Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với vấn đề công bằng xã hội tại tỉnh thái nguyên (Trang 27 - 30)

6. Kết cấu của luận văn

1.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế chịu tác động của nhiều nhân tố, bao gồm nhân tố kinh tế và nhân tố phi kinh tế.

1.1.3.1. Các nhân tố kinh tế

Các nhân tố kinh tế tác động tăng trưởng kinh tế là những nhân tố có tác động trực tiếp đến các yếu tố đầu vào và đầu ra của nền kinh tế, bao gồm vốn, lao động, tiến bộ công nghệ và tài nguyên.

- Vốn là yếu tố vật chất đầu vào quan trọng, có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Vốn sản xuất có liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế được hiểu vốn vật chất chứ không phải dưới dạng tiền (giá trị). Nó là toàn bộ tư liệu vật chất được tích lũy lại của nền kinh tế, bao gồm: nhà máy, thiết bị, máy móc, nhà xưởng và các trang thiết bị được sử dụng như những yếu tố đầu vào trong sản xuất. Vai trò của vốn đối với tăng trưởng kinh tế được các nhà kinh tế trường phái Keynes đánh giá rất cao. Cụ thể, nó được lượng hóa thông qua mô hình Harrod-Domar.

- Lao động là yếu tố đầu vào không thể thiếu của sản xuất. Trước đây, người ta chỉ quan niệm lao động là yếu tố vật chất giống như vốn và được xác định bằng số lượng lao động của mỗi quốc gia (có thể tính bằng đầu người hay thời gian lao động). Những mô hình tăng trưởng kinh tế hiện đại gần đây đã nhấn mạnh đến khía cạnh phi vật chất của lao động là vốn nhân lực, đó là lao động có kỹ năng sản xuất, lao động có thể vận hành máy móc thiết bị phức tạp, lao động có sáng kiến và phương pháp mới trong hoạt động kinh tế… Hiện nay tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển được đóng góp bởi quy mô (số lượng) lao động, còn vốn nhân lực có vị trí chưa cao do trình độ và chất lượng nguồn nhân lực của các nước này còn thấp.

- Tiến bộ công nghệ là nhân tố tác động ngày càng mạnh đến tăng trưởng ở các nền kinh tế ngày nay. Yếu tố công nghệ cần được hiểu đầy đủ theo hai dạng:

Thứ nhất, đó là những thành tựu kiến thức, tức là nắm bắt kiến thức khoa học, nghiên cứu đưa ra những nguyên lý, thử nghiệm và cải tiến sản phẩm, quy

trình công nghệ hay thiết bị kỹ thuật; Thứ hai, là sự áp dụng phổ biến các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào thực tế nhằm nâng cao trình độ phát triển chung của sản xuất. Vai trò của công nghệ đã được nhiều nhà kinh tế nổi tiếng đánh giá cao đối với tăng trưởng như Solow (1956). Solow (1956) cho rằng “toàn bộ tăng trưởng bình quân đầu người trong dài hạn đều thu được nhờ tiến bộ kỹ thuật” [49].

- Tài nguyên bao gồm đất đai và các nguồn lực sẵn có trong tự nhiên. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú được khai thác tạo điều kiện tăng sản lượng đầu ra một cách nhanh chóng, nhất là đối với các nước đang phát triển. Song, nguồn tài nguyên thì có hạn, không thể tái tạo được, hoặc nếu tái tạo được phải mất nhiều thời gian, sức lực và chi phí. Do đó, tài nguyên được đưa vào sử dụng để tạo ra sản phẩm cho xã hội càng nhiều càng tốt nhưng phải đảm bảo chúng được sử dụng có hiệu quả, không lãng phí. Việc sử dụng tài nguyên là vấn đề có tính chiến lược, lựa chọn công nghệ để có thể sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên của quốc gia là vấn đề sống còn của phát triển. Sử dụng lãng phí tài nguyên có thể được xem như sự hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên. Hiện nay, các mô hình tăng trưởng hiện đại thường không nói đến nhân tố tài nguyên với tư cách là biến số của hàm tăng trưởng kinh tế. Họ cho rằng tài nguyên là yếu tố cố định, vai trò của chúng có xu hướng giảm dần, hoặc tài nguyên có thể được quy về vốn sản xuất.

Như vậy, có thể thấy nguồn gốc của tăng trưởng do nhiều yếu tố hợp thành, vai trò tương đối của chúng phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời kỳ phát triển của mỗi quốc gia. Đối với các nước nghèo, vốn vật chất, lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng. Ngược lại đối với các nước công nghiệp thì vai trò của vốn nhân lực và tiến bộ công nghệ quan trọng hơn. Các công trình nghiên cứu về nguồn gốc tăng trưởng của Romer (1986) [45] cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế từ hậu công nghiệp sang kinh tế tri thức, thì vốn nhân lực và khoa học công nghệ có vai trò vượt trội hơn các yếu tố truyền thống khác đối với tăng trưởng kinh tế.

1.1.3.2. Các nhân tố phi kinh tế

Khác với các nhân tố kinh tế, các nhân tố phi kinh tế, có tác động gián tiếp và rất khó lượng hóa cụ thể mức độ tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế.

Một số nhân tố phi kinh tế tác động đến tăng trưởng như: vai trò của nhà nước, yếu tố văn hóa - xã hội, thể chế, cơ cấu dân tộc tôn giáo và sự tham gia của cộng đồng.

Ngày nay nhà nước là yếu tố vật chất thực sự cho quá trình tăng trưởng, và mọi quốc gia không thể coi nhẹ vấn đề này. Nhà nước và khuôn khổ pháp lý không chỉ là yếu tố đầu vào mà còn là yếu tố của cả đầu ra trong quá trình sản xuất. Rõ ràng cơ chế chính sách có thể có sức mạnh kinh tế thực sự, bởi chính sách đúng có thể sinh ra vốn, tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng. Ngược lại, nhà nước đưa ra các quyết sách sai, điều hành kém, cơ chế chính sách không hợp lý sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng cả về mặt số lượng và chất lượng. Stiglitz (2008) [31] cho rằng thị trường hiệu quả chỉ có được dưới các điều kiện nhất định. Do đó trong nhiều trường hợp, một sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực và kết quả đầu ra sẽ khó đạt được nếu không có sự can thiệp của chính phủ.

Văn hóa - xã hội là nhân tố quan trọng, tác động nhiều tới quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Nhân tố văn hóa - xã hội bao trùm nhiều mặt, từ tri thức phổ thông đến những tích lũy tinh hoa của văn minh nhân loại về khoa học, công nghệ, văn học, lối sống, phong tục tập quán… Trình độ văn hóa cao đồng nghĩa với trình độ văn minh cao và sự phát triển cao của mỗi quốc gia. Nhìn chung trình độ văn hóa của mỗi dân tộc là nhân tố cơ bản để tạo ra các yếu tố về chất lượng lao động, kỹ thuật, trình độ quản lý. Xét trên khía cạnh kinh tế hiện đại thì nó là nhân tố cơ bản của mọi nhân tố dẫn đến quá trình phát triển.

Thể chế được hiểu là các ràng buộc do con người tạo ra nhằm quy định cấu trúc tương tác giữa người với người. Các thể chế chính trị - xã hội được thừa nhận có tác động đến quá trình phát triển đất nước, đặc biệt thông qua việc tạo dựng hành lang pháp lý và môi trường đầu tư.

Vì nền tảng của kinh tế thị trường là dựa trên trao đổi giữa các cá nhân và các nhóm người với nhau, bởi vậy nếu không có thể chế thì các hoạt động này không thể diễn ra bởi vì người này không thể tương tác với người kia mà không có chế tài nào đó ngăn cản người kia hành động Tùy tiện và ngược lại với thoả thuận.

Theo các tác giả Knack và Keefer (1995), để đánh giá chất lượng của thể chế có thể sử dụng bốn tiêu chí để đo lường: (1) Tham nhũng, (2) Chất lượng bộ máy hành chính, (3) Tuân thủ pháp luật, và (4) Bảo vệ quyền tài sản [43].

Về nhân tố dân tộc và tôn giáo: Nhìn chung một nước càng đa dạng về các thành phần tôn giáo và sắc tộc thì đất nước đó càng tiềm ẩn bất ổn về chính trị và xung đột trong nước. Những xung đột và bất ổn chính trị trong nước này có thể dẫn đến các xung đột bạo lực và thậm chí là các cuộc nội chiến, dẫn tới tình trạng lãng phí các nguồn lực quý giá đáng ra phải sử dụng để thúc đẩy các mục tiêu phát triển khác. Chẳng hạn như cuộc chiến ở Afganistan, Sri Lanca, các xung đột ở Indonesia, Thái Lan… Ngược lại, một đất nước càng đồng nhất thì càng có điều kiện đạt được các mục tiêu phát triển của mình, chẳng hạn như Hàn Quốc, Hồng Kông hay Đài Loan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với vấn đề công bằng xã hội tại tỉnh thái nguyên (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)