Đặc điểm về kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 49 - 52)

Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Tổng quan về tỉnh Bắc Kạn

3.1.2. Đặc điểm về kinh tế xã hội

3.1.2.1. Tình hình dân số và lao động

Bắc Kạn là tỉnh có dân số ít nhất cả nước, khoảng trên 314.254 người, gồm 7 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay) sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% với xuất phát điểm kinh tế thấp nên dù có tiềm năng và nhiều điều kiện về tài nguyên đất, khoáng sản và tiền năng về phát triển công nghiệp và du lịch nhưng Bắc Kạn vẫn là một tỉnh nghèo, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp so với cả nước.

Theo kết quả điều tra thống kê năm 2016, tỉnh Bắc Kạn có dân số 314.254 người, trong đó số từ 15 tuổi trở lên là 251.063 người và hiện có 193.254 đang tham gia hoạt động kinh tế (61,49%). Về cơ cấu lao động, lĩnh vực nông - lâm nghiệp vẫn có số lượng lớn với 142.320 người, chiếm 73,64%; các lĩnh vực khác chiếm thiểu số: công nghiệp xây dựng có 16.200 người (8,38%) và dịch vụ 34.734 người (17,97%).

Cũng theo kết quả khảo sát, trong số 193.254 đang tham gia hoạt động kinh tế có 37.154 người (chiếm 19,2%) đã qua đào tạo với các bậc, hệ đào tạo khác nhau (không kể tập huấn ngắn hạn). Đây là tỷ lệ tương đối khiêm tốn so với bình quân cả nước, trong đó chia theo các lĩnh vực đào tạo: Kinh tế - xã hội có 12.665 người; khoa học tự nhiên 1.606 người; kỹ thuật và công nghệ 1.965 người; nông lâm thủy sản thú y 4.091 người; y tế môi trường và dịch vụ khác 16.827 người.

Thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020” đến nay, hệ thống trường, trung tâm, cơ sở đào tạo nghề có bước phát triển đáng kể với 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 02 trường cao đẳng; 01 trường trung cấp; 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 09 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng tốt việc mở rộng hình thức đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án về đào tạo nghề của Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước, nhiều hình thức đào tạo được tổ chức phù hợp với điều kiện của người lao động tại các địa phương, người dân được tham gia đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh và trong lãnh thổ Việt Nam.

Theo thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội Bắc Kạn, năm 2017 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 4.844/5.000 người, đạt 96,88 % so chỉ tiêu giao. Trong đó, số việc làm qua phát triển kinh tế xã hội: 3.162 người; vay vốn giải quyết việc làm: 312 người; xuất khẩu lao động: 320 người/200 (đạt 150% so với chỉ tiêu giao; làm việc tại các khu công nghiệp khu chế xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh: 1.050 người. Tư vấn giới thiệu việc làm cho: 4.053 người/3.500 người đạt 115,8% kế hoạch; Giới thiệu việc làm cho 630 người/1.000 người đạt 63 % kế hoạch.

Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn cùng với sự quan tâm đầu tư cho hoạt động giáo dục, đào tạo nghề sẽ là nền tảng, cơ sở để Bắc Kạn phát triển những tiềm năng kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 47,5%, giữ ổn định tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 5%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 85%, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho bình quân 5.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

3.1.2.2. Tình hình cơ sở vật chất- kỹ thuật

Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong những năm qua đã được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo thực hiện, tiến độ các dự án, công trình đầu tư thực

hiện đúng kê hoạch, tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Để phát triển sản xuất và chuyển dịch kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư và phát triển cơ sở vật chất hạ tầng nói chung, thương mại nói riêng. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại. Khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng khá và ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng trưởng nhanh, bình quân tăng 23%/năm. Mạng lưới chợ nông thôn có bước phát triển mới. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 66 chợ.

Công tác thông tin - truyền thông cũng được các cấp chính quyền, các ngành quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 121 xã/122 xã có điểm bưu điện văn hoá xã; 95 trạm phát lại truyền hình, đưa tỷ lệ số hộ xem được truyền hình Việt Nam là 90%; 122 xã đã được đầu tư lắp đặt trạm truyền thanh, tỷ lệ số hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam nâng từ 80% năm 2006 lên 100% năm 2010.

Bắc Kạn đã xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 8/8 bệnh viện cấp huyện; hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe. 85% trạm y tế xã, phường thị trấn đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn với quy mô 500 giường đã đưa vào khai thác. Đây là công trình mang ý nghĩa xã hội lớn lao góp phần hoàn thiện mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và các tỉnh vùng lân cận…

Bắc Kạn cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển, hoàn thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn. Với đặc thù của tỉnh miền núi bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu thì việc chọn giải pháp bê tông hoá đường giao thông nông thôn là hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư nâng cấp trên 500km đường tỉnh, đường huyện, trên 500km đường giao thông nông thôn, duy tu bảo dưỡng trên 500km đường tỉnh, huyện; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 85 xã/122xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Hạ tầng giao thông nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện đi lại cho người dân, thúc đẩy các hoạt động

sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hoá, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng, miền.

Để phục vụ phát triển sản xuất và nhu cầu tiêu dùng điện của các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân, hạ tầng hệ thống điện lưới nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư. Hiện tại, Bắc Kạn đã xây dựng, mở rộng và nâng công suất trạm 110KV thành phố Bắc Kạn thêm một máy 25.000KVA, xây dựng xong trạm 110KV công suất 16.000KVA tại huyện Chợ Đồn, Dự án thuỷ điện Tà Làng công suất 4,5MW đã hoà lưới điện quốc gia, Dự án thuỷ điện Thượng Ân công suất 2,4MW đã thực hiện trên 40% khối lượng công việc. Đến nay, đã có 100% xã có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ số hộ được sử dụng điện từ 79,5% năm 2005 lên 85% năm 2010, 100% năm 2017.

Hạ tầng tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cũng được chú trọng đầu tư, thu hút các dự án đầu tư lớn vào địa bàn tỉnh, đặc biệt ở Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới: Nhà máy sản xuất cơ khí - bê tông Anh Đức; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi thuê 25 ha đầu tư xây dựng nhà máy luyện thép công suất 250.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng; Công ty cổ phần vật tư và Thiết bị Toàn Bộ Matexim thuê 5 ha đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sắt xốp công suất 100.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng; Liên doanh Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn xây dựng nhà máy sản xuất gỗ ván ép, diện tích đất thuê 7 ha; Công ty cổ phần cấp nước Thanh Bình xây dựng nhà máy cấp nước Khu công nghiệp, với công suất 15.000m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư là 46 tỷ đồng. Tất cả các dự án đầu tư này đã đi vào hoạt động có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)