Nội dung phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh bình phước đến năm 2020 (Trang 26 - 28)

1.2.2.1 Phát triển về số lượng nguồn nhân lực

Sự gia tăng số lượng con người trong nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Xuất phát từ mục tiêu của doanh nghiệp, từ yêu cầu công việc, yêu câu nâng cao hiệu quả sử dụng của nguồn lực, quy trình công nghệ mà doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ cấu nguồn nhân lực cho phù hợp, thể hiện ở số lượng, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, trình độ và sự phân bố của nguồn nhân lực tại các bộ phận trong doanh nghiệp. Sự phát triển quá nhiều hay quá ít, tạo ra sự dư thừa hay thiếu hụt so với nhu cầu đều là sự phát triển bất hợp lý, gây trở ngại cho việc sử dụng nguồn nhân lực. Khi có quy mô và cơ cấu lao động phù hợp, doanh nghiệp lại vừa sử dụng có hiệu quả từng người lao động, vừa kích thích được tính tích cực lao động của người lao động.

Cơ cấu nguồn nhân lực phải thay đổi tương ứng với chiến lược, mục tiêu, điều kiện kinh doanh dựa trên các chỉ tiêu đánh giá về sự phát triển hay chuyển dịch. Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển nguồn nhân lực là số tuyệt đối (số lao động năm sau tăng so với năm trước) và số tương đối (% năm sau tăng so với năm trước). Ngoài ra, chỉ tiêu để đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu giữa lao động trực tiếp, gián tiếp, ... về số tuyệt đối và tương đối của năm sau so với năm trước.

1.2.2.2 Phát triển về chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ được đánh giá qua trình độ chuyên môn lành nghề của người lao động, mà còn bao gồm sự phát triển về thể lực và tinh thần của người lao động.

a) Phát triển trình độ chuyên môn kỹ thuật

Trình độ chuyên môn kỹ thuật là kiến thức tổng hợp, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, kiến thức đặc thù cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý, kinh doanh và các hoạt động khác. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực chỉ có được thông qua đào tạo. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, doanh nghiệp cần thực hiện các kế hoạch, chương trình đào tạo ngắn hạn

và dài hạn nhằm bồi dưỡng nâng cao và cập nhật kiến thức cho mọi đối tượng nhân viên và nhà quản trị.

b) Phát triển kỹ năng nghề nghiệp

Kỹ năng nghề nghiệp là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác, nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó. Sự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp con người nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp. Phát triển trình độ lành nghề là nội dung căn bản trong phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp, quyết định hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Bởi lẽ, cho dù đạt được một trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhưng thiếu kỹ năng và sự lành nghề cần thiết, người lao động không thể hoàn thành một cách có hiệu quả quá trình lao động sản xuất của mình trong thực tiễn.

c) Nâng cao sức khỏe cho người lao động

Người lao động cần có sức khỏe về thể lực lẫn tinh thần để có sức chịu đựng dẻo dai đáp ứng những quá trình sản xuất liên tục, kéo dài đồng thời luôn có sự tỉnh táo, sảng khoái tinh thần nhằm phát huy cao độ năng lực sáng tạo. Do vậy, để nâng cao thể lực của nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần những tiêu chuẩn về mặt thể lực phù hợp với ngành nghề hoạt động của mình. Từ đó làm cơ sở cho việc tuyển chọn lao động và chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe cho lực lượng lao động trong doanh nghiệp

d) Nâng cao động lực của người lao động

Động lực là cái có tác dụng chi phối, thúc đẩy con người suy nghĩ và hành động, đó chính là sức mạnh bên trong thúc đẩy con người hoạt động, chỉ đạo hành vi và làm gia tăng lòng quyết tâm bền bỉ giành lấy mục tiêu. Động cơ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mặt đạo đức, tác phong của người lao động, đòi hỏi doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ lao động của mình đạt được những phẩm chất tâm lý xã hội cơ bản như: có tác phong công nghiệp; có ý thức kỷ luật tự giác, hợp tác cao; có niềm say mê nghề nghiệp, chuyên môn; sáng tạo, năng động trong công việc; có khả năng thích nghi cao. Người lao động cần có động cơ làm việc tích cực, xem sự phát triển của doanh

nghiệp cũng như sự phát triển của bản thân mình, từ đó đem hết sức lực và trí tuệ ra để hoàn thành công việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh bình phước đến năm 2020 (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)