh doanh, thị trường; từng bước phát triển các liên hiệp hợp tác xã với quy mô và hình thức đa dạng như liên kết tổ chức sản xuất, bảo quản giống cây trồng; liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm...
c. Mô hình liên kết vệ tinh với vai trò lãnh đạo là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu
Để phát triển sản xuất nông sản hàng hoá quy mô lớn, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, định hướng thị trường, cần đẩy mạnh sản xuất - tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại hoặc đại diện hộ nông dân), trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động, tích cực triển khai ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo nên sự tin cậy giữa hai bên, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng; gắn sản xuất với bảo quản, sơ chế, chế biến hàng hoá, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dựa trên điều kiện sinh thái của từng vùng, địa phương các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất, xác định để phát triển các loại nông sản có tiềm năng, đem lại giá trị cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người sản xuất ngay từ đầu vụ với nhiều hình thức như: ứng trước vốn, vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV...), hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, sơ chế và mua lại nông sản hàng hoá; Bán vật tư nông nghiệp và mua lại sản phẩm nông sản; Trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Doanh nghiệp và nông dân cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ là con đường duy nhất để tồn tại trong nền kinh tế hội nhập, trước sự cạnh tranh hết sức gay gắt về chất lượng và giá cả của thị trường rau, quả trong khu vực và thế giới. Về phía doanh nghiệp, cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với người sản xuất như: cung ứng vật tư nông nghiệp; áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nâng cao tính chủ động để hoạt động quản lý, điều hành sản xuất có hiệu quả; có biện pháp khuyến khích người sản xuất có ý thức trách nhiệm tạo ra nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
d. Mô hình liên doanh với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài
Tiến trình hội nhập kinh tế tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam hướng mạnh ra xuất khẩu đồng thời đem lại cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Cơ chế chính sách ngày càng đổi mới theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng thêm đầu tư vào ngành nông nghiệp. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao giá trị hàng hoá, tăng cường đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng mở ra những cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Để xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, đa dạng và bền vững; áp dụng khoa học kỹ thuật làm ra các sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, cải thiện đời sống của người nông dân, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực kể cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào việc phát triển công nghệ sinh học để tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng cao; đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến để tăng giá trị nông sản hàng hoá...
Đối với ngành chè, để phát triển các loại cây trồng có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, có thể sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến chè theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Trong đó, chú trọng đầu tư vào sản xuất chè trên các vùng đất chuyên canh chưa sử dụng; sản xuất, nhân và lai tạo giống chè có hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sạch vào sản xuất; đầu tư bảo quản chè sau thu hoạch; dịch vụ kỹ thuật canh tác và bảo vệ cây trồng; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất... là các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Các mô hình sản xuất có thể với các hình thức: huy động 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Để có thể đầu tư theo hướng trên, cần phải tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển rau, hoa, quả của từng địa phương và xác định rõ mục tiêu phát triển. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp xây dựng Danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài và xây dựng phương án huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để làm cơ sở đề xuất chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài.