Dự báo các yếu tố môi trường vi mô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh bình phước đến năm 2020 (Trang 70 - 72)

3.1.2.1 Mức độ cạnh tranh trong tương lai

Để phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020, tỉnh Bình Phước đề nghị ngành Ngân hàng trên địa bàn xác định mục tiêu hoạt động nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn và các phương tiện thanh toán hợp lý cho nền kinh tế của tỉnh. Ngành ngân hàng ngoài việc tập trung và ưu tiên vốn tín dụng cho các ngành công nghiệp, dịch vụ được ưu tiên và là thế mạnh của tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho nông dân từng bước chuyển từ nông nghiệp manh mún, không theo kế hoạch sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là cơ hội các ngân hàng được chào đón đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tạo ra sức cạnh tranh cho AGRIBANK Bình Phước.

Thêm vào đó, nhu cầu vốn của địa phương càng lúc càng cao hơn và yêu cầu mạng lưới hoạt động của các Tổ chức tín dụng ngày càng được mở rộng đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn tạo ra áp lực chia sẻ hoặc nhường thị phần cho các đối thủ cạnh tranh.

3.1.2.2 Đối thủ cạnh tranh

Địa phương hiện tại có 15 ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó có sự góp mặt của những ngân hàng đầu ngành như NHTM Sài Gòn Thương Tín, NHTM Công Thương Việt Nam, NHTM Ngoại thương và NHTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam … và ngân hàng Chính sách xã hội. Các ngân hàng đều có nhu cầu tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Trong điều kiện địa phương còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực, AGRIBANK Bình Phước đối diện với áp lực khá lớn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự có trình độ chuyên môn và lành nghề.

3.1.2.3 Áp lực từ khách hàng

Một trong những hạn chế của địa phương là trình độ nhận thức của người dân và tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, nông nghiệp manh mún, thiếu trình độ kỹ thuật. Đối tượng khách hàng này cần nhiều sự hỗ trợ về vốn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tiên tiến. Ngoài ra, địa phương cũng mở rộng phát triển đầu tư công nghiệp nên có nhiều đối tượng khách hàng quy mô lớn, nhu cầu vốn cao và chiếm vị thế kiểm soát. Vì vậy, AGRIBANK Bình Phước có nhiều cơ hội và thách thức để phục vụ nguồn khách hàng phong phú này trong giai đoạn sắp tới.

3.1.2.4 Nguồn cung ứng nhân lực

Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế năng động nhưng đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước chưa có sự đóng góp tương xứng với tiềm năng, trí tuệ sẵn có. Theo thống kê của Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước và số liệu khảo sát ban đầu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, tính đến ngày 31/12/2014 toàn tỉnh có 24.432 người có trình độ cao đẳng trở lên, chiếm 2,6% dân số tỉnh, trong đó có 7 tiến sĩ, 372 thạc sĩ và 10.778 người có trình độ đại học (44,1% trí thức). Trí thức trẻ được đào tạo căn bản nhưng chưa có sự đột phá, thiếu năng động trong công cuộc phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt cử nhân tài chính hàng ra trường nhưng nội dung đào tạo thiếu kiến thức “nghề”, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành, nghề…Tỉnh thiếu nhiều cán bộ tầm cỡ khoa học, chuyên gia đầu ngành, chưa có giáo sư, phó giáo sư nào, tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ trong đội ngũ trí thức còn thấp. Cơ chế, chính sách đối với trí thức gần đây có nhiều chuyển biến tốt nhưng chưa thực sự kích thích, tạo động lực để thúc đẩy và phát huy tiềm năng sáng tạo của trí thức; chưa đủ sức thuyết phục, sức hút để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Phước mà trái lại tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn tiếp tục diễn ra trong khi tỉnh phải thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh lân cận.

3.1.2.5 Áp lực từ sản phẩm thay thế

Sự phát triển công nghệ kéo theo xu hướng phát triển NH số (khách hàng sử dụng các dịch vụ qua internet, mobile banking, mạng xã hội...). trong vòng 10 năm tới, phần lớn doanh thu là nhờ vào web, điện thoại di động hay ứng dụng trên máy tính bảng. Cộng thêm sự gia tăng về hạ tầng công nghệ viễn thông tại địa phương và trên cả nước, các ngân hàng đều có xu hướng sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động, phát triển mạnh các hỗ trợ dịch vụ qua internet và chăm sóc khách hàng để duy trì sự gắn bó lâu dài với khách hàng.

Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý và giám sát hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Do các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, rủi ro kinh doanh phức tạp hơn, cơ chế giám sát ngân hàng cần phải tiếp tục đổi mới và Ngân hàng Nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, lao động ngành ngân hàng sẽ có sự thay giảm bớt về số lượng nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ và thành thạo công nghệ vẫn còn cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh bình phước đến năm 2020 (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)