Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 37 - 39)

5. Bố cục của luận văn

1.2.3. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, hệ thống các phương tiện tham gia giao thông ở Đà Nẵng tăng trưởng nhanh chóng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ngày càng thường xuyên và kéo dài. Vì thế, UBND TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ vận tải HK bằng xe buýt, áp dụng một số biện pháp thí điểm cải thiện tính lưu động trong giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng.

Góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, từ tháng 6 năm 2015, Quỹ Toyota Mobility đã tài trợ cho Đà Nẵng 2,9 triệu USD triển khai dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị TP Đà Nẵng”, trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề mới nảy sinh về giao thông đô thị của Đà Nẵng. Công ty Toyota và UBND TP Đà Nẵng thực hiện phát triển dịch vụ xe buýt trong khu vực nội thành, phát triển dịch vụ xe buýt tuyến ngắn nối các khu dân cư và một số khu vực công cộng, địa điểm quan trọng của thành phố, thực hiện quản lý bãi đỗ xe trên đường và đỗ xe tập trung, xây dựng hạ tầng tuyến xe buýt áp dụng công nghệ điều hành, quản lý thông minh. Đồng thời, các tuyến xe buýt hiện nay đang khai thác ở thành phố đã được sắp xếp lại luồng tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng thói quen sử dụng xe buýt của người dân.

Để xây dựng thói quen sử dụng xe buýt của người dân, năm 2012, Công ty CP Phát triển đô thị bền vững (SUD) thực hiện “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng Đà Nẵng” với mục tiêu của dự án là bảo đảm trật tự an toàn, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường đô thị. Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân và hạ tầng giao thông, SUD đã xác lập

một thị trường cho phương tiện xe buýt với khả năng đạt tới 1,15 triệu lượt đi mỗi ngày với khoảng cách di chuyển trên 2km và 610.000 lượt đi mỗi ngày với cự ly trên 4km. Mức chi trung bình của người dân thành phố để sử dụng xe buýt thường xuyên là 140.000 đồng/tháng.

Kết quả đến năm 2017, thành phố Đà Nẵng có 11 tuyến xe buýt, trong đó có 6 tuyến buýt không trợ giá và 5 tuyến buýt trợ giá. Các tuyến xe buýt không trợ giá gồm: Tuyến 01: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Bến xe Hội An; Tuyến 02: Kim Liên - Chợ Hàn; Tuyến 03: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Bến xe Ái Nghĩa; Tuyến 04: Đà Nẵng - Tam Kỳ; Tuyến 06: Đà Nẵng - Phú Đa; Tuyến 09: Thọ Quang - Quế Sơn. Các tuyến xe buýt trợ giá hoạt động gồm: Tuyến 05: Nguyễn Tất Thành - Xuân Diệu; Tuyến 07: Xuân Diệu - Metro - Phạm Hùng; Tuyến 08: Thọ Quang - Phạm Hùng; Tuyến 11: Xuân Diệu - Siêu thị Lotte ; Tuyến 12: Thọ Quang - Trường Sa với giá vé chỉ 5.000 đồng/lượt.

Ban lãnh đạo thành phố cũng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển VTHK bằng xe buýt, trong đó có việc tuyên truyền khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ xe buýt diễn ra trên các phương tiện truyền thông với tần suất liên tục hàng ngày vào giờ cao điểm đồng thời cải thiện không gian cho người đi bộ, xe đạp, cải thiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho xe buýt vận hành. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng giải pháp quản lý và hạn chế phương tiện cơ giới ra vào khu vực trung tâm đô thị, thực hiện phương án thu phí lưu thông phương tiện, phí đậu đỗ xe, phí xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông để hình thành nguồn trợ giá cho hoạt động xe buýt. VTKHCC bằng xe buýt cần có sự trợ giá, trợ cước để thu hút người sử dụng và tạo dựng dần thói quen sử dụng xe buýt thường, tạo nền tảng cho việc sử dụng xe buýt nhanh BRT và các loại VTHKCC khác.

Từ ngày 27-4-2017, Sở GTVT Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng phần mềm Danabus. Đây là phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, có thể cài đặt trên hệ điện hành Android hoặc iOS giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin về lộ trình tuyến, hướng dẫn sử dụng xe buýt…

Ngày 03/02/2018, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định phê duyệt đầu tư sáu tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố bao gồm: Cảng sông Hàn - Hòa Tiến (số hiệu R4A, chiều dài 17,3 km); Bến xe Trung tâm TP - Khu du lịch Non Nước (số hiệu R6A - 21,6 km); Trung tâm TP (Công viên 29-3) - Khu công nghệ cao (số hiệu R14 - 24,18 km); Bến xe Trung tâm TP - Thọ Quang (số hiệu R15 - 16,16 km); Kim Liên - Cao đẳng Việt Hàn (số hiệu R16 - 31,58 km); Cảng sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang (R17A - 19,2 km). Các xe buýt đều được đầu tư mới 100% với sức chứa 40 chỗ ngồi, tiêu chuẩn khí thải phù hợp quy định hiện hành; Theo kế hoạch đã phê duyệt, năm 2018 thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng năm điểm đầu cuối và điểm trung chuyển; cải tạo ba vị trí để làm điểm đầu cuối kỹ thuật phục vụ hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt.

Với sự đầu tư cả về hành lang pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện này đã bổ sung và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị trong thành phố ngày càng phát triển. Theo thống kê cuối năm 2017, mỗi tuyến buýt đã thu hút 2.000 lượt hành khách/ngày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)